5. Kết cấu của đề tài
4.2.4. Tập trung thực hiện các tiêu chí có số xã đạt được còn thấp
Hiện nay còn có 3 tiêu chí khó đạt nhất là tiêu chí về thu nhập, tiêu chí về hộ nghèo và tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm. Cả 03 tiêu chí này mới chỉ có 07/22 xã đạt theo Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, huyện Bát Xát cần tập trung để thực hiện các tiêu chí có số xã đạt được còn thấp, cụ thể là:
- Đối với tiêu chí về thu nhập và tiêu chí về hộ nghèo
+ Cần xác định đẩy mạnh sản xuất là mấu chốt để người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Huyện Bát Xát cần thực hiện có hiệu quả Đề án số 01 về “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trọng tâm là đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc”. Tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia vào các dự án thành phần của Đề án số 01 như: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; sản xuất cây ăn quả ôn đới Lê VH6; sản xuất chè; sản xuất dược liệu; chăn nuôi thủy sản; phát triển lâm nghiệp.
+ Tạo điều kiện tối đa để người nghèo tiếp cận với các nguồn vốn phát triển sản xuất. Thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững hàng năm.
+ Lồng ghép nguồn vốn của nhiều chương trình khác nhau như chương trình 135, chương trình 102, chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, nguồn vốn ODA...để hỗ trợ triển khai các mô hình sản xuất cho hộ nghèo tại các xã nghèo. Thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo thông qua cung cấp các loại cây, con giống có giá trị để người dân sản xuất thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo.
+ Thực hiện tốt công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông nghiệp, nông thôn. Lao động được đào tạo có việc làm sẽ làm tăng thu nhập, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo bền vững của địa phương và vào việc đẩy nhanh hình thành các làng nghề và xây dựng nông thôn mới.
- Đối với tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm
+ Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường để người dân nông thôn tích cực hưởng ứng công tác vệ sinh môi trường, trồng và bảo vệ cây xanh, cải tạo công trình vệ sinh, thu gom và xử lý rác thải, tạo cảnh quan sạch đẹp, đảm bảo các chất thải nguy hại, chất thải y tế và chất thải rắn thông thường được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn quốc gia vệ sinh môi trường. Cần áp dụng có hiệu quả các tiêu chí này để xét các gia đình đạt gia đình văn hóa hàng năm. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng bền vững các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn. Theo đó, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn cần được chú trọng nâng cấp, sửa chữa, góp phần nâng cao tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.
+ Ban Chỉ đạo huyện cần giao nhiệm vụ cho Ủy ban MTTQ huyện và các cơ quan chức năng, các xã tập trung bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên và điều kiện thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch thực hiện. Các xã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phong trào thi đua, tổ chức phát động đăng ký, ký giao ước thi đua thực hiện phong trào thi đua “Vệ sinh môi trường nông thôn”, đồng thời phân công cán bộ phụ trách từng thôn, bản, hướng dẫn, vận động các hộ gia đình làm nhà tiêu, chuồng nuôi nhốt gia súc hợp vệ sinh. Các cơ quan, đoàn thể của huyện được phân công phụ trách tiêu chí cần chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản hướng dẫn cơ sở phối hợp tổ chức thực hiện, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: khơi thông cống rãnh, duy trì tổ thu gom rác thải; tổ chức "Ngày thứ 7 tình nguyện", “Ngày chủ nhật xanh”, làm mới nhà vệ sinh, chuồng nuôi nhốt gia súc, đào hố chứa rác...