Văn bản, văn bản nghệ thuật và văn bản văn học

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề mô hình văn bản văn học từ quan điểm của IU m lotman về cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trang 35 - 38)

Một trong những nền móng để xây dựng mô hình văn bản văn học chính là việc trả lời cho câu hỏi: Văn bản văn học là gì? Xuất phát từ vấn đề này, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt giữa Văn bản, Văn bản nghệ thuậtVăn bản văn học dựa trên quan điểm của Iu.M.Lotman.

Thứ nhất, về Văn bản. Có thể khẳng định các nghiên cứu của Iu.M.Lotman đều hướng đến việc lấy văn bản làm trọng tâm nghiên cứu. Lã Nguyên cho rằng Iu.M.Lotman đã trao cho khái niệm “văn bản” một nội hàm mới mẻ, từ đó làm thay đổi cách hiểu về bản chất của sự giao tiếp. Theo quan điểm của Iu.M.Lotman: “một thông báo nào đó để có thể được xem là một “văn bản”, ít nhất, nó phái có hai lần được mã hóa” (Lotman, Iu. M., 2016). Ông đưa ra ví dụ về sự khác biệt giữa một thông báo được xem là một “đạo luật” với đoạn miêu tả trường hợp phạm tội hình sự nào đó. Trong trường hợp thứ nhất, thông báo vừa thuộc ngôn ngữ tự nhiên, vừa thuộc ngôn ngữ pháp luật, nó là sự tổ chức của chuỗi ký hiệu ngôn ngữ tự nhiên nhằm đạt được cả ý nghĩa pháp luật. Trong trường hợp thứ hai, đoạn miêu tả chỉ là sự tổ chức của các ký hiệu ngôn ngữ tự nhiên với ý nghĩa duy nhất. Như vậy, hai lần mã hóa có thể được hiểu là “ở ngôn ngự tự nhiên và ở thứ siêu ngôn ngữ miêu tả trên bình diện cú pháp của ngôn ngữ tự nhiên ấy” (Lotman, Iu. M., 2016).Với Iu.M. Lotman, văn bản là một

tổ chức phức tạp, lưu giữ, truyền đạt và thậm chí có thể sáng tạo ra những thông tin mới, nó được nhìn nhận như là một tổ chức trí tuệ. Roland Barthes trong bài viết Từ tác phẩm đến văn bản cho rằng: “Văn bản là đa nghĩa. Đó không phải đơn giản là có vài ba ý nghĩa, mà nó đạt tới sự đa nghĩa thực sự - một cái đa nghĩa không thể quy giản (không đơn thuần là cái duy nhất có thể chấp nhận)” (Trịnh Bá Đĩnh, 2017). Theo đó, việc người tiếp nhận “giải mã” văn bản nên được thay thế bằng việc người tiếp nhận “giao tiếp” với văn bản. Lã Nguyên cho rằng: “trong hệ thống lí thuyết của Iu.M. Lotman, “văn bản” – “cá nhân” – “văn hoá” là những phạm trù đồng hình, đẳng cấu. Khái niệm “văn bản” vì thế có nội hàm rất rộng. Viện sĩ M.L. Gasparov, một cộng sự gần gũi của Iu.M. Lotman, có lần thốt lên: “Cuộc đời chúng ta nếu không phải là văn bản, thì còn là cái gì nữa đây!”” (Lã Nguyên, 2016). Như vậy, theo quan điểm của Iu.M.Lotman, văn bản được nhìn nhận như là một tổ chức có phẩm chất ký hiệu, một cỗ máy thông tin. Theo đó, một vũ điệu, một bài múa, một ca khúc, một bức tranh, một bộ phim, một bài thơ, một truyện ngắn, một tiểu thuyết…đều có thể được xem là văn bản.

Thứ hai, về Văn bản nghệ thuậtVăn bản văn học. Trước hết, cần làm rõ luận điểm “nghệ thuật có thể được mô tả như là một ngôn ngữ thứ sinh nào đó, còn việc sản xuất nghệ thuật - như là văn bản về ngôn ngữ đó” (Lotman, Iu. M., 2004) của Iu.M.Lotman. Cơ sở của luận điểm này xuất phát từ việc Iu.M.Lotman nhìn nhận nghệ thuật với tư cách là một thứ ngôn ngữ, một phương tiện giao tiếp. Iu.M.Lotman (2004) khẳng định: “Nghệ thuật - một trong những phương tiện giao tiếp. Không cần phải tranh luận, nó hiện thực hóa mối quan hệ giữa nới chuyển và nơi nhận”. Thêm nữa, ông cho rằng: “bất kỳ một hệ thống nào phục vụ cho những mục đích giao tiếp giữa hai hay nhiều cá thể đều có thể được xác định như là một ngôn ngữ”. Theo đó, nghệ thuật có thể được xác định với tư cách là một thứ ngôn ngữ có tổ chức dưới dạng đặc biệt. Có thể sơ đồ hóa vấn đề này như sau:

Nơi chuyển Nơi nhận

Nghệ thuật

Trên cơ sở đó, Iu.M.Lotman chia ngôn ngữ thành 3 loại:

- Ngôn ngữ tự nhiên (natural languages): tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga… - Ngôn ngữ nhân tạo (artificial languages): các ngôn ngữ khoa học (toán học, hóa học, vật lý…), các ngôn ngữ của các tín hiệu ước định (biển báo, đèn tín hiệu giao thông…) và những gì tương tự.

