Trả đũa và cảnh báo nghiêm minh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 50 - 53)

Thiên nhiên đáng ngưỡng mộ không chỉ bởi tấm lòng bao bao dung, độ lượng mà còn bởi bởi thiên nhiên rất công tâm, nghiêm khắc, luôn cảnh báo và trả đũa nghiêm minh.

Thiên nhiên trả đũa bằng sự biến mất của chính mình. Sự biến mất của tê giác trên rừng Trường Sơn trong truyện của Vũ Hùng là một minh chứng. Chúng bị những kẻ săn lùng dùng súng hỏa mai hoặc những mũi lao tẩm thuốc độc và những mưu mô độc địa giết chết để chiếm đoạt chiếc sừng quý giá. Những huyền thoại ẩn giấu sau những tác dụng của sừng tê (cũng như ngà voi, trầm hương) khiến cho tự nhiên bị tàn phá không hề thương tiếc. Không chỉ tê giác, heo vòi - một loài thú có hình dáng kì lạ, cũng đã hoàn toàn biến mất trên dãy Trường Sơn, hình ảnh của nó chỉ còn nằm trong hoài niệm của những người thợ săn già hay trên những trang sách báo.

Đòn trả đũa “bằng cách biến mất” của thiên nhiên cũng đồng thời là một cảnh báo nghiêm khắc, rõ ràng: bằng việc làm của mình, con người đang “ăn cướp” của tạo hóa những sinh linh, mà tạo hóa thì vô cùng sáng suốt, không tạo ra loài nào mà không có lý do, mỗi loài đều có những giá trị ẩn sâu bên trong và không thể thay thế. Rõ ràng, bằng cách biến mất, thiên nhiên đang lên tiếng cảnh báo con người - những sinh thể tự cho mình thái độ làm chủ trái đất nhưng lại là một chủ nhân thiếu trách

nhiệm, độc đoán và tham lam, khiến cho thiên nhiên ngày càng kiệt quệ- về sự tồn vong của Mẹ Trái Đất và của chính loài người nếu không thay đổi thái độ ứng xử với

thiên nhiên. Đừng để chỉ khi nào con chim cuối cùng ngừng hót - con cá cuối cùng

ngừng bơi - dòng sông cuối cùng khô cạn, - con người mới hiểu được rằng tiền bạc

không phải là thứ trên hết.

Trong nhiều sáng tác của Vũ Hùng, thiên nhiên còn trả đũa bằng sự “lưu vong” của chính mình. Phải chăng đây cũng là cách loài vật cảnh báo về vấn nạn ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn tài nguyên trước sự đối xử bất công, những tham vọng ngông cuồng của con người. Hình ảnh bầy voi đau khổ từ giã khu rừng thân quen bị nhiễm độc lang thang khắp đại ngàn tìm chốn nương thân rồi phiêu bạt

sang những cánh rừng phía Tây Trường Sơn trong truyện Con voi xa đàn, hình ảnh

lũ chim sợ bom đạn chiến tranh không trở về chốn cũ trong truyện Chim mùa, Vườn

chim, đàn cá voi bỏ vùng biển quê hương di cư đến vùng biển khác vì bị săn bắt

trong Biển bạc là tiếng kêu đầy đau xót và ám ảnh của của loài vật về thực trạng mất

nơi sinh sống. Những cuộc chiến tranh mà con người gây ra, vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt, lòng tham khôn cùng của con người là nguyên nhân của việc loài vật bị tước đoạt không gian sống trong những trang viết của nhà văn. Trang văn của ông khơi gợi sự đồng cảm, sẻ chia của bạn đọc với nỗi đau của thiên nhiên, thú vật – những người bạn của thế giới loài người.

Những trang viết của Vũ Hùng phải chăng cũng là những lời phản tư thuyết nhân loại trung tâm cho rằng con người là sinh vật làm chủ trái đất, nó khiến con người ứng xử với thiên nhiên, định đoạt sinh mệnh của thiên nhiên trong tư thế của kẻ làm chủ độc quyền, độc đoán, thậm chí độc ác và đầy tham vọng. Mặt khác, khoa học kĩ thuật, các công cụ làm nên sự tiến bộ, đã cho thấy một điều rất đáng báo động rằng chính chúng cũng có thể dễ dàng trở thành công cụ hủy diệt. Vũ Hùng kín đáo nhưng thẳng thắn chỉ ra rằng con người là hung thủ và cũng chính là nạn nhân của chính mình, một khi nền văn minh trở nên tha hóa và khoa học kĩ thuật thay vì phục vụ cho những mục tiêu nhân văn, khai phóng lại bị biến thành những thứ vũ khí đáng sợ hay công cụ tàn phá môi trường khủng khiếp. Như thế, sự quay lưng của loài vật với vùng đất thân quen cũng đồng thời là những cảnh báo sâu xa: bằng lòng tham và

những thứ vũ khí tối tân, con người đang hủy hoại không gian sống, thậm chí là hủy hoại cuộc sống của muôn loài và của chính mình; bởi, nếu con người không tạo cho loài vật một môi trường sống thuận lợi, một không gian sống thích hợp, yên ổn, chúng sẽ từ bỏ con người, từ bỏ chốn cũ mà ra đi, kéo theo nhiều hệ lụy. Để những cảnh báo của thiên nhiên không trở nên vô nghĩa, hãy đến với thiên nhiên bằng một tình yêu thật sự, đúng cách. Đối chiếu với thực tế nước ta, càng ngày càng có nhiều loài thực vật, động vật được đưa vào sách đỏ, nhiều loài từ bỏ vùng đất thân quen, thậm chí biến mất vì không còn nơi thích hợp để sống hay bị săn giết; năm 2010 con tê giác cuối cùng ở Việt Nam đã bị tiêu diệt, voi Tây Nguyên không có rừng để sống về tàn phá những cánh đồng, sếu đầu đỏ bỏ miền tây Nam Bộ,… sẽ thấy hết giá trị của những lời cảnh báo.

Công tâm và chính trực, thiên nhiên trong truyện của Vũ Hùng còn sáng suốt cảnh báo bằng sự dữ dội của chính mình. Đá lở, bão rừng, bão tuyết, sấm sét, đầm lầy… cảnh báo cho con người về sức mạnh bí ẩn và vĩ đại của thiên nhiên. Hình ảnh

Đầm Đen nuốt chửng cả đội lính Pháp trong tác phẩm Người quản tượng và con voi

chiến sĩ không chỉ là khúc ca bi tráng về sự hy sinh dũng cảm của con người để bảo

vệ làng bản, núi rừng mà còn là biểu tượng về sự trừng phạt của thiên nhiên với những kẻ phá hoại sự bình yên của ngàn già. Ông già Rem không một tấc sắc trong tay đã khôn khéo dựa vào sức mạnh của Đầm Đen để tiêu diệt kẻ thù. Đầm Đen đã sử dụng cái sức mạnh huyền bí, mạnh mẽ ấy mà chiến đấu. Bằng những trang viết của mình, Vũ Hùng cũng khẳng định với bạn đọc về sức mạnh vô biên của thiên

nhiên: “Không gì dữ dội hơn một cơn bão rừng. Chớp loé trên trời. Sấm rền vang.

Sét đánh vào những tảng đá khiến chúng lăn xuống ầm ầm. Rồi mưa đổ như trút (Vũ

Hùng, 2015j); hay “Chẳng gì kinh hoàng bằng những đêm dông bão ở ngoài đảo.

Trời tối đen, chốc lát lại bị xé tung vì những ánh chớp. Những đợt sóng cao ngất đổ rầm xuống những tảng đá trơ trụi… Gió thốc từng cơn... Hòn đảo cô đơn như lung

lay và sắp sửa bị nhấn chìm dưới đáy đại dương” (Vũ Hùng, 2017b). Thiên nhiên ẩn

dấu một sức mạnh tiềm tàng, vĩ đại. Thiên nhiên mạnh mẽ và bền vững hơn những thế lực muốn chinh phục nó. Thế nên, con người cần phải chọn một thái độ ứng xử cho phù hợp.

Bằng những trang viết của mình, Vũ Hùng khiến chúng ta nhận ra và ý thức sâu sắc một “tín điều”: những gì thiên nhiên ban tặng cho con người xuất phát từ lòng khoan dung của từ mẫu chứ không phải từ sự thất thế của kẻ bị khuất phục. Con người đừng lạm dụng sự khoan dung ấy. Nói cách khác, Vũ Hùng đã thức tỉnh con người về địa vị thật sự của chính mình, từ đó mà biết lễ độ với thiên nhiên, biết xem xét lại hành vi ứng xử của mình để điều chỉnh, thích ứng, kiến tạo lại cuộc sống của giống loài cho phù hợp. Bởi chắc chắn con người không thể bắt tự nhiên cúi đầu như từng nghĩ.

Vũ Hùng và những câu chuyện kì diệu về rừng già, vườn chim, thảo nguyên, biển cả của ông đã đánh thức những rung động đẹp trong tâm hồn người đọc khi đến với một vùng thiên nhiên lộng lẫy, góp phần vào việc vun đắp cho sự tinh tế, nhân văn của tâm hồn con người. Thiên nhiên kiến tạo cuộc sống, hỗ trợ đời sống, là một trong những món quà tốt nhất cho nhân loại. Thế nhưng, thiên nhiên cũng là những sinh thể có cuộc sống, có quy luật vận hành riêng. Vậy nên, thiên nhiên, đối với Vũ Hùng không phải là một chuỗi dài chinh phục mà là sự gắn bó, hài hòa, là niềm yêu thương, trân trọng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 50 - 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)