Có thể nói, thuật ngữ điểm nhìn (point of view) hiện nay đã trở nên rất quen thuộc trong nghiên cứu văn học. Một cách khái quát, có thể xem điểm nhìn là một vị trí được định vị nhằm miêu tả, xem xét, đánh giá các hành động, sự kiện trong tác phẩm. Bằng cách đó, nó giúp cho việc tiếp nhận và lĩnh hội nội dung tác phẩm được sâu sắc hơn, tinh tế hơn. Tầm quan trọng, vị trí và vai trò của điểm nhìn trong việc xây dựng cấu trúc tác phẩm và chi phối nội dung nghệ thuật của tác phẩm theo đó cũng dần được thể hiện rõ hơn.
Thu hút sự quan tâm của cả các nhà văn lẫn nhà nghiên cứu văn học, vấn đề điểm nhìn, theo Trần Đình Sử đã được nhà văn Anna Barbauld nêu ra trong tiểu thuyết từ đầu thế kỷ XIX. Henry James và F.Schlegel đã trình bày cụ thể hơn về vấn đề điểm nhìn ở cuối thế kỷ XIX. Sang thế kỷ XX, vấn đề điểm nhìn trong tiểu thuyết lại tiếp tục được quan tâm bởi K.Friedemann (1910), Percy Lubbock (1921) và E.M.Foster (1927). Trong chuyên khảo Điểm nhìn và ngôn ngữ trong truyện kể, Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng: “Tuy điểm nhìn có tầm quan trọng như vậy, nhưng phải đến thế kỷ XX mới được chú ý trong nghiên cứu Ngôn ngữ học và Văn học, bởi vì cảm nhận điểm nhìn trong giao tiếp không khó nhưng lý thuyết điểm nhìn thì hết sức trừu tượng và phức tạp” (Nguyễn Thị Thu Thủy, 2016). Một số công trình nghiên cứu về điểm nhìn có thể kể đến như: Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (1929) của M.Bakhtin, Cách
nhìn trong hư cấu (1955) của Norman Friedman, Distance et point de vue (Khoảng cách và điểm nhìn) (trong công trình tập thể Poétique durécit (Thi pháp truyện kể) (1961) của W.Booth, Cấu trúc văn bản nghệ thuật (1970) của Iu.M.Lotman, Thi pháp học cấu trúc (1973) của T.Todorov...Trên tiến trình của việc nghiên cứu điểm nhìn, vấn đề điểm nhìn dần trở thành một đối tượng nghiên cứu ở cấp độ lớn hơn trong các công trình: Các phương thức tu từ (1972) của G.Genette, The Random house handbook
(1987) của Frederik, A Dictionary of stylistics (1989) của K.Wales, The encyclopedia of language and linguistics (1994) do R.E.Asher chủ biên... Như vậy, có thể thấy rằng việc nghiên cứu điểm nhìn trên thế giới đã có một bề dày nhất định trong suốt quá trình từ hình thành đến phát triển vấn đề. Theo Nguyễn Thái Hòa, K.Wales cho rằng “điểm nhìn” là một trong số những thuật ngữ được tranh luận nhiều nhất trong nghiên cứu văn học và thi pháp học ở Âu Mĩ trong thế kỷ XX. Một loạt những cách hiểu và tên gọi khác nhau về điểm nhìn đã xuất hiện: ““phối cảnh” (perspective) hay “góc nhìn” (angle of vision) trong lí thuyết hội họa, điện ảnh, tương đương “aspect” (thể, diện) (T.Todorov (1988)), “tiêu điểm tự sự” (Brooks & Warren (1943)), “tiêu cự” (focalisation) (G.Genette (1972))” (Trần Đình Sử, 2017). Điểm nhìn, hẳn sẽ còn là vấn đề tiếp tục thu hút được sự quan tâm nghiên cứu từ nhiều nhà nghiên cứu văn học trong các giai đoạn sau.
