5. Kết cấu của luận văn
1.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp
1.1.4.1. Các nhân tố chủ quan
a. Nhận thức của các chủ thể về quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp
Trong quản lý, phát triển nông nghiệp, yếu tố nhận thức và hành động của các chủ thể có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh nông sản. Nếu có nhận thức đúng đắn, sâu sắc và thống nhất về các nội dung của quản lý, phát triển nông nghiệp, các nhà lãnh đạo, quản lý sẽ đưa ra các chủ trương, chính sách phù hợp với thực tế, đáp ứng các yêu cầu khách quan giữa hai yếu tố ổn định và phát triển. Ngược lại, nếu có những chính sách không phù hợp sẽ làm kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp. Trong phát triển nông nghiệp, khoa học và công nghệ có vai trò quan trọng nhất để gia tăng giá trị hàng hóa nông sản, đem lại hiệu quả tối đa cho sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc đầu tư và ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp ngày càng trở nên cấp thiết. Bởi, với những tìm tòi khoa học trong lai tạo cây, con giống cho năng suất, chất lượng tốt, giá thành cao, chống chịu được sâu bệnh và điều kiện thời tiết khắc nghiệt; nghiên cứu chế tạo các loại máy móc làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất… sẽ làm tăng thu nhập cho người nông dân, đồng thời, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại. Để xây dựng được nền nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, hiện đại và có khả năng cạnh tranh cao, yếu tố doanh nghiệp cũng hết sức quan trọng trong vai trò gắn kết sản xuất với chế biến - thị trường và tạo sự gắn kết một cách đồng bộ, thống nhất giữa các yếu tố đầu vào của sản xuất (vốn, giống, vật tư, đất đai, lao động) và đầu ra của sản phẩm (mua bán nguyên liệu, dự trữ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sau chế biến).
Người nông dân là chủ thể không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, bởi nông dân là một yếu tố cơ bản cấu thành lực lượng sản xuất trong nông nghiệp. Người
nông dân Việt Nam không chỉ có số lượng đông đảo và những đức tính tốt trong lao động sản xuất, mà còn là một giai cấp quan trọng trong quá trình tiến hành cách mạng dân chủ nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay. Hệ thống chính trị cần có những tác động để phát huy sức mạnh, cũng như giúp người nông dân hạn chế được một số nhược điểm để có thể làm tròn nhiệm vụ, vai trò của mình. Chúng ta cần làm tốt công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức cho người nông dân, giúp họ vượt qua những tác phong tiểu nông và tập quán cũ lên vị trí của người làm chủ khoa học, kỹ thuật, cũng như làm chủ các nguồn lực mà xã hội dành cho họ.
b. Kết cấu hạ tầng nông thôn
Về cơ bản, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đó cũng là yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh và bền vững. Xuất phát từ thực tiễn tiến hành công nghiệp hoá trước đây và căn cứ vào thực trạng kinh tế của nước ta cũng như yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời kỳ mới, đòi hỏi phải không ngừng phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Kết cấu hạ tầng nông thôn có tác động đến phát triển sản xuất nông nghiệp, hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, hệ thống điện, chợ, các trung tâm giao dịch và hệ thống thông tin đóng một vai trò quan trọng góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và phát triển sản xuất hàng hóa. Sự yếu kém của kết cấu hạ tầng nông thôn sẽ cản trở đến phát triển sản xuất nông nghiệp, như việc cung ứng các yếu tố đầu vào bị hạn chế và tiêu thụ sản phẩm trở nên khó khăn hơn.
