Khai thác một cách có hiệu quả nguồn nội lực, đồng thời tích cực thu hút nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất và phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện. Nâng cao chất lượng và tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Gắn tăng trưởng kinh tế với việc thực hiện công bằng xã hội; giảm bớt sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư và giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn. Quan tâm đúng mức vùng núi và vùng bãi ngang cồn bãi, thực hiện tốt các chính sách xã hội. Lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng nông thôn mới.
Phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, trên cơ sở đẩy mạnh phát triển lực lượng sản xuất và không ngừng tăng cường củng cố quan hệ sản xuất, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.
Phát huy nhân tố con người, coi trọng phát triển nguồn lực chất lượng cao, coi đó là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư vào địa bàn huyện. Gắn giáo dục, đào tạo với thị trường sức lao động. Coi trọng phổ cập giáo dục để nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là ở vùng nông thôn miền núi. Đẩy mạnh đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo
chủ chốt đầu ngành, cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.
Xây dựng và phát triển hệ thống đô thị, tạo ra hạt nhân để thúc đẩy sự phát triển nông thôn. Coi trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực Quản lý Nhà nước, phát huy dân chủ và sức mạnh của các thành phần kinh tế, tạo môi trường thân thiện với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nhân dân để phát huy được sức mạnh tổng hợp.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ tạo nền tảng cho việc phát triển lâu dài và bền vững.
Gắn phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân.