5. Kết cấu của luận văn
3.1.3. Đặc điểm xã hội
Huyện Đại Từ gồm có 2 thị trấn và 39 xã, chủ yếu là các xã miền núi vùng sâu vùng xa vì vậy điều kiện xã hội còn lạc hậu kém phát triển. Dân cư chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên trình độ còn hạn chế. Trong những năm gần đây được nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng xây trường học và trạm y tế nên điều kiện sinh hoạt của người dân đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rất khó khăn.
- Dân số: Tổng dân số toàn huyện đến hết năm 2018 có trên 210.636 người, mật độ dân số bình quân 300,1 người/km2. Có 8 dân tộc chung sống, chủ yếu là dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Giao, Sán dìu phân bố khá đồng đều trên toàn địa bàn huyện. Dân cư của huyện chủ yếu tham gia sản xuất nông nghiệp nên người dân vẫn có tư tưởng muốn sinh nhiều con. Vì vậy, tỷ lệ tăng dân số của huyện là khá cao so với toàn tỉnh.
- Y tế: hiện nay cả huyện có 1 bệnh viện đa khoa khu vực quy mô 100 giường bệnh, 31 trạm y tế trên 31 xã. Nhưng đội ngũ y bác sĩ còn hạn chế, những người có chuyên môn giỏi không muốn về địa phương công tác, đây là khó khăn chung của tất cả các huyện miền núi khó khăn như Đại Từ.
- Giáo dục: Đại Từ có 35 trường tiểu học, 30 trường Trung học cơ sở, 3 trường trung học phổ thông với tổng số 885 phòng học, 1.696 giáo viên trên 28.394 học sinh. 100% xã được công nhận đã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Được hỗ trợ từ chương trình kiên cố hoá trường lớp học từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huyện đã xoá được nhiều phòng học tạm, nâng cao điều kiện dạy và học cho giáo viên và học sinh trong huyện. Năm 2014 huyện còn 59 phòng học tạm đến năm 2008 giảm xuống còn 24 phòng học tạm. Nâng số phòng học kiên cố từ 156 phòng lên 184 phòng (ở khối tiểu học).
3.1.4. Đặc điểm kinh tế
Tiềm năng về kinh tế xã hội và hướng phát triển một số ngành mũi nhọn * Nông nghiệp: Cây trồng lương thực (lúa, ngô) và cây chè là thế mạnh của huyện. Các cây công nghiệp ngắn ngày chính gồm lạc, đậu tương...
- Sản xuất lương thực: Diện tích lúa gieo cấy hàng năm từ 12.000 ha đến 12.500 ha, sản lượng lương thực có hạt năm 2018 đạt 168.150 tấn, tăng 3 % so với năm trước. Bình quân lương thực đạt 400kg/người/năm (2014).
- Cây chè: là cây kinh tế mũi nhọn, là cây tạo ra sản phẩm hàng hoá vừa xuất khẩu, vừa nội tiêu. Diện tích toàn huyện có 5.124 ha, trong đó chè kinh doanh có 4.470 ha, hàng năm cho sản lượng búp tươi đạt trên 30 ngàn tấn.
Một số xã có sản phẩm nổi tiếng như chè Khuân Gà Hùng Sơn, chè La Bằng, chè Hoàng - Nông, đặc biệt diện tích chè giống mới hiện có trên 600 ha (50 % diện tích đã cho thu hoạch).
- Cây ăn quả: Hiện nay toàn huyện có gần 2.200 ha cây ăn quả, chủ yếu là vải, nhãn đang cho thu hoạch, xong giá trị sản phẩm thu từ cây ăn quả chưa cao, cần xây dựng các cơ sở chế biến công nghiệp và công nghệ bảo quản
thực phẩm phục vụ xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị cây ăn quả và để cây ăn quả trở thành hàng hoá, thị trường tiêu thụ ổn định.
* Chăn nuôi: Ngoài việc đẩy mạnh chăn nuôi lợn, gia cầm, huyện đã đẩy mạnh và triển khai chương trình chăn nuôi bò thịt từng bước tạo vùng sản xuất, cung cấp sản lượng thịt trong và ngoài địa bàn huyện, rất cần sự hỗ trợ vốn đầu tư trang thiết bị phục vụ cho lai tạo, mua con giống và hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả.
* Lâm nghiệp: Diện tích rừng toàn huyện có 24..468 ha. Trong đó rừng trồng trên 9.000 ha, rừng tự nhiên 15.000 ha. Hiện nay nhiều diện tích rừng trồng đã đến tuổi khai thác, mặt khác diện tích đất có khả năng lâm nghiệp còn khá lớn, cần phủ xanh để nâng cao độ che phủ và cũng là tiềm năng để phát triển cây lâm nghiệp có giá trị cao.
* Cơ sở hạ tầng:
- Giao thông vận tải: Hệ thống tỉnh lộ dài 80 km, hơn 400 km đường giao thông liên xã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông suốt trên địa bàn. Quốc lộ 37 nối huyện Đại Từ với huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang dài 32 km, có tuyến đường sắt Núi Hồng - Quán Triều chạy qua hệ thống các tuyến đường giao thông trong huyện đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và đi lại của nhân dân nhưng cần đầu tư nâng cấp một số tuyến giao thông liên huyện, liên xã trong những năm tới.
Tóm lại: Huyện Đại Từ trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ
giai đoạn 2016-2018, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức: thời tiết không thuận lợi; giá cả thị trường không ổn định, dịch bệnh có những nơi diễn biến phức tạp, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Là một huyện vùng cao, trình độ dân trí còn thấp, địa phương chưa tự cân đối thu chi, còn phải nhận hỗ trợ từ ngân sách cấp trên. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên một số lĩnh vực chưa quyết liệt, công tác cải cách hành chính một số đơn vị hiệu quả chưa cao. Việc quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có
nơi, có lúc bị buông lỏng, nhất là trong công tác quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn giao thông, công tác quản lý đô thị…các doanh nghiệp đầu tư gặp phải những khó khăn chung của nền kinh tế; ngành nghề phát triển chậm, còn nhiều lao động thiếu việc làm thu nhập thấp. Do vậy, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương là việc quan trọng hàng đầu để phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới.