tắc vận động của mô hình
Ở trên, chúng tôi đã đặt cơ sở xây dựng Mô hình văn bản văn học dựa trên việc phân định hai khía cạnh cấu hình và tính chất. Điều đó có thể bị xem là khiên cưỡng hoặc bất khả thi nếu chúng ta nhìn nhận mỗi yếu tố thuộc khía cạnh cấu hình hoặc tính chất đều là một yếu tố kết cấu riêng lẻ. Mà về vấn đề kết cấu, nó vốn dĩ đã không còn xa lạ trong lĩnh vực nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, tình hình sẽ khác đi nếu chúng ta nhìn nhận lại vấn đề ở một góc độ khác - nơi mà tư duy và sự sáng tạo không bị giới hạn bởi những thứ ranh giới vô hình vốn đã được đặt ra từ lâu. Đánh giá cao khả năng khám phá của phương pháp cấu trúc, Iu.M.Lotman cho rằng phương pháp cấu trúc đòi hỏi một “cách tư duy biện chứng” và một cách tiếp cận theo hướng chức năng:
[…] không dựa trên việc nghiên cứu các yếu tố riêng lẻ một cách riêng biệt hoặc một sự kết nối mang tính cơ học, mà dựa trên việc thiết lập các mối quan hệ lẫn nhau giữa các yếu tố và mối quan hệ của chúng đối với tổng thể cấu trúc. Nó không thể tách rời việc nghiên cứu thuộc tính chức năng của hệ thống và các bộ phận của nó. (Lotman, 1964: 5-6) (Żyłko, B., 2014).
Có thể nhận thấy sự có mặt của một số thuật ngữ quen thuộc trong trích dẫn trên:
cấu trúc, hệ thống, các yếu tố, toàn thể, các bộ phận. Ngoài ra, sự xuất hiện của một thuật ngữ mới: chức năng, có vai trò quan trọng trong việc định vị các yếu tố trong hệ thống, các bộ phận trong toàn thể, hướng đến mục tiêu xây dựng cấu trúc.
Với Iu.M.Lotman “phương pháp cấu trúc dạy cách nhìn thế giới và các mô hình của chúng ta về thế giới như là một hệ thống trong các mối quan hệ và những mối liên hệ của nó” (Trương Đăng Dung & Nguyễn Cương, 1990). Ông quan niệm nhà nghiên cứu văn học kiểu mới nên là người biết kết hợp những kiến thức của mình với tư duy suy diễn của khoa học chính xác: “Nhà nghiên cứu cần phải cộng tác với các nhà toán học và lý tưởng nhất là kết hợp được ở trong mình nhà nghiên cứu văn học, ngôn ngữ học và nhà toán học” (Trương Đăng Dung & Nguyễn Cương, 1990). Với quan điểm của Iu.M.Lotman, chúng tôi từ chối cách tiếp cận các yếu tố cấu hình và tính chất của Mô hình văn bản văn học theo cách riêng lẻ, tách rời chúng ra khỏi hệ thống. Mà điều cần thiết được đặt ra là nghiên cứu từng yếu tố trong mối quan hệ với các yếu tố khác và trong chỉnh thể Mô hình.
Về điều này, chúng tôi xin phân tích kỹ hơn bằng vài ví dụ từ lĩnh vực toán học. Liệu chúng ta có thể có được một hình tam giác chỉ với ba đoạn thẳng hay không? Câu trả lời là có thể có hoặc không. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào việc ba đoạn thẳng ấy sẽ được kết hợp và được đặt trong một mối quan hệ như thế nào.
a b c
Ở hình 1.2a và hình 1.2b, với ba đoạn thẳng, nhưng việc đặt chúng trong sự rời rạc hay cách kết hợp không hợp lí thì không tạo ra được một hình tam giác. Trong trường hợp này, sự kết hợp của ba đoạn thẳng là không có ý nghĩa.
Ở hình 1.2c, cũng với ba đoạn thằng ấy, bằng cách kết hợp theo quy luật: mỗi đoạn thẳng đều phải kết nối với hai đoạn thẳng còn lại, thì chúng ta có được một hình tam giác. Trong trường hợp này, sự kết hợp của ba đoạn thẳng tạo ra ý nghĩa.
