Điểm nhìn văn chương hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 103 - 108)

Nói đến văn chương là nói đến cái hay, cái đẹp, là nói đến giá trị của đời sống tinh thần. Vì thế, yêu cầu đối với văn chương chính là tính nghệ thuật, bởi chỉ có nghệ thuật mới có thể đáp ứng một cách hiệu quả nhất yêu cầu về mặt tinh thần của

con người. Chính điểm nhìn văn chương đã giúp Vũ Hùng phát hiện và miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên đại ngàn, muông thú bằng những rung động thẩm mĩ sâu xa.

Dưới điểm nhìn văn chương hóa, thiên nhiên trong trang viết của Vũ Hùng

đẹp một cách tráng lệ, hùng vĩ, nên thơ, kì bí. Dùng mắt nhìn thi sĩ để ngắm cảnh, lấy sắc màu hội họa để vẽ tranh, dùng tất cả các giác quan của người nghệ sĩ để cảm nhận, ông đã tạo nên một thế giới tự nhiên hoang sơ mà tuyệt vời kì thú trong trang sách của mình. Văn phong của ông điềm tĩnh, mẫu mực, không phá cách nhưng lại đầy ắp những bất ngờ và gợi được những rung động tự nhiên của tâm hồn. Đó là những trải nghiệm vừa dữ dội vừa êm đềm: sự xúc động trước vẻ đẹp đại ngàn trong một buổi bình minh bên bìa rừng, sự thích thú xen lẫn hồi hộp trước âm thanh rừng đêm bí ẩn, những lay động tinh tế trước những đổi thay của vùng thảo nguyên xa xôi, nơi sự sống cựa quậy từ mùa mênh mông tuyết trắng đến lúc mặt đất rắc đầy cỏ hoa và con người cảm nhận được nhịp di chuyển của đàn gia súc.

Từ điểm nhìn văn chương, thế giới động vật hoang dã phong phú, đa dạng với những tập tính, sinh hoạt riêng, luôn gắn bó với ngàn già và gần gũi thân thiện với con người đều được miêu tả không chỉ bằng những hiểu biết, trải nghiệm của nhà văn mà còn bằng những cảm xúc thi vị. Những trang viết của Vũ Hùng ngồn ngộn vốn sống như của một nhà khoa học nhưng sinh động, hấp dẫn đúng kiểu văn chương. Dưới cái nhìn của ông, những con thú không đơn thuần là những con thú, chúng hành động không phải chỉ do bản năng hoặc do những "phản xạ có điều kiện" mà nhiều khi còn do những gì bí ẩn hơn thể thôi thúc. Chúng cũng biết vui buồn, có tình bạn, tình yêu, tình mẫu tử cao đẹp. Chúng trọng tình, trọng nghĩa, thủy chung gắn bó với người. Vũ Hùng đã xây dựng được những “biểu tượng” đẹp về tình mẫu tử, tình bạn, tình đồng loại của muông thú giữa đại ngàn.

Viết về tập tính bảo vệ con non để duy trì nòi giống, lý giải vì sao nhiều con voi cái trong bầy Đen có cái đuôi bị cụt, Vũ Hùng tạo nên câu chuyện về chứng chỉ

tình mẹ (Bầy voi đen). Nhà văn cũng khiến chúng ta xúc động và thán phục những bà

mẹ chim ban đêm ợ mồi ra mớm cho lũ chim non đói bụng (Vườn chim), những ông

bố, bà mẹ chim liều mình với diều hâu để bảo vệ bầy con yêu dấu (Phượng hoàng

đau. Còn tình bạn rất có thể là một thái độ sống bền vững, khôn ngoan để có được sự cân bằng trong thế giới. Thông điệp ấy được tác giả truyền tải đầy thuyết phục qua

lời kể gần xa. Chú ngựa Antai quan sát thấy “bác lạc đà mẹ bất hạnh kêu những

tiếng rền rĩ. Loài lạc đà yêu con đến chừng nào! Có những bác lạc đà mẹ mất con thổn thức suốt mùa đông. Họ không chịu ăn uống đến nỗi bướu mỡ xẹp xuống, thân

hình gầy rạc, chỉ còn da bọc xương” (Chú ngựa đồng cỏ). Việc lắng nghe mẹ giúp cô

chó Krachiê hiểu rằng, “gừ gừ” là tiếng ru, còn những cái “táp” của chó mẹ là những chiếc hôn; là lúc chó mẹ dạy con cư xử, dạy con biết giữ vệ sinh, dạy cả cách biểu lộ

tâm tình bằng đôi mắt, bằng cái đuôi (Những kẻ lưu lạc). Còn tình bạn, độc giả sẽ

không quên những tình bạn đẹp giữa những con thú cùng loài, khác loài, và cả với con người được miêu tả trong những câu chuyện của Vũ Hùng. Chúng đánh thức góc hiền hậu, dịu dàng, chia sẻ và hi sinh trong mỗi con người. Người ta sẽ nhớ tình bạn

giữa con voi Lôm-Luông và Đik trong Người quản tượng và con voi chiến sĩ. Tình

bạn ấy thân thiết đến mức vắng Đik, con vật “bỏ ăn, đứng yên, không chịu đụng vòi

đến đống cỏ mật cứ chất cao lên mãi, thỉnh thoảng lại rền rỉ” (Vũ Hùng, 2015h).

Còn Đik, khi trở về, thấy một quản tượng khác gây vết thương sau tai để bắt Lôm-

Luông tuân phục, cho dù vết thương đã lành, “con voi của anh không đau nữa nhưng

nước mắt anh vẫn ứa ra chứa chan” (Vũ Hùng, 2015h). Người đọc mỉm cười trìu

mến khi đọc những trang viết về tình bạn giữa anh bộ đội và con culi bé bỏng nhút

nhát, người bạn “có ích mà không lớn tiếng, nhiều lời” trong Con culi của tôi. Rồi

tình bạn giữa Lim và Bê, giữa Bê và người quản tượng, giữa Bê và chú khỉ Tiên

trong Con voi xa đàn; tình bạn giữa Nai Bông và Hươu Sao trong Sao Sao, tình bạn

giữa bầy voi nhà và lũ trẻ người Lào làng Vông Xay, tình bạn giữa nhà văn và chú

voi con Bạc Nọi cùng cả bầy voi (Sống giữa bầy voi), giữa nhà văn và rừng già... tất

cả đều được Vũ Hùng miêu tả bằng sự tâm đắc của mình.

Đây là một đoạn văn viết về bản năng duy trì giống loài của loài voi “một đàn

voi không đánh nhau với một đàn voi” trong truyện Con voi xa đàn. Chúng ta cùng

đọc và sẽ hiểu điểm nhìn văn chương đã giúp Vũ Hùng sáng tạo những trang văn gây ấn tượng như thế nào. Một tập tính sinh tồn đã được ông biến chuyển thành một câu chuyện mà ở đó những con voi hiện lên với những phẩm chất, cách cư xử tuyệt vời:

…Hàng voi ngà bên kia cuôn chặt vòi lại, sẵn sàng bật tung ra…Bên phía chúng tôi, voi Đầu Trận cũng rống lên một hồi hùng dũng. Các voi đực thở phì phì, chĩa ngà lên để chờ đón đợt xung phong của hàng trận bên kia.

Tình hình vụt trở nên căng thẳng. Chiến tranh và hòa bình chỉ cách nhau gang tấc.

Nhưng voi già đã quay lại phái bầy mình:

- Đất của bầy nào bầy ấy ở, đó là lẽ phải. Nhưng cưu mang những kẻ khốn khó cũng là một bổn phận cần phải làm. Tất cả hãy buông vòi xuống, ta ra lệnh như thế.

Bên phía chúng tôi, Đầu Đàn cũng quay lại, ra lệnh: -Tất cả hãy buông vòi xuống!

Hai Đầu Đàn tiến lại gần nhau. Họ vươn vòi lên và ngả vòi vào đầu nhau. Đó là dấu hiệu để tỏ tình thân.

Thế là cuộc chạm trán đã được giải quyết ổn thỏa. Trong rừng không mấy khi xẩy ra những cuộc chiến tranh giữa các bầy thú cùng loài. Nếu dùng sức mạnh để tiêu diệt lẫn nhau thì các bầy đàn sẽ không còn sức lực chống chọi với loài khác để bảo tồn dòng giống. Đó là quy luật sinh tồn. Có điều gì xung đột thì chỉ cần các

Đầu Đàn giải quyết với nhau là mọi việc đều xong” (Vũ Hùng, 2015c).

Điểm nhìn khách quan đã giúp chúng ta hiểu và cảm nhận được luật tục của loài voi. Nhưng điểm nhìn văn chương còn giúp ta hình dung chúng như những con người có lối sống, tính cách rất đẹp. Các voi trẻ dũng cảm, hiên ngang, sẵn sàng bảo vệ “biên cương, lãnh thổ” nhưng cũng hiểu lẽ phải, tôn trọng “pháp lệnh” của bầy đàn. Voi già như một già làng nhân từ, đáng kính, một thủ lĩnh điềm đạm, hiểu biết lẽ đời. Văn chương của Vũ Hùng không chỉ là những trải nghiệm khoa học, kiến thức, của khối óc để nhận biết mà còn là kết quả của những trải nghiệm thẩm mĩ, những rung động từ trái tim để ngưỡng vọng, thấu hiểu và chia sẻ.

Có thể nói, bằng những hiểu biết khoa học, Vũ Hùng phát hiện những quy luật của luật rừng mà công nhận và khâm phục. Từ điểm nhìn văn chương, Vũ Hùng miêu tả luật rừng bằng những hình ảnh chân thực nhất nhưng cũng nhân văn nhất, gợi nhiều cảm xúc và suy nghĩ nơi người đọc, khiến người đọc có thể cảm nhận được xúc cảm sâu lắng yêu thương, cảm phục của chủ thể trần thuật đối với điều được chứng kiến và cảm nhận.

Để chia sẻ với mọi người về quan điểm mà nhiều nhà khoa học đã khẳng định: loài vật có tâm hồn, vì thế chúng cần được yêu thương, tôn trọng, Vũ Hùng đã xây dựng nhiều câu chuyện xúc động. Hẵy bắt đầu từ “đánh giá” của loài voi về loài

người trong truyện Con voi xa đàn. Rất kiệm lời mà đánh động tâm can: “Má là một

con voi mẹ từng trải. Má cho tôi biết: con người nhỏ bé, trần trụi, không có vòi, không có ngà như loài voi nhưng rất ghê gớm khi họ dùng mưu mẹo. Họ dùng hết cách để lùng bắt bầy đàn chúng tôi. Nào săn dồn, săn đuổi, nào hố chông, hầm

bẫy… Dè chừng với loài người là mối lo bẩm sinh của loài voi” (Vũ Hùng, 2015c).

Đặt lời đánh giá ấy trong toàn bộ tác phẩm, trong sự tương quan với những biến cố khác trong cuộc đời của một con voi phải xa đàn, ta mới thấy hết nỗi ám ảnh của nó. Con voi ấy thương mẹ vô cùng nhưng lại phải chứng kiến cái chết đau đớn của mẹ, nó khát khao có người bạn tâm giao khi bước qua ngưỡng tuổi thanh xuân thì vì niềm khát khao ấy mà bị lừa, bị bắt rồi một ngày nọ trở thành con voi trong nhà bạt. Sống cuộc đời của một con voi xiếc, dù được người chủ mới yêu thương, quý trọng, nó

vẫn luôn nhớ rừng, nhớ bầy đàn, nó vẫn ngậm ngùi nghĩ“số phận của tôi không tốt

đẹp lắm nhưng không đến nỗi hỏng” (Vũ Hùng, 2015d). Có nghĩa là, trong mắt con

voi, chỉ có cuộc sống tự do bên cạnh bầy đàn mới là hạnh phúc. Chính con người đã thay đổi cuộc đời của nó, đã làm mẹ nó phải chết, đã khiến nó phải lìa xa bầy đàn. Con người đã tự cho mình cái quyền định đoạt số phận của nó. Từ lúc nào? Và tại sao? Câu hỏi ấy con voi không đặt ra trong câu chuyện đời mình nhưng Vũ Hùng đặt ra qua sáng tác của ông. Câu hỏi ấy day dứt tất cả những người có lương tri. Ẩn ức của con vật nặng nề, ám ảnh như thế. Đặt ra một vấn đề lớn như thế nhưng lại thông qua một cách thức rất văn chương, từ cách dẫn dắt câu chuyện đến ngôn từ, giọng điệu trần thuật, xây dựng nhân vật, Vũ Hùng đã tạo được những rung động thẩm mĩ

sâu xa trong tâm hồn bạn đọc. Sức mạnh của nghệ thuật là như thế. Không ồn ào mà sức nặng ngàn cân, mà âm vang day dứt.

Đối với muôn vật từ nhỏ bé như culi, côi cút như Cu Con, yếu đuối như cheo cheo đến hung hăng như bò tót, lủi thủi, cô đơn như voi đực già… nhà văn đều mở lòng thương yêu trìu mến. Ông khiến người đọc thương cảm cho thân phận cô đơn của chú tê giác mà nín thở theo dõi từng dấu chân của nó giữa ngàn xanh; lo lắng cho lạc đà non bị sói dọa đến mức hoảng sợ mà vùng chạy khỏi bầy. Nhà văn dường như luôn bênh vực những con thú bé nhỏ, yếu đuối. Đấy phải chăng cũng là bản chất của văn học?

Có thể khẳng định rằng, nếu văn học là kết quả của những rung động và gợi được những rung động thì những trang viết của Vũ Hùng thỏa mãn cả hai phương diện ấy. Tác phẩm của ông không phải chỉ là những “khảo luận công phu” mà thật sự là những tác phẩm văn chương độc đáo, ra đời từ những rung động của tâm hồn, chúng không chỉ giúp người đọc hiểu thiên nhiên mà còn cảm thấy rung động, vui sướng, khâm phục, tự hào, nuối tiếc…, và gợi cho họ nhiều lắm những suy tư. Nói cách khác, tác phẩm của ông không đơn giản chỉ là những “ghi chép”, những thước phim đẹp, chứa đựng nhiều thông tin như chương trình “Thế giới động vật” mà còn là những tác phẩm văn học đánh thức những tâm hồn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 103 - 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)