- Ngôn ngữ thứ sinh (secondary languages): hội họa, âm nhạc, điện ảnh, văn học…, chỉ chung cho nghệ thuật.

Theo Iu.M.Lotman, nghệ thuật là hệ thống mô hình hóa thứ sinh (secondary modelling system). Ngôn ngữ thứ sinh của nghệ thuật là một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Iu.M.Lotman khẳng định: “Thứ sinh trong mối quan hệ với ngôn ngữ cần phải hiểu không chỉ như là dùng ngôn ngữ tự nhiên với tư cách là chất liệu” (Lotman, Iu. M., 2004). Bởi lẽ trong phạm vi của nghệ thuật nói chung còn có sự góp mặt của các loại hình “nghệ thuật không lời”, hay nói cách khác là các loại hình nghệ thuật không sử dụng ngôn ngữ tự nhiên với tư cách chất liệu, như: hội họa, âm nhạc, nhảy múa… Theo đó, một bức họa, một bài múa, một giai điệu âm nhạc… đều được xem là một dạng văn bản nghệ thuật. Iu.M.Lotman kết luận ngôn ngữ nghệ thuật hoạt động như là một ngôn ngữ thứ sinh, và đại diện cho việc sản xuất nghệ thuật chính là văn bản bằng ngôn ngữ thứ sinh đó.

Về các hệ thống mô hình hóa thứ sinh, Lotman cho rằng ý thức của con người là ý thức mang tính ngôn ngữ, nó diễn giải mọi thứ được tư duy tiếp nhận bằng ngôn ngữ, do đó mọi dạng mô hình được xây chồng lên trên ý thức đều có thể được xem như là các hệ thống mô hình hóa thứ sinh, trong đó có văn học nghệ thuật. “Văn học có tính nghệ thuật nói bằng một thứ ngôn ngữ đặc biệt, thứ ngôn ngữ được xây chồng lên trên ngôn ngữ tự nhiên với tư cách là hệ thống thứ hai. Bởi vậy mà người ta xác định nó như là hệ thống mô hình hóa thứ hai” (Lotman, Iu. M., 2004). Như vậy, theo quan điểm của Iu.M.Lotman, văn học là một loại hình nghệ thuật mà ngôn ngữ của nó được xây chồng lên trên chất liệu của ngôn ngữ tự nhiên, đó chính là ngôn ngữ văn học. Nghệ thuật dưới dạng văn học chính là nghệ thuật ngôn từ. Đại diện cho việc sản xuất

văn học nghệ thuật chính là văn bản văn học. Như vậy, nội hàm của khái niệm văn bản nghệ thuật mà Iu.M.Lotman dùng trong trong công trình Cấu trúc Văn bản nghệ thuật

bao chứa cả khái niệm văn bản văn học mà chúng tôi sử dụng trong luận văn này bởi văn học là một loại hình của nghệ thuật. Nếu chất liệu của hội họa là đường nét, của âm nhạc là giai diệu, của kiến trúc là hình khối thì chất liệu của văn học là ngôn từ. Văn bản văn học theo đó, về bản chất là tập hợp của các ký hiệu ngôn ngữ tự nhiên. Đỗ Văn Hiểu cho rằng: “Văn bản văn học là hình thái hiện thực của tồn tại văn học, văn bản văn học lấy ngôn ngữ sách vở hoặc khẩu ngữ để khách quan hóa ý thức thẩm mĩ của nhà văn thành thực thể ngôn ngữ làm cho nó trở thành đối tượng để người khác có thể cảm nhận” (Đỗ Văn Hiểu, 2014).

Thứ ba, cần có sự phân biệt giữa văn bản văn học với tác phẩm văn học. Cơ sở để làm sáng tỏ điều này theo chúng tôi xuất phát từ quan điểm cho rằng một văn bản văn học chỉ trở thành tác phẩm văn học khi nào nó đã được tiếp nhận bởi độc giả, thực hiện chức năng giao tiếp với độc giả. Hay nói cách khác, nó thực sự “sống” trong đời sống văn học. Trước khi có tác phẩm văn học, cần phải có văn bản văn học. Lê Thời Tân (2012) cho rằng:

Chỉ lúc văn bản tác phẩm đi vào giao lưu tiếp nhận (hoặc nói tiêu thụ), kinh qua sự đọc, tác phẩm mới được tổ chức, xây dựng lại bởi một hoạt động tư duy đọc- tiếp nhận có tính chất tái kết cấu đối tượng trong đọc. Trong quá trình tiếp nhận tác phẩm bằng việc đọc, có sự tồn tại của hoạt động tương hỗ giữa kết cấu văn bản trần thuật và kết cấu hình tượng tác phẩm. Văn bản tác phẩm kinh qua sự đọc trở thành văn bản được kết cấu”.

Như vậy, ở một phương diện nhất định, giữa văn bản văn học và tác phẩm văn học không có sự khác biệt về mặt bản chất. Theo Đỗ Văn Hiểu, đối tượng mà “văn bản” và “tác phẩm” hướng đến là không khác nhau. Việc sử dụng các thuật ngữ có sự thay đổi bắt nguồn từ những thay đổi về quan niệm văn học của mỗi giai đoạn: “sở dĩ lí luận văn học và phê bình văn học dùng khái niệm “văn bản” làm mới đối tượng từng được gọi là “tác phẩm” là vì chúng ta có những lí giải và nhận thức mới về đối tượng này” (Đỗ Văn Hiểu, 2014).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề mô hình văn bản văn học từ quan điểm của IU m lotman về cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)