Nhân vật trong mối quan hệ với không gian nghệ thuật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề mô hình văn bản văn học từ quan điểm của IU m lotman về cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trang 87 - 90)

Bên cạnh phương diện tính cách, phân loại nhân vật là một trong những phương diện quan trọng của vấn đề nhân vật. Các hướng nghiên cứu nhân vật cũng đưa ra một số phương thức phân loại nhân vật. Nhìn chung có thể kể đến một số phương thức sau:

về vai trò, có nhân vật chính, nhân vật phụ, nhân vật trung tâm; về tư tưởng, có nhân vật chính diện, nhân vật phản diện; về cấu trúc, có nhân vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng. Đối với Iu.M.Lotman, vấn đề phân loại nhân vật có mối liên hệ mật thiết với không gian nghệ thuật trong tác phẩm. Theo quan điểm của Iu.M.Lotman, nhân vật xét về bản chất gắn liền với không gian nghệ thuật mà nó thuộc về. Phân chia không gian thành hai trường ngữ nghĩa tách biệt theo phương thức đối lập nhị phân, Iu.M.Lotman cho rằng về nhân vật “luôn luôn có hai kiểu chức năng: chức năng phân loại (có tính chất bị động) và chức năng của kẻ hành động (có tính chất chủ động)” (Lotman, Iu. M., 2004). Theo đó, trong mối quan hệ với không gian nghệ thuật, Iu.M.Lotman phân chia nhân vật thành hai nhóm: nhân vật hành động nhân vật không hành động.

Nhân vật hành động không những có liên quan mật thiết đối với vấn đề không gian nghệ thuật mà còn đối với cốt truyện trong tác phẩm. Theo Iu.M.Lotman, đó là một trong ba yếu tố nhất thiết phải có của bất kỳ một cốt truyện nào đó. Trong bản chất của mình, nhân vật hành động xác lập mối liên hệ đối với các vấn đề không gian, ranh giới. Iu.M.Lotman xác định nhân vật hành động là nhân vật có khả năng từ không gian (trường ngữ nghĩa) này, vượt qua ranh giới để đi vào không gian (trường ngữ nghĩa) đối lập. Ranh giới phân chia không gian nghệ thuật (các trường ngữ nghĩa) là

thứ “không thể đi qua được trong những điều kiện thông thường, nhưng ở một trường hợp cụ thể (văn bản cốt truyện luôn nói về trường hợp cụ thể) nhân vật - hành động có thể đi qua được” (Lotman, Iu. M., 2004). Do đó, việc nhân vật có vượt qua được ranh giới phân chia không gian hay không quy định việc nó có phải là nhân vật hành động hay không. Theo Iu.M.Lotman, về ý nghĩa cấu trúc, ranh giới đảm nhận chức năng vật cản, làm cho việc vượt từ trường ngữ nghĩa này sang trường ngữ nghĩa khác trở nên khó khăn. Trong mối quan hệ giữa nhân vật hành động và ranh giới, nhân vật hành động thể hiện như là kẻ khắc phục ranh giới, còn đối với nhân vật hành động, ranh giới tồn tại như một vật cản. Sau khi đã đi vào trường ngữ nghĩa đối lập bằng việc vượt qua ranh giới, để cho câu chuyện ngừng lại, nhân vật hành động cần phải hòa nhập vào không gian đó, nói theo cách của Iu.M.Lotman: “biến từ nhân vật hành động thành nhân vật không hành động” (Lotman, Iu. M., 2004).

Iu.M.Lotman cho rằng: “Kẻ hành động thậm chí có thể không thực hiện hành động... Nhưng tính chất các quan hệ tương hỗ của chúng với môi trường xung quanh chứng minh rằng đấy là những kẻ hành động nhưng không hành động” (Lotman, Iu. M., 2004). Iu.M.Lotman đưa ra dẫn chứng về những hiện tượng mà theo ông, chúng không tương đồng về cấu trúc nhưng giống nhau trong việc không thực hiện hành động: kẻ giết người đã không giết người và kẻ hẹp hòi không gây án mạng. Có thể hiểu nhận định trên của Iu.M.Lotman theo hướng: các quan hệ giữa nhân vật với môi trường xung quanh tạo điều kiện cho chúng ta nhận biết nhân vật đó là kẻ hẹp hòi. Một kẻ hẹp hòi được xác định về mặt tính cách, không có khả năng giết người (theo dẫn chứng mà Lotman đưa ra). Hắn ta chỉ đơn giản là một người có tính cách không rộng lượng, xét nét, ích kỷ. Do đó việc hắn ta không gây án mạng là điều bình thường. Điều đó khác với việc một kẻ về mặt bản chất là kẻ giết người nhưng lại không gây ra án mạng. Việc kẻ giết người mà không giết ai lại trở thành bất bình thường. Nếu xem việc gây ra án mạng là một hành động thì kẻ giết người, về bản chất là nhân vật hành động, đã không thực hiện hành động.