Như vậy, có thể nói rằng các yếu tố kết cấu như nhau không giúp tạo ra các giá trị tổng thể giống nhau. Chỉ khi nào các yếu tố ấy được đặt trong các mối quan hệ nhất định, tương tác lẫn nhau thì mới tạo ra tính “có ý nghĩa” của tổng thể tạo thành. Mỗi đoạn thằng trong sự biệt lập chỉ đơn thuần là một đoạn thẳng hình học. Tuy nhiên, trong mối quan hệ với các đoạn thẳng còn lại để tạo thành một hình tam giác, chúng trở thành một cạnh của hình tam giác ấy - cái tổng thể mà chính chúng là một bộ phận cấu thành. Đoạn thẳng lúc này không chỉ là đoạn thẳng, mà nó còn mang một giá trị khác: một cạnh của hình tam giác. Như vậy mỗi yếu tố trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau vừa tạo ra giá trị tổng thể, vừa tạo ra giá trị cho chính nó. Sự kết hợp là vô cùng quan trọng bởi nó tạo ra tính quy luật, tính vận động của tổng thể được tạo thành. Về cơ bản, tình hình tương tự cũng diễn ra theo cách đó khi chúng ta nói về Mô hình văn bản văn học. Iu.M.Lotman cho rằng văn bản văn học cũng có các cấp độ riêng mà chỉ khi nào đã mô tả sơ bộ được các cấp độ này (ngữ âm, ngữ pháp, cú pháp vi mô, cú pháp vĩ mô) thì mới có thể xây dựng được một mô hình chính xác của văn bản nghệ thuật. Ông nhận định “Kết cấu của văn bản nghệ thuật được xây dựng như là trình tự của các yếu tố chức năng khác loại, như trọng điểm cấu trúc của những cấp độ khác nhau” (Lotman, Iu. M., 2004). Sự tương tác giữa các trọng điểm cấu trúc này là cơ sở tạo ra một thứ cú pháp đặc biệt của văn bản, thứ mà chúng tôi gọi là quy luật vận động của Mô hình văn bản văn học dựa trên sự tương tác giữa các yếu tố cấu hình và tính chất. Sự tổ chức về mặt cấu trúc đối với các yếu tố của mô hình có liên quan mật thiết với ý nghĩa được tạo ra. Có thể xem nó như là sự liên kết của những mối quan hệ xác định giữa các yếu tố mà ở đó, bản chất của mỗi yếu tố chỉ được phát hiện trong mối quan hệ với yếu tố khác. Điều này tương tự như sự tổ chức của ba đoạn thẳng tạo ra một hình tam giác, và chỉ đến lúc đó, ba đoạn thẳng kia mới được nhìn
nhận với tư cách là ba cạnh của hình tam giác được tạo thành. Theo đó, xuất hiện mối liên hệ mật thiết giữa quy luật vận động của mô hình với việc tạo ra ý nghĩa cho văn bản. Đó là điều mà chúng tôi đã dề cập đến khi nói về Mô hìnhvăn bản văn học trong phần trên, điều đã diễn ra trong cái hộp đen ngôn ngữ để từ văn bản, người ta khám phá ra các ý nghĩa được đưa vào.
Tiểu kết chương 1
Từ việc tìm hiểu các công trình của Iu.M.Lotman và một số nghiên cứu về ông, có thể thấy rằng, phương pháp nghiên cứu của ông là sự kết hợp giữa cấu trúc luận và ký hiệu học. Iu.M.Lotman tỏ ra là một nhà nghiên cứu luôn hướng đến việc kết nối các khoa học lại với nhau, trong đó có khoa học về văn học dựa trên phương pháp cấu trúc: “Việc xem chủ nghĩa cấu trúc là khoa học đã có một cuộc bút chiến và đó cũng là lý do ông thường xuyên kêu gọi dựa trên các khoa học chính xác, điều khiển học điện tử, lý thuyết thông tin và sinh lý học thần kinh” (Żyłko, B., 2014). Kế thừa các nghiên cứu của Iu.M.Lotman cũng như quan niệm khoa học về văn học của ông, chúng tôi hướng đến việc đặt ra vấn đề Mô hình văn bản văn học. Sự phân biệt hai khía cạnh cấu hình và tính chất của Mô hình văn bản văn học trong một phạm vi nhất định từ việc nghiên cứu vẫn còn mang tính tương đối, nhưng điều quan trọng hơn cả mà chúng tôi muốn nhấn mạnh là sự tương tác giữa hai phương diện của mô hình. Nói cách khác, chúng tôi chú trọng đến các mối quan hệ tương tác giữa các yếu tố cấu thành mô hình với tư cách như là một nguyên tắc vận động của mô hình. Một mô hình “sống” là thứ mà ở đó không thể thiếu mối quan hệ nội tại giữa các yếu tố cấu thành. Thêm nữa, sự tương hỗ trong các mối quan hệ giữa chúng lại góp phần tạo ra tính giá trị cho mô hình. Hay đối với mô hình văn bản văn học, nó tạo ra ý nghĩa cho văn bản. Dưới đây, chúng tôi sẽ đi sâu vào việc phân tích hai phương diện cấu hình và tính chất của Mô hình văn bản văn học cũng như các yếu tố của chúng từ việc vận dụng các khía cạnh mang tính khổ quát trong hệ thống quan điểm của Iu.M.Lotman.
Chương 2. MÔ HÌNH VĂN BẢN VĂN HỌC - VẤN ĐỀ CẤU HÌNH
Nền tảng để chúng tôi xây dựng cấu hình của Mô hình văn bản văn học là ba yếu tố: Khung khổ, Không gian nghệ thuật và Nhân vật. Trước hết, đây là ba yếu tố hiện diện một cách rõ ràng trong văn bản. Người đọc hoàn toàn có thể dễ dàng nhận ra mở đầu - kết thúc, nhận diện các nhân vật và phạm vi không gian mà nhân vật hoạt động. Sự tương tác trong tính hệ thống của ba yếu tố nàylà cơ sở để tạo ra Cốt truyện. Hay nói cách khác, Cốt truyện được tạo ra từ hệ quả của sự tương tác giữa ba yếu tố
Khung khổ, Không gian nghệ thuật, Nhân vật. Do đó, chúng được nhìn nhận với vai trò như là những yếu tố cơ bản cấu thành Mô hình, thực hiện chức năng vận động của Mô hình văn bản văn học.