1.1.4.2. Các nhân tố khách quan
a. Tác động của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
Xu hướng toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế đã tạo ra một sân chơi lớn với nhiều cơ hội, thuận lợi, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng có không ít thách thức, tác động xấu. Khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài việc mở rộng thị trường, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp cũng được bổ sung nhiều vốn đầu tư và máy móc sản xuất nông nghiệp hiện đại. Việc tham gia vào thị
trường thế giới đòi hỏi cơ cấu kinh tế nông nghiệp phải chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, trình độ kinh doanh của các đơn vị sản xuất nông nghiệp cũng phải được nâng lên, hệ thống luật pháp, chính sách cũng phải phù hợp với sân chơi quốc tế. Tuy nhiên, khi tham gia vào quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, nông nghiệp cũng gặp không ít khó khăn, bởi sự cạnh tranh về giá cả cùng những biến động của thị trường… Như vậy, tham gia vào quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế là một tất yếu khách quan, đem lại cả những thời cơ, thuận lợi và cả những thách thức, khó khăn. Mặc dầu vậy, những khó khăn, thách thức mà toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế đem lại cho sự phát triển nông nghiệp hoàn toàn có thể khắc phục bằng những cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển và thực hiện những mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội đã đề ra.
b. Tác động của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
Điều kiện tự nhiên là nhân tố tác động mạnh mẽ đối với tất cả các hoạt động của sản xuất nông nghiệp. Môi trường tự nhiên với các nguồn tài nguyên vô cùng phong phú, như đất, nước, khí hậu, thời tiết, ánh sáng... cung cấp những tư liệu sản xuất cơ bản để con người tiến hành sản xuất nông nghiệp, tạo ra lương thực, thực phẩm. Điều kiện tự nhiên ở mỗi vùng, mỗi quốc gia có những sự khác biệt, có nơi khó khăn và có nơi thuận lợi song nếu chúng ta biết khai thác hợp lý vẫn có thể khai thác từ tự nhiên để tạo ra những nông phẩm có giá trị kinh tế. Do vậy, để có được một nền nông nghiệp phát triển, con người phải biết dựa vào điều kiện tự nhiên, dựa vào lợi thế của từng vùng, miền để xây dựng những chiến lược phát triển nông nghiệp cho phù hợp.
Tuy nhiên, tự nhiên cũng là một trong những tác nhân đe doạ lớn cho phát triển nông nghiệp như những thiên tai: động đất, sóng thần, lũ lụt, hạn hán, mưa đá, sương muối... Những đe dọa thiên tai đang gây ra cho nông nghiệp, có một phần nguyên nhân do chính những hoạt động của con người gây ra, như: phá rừng, làm thủy điện, phát thải công nghiệp, khai thác tài nguyên đất không khoa học... Do vậy, con người phải tính toán và cân đối trong sự lựa chọn của mình để đem lại hiệu quả về lâu dài cho nông nghiệp phát triển, cũng chính là bảo vệ lợi ích lâu dài của mình.
Bên cạnh điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội cũng có tác động rất lớn tới một nền nông nghiệp nhất định. Đối với các quốc gia có nền kinh tế phát triển, các điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại sẽ dễ dàng hơn. Còn đối với các nước đang phát triển, việc hình thành một nền nông nghiệp phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại do yếu kém về khoa học, công nghệ, thiếu vốn, thiếu những người nông dân có trình độ và sự hậu thuẫn của Nhà nước để hỗ trợ cho nông dân trước những rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ nông phẩm.
Bên cạnh đó, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng có những tác động tiêu cực tới nền nông nghiệp. Sự phát triển của công nghiệp thiếu cẩn trọng đang huỷ hoại môi trường nặng nề, gây thiệt hại rất lớn cho nông nghiệp. Việc chạy theo lợi nhuận trong nền kinh tế thị trường khiến cho người nông dân dùng đủ mọi biện pháp để tăng sản lượng nhanh chóng, làm cho tài nguyên bị khai thác kiệt quệ, lãng phí, chất lượng sản phẩm không được đảm bảo, dư lượng chất hoá học trong nông sản cao. Sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ và đô thị hóa nhanh chóng làm quỹ đất nông nghiệp dần thu hẹp… Nhận thức được những tác động của các nhân tố kinh tế - xã hội đối với phát triển nông nghiệp, chúng ta phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp, có sự cân đối giữa công nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ và phát huy thế mạnh của từng vùng. Thuận lợi hay khó khăn của điều kiện kinh tế - xã hội đối với phát triển nông nghiệp là những nhân tố có thể thay đổi và điều này phụ thuộc rất lớn vào hành động của chúng ta.