Vấn đề nhân vật và tính cách nhân vật vốn là vấn đề đã được quan tâm từ rất sớm trong nghiên cứu văn học. Bởi lẽ nó gắn liền với các quan niệm về con người trong hiện thực. Trong Dẫn luận nghiên cứu văn học (G.N.Pôxpêlôp chủ biên), V.E.Khalizep cho rằng: “Thuật ngữ “nhân vật” lấy từ tiếng Pháp và có nguồn gốc La- tinh. Người ta gọi bằng persona, cái mặt nạ mà diễn viên đeo vào mặt, và về sau gọi là nhân vật được miêu tả một cách nghệ thuật trong tác phẩm” (Pôxpêlôp, G. N., 1998). B.Brếch thì nhận định: “các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống, mà là những hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả” (Pôxpêlôp, G. N., 1998). Lý luận văn học
do Hà Minh Đức chủ biên cũng đưa ra một số ý kiến về vấn đề nhân vật như sau:
Miêu tả con người, đó chính là công việc chủ yếu trong nhiệm vụ xây dựng nhân vật của nhà văn. Ở đây, cần chú ý rằng nhân vật trong văn học là một hiện tượng nghệ thuật mang tính ước lệ, đó không phải là sự sao chụp đầy đủ mọi chi tiết
biểu hiện của con người mà chỉ là sự thể hiện con người qua những đặc điểm điển hình về tiểu sử, nghề nghiệp, tính cách, v.v. (Hà Minh Đức, 2012).
Xem nhân vật văn học là con người được miêu tả trong văn học bằng phương tiện văn học, Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên cho rằng:
Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản chất văn học là một quan hệ đối với đời sống, nó chỉ tái hiện được đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những tấm gương của cuộc đời (Phương Lựu, n.d).
Có thể thấy rằng các nghiên cứu về nhân vật trong văn học đều dựa trên nền tảng về mối quan hệ giữa văn học với hiện thực nói chung và giữa nhân vật văn học với con người trong đời sống nói riêng. Điều nảy dẫn đến một mối liên hệ khác mà Iu.M.Lotman tỏ ra quan tâm nhiều hơn khi bàn về vấn đề nhân vật, đó chính là: tính cách. Theo Iu.M.Lotman, với tư cách là một trong những vấn đề cơ bản của mỹ học tổng quát, vấn đề tính cách đã sớm được soi sáng bởi rất nhiều công trình. Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên cho rằng: “tính cách mang bản sắc riêng, độc đáo của một con người cá biệt, cụ thể, nhưng lại mang những nét chung, tiêu biểu cho nhiều người khác ở một mức độ nhất định” (Hà Minh Đức, 2012). Lý luận văn học do Phương Lựu chủ biên thì khẳng định: “Tính cách, trong nghĩa rộng nhất, chung nhất, là sự thể hiện các phẩm chất xã hội lịch sử của con người qua các đặc điểm cá nhân, gắn liền với phẩm chất tâm sinh lí của họ. Tính cách có một hạt nhân là sự thống nhất của cá tính và cái chung xã hội lịch sử” (Phương Lựu, n.d). Trong công trình Cấu trúc văn bản nghệ thuật của mình, điều mà Iu.M.Lotman đặc biệt chú trọng chính là “vấn đề đặc thù của tính cách nghệ thuật phân biệt với cách hiểu về bản chất con người trong loại văn phẩm không phải nghệ thuật” (Lotman, Iu. M., 2004). Trong công trình này, có thể nhận thấy sự quan tâm của Iu.M.Lotman đối với khía cạnh xây dựng tính cách nhân vật như một phương thức. Bởi lẽ theo ông đây là vấn đề cơ bản để trả lời cho câu hỏi: Liệu văn bản nghệ thuật được phân biệt với các văn bản không phải nghệ thuật như thế nào? Trả lời được câu hỏi này, chúng ta có thể chứng minh một điều rằng công
việc mà các nhà văn đang làm không chỉ là “minh họa và quảng bá quan niệm triết học về bản chất con người” (Lotman, Iu. M., 2004).
Iu.M.Lotman cho rằng nhân vật nghệ thuật được xây dựng nên không phải chỉ là sự hiện thực hóa các tiêu chuẩn tính cách nhất định của con người trong hiện thực. Trái lại, nhân vật nghệ thuật cần được xây dựng bằng việc bổ sung các yếu tố “lệch chuẩn”. Các yếu tố “lệch chuẩn” này sẽ trở nên có nghĩa về mặt thông tin vì nó làm cho khả năng người đọc có thể dự đoán trước hành động của nhân vật bị giảm đi. Theo Iu.M.Lotman: “Các lệch chuẩn có nghĩa đó “rải rắc” những hành vi của nhân vật xung quanh cái tiêu chuẩn thông thường được ấn định từ trước bởi cách hiểu phi nghệ thuật về bản chất con người” (Lotman, Iu. M., 2004). Điều đó có nghĩa là, theo tính quy luật, những khả năng có thể xảy ra đối hành động của con người khi được gán cho nhân vật văn học sẽ ẩn chứa tiềm năng của sự phá vỡ tính quy luật đó. Người đọc, do đó, khó có thể biết được liệu nhân vật sẽ làm gì tiếp theo, sẽ hành động như thế nào.
