5. Kết cấu của luận văn
3.4.1. Kết quả đạt được
Vượt qua những khó khăn, thách thức của một huyện nghèo 30a, trong những năm qua, huyện Mường Ảng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp. Đến nay, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của các xã có nhiều đổi thay, đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào không ngừng được nâng lên. Khi mới chia tách, thành lập, Mường Ảng là một trong những huyện nghèo, khó khăn nhất của tỉnh. Cơ sở hạ tầng thiết yếu từ giao thông, thủy lợi đến y tế, giáo dục hầu như chưa được đầu tư; Theo chuẩn nghèo cũ, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới gần 70%; Công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của huyện gặp nhiều trở lực lớn. Vượt qua những khó khăn, thách thức đó, huyện một mặt tranh thủ tối đa các nguồn lực đầu tư của Chính phủ, huy động lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp. Mặt khác, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phát triển nông nghiệp bằng những việc làm cụ thể thiết thực. Với sự nỗ lực đó lĩnh vực nông nghiệp của huyện nói chung và công tác quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp nói riêng của huyện đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ.
- Triển khai các chính sách hỗ trợ nông nghiệp
Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện cùng sự nỗ lực của bà con nông dân trong huyện, nông nghiệp huyện Mường Ảng đã chủ động bám sát kế hoạch, chương trình hành động, kịp thời tham mưu đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng đều có sự tăng lên.
Huyện đã thực hiện việc quy hoạch và mở rộng quy mô một số loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương. Khi mới thành lập, huyện Mường Ảng có diện tích canh tác cây lương thực khá khiêm tốn. Năng suất và sản lượng cũng thấp hơn so với mặt bằng chung của tỉnh và một số huyện, thị khác. Tuy nhiên, tính đến năm 2019 diện tích gieo trồng lúa đạt 3.261 ha với sản lượng thu hoạch đạt 15.110 tấn. Diện tích gieo trồng ngô đạt 1.014 ha, sản lượng thu hoạch đạt 3.413 tấn.
Bên cạnh đó huyện đã thực hiện việc hỗ trợ về máy móc nông nghiệp, giống vật nuôi, giống lúa, giống cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lâm nghiệp theo đúng đối tượng thụ hưởng và theo nhu cầu hỗ trợ của người dân. Những hỗ trợ này đã giúp người dân trên địa bàn huyện có nhiều cơ hội hơn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.
- Về trồng trọt
Hướng dẫn, đôn đốc các huyện xây dựng quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Hướng dẫn nhân dân lựa chọn cây trồng, cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng đảm bảo hiệu quả, góp phần tăng sản lượng và thu nhập trên một đơn vị diện tích. Sản lượng cây lương thực hàng năng thường đạt và vượt kế hoạch để ra; duy trì và đảm bảo an ninh lương thực tại địa phương. Huyện đã triển khai thực hiện một số mô hình 3 giảm 3 tăng trên cây lúa (giảm lượng giống từ 5 - 20kg/ha, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 1 - 2 lần, năng suất tăng từ 15 - 18%); thực hiện 04 mô hình sản xuất nông sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đối với một số loại cây trồng ăn quả. Đối với cây cà phê, diện tích cây cà phê trên địa bàn huyện đạt 3.386 ha, sản lượng ước đạt 2.568 tấn, nhân rộng các cơ sở chế biến rang xay, chế biến chuyên sâu. Cây ăn quả, đã chăm sóc tốt 17 ha hiện có (cam, bưởi, xoài, chanh leo...); trong năm trồng mới 80 ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Thực hiện liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ một số loại sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn huyện với tổng kinh phí 3.356 triệu đồng, tổng diện tích 44,9 ha, 60 hộ tham gia. Đối với cây cao su, thực hiện chăm sóc tốt 212 ha hiện có, trong đó 72 ha đã cho sản phẩm, sản lượng mủ tươi đạt 77,5 tấn.