Với những nghiên cứu của mình trong công trình Cấu trúc văn bản nghệ thuật
(1970), Iu.M.Lotman cho rằng: “Khái niệm “điểm nhìn” tương tự như khái niệm góc nhìn trong hội họa và điện ảnh” (Lotman, Iu. M., 2004). Theo Iu.M.Lotman, điểm nhìn hoạt động với tư cách như là một thành phần của cấu trúc nghệ thuật. Bởi lẽ người ta có thể nhận thấy được khả năng thay đổi của nó trong phạm vi trần thuật, hoặc minh chứng rõ ràng hơn là việc có thể tạo ra một văn bản khác từ một văn bản nào đó bằng một cách nhìn khác. Kể lại cùng một câu chuyện từ các vị trí khác nhau của các nhân vật khác nhau là một trường hợp như vậy. Chẳng hạn, đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” (trích trong tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố) hoàn toàn có thể được kể lại từ vị trí của chị Dậu, hoặc anh Dậu, hoặc tên cai lệ. Mỗi vị trí kể khác nhau, mặc nhiên lại tạo ra một văn bản khác nhau từ văn bản do nhà văn kể. Theo đó, một văn bản mới được tạo ra bởi sự phóng chiếu của một điểm nhìn mới vào văn bản cũ. Điều đó tạo ra
những mô tả, xem xét, đánh giá hoàn toàn mới về các hành động, sự kiện so với văn bản cũ. Nó cũng tương tự như việc ở những vị trí khác nhau, người ta sẽ thấy những khía cạnh khác nhau của cùng một sự vật. Iu.M.Lotman, bằng quan điểm đó, nhấn mạnh điểm nhìn với tư cách là mối quan hệ giữa chủ thể với khách thể, hay nói cách khác, giữa chủ thể nhận thức và khách thể được nhận thức. Điểm nhìn, từ đó cũng cho thấy sự tồn tại của các mối quan hệ mang khuynh hướng đánh giá. Iu.M.Lotman khẳng định:
Do chỗ mô hình nghệ thuật trong hình thức chung nhất của nó tái tạo hình ảnh thế giới theo một ý thức nhất định, tức là mô hình hóa quan hệ của cá nhân và thế giới (trường hợp cá biệt - quan hệ của cá nhân nhận thức và thế giới được nhận thức), cho nên sự định hướng sẽ mang tính chất chủ thể - khách thể” (Lotman, Iu. M., 2004).
Từ tính định hướng của cá nhân đối với thế giới được thể hiện trong việc hiện thực hóa điểm nhìn, Iu.M.Lotman cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của không gian nghệ thuật trong mối quan hệ với điểm nhìn. Bởi lẽ, trong Cấu trúc văn bản nghệ thuật
của Iu.M.Lotman, vấn đề Không gian nghệ thuật luôn có một vị thế đặc biệt quan trọng. Không chỉ liên quan đến Khung khổ, nhân vật, cốt truyện, mà nó còn được đặt trong mối quan hệ với Điểm nhìn. Không gian nghệ thuật là hình ảnh được mô hình hóa từ thế giới hiện thực, nói cách khác, nó là mô hình của đối tượng được thể hiện trong văn bản, là hình ảnh của thế giới được nhận thức thông qua cá nhân nhận thức. Do đó, Iu.M.Lotman cho rằng điểm nhìn có sự thể hiện mang tính không gian và gắn với không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Ông viết: “Cái nhìn hiện ra như sự định hướng của không gian nghệ thuật. Cùng một sơ đồ không gian: sự đối lập giữa không gian bên trong đóng kín (có giới hạn) với không gian bên ngoài, mở (vô hạn) có thể được diễn giải khác nhau tùy thuộc vào định hướng” (Lotman, Iu. M., 2004). Theo đó, Iu.M.Lotman nhấn mạnh tính định hướng của điểm nhìn được thể hiện trong không gian nghệ thuật. Điều đó có nghĩa là sự đối lập của không gian trên nguyên tắc đối lập nhị phân cũng đồng thời cho thấy một sự định hướng của điểm nhìn. Về điều này, Iu.M.Lotman chỉ đề cập đến tính định hướng được chứa trong điểm nhìn, còn việc diễn giải các giá trị không gian dựa trên nền tảng văn hóa, như chúng tôi đã trình bày khi
