5. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được thì chất lượng công tác quản lý chi thường xuyên NS huyện còn tồn tại một số hạn chế nhất định xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Thứ nhất, về chất lượng công tác lập dự toán chi thường xuyên
Quy trình lập dự toán chi thường xuyên NSNN rất phức tạp, đòi hỏi thực hiện qua nhiều bước, tốn kém thời gian và công sức. Tuy nhiên, thực tế nhiều đơn vị không đảm bảo quy định về căn cứ, phương pháp và trình tự lập dự toán.
Công tác lập dự toán mang nặng tính hình thức, thường căn cứ vào dự toán của năm trước để điều chỉnh cho năm sau. Công tác lập, quyết định, phân bổ dự toán ngân sách thường chậm về thời gian quy định, chủ yếu dựa vào dự toán và phân bổ của thành phố để kịp thời cho kỳ họp HĐND huyện vào cuối năm do đó mà quy trình thực hiện hay bị rút ngắn và kiểm soát đôi khi chưa kỹ càng.
Việc xây dựng dự toán chưa bao quát và định mức hóa các nhiệm vụ chi, phần nhiều mang tính chất định tính. Định mức chi căn cứ nhiều vào chỉ tiêu biên chế của các đơn vị mà chưa bao quát tình hình thực tế và nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan. Một số cơ quan được giao nhiều nhiệm vụ chi nhưng ngân sách không bố trí đủ kinh phí dẫn đến thực hiện không hết các nhiệm vụ hoặc UBND huyện phải ban hành những quyết định cấp ngân sách cá biệt trong năm để đảm bảo nhiệm vụ chi. Điều này tạo ra tính ỷ lại, cứ có nhiệm vụ phát sinh lại trình xin kinh phí thậm chí là lập dự toán cao hơn nhiều so với nhu cầu thực tế để đề phòng bị cắt giảm khi duyệt dự toán.
Dự toán được xây dựng theo phương pháp đầu vào là chủ yếu mà không theo kết quả đầu ra, các đơn vị căn cứ vào dự toán năm trước, điều chỉnh tỷ lệ để lập dự oán cho năm sau mà không để ý nhiều đến hiệu quả thực hiện ngân sách. Thực tế cho thấy một số nhiệm vụ chi không hiệu quả nhưng
cứ được tăng thêm dự toán qua từng năm. Chính vì vậy quản lý chi thường xuyên NSNN chưa gắn với mục tiêu, chưa khuyến khích người sử dụng tiết kiệm NSNN. Thêm vào đó, thực tế hiện nay trên địa bàn hàng năm cứ đến thời điểm cuối năm ngân sách hầu hết các đơn vị cố gắng bằng mọi cách để rút hết dự toán ngân sách của mình chứ không để lại dù nguồn chi có tính chất tự chủ được phép chuyển sang năm sau chi tiếp, các đơn vị không tính đến hiệu quả của các khoản chi. Dẫn đến tình trạng áp lực cho KBNN cũng như cơ quan tài chính trong việc kiểm soát khoản chi NSNN với một khối lượng công việc quá tải dồn vào cuối năm.
Thứ hai, về chất lượng công tác chấp hành dự toán chi thường xuyên
Đầu năm các đơn vị thường chỉ được ứng trước dự toán để chi lương và phụ cấp theo lương, phần còn lại được đơn vị dự toán cấp 1 giữ lại dưới danh nghĩa phục vụ cho những nhiệm vụ chung tạo ra sự thụ động trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc phân bổ dự toán chưa sát với thực tế nhu cầu chi nên thường xảy ra tình trạng điều chỉnh, bổ sung các khoản mục dẫn tới khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước.
Tình trạng lãng phí trong chi thường xuyên còn lớn. Các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chưa thực hiện các chế độ chính sách, chỉ tiêu một cách nghiêm túc như công tác phí, chi tiêu hội nghị, tiếp khách,...Các đơn vị có tâm lý “đua nhau” xin kinh phí tổ chức lễ hội, kỷ niệm, các sự kiện của đơn vị thay vì xem xét tính cấp thiết và khả năng tự cân đối của đơn vị. Tình trạng nhiệm vụ phát sinh đến đâu, cấp kinh phí thực hiện đến đó, gây thụ động cho cả công tác quản lý ngân sách và cả đơn vị thực hiện. Bên cạnh đó còn tạo điều kiện cho những tiêu cực xảy ra trong việc “xin - cho”
Thứ ba, về chất lượng công tác quyết toán chi thường xuyên
Báo cáo quyết toán của các đơn vị thường chưa đảm bảo quy định về thời gian, hệ thống mẫu biểu, khi nộp vẫn còn phải sửa chữa, điều chỉnh gây tình trạng chậm quyết toán. Xét duyệt quyết toán còn mang tính hình thức, chưa kiên quyết xử lý các khoản chi không đúng chế độ. Việc quyết toán chi
thường xuyên ngân sách các cấp có sự đan xen, lồng ghép nên phải chờ đợi nhau, cấp trên chờ cấp dưới dẫn đến kéo dài thời gian. Một bất cập lớn trong quá trình quyết toán ngân sách đó là: hầu hết các đơn vị, các địa phương chỉ quan tâm đến khâu lập và chấp hành dự toán nhưng lại xem nhẹ công tác quyết toán. Công tác xét duyệt báo cáo quyết toán thường chỉ dừng lại ở việc xác định số liệu thu, chi trong năm của đơn vị để phục vụ báo cáo; chỉ giải trình với các số liệu bất thường chứ chưa phân tích, đánh giá để làm cơ sở cho việc quản lý và điều chỉnh định mức chi cho phù hợp; chưa rút ra những bài học kinh nghiệm cho việc chấp hành dự toán để nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng ngân sách các năm tiếp theo. Hiện nay thực trạng ghi thu ghi chi ngân sách các khoản học phí, viện phí còn nhiều bất cập. Số liệu quyết toán ghi thu ghi chi qua các năm lớn hơn rất nhiều so với dự toán. Thêm vào đó các khoản ghi thu ghi chi này thường triển khai rất chậm, làm ảnh hưởng đến công tác quyết toán chung cho Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện và KBNN huyện
Thứ tư, về chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra quản lý chi thường xuyên
Mặc dù được tiến hành thường xuyên nhưng công tác thanh tra, kiểm tra chưa mang lại hiệu quả cao, còn nể nang, ngại va chạm, chưa xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm. Kết quả thanh tra chưa phản ánh trung thực hoàn toàn tình hình thực tế của đơn vị nên chưa mang tính chất răn đe. Công tác kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước đúng thủ tục nhưng thủ tục hành chính còn rườm rà, giải quyết công việc vẫn cứng nhắc, cán bộ bị quá tải nhất là những tháng cuối quý, cuối năm gây ra ách tắc trong xử lý chứng từ, giao dịch với các đơn vị sử dụng ngân sách ở một số nơi còn tồn tại tình trạng quan liêu. Sự phối kết hợp và báo cáo thông tin giữa Kho bạc và cơ quan tài chính cùng cấp đôi khi chưa đầy đủ, kịp thời.