Theo Iu.M.Lotman, tính bất ngờ của hành vi nhân vật được tạo thành từ hai yếu tố. Thứ nhất, tính cách nhân vật “được tạo nên không phải như một khả năng đã biết trước của hành vi trước mà như một hệ biến hóa, một tổ hợp các khả năng” (Lotman, Iu. M., 2004). Mọi khả năng đều có thể xảy ra, tính bất ngờ trong hành vi theo đó cũng được xây dựng. Thứ hai, tính cách nhân vật “liên quan với việc văn bản được triển khai theo trục ngữ đoạn” (Lotman, Iu. M., 2004). Trong hệ biến hóa của tính cách, tình tiết sau phải là sự nối tiếp hợp lý của tình tiết trước. Theo Iu.M.Lotman thì người đọc chưa thể nắm được hệ biến hóa này, nghĩa là người đọc chưa thể nắm hết được tất cả các khả năng có thể xảy ra. Điều khả dĩ là “Người đọc “hoàn thiện” nó theo cách quy nạp, từ các mảnh mới của văn bản” (Lotman, Iu. M., 2004). Sự giao cắt giữa tính có thể dự đoán của tính cách và tính biến hóa của các khả năng có thể xảy ra tạo thành “tính cá thể” của nhân vật và “tính bất ngờ” trong hành vi nhân vật. Nét đặc trưng trong tính cách của nhân vật hiện ra khi chúng được đặt trong sự đối sánh với nhau. Iu.M.Lotman cho rằng: “Những nhân vật có thể biểu hiện tính đối lập của mình qua việc nói về cùng một điều theo những cách khác nhau” (Lotman, Iu. M., 2004). Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng điều đó không chỉ được thể hiện qua lời nói của nhân vật, mà còn qua những hành động, quan niệm của nhân vật về cùng một vấn đề. Vì suy cho
cùng, lời nói hay hành động cũng chỉ là sự hiện thực hóa bởi các quan niệm vốn có. Chúng tôi sẽ minh họa rõ hơn về điều này thông qua truyện ngắn Âm nhạc Vécđi của Pauxtôpxki.
Truyện ngắn mở đầu bằng không gian trên boong tàu của một chiếc tuần dương hạm bọc thép thuộc hải quân đỏ với sự góp mặt của một đoàn kịch đến từ Matxcơva. Đêm này, trên tàu, họ sẽ trình diễn vở Traviata. Tachiana Xônxeva, nữ diễn viên chính của đoàn kịch, đang hóa trang trong phòng của hạm trưởng. Với cô, biểu diễn vào lúc này là một điều quá khó khăn. Tâm trạng cô đầy ắp những nỗi lo về người em trai bé bỏng ốm nặng ở Matxcơva bởi chú bé đang chuẩn bị bước vào một cuộc phẫu thuật. Xônxeva, trong giờ giải lao, được hay tin ca phẫu thuật phải đình lại vì em trai cô có những chuyển biến xấu. Cô thấy choáng váng, niềm lo lắng trong cô lớn dần lên, ép cho những giọt nước mắt trào ra, giọng cô run run nhưng cô vẫn hát. Trong lúc đó, Vaxia, người đảm nhận nhiệm vụ kéo màn đã hạ màn vở kịch. Bởi anh đã nghe toàn bộ câu chuyện về việc bệnh tình của em trai Xônxeva trở nặng. Anh đồng cảm với nỗi lòng của cô và thực hiện hành động hạ màn để cho vở diễn sớm kết thúc. Người phụ trách nhà hát tỏ ra vô cùng tức giận vì điều đó, dù ông ta cũng tường tận sự việc về em trai của Xônxeva. Nhưng ông ta cho rằng đó là một chuyện vớ vẩn, là sự yếu đuối thường tình của phụ nữ. Bất chấp nỗi lòng, tình thương của một người chị gái dành cho em trai mình, ông ta buộc cô ấy phải tiếp tục biểu diễn. Ông ta cho rằng việc ngừng biểu diễn là “Không thể được. Nhà hát chúng tôi làm việc theo kiểu tiên tiến không thể vì tâm trạng diễn viên mà đình vở diễn được” (Pauxtôpxki, K., 2011). Điều đó khiến cho tư lệnh trưởng của tuần dương hạm, một người đã trải qua biết bao phong ba và mất mát trong những cuộc chiến khốc liệt, một người cô đơn có trí tuệ trong sáng và chính xác, cảm thấy khó chịu, xấu hổ và khó xử trước trước Xônxeva. Với vai trò của người chỉ huy trên tàu, ông ra lệnh ngừng buổi biểu diễn và cho rằng: “Về công việc theo kiểu tiên tiến đồng chí quan niệm hoàn toàn sai lầm” (Pauxtôpxki, K., 2011). Xônxeva sau đó được rời tuần dương hạm và đến Matxcơva để thăm em trai. May mắn thay, mọi thứ diễn ra như những điều tốt lành, em trai của Xônxeva đã vượt qua được