nói về Không gian nghệ thuật, còn phụ thuộc vào các mã văn hóa tổng quát và các mã cá nhân của người đọc. Iu.M.Lotman đưa ra một ví dụ: “Những kẻ được tuyển lựa, vui như tết như chúng ta, ít lắm” (Pushkin), ông nhận định câu nói trên đã kết hợp được điểm nhìn trần thuật với không gian bên trong (khép kín). Có thể thấy, điểm nhìn trần thuật thể hiện niềm vui của nhân vật về điều mà anh ta dang nói, vui như tết như chúng ta. Bên cạnh đó, không gian bên trong (khép kín) được khu biệt bằng số lượng ít lắm
của những người được tuyển lựa, nó đối lập với không gian bên ngoài (rộng mở) bởi số lượng những người không được tuyển lựa, rất nhiều. Có thể dẫn ra một trường hợp tương tự như vậy trong truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao: “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương” (Lão Hạc - Nam Cao). Trong trường hợp này, không gian được phân chia giữa ta (bên trong, khép kín) và những người ở quanh ta (bên ngoài, rộng mở). Sự kết hợp giữa điểm nhìn trần thuật với không gian bên trong đưa ra một định hướng về mặt nhận thức: ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi... toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn; không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương. Ấy là khi ta chưa cố tìm mà hiểu họ thì ta sẽ thấy như vậy. Tính định hướng còn bộc lộ ở chỗ nếu ta cố tìm mà hiểu họ, thì nhận thức của ta về những người ở quanh ta có thể khác đi, không như ta vẫn nghĩ, có thể ta sẽ thấy họ là những người đáng thương, và ta sẽ thương.
Đối với văn hóa, Iu.M.Lotman cho rằng mỗi mô hình văn hóa đều có sự định hướng nhất định trong thang bậc của các giá trị: chân thực - giả tạo, cao quý - thấp kém. Mô hình văn hóa được Iu.M.Lotman xem là hợp thể của những vấn đề triết học tổng quát với tính ý thức của nó. Không thể phủ nhận vai trò chi phối của các giá trị văn hóa đối với một hiện tượng, đối tượng nào đó tồn tại trong bối cảnh văn hóa. Tính định hướng đối với các giá trị văn hóa trong điểm nhìn sẽ xuất hiện nếu chúng ta hình dung “bức tranh thế giới” của một nền văn hóa cụ thể nào đó là một văn bản ở cấp độ trừu tượng. Điều này làm nảy sinh mối quan hệ giữa điểm nhìn mang các giá trị văn hóa và điểm nhìn trong các văn bản cụ thể khác, chẳng hạn văn bản văn học. Cấp cho văn bản sự định hướng nhất định về chủ thể của nó, quan hệ điểm nhìn - văn bản, theo
Iu.M.Lotman “luôn luôn là quan hệ người sáng tạo - sản phẩm sáng tạo. Đối với văn bản văn học thì đây là vấn đề vị thế của tác giả, của nhân vật trữ tình” (Lotman, Iu. M., 2004).
Một vấn đề khác nảy sinh từ mối quan hệ giữa tính định hướng của các giá trị văn hóa với văn bản văn học, đó chính là là sự tồn tại của tính chân thực hay giả tạo trong điểm nhìn của văn bản văn học. Iu.M.Lotman nói về điều này trước hết bằng việc dẫn ra phương thức tư duy thời trung cổ. Theo đó, một Đấng sáng tạo nào đó đã tạo ra mô hình thế giới phổ quát. Đấng sáng tạo ấy đồng thời cũng tạo ra những văn bản linh thiêng hoặc hình ảnh của thần thánh. Như vậy, sự thống nhất của điểm nhìn trong các văn bản linh thiêng với tính định hướng chung của văn hóa được quy tụ một cách đồng nhất vào Đấng sáng tạo. Nếu xem các văn bản tôn giáo là sự hiện thực hóa từ những văn bản linh thiêng như vậy thì lúc này con người chỉ được xem là kẻ sao phỏng, biên chép lại. Với vai trò đó, công lao của con người là ở chỗ có nhắc lại một cách trung thành các văn bản do Đấng sáng tạo tạo ra hay không, điều này liên quan mật thiết với tính chân thực trong điểm nhìn của văn bản văn học. Liệu tính chân thực có tác động như thế nào đối với vấn đề điểm nhìn trong cấu trúc văn bản văn học, chúng tôi sẽ phân tích về điều này trong phần kế tiếp.