Theo chúng tôi, ý kiến trên của Iu.M.Lotman về việc “Kẻ hành động thậm chí có thể không thực hiện hành động” hẳn là tồn tại vài điểm thiếu thuyết phục.

Thứ nhất, điều này dường như trở nên mâu thuẫn với những gì được đưa ra nhằm tạo cơ sở cho việc xác định nhân vật hành động. Như chúng tôi đã trình bày, nhân vật

hành động được nhận diện thông qua hành động vượt qua ranh giới để đi vào không gian đối lập. Nếu nhân vật không thực hiện hành động ấy thì chưa thể khẳng định đó là nhân vật hành động. Khi xem việc gây ra án mạng là một hành động, nếu nhân vật chưa giết người thì rõ ràng hành động chưa được hiện thực hóa. Do đó, nhân vật hành động chưa lộ diện dù về mặt định danh, nhân vật có bị gán cho là kẻ giết người hay kẻ hẹp hòi.

Thứ hai, việc định danh kẻ hẹp hòi hay kẻ giết người mặc nhiên không liên quan đến hành động của nhân vật, ít nhất là từ sau thời điểm nhân vật đã được định danh. Bởi lẽ, một mặt, việc định danh có thể được xem như một cách giới thiệu nhân vật hoặc thể hiện cái nhìn của tác giả hay nhân vật khác đối với nhân vật đang được nói đến. Mặt khác, khả năng mà một kẻ hẹp hòi gây ra án mạng là hoàn toàn có thể. Và vào thời điểm mà một kẻ hẹp hòi gây ra án mạng, hắn sẽ trở thành kẻ giết người. Có thể đưa ra giả thiết rằng kẻ giết người được biết đến bởi vì hắn ta đã từng gây ra án mạng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là hắn sẽ tiếp tục giết một ai đó. Có thể chúng ta sẽ lưu tâm đến trường hợp của cốt truyện về một tên giết người hàng loạt. Trong trường hợp này, hắn sẽ có thể tiếp tục gây ra án mạng. Tuy nhiên, nếu hắn không tiếp tục gây ra án mạng, mà chủ động ngừng lại thì việc ngừng lại này hoàn toàn có thể được xem là một hành động: hành động ngừng giết người. Nhân vật hành động đã thực hiện hành động, và hành động lần này khác với hành động lần trước. Kẻ giết người được xem là nhân vật hành động không phải bằng việc không thực hiện hành động giết người, mà bằng việc thực hiện hành động không giết người, hắn bước ra khỏi thế giới của tội ác và trở thành kẻ hoàn lương.

Việc xác định nhân vật hành động hay không hành động phụ thuộc vào việc nhân vật có vượt qua ranh giới hay không. Theo đó, hành động ở đây được hiểu là hành động vượt qua ranh giới. Nếu nhân vật hành động có tính chất chủ động, thể hiện ở việc khắc phục trở lực của ranh giới để bước qua không gian đối lập thì nhân vật không hành động có thể xem là mang tính chất bị động. Nó bị cột chặt trong phạm vi không gian mà nó thuộc về và không có khả năng tách khỏi không gian đó. Nhân vật không hành động “ở trong hệ phân loại và bản thân cũng xác lập hệ phân loại đó. Đối với nó khả năng vượt qua ranh giới đã bị loại trừ” (Lotman, Iu. M., 2004). Điều đó có nghĩa là nhân vật không hành động chỉ hoạt động ở một trong hai phạm vi không gian

đối lập đã được phân chia về mặt ngữ nghĩa. Có thể khẳng định, nhân vật không hành động chỉ thuộc về một không gian nhất định và được quy định bởi chính không gian đó.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề mô hình văn bản văn học từ quan điểm của IU m lotman về cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trang 87 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(188 trang)