Trước hết, thuật ngữ cấu hình được đặt trong sự phân biệt với cấu tạo. Nếu cấu tạo chỉ việc tạo thành một đối tượng bằng cách kết hợp nhiều bộ phận lại với nhau thì khái niệm cấu hình mang một nội hàm rộng hơn. Ngoài việc đề cập đến các yếu tố cấu tạo của đối tượng, cấu hình còn hướng đến giá trị chức năng của chúng trong mối liên hệ với vai trò thực hiện một chức năng nào đó được định trước. Cấu hình là một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số. Trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ kỹ thuật số, người ta chú trọng đến yếu tố cấu hình hơn là cấu tạo của chúng. Để nói rõ hơn về điều này, chúng tôi xin đưa ra một ví dụ.
Vấn đề sẽ được làm rõ hơn khi chúng ta đề cập đến hai phương diện cấu tạo và
cấu hình, chẳng hạn của một chiếc điện thoại thông minh (smartphone). Một chiếc điện thoại thông minh có cấu tạo gồm: màn hình, camera, bộ nhớ trong (Rom - Read- only Memory), bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (Ram - Random Access Memory). Nhưng khi đề cập đến cấu hình của chính chiếc điện thoại thông minh ấy, chúng ta sẽ có một câu trả lời khác: màn hình HD (High Definition), camera 16Mp (Megapixel), Rom 32GB (Gigabyte), Rom 2GB. Các yếu tố cấu hình của một chiếc điện thoại thông minh ngoài việc cho thấy nó được cấu tạo ra sao còn thể hiện giá trị chức năng của các yếu tố ấy và của chính chiếc điện thoại. Người dùng thực tế không chọn mua một chiếc điện thoại thông minh khi chỉ dựa trên cấu tạo, thứ mà họ quan tâm chính là cấu hình. Bởi cấu hình cho thấy các giá trị chức năng trong việc họ sử dụng chiếc điện thoại ấy một cách hợp lý.
Trong sự liên hệ với lĩnh vực văn học, nếu cấu tạo thiên về yếu tố “hình thức”, thì cấu hình, ngoài hình thức còn đề cập đến giá trị “nội dung”. Theo đó, cấu hình
không phải là một tập hợp các yếu tố riêng lẻ chỉ các bộ phận cấu thành của đối tượng. Các yếu tố ấy, thêm nữa còn được đặt trong một mối liên hệ về mặt chức năng trong Mô hình văn bản văn học. Vậy đâu là các yếu tố cấu hình của Mô hình văn bản văn
học? Trong công trình Cấu trúc văn bản nghệ thuật, khi trình bày chương 8 - Kết cấu tác phẩm nghệ thuật ngôn từ (The composition of the Verbal Work of Art) - Iu.M.Lotman đã đưa ra một số yếu tố kết cấu với tư cách như là những nhân tố cấu trúc phổ quát góp phần hình thành nên cấu trúc tác phẩm: Khung khổ, Không gian nghệ thuật, Nhân vật, Cốt truyện, Điểm nhìn. Đồng thời, đây cũng là những nhân tố căn bản mà chúng tôi vận dụng cho việc xây dựng Mô hình văn bản văn học. Giữa các yếu tố này tồn tại những mối quan hệ tương tác mật thiết hoạt động ở bề sâu tác phẩm. Trong đó, chúng tôi phân loại: Khung khổ, Không gian nghệ thuật, Nhân vật là ba yếu tố đặc trưng về mặt cấu hình cho Mô hình văn bản văn học.
Thứ nhất, khung khổ của văn bản văn học“được tạo thành từ hai yếu tố: mở đầu và kết thúc” (Lotman, Iu. M., 2004). Khung khổ được xem là ranh giới phân biệt văn bản với cái ngoài văn bản trong tính toàn vẹn của văn bản. Theo Iu.M.Lotman, khung khổ là phạm vi hoạt động của một trường ngữ nghĩa nhất định. Tác phẩm văn học theo cách đó là một mô hình hữu hạn của thế giới vô hạn được đặt trong phạm vi mở đầu - kết thúc của khung khổ. Iu.M.Lotman khi bàn về vai trò mô hình hóa của các khái niệm “mở đầu” và “kết thúc” trong văn bản nghệ thuật cũng nhấn mạnh:
Chức năng của tác phẩm nghệ thuật với tư cách là một mô hình hữu hạn của “văn bản lời nói” về những sự kiện hiện thực từ trong bản chất là vô hạn sẽ biến yếu tố phân giới, hữu hạn thành điều kiện tất yếu của mọi văn bản nghệ thuật trong hình thức khởi thủy của nó - các khái niệm mở đầu và kết thúc của văn bản (văn bản trần thuật, âm nhạc…), khung trong hội họa, hàng đèn trước sân khấu trong nhà hát là những hình thức như vậy (Lotman, Iu. M., 2016).
Khung khổ, theo cách đó, thể hiện rõ tính chất mô hình hóa vả bản chất mô hình của văn bản tự sự với quy mô nằm trong sự giới hạn của hai điểm cốt yếu - mở đầu và kết thúc. Về điều này, Lê Thời Tân (2012) cũng nhận định: “Mỗi một văn bản tự sự chính là một mô hình hữu hạn được tạo nên từ một thế giới vô hạn. Trong mô hình đó, phần mở đầu cũng như phần kết thúc, xét về mặt công năng mô hình hoá văn bản là tương tự như khung của bức tranh hay đường viền sân khấu kịch diễn”. Khung khổ có mối liên hệ mật thiết với không gian nghệ thuật trong tác phẩm, có thể xem khung khổ là phạm vi chứa đựng không gian nghệ thuật.
Thứ hai, về không gian nghệ thuật, Iu.M.Lotman (2004) cho rằng “việc chú ý đến vấn đề không gian nghệ thuật là hệ quả của những quan niệm coi tác phẩm như một không gian hình ảnh được khu biệt, phản ánh trong cái hữu hạn của mình một đối tượng vô hạn là thế giới ngoài tác phẩm”. Iu.M.Lotman xem thao tác đối lập nhị nguyên như là một phương thức căn bản cho việc xây dựng mô hình không gian nghệ thuật. Bằng cách đó, có thể mô hình hóa về mặt không gian đối với các đối tượng mà bản chất của chúng không có tính không gian. Iu.M.Lotman đưa ra ví dụ:
Các khái niệm “cao - thấp”, “phải - trái”, “gần - xa”, “mở - đóng”, “tách biệt - nối kết”, “đứt quãng - liên tục”, là chất liệu để xây dựng những mô hình văn hóa mang nội dung hoàn toàn không có tính không gian và thu nhận các ý nghĩa như “có giá trị - vô giá trị”, “tốt - xấu”, “của mình - của người khác”, “dễ gần - khó chan hòa”, “cái chết - sự bất tử” (Lotman, Iu. M., 2004).
Như vậy, mô hình không gian trở thành nền tảng để tạo dựng mô hình tư tưởng: chẳng hạn cao = rộng rãi, thấp = chật hẹp; hoặc cao = tính tinh thần, thấp = tính vật chất. Iu.M.Lotman đưa ra phương thức mô hình hóa không gian theo hai chiều: chiều đọc (trên - dưới), và chiều ngang (đóng - mở). Trong phương thức mô hình hóa không gian theo chiều ngang (đóng - mở) vấn đề quan trọng khác mà ông đưa ra chính là dấu hiệu của ranh giới. Ranh giới, theo Iu.M.Lotman, chia không gian nghệ thuật thành hai bộ phận không giao nhau. Sự ghép nối các không gian đối lập theo chiều ngang bằng ranh giới cho phép nhân vật hoạt động với tư cách là nhân tố thiết yếu của Mô hình văn bản văn học. Một cách hình tượng, có thể xem nhân vật chính là cái công tắc quyết định mô hình có hoạt động hay không.