ca phẫu thuật. Cô rời Matxcơva để quay trở lại tuần dương hạm và tiếp tục buổi diễn vẫn còn dang dở. Có thể thấy rõ hai cặp nhân vật đối lập về mặt tính cách như sau:
Người phụ trách nhà hát - Vị tư lệnh tuần dương hạm Anh thợ Vaxia - Cô diễn viên Xônxêva
Sự đối lập về tính cách giữa người phụ trách nhà hát và vị tư lệnh tuần dương hạm được nhận thấy khi hai nhân vật này cùng đưa ra quan điểm về cách làm việc theo kiểu tiên tiến của nhà hát. Nếu người phụ trách nhà hát cho rằng làm việc theo kiểu tiên tiến của nhà hát thì “không thể vì tâm trạng của diễn viên mà dình vở diễn được” (Pauxtôpxki, K., 2011) thì vị tư lệnh tuần dương hạm cho rằng “Về công việc theo kiểu tiên tiến đồng chí quan niệm hoàn toàn sai lầm” (Pauxtôpxki, K., 2011).
Trái với Xônxêva khi đồng ý tiếp tục biểu diễn dù tâm trạng cô đang chứa đầy nỗi lo lắng cho em trai, Vaxia bất chấp tất cả tự ý hạ màn để kết thúc sớm buổi biểu diễn dù anh không có mối liên hệ trực tiếp gì đối với Xônxêva. Người đọc khó có thể nghĩ rằng một anh thợ đốt lò được giao việc kéo chiếc màn sân khấu lại có thể hành động như vậy. Nếu Xônxêva rụt rè, nhút nhát trong chính mối bận lòng của mình thì Vaxia, trái lại, mạnh mẽ, quyết đoán, không do dự.
Iu.M.Lotman cho rằng: “nhân vật còn có thể hiện lên qua sự mô tả của một nhân vật khác, “bằng đôi mắt của anh ta”, tức bằng ngôn ngữ của anh ta. Đó là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Việc một nhân vật này hay khác thay đổi ra sao khi được thể hiện qua ngôn ngữ của những cách nhìn nhận khác sẽ khắc họa cả người mang ngôn ngữ, cả cái mà ngôn ngữ đó nói đến” (Lotman, Iu. M., 2004). Việc đưa ra nhận định vể tính cách nhân vật còn phụ thuộc vào các mã văn hóa nhất định của cả tác giả và người đọc. Sự mô tả của nhân vật này về nhân vật khác suy cho cùng cũng chính là từ đôi mắt của tác giả. Trong trường hợp có sự khác biệt về mã văn hóa giữa tác giả và người đọc thì rõ ràng tính cách nhân vật sẽ có thể được nhận định theo những chiều hướng khác nhau.
Một khía cạnh khác được Iu.M.Lotman đề cập đến khi bàn về vấn đề nhân vật chính là mối quan hệ giữa nhân vật trong văn học với “hình thái nhân chủng”, tức hình thức tồn tại dưới dạng con người. Nhân vật hành động có thể không mang hình dạng con người, đó có thể là loài vật hay sự vật, hiện tượng... Tuy nhiên, sự phóng chiếu
tính cách của con người lên các đối tượng ấy là điều không thể phủ nhận. Theo Lý luận văn học do Hà Minh Đức chủ biên, các loài vật, sự vật, hiện tượng ấy ít nhiều cúng có mang bóng dáng và tính cách của con người. Chúng có thể được sử dụng với tư cách là phương thức biểu hiện con người, chẳng hạn: Dế Mèn trong Dế Mèn phiêu lưu kí
của Tô Hoài; con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ; ông trời, sấm trong Mưa của Trần Đăng Khoa, con mèo mun Zorba, nàng hải âu Lucky, trong Chuyện con mèo dạy hải âu bay và chú ốc sên Dũng Khí trong Chuyện con ốc sên muốn biết tại sao nó chậm chạp của Luis Sepúlveda.