- Về chăn nuôi, thú y
Chăn nuôi gia súc - gia cầm: Triển khai hỗ trợ giống vật nuôi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng quy định, tổng đàn gia súc ước đạt 58.020 con, tổng đàn gia cầm đạt 215.987 con. Huyện cũng triển khai lập dự án quy hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2017 - 2020. Thực hiện Dự án xây dựng mô hình nhân giống lợn rừng lai, mô hình lợn sinh sản hướng nạc; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, đẩy mạnh công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm và phòng, chống dịch cúm gia cầm. Phối hợp với UBND huyện thường xuyên theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn; thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc và thủy sản trong vụ đông; thực hiện công tác kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật theo đúng quy định của pháp lệnh thú y. Duy trì kiểm tra thường xuyên công tác kiểm soát giết mổ trên địa bàn huyện. Khi dịch bệnh, cúm gia cầm xảy ra tại một số bản trên địa bàn tỉnh, phòng Nông nghiệp của huyện đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, ngăn chặn không để bệnh lây lan ra diện rộng. Do đó, tình hình đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn toàn huyện phát triển ổn định, không có dịch bệnh phát sinh.
- Về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
Trong những năm qua chính quyền địa phương đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên, đặc biệt huyện chỉ đạo triển khai một số tuyến đường công vụ, tuần tra để nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng khi có rủi ro xảy ra. Bên cạnh đó, công tác khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng cũng được thực hiện. Chính quyền địa phương cũng làm tốt công tác vận động người dân địa phương trồng mới rừng sản xuất nhằm vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống sói mòi đất vừa góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh nông nghiệp của người dân trong những năm tới đây.
- Về thực hiện các mô hình, dự án
Được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Mường Ảng tiếp tục thực hiện một số chương trình, dự án liên kết giữa người dân và hợp tác xã như dự án liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cà phê, liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, dự án nuôi lợn rừng lai theo hướng an toàn thực phẩm.
Những chương trình, dự án này cũng được đánh giá là sẽ đem lại hiệu quả cho người dân trong vùng. Bên cạnh đó, huyện cũng tiếp tục nghiên cứu và đề xuất triển khai một số mô hình, dự án khác trong thời gian tới để giúp người nông dân có cơ hội tham gia vào chuỗi sản xuất nông nghiệp.
- Đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn
Để đầu tư và phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện Mường Ảng đã huy động vốn từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng đầu tư phát triển, vốn hỗ trợ từ các nguồn vốn khác. Trong năm 2019 năm qua, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là trên 27,958 tỷ đồng. Phòng nông nghiệp huyện đã huy động các nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp, xây dựng một số công trình thủy lợi. Thực hiện chủ trương ưu tiên đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, đi trước một bước trong xây dựng nông thôn mới, huyện đã tập trung phát triển hệ thống giao thông, thực hiện có hiệu quả đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2017 - 2020 theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Huyện cũng tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, giới thiệu tiềm năng và thực hiện chính sách khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản nhằm hình thành các điểm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn.
- Một số kết quả khác
Thủy sản
Quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhân dân tăng diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 178 tấn, đạt 102,4% kế hoạch giao. Phối hợp các địa phương thực hiện công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản từ sông, ngòi, hồ trên địa bàn huyện. Chỉ đạo thực hiện công tác sản xuất giống thủy sản đảm bảo cung ứng cho nhu cầu của địa phương.
Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững
Chương trình MTQG về xây dựng NTM và Giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; phát triển sản xuất, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, xây dựng các mô hình điểm về hợp tác sản xuất, thay đổi thói quen sản xuất, canh tác, áp dụng tiến bộ khoa học, cây con giống có chất
lượng vào sản xuất nông nghiệp; huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 6,23% trong giai đoạn 2017-2019.
Cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp
Trong những năm qua nhiều công trình thủy lợi của huyện đã được tu sửa, nâng cấp và xây mới góp phần quan trọng vào việc cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp cho địa phương. Nhìn chung các công trình thủy lợi sau khi được đâu tư xây dựng đã phát huy tốt hiệu quả, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo ổn định về sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện. Điều này đã giúp đưa diện tích 2 lúa được tăng lên.