Thứ ba, nhân vật, xét về bản chất, gắn liền với không gian mà nó thuộc về. Phân chia không gian thành hai trường ngữ nghĩa tách biệt theo phương thức đối lập nhị phân, Iu.M.Lotman cho rằng về nhân vật “luôn luôn có hai kiểu chức năng: chức năng phân loại (có tính chất bị động) và chức năng của kẻ hành động (có tính chất chủ động)” (Lotman, Iu. M., 2004). Theo đó, có thể phân ra hai nhóm nhân vật: nhân vật hành động và nhân vật không hành động. Nhân vật hành động là nhân vật có khả năng từ không gian (trường ngữ nghĩa) này, vượt qua ranh giới để đi vào không gian (trường ngữ nghĩa) đối lập. Ranh giới phân chia không gian nghệ thuật (các trường ngữ nghĩa)
là thứ “không thể đi qua được trong những điều kiện thông thường, nhưng ở một trường hợp cụ thể (văn bản cốt truyện luôn nói về trường hợp cụ thể) nhân vật - hành động có thể đi qua được” (Lotman, Iu. M., 2004). Theo Iu.M.Lotman, về ý nghĩa cấu trúc, ranh giới đảm nhận chức năng vật cản, làm cho việc vượt từ trường ngữ nghĩa này sang trường ngữ nghĩa khác trở nên khó khăn. Nếu nhân vật hành động có tính chất chủ động thì nhân vật không hành động có tính chất bị động. Nhân vật không hành động “ở trong hệ phân loại và bản thân cũng xác lập hệ phân loại đó. Đối với nó khả năng vượt qua ranh giới đã bị loại trừ” (Lotman, Iu. M., 2004). Có thể khẳng định, nhân vật không hành động chỉ thuộc về một không gian (trường ngữ nghĩa) nhất định và được quy định bởi không gian (trường ngữ nghĩa) đó. Bằng việc vượt qua ranh giới giữa các không gian (trường ngữ nghĩa) đối lập, nhân vật hành động tạo ra một biến cố, từ đó hình thành cốt truyện: “trong văn bản, biến cố là sự di chuyển của nhân vật qua ranh giới của trường ngữ nghĩa” (Lotman, Iu. M., 2004). Như vậy, vấn đề nhân vật có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng cốt truyện của văn bản. Bởi nó là nhân tố chính yếu trong việc tạo ra sự đối lập giữa văn bản có cốt truyện và văn bản không có cốt truyện. Về vấn đề cốt truyện, chúng tôi nhìn nhận đó như một yếu tố tính chất trong Mô hình văn bản văn học và sẽ có những luận giải cụ thể hơn khi phân tích phương diện tính chất của Mô hình văn bản văn học.
Khác với các lĩnh vực khác, Mô hình văn bản trong văn học là một đối tượng thuần túy trừu tượng, tuy nhiên, nó cũng cần được định hình như một khách thể vật chất khi chúng ta đã nhìn nhận nó như một mạng nền tảng ở bề sâu tác phẩm, một cấu trúc tồn tại bên dưới lớp ngôn ngữ tự nhiên của văn bản. Việc sử dụng thuật ngữ
cấu hình, theo chúng tôi, không hoàn toàn làm mất đi “tính vật chất” của Mô hình văn bản văn học (dù nó chỉ tồn tại trong nhận thức), mà đồng thời còn tạo tiền đề cho việc làm rõ vấn đề chức năng của các yếu tố cấu thành mô hình. Bởi khung khổ, không gian nghệ thuật, nhân vật là ba thành tố quan trọng để xây dựng nên cốt truyện dưới góc nhìn của Iu.M.Lotman. Nếu khung khổ, không giannghệ thuật, nhân vật hiện diện một cách rõ ràng trong văn bản thì cốt truyện, điểm nhìn lại ở một cấp độ trừu tượng cao hơn, khó phát hiện hơn. Thêm nữa, nếu cốt truyện được tạo thành như một hệ quả về mặt chức năng trong sự tương tác có hệ thống của khung khổ, không giannghệ thuật,
nhân vật thì điểm nhìn là nhân tố quan trọng chi phối đến vai trò của ba yếu tố ấy. Trên cơ sở đó, chúng tôi nhìn nhận cốt truyện và điểm nhìn như là các yếu tố tính chất của Mô hình văn bản văn học dựa trên nền tảng của ba yếu tố cấu hình đã xác định.