Ngôn ngữ với những biện pháp tu từ độc đáo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 98 - 103)

So sánh, nhân hóa là những phép tu từ quen thuộc của văn chương nhưng Vũ Hùng không hề cũ khi dụng nó để bộc lộ cảm quan sinh thể tự nhiên.

Nếu nói rằng, so sánh giúp sự vật, sự việc được miêu tả sinh động, cụ thể tác động đến trí tưởng tượng, gợi hình dung và cảm xúc của người đọc thì có thể khẳng định truyện của Vũ Hùng có nhiều câu văn so sánh đẹp, gợi tả được hình dáng, màu

sắc của núi rừng: “Ngoảnh nhìn phía tây những rừng chuối chảy dài xuống chân núi.

Hoa chuối đỏ lung linh, tưởng có ai đã thắp những ngọn lửa giữa vầng cây xanh

(Vũ Hùng, 2015b). Bằng hình ảnh so sánh, người đọc tưởng tượng thấy trước mắt là rừng chuối xanh mênh mông, trên đó, thiên nhiên đã thắp những ngọn lửa hoa chuối lung linh để tô điểm cho đất trời, sông núi. Cả con suối tưởng vô tri vô giác cũng trở nên có tâm hồn, gần gũi với con người nhờ biện pháp so sánh nhân hóa rất đặc biệt

của ông: “Dưới xa, con suối róc rách luồn qua các tảng đá, tiếng reo vọng lên,

phảng phất như tiếng thở dài” (Vũ Hùng, 2017c).

Truyện của Vũ Hùng có nhiều câu văn so sánh mang đặc tố “rừng”: “Những

con đường mòn len lỏi, mảnh và trắng như một sợi mây dài”, “Hai cánh tay vượn

con dài làm sao, dễ thường dài hơn hai nhánh lan rừng” (Vũ Hùng, 2017c),“Trăng

cuối tháng vàng và nhọn như chiếc ngà non ló ra khỏi đỉnh núi” (Vũ Hùng, 2017d);

“Ông sao mai tròn và xanh biếc như mắt một con nai” (Vũ Hùng, 2017d). Trong

những câu văn trên, vật so sánh và vật dùng để so sánh đều là những “vật” của rừng. Là người của rừng nên tác giả dùng cách so sánh như thế cũng là điều dễ hiểu. Điều cần khẳng định là: với cách tạo dựng những hình ảnh so sánh như đã nêu, thiên nhiên hiện lên trước mắt chúng ta đẹp đúng chất thiên nhiên – vẻ đẹp như vốn có.

Một điều khác đáng chú ý, khi khai thác khả năng gợi liên tưởng của ngôn từ qua so sánh, nhà văn tạo ra nhiều hình ảnh so sánh độc đáo, hết sức nên thơ của cảnh

sắc. Những từ dùng trong so sánh khi tả thiên nhiên là những từ có thanh điệu nhẹ

nhàng, gợi hình ảnh có chút mờ nhòe, như có như không: “Rong mọc ở hai bên

đường, đủ màu sắc và nhẹ như khói sương” (Vũ Hùng, 2017b). “Phía xa, nơi con

suối luồn qua những tảng đá chắn đường, nước chảy phảng phất, nhẹ như hơi thở

cuả rừng đêm” (Vũ Hùng, 2017d).

Thêm vào đó, trong văn chương của ông, phép tu từ so sánh còn được sử dụng với tất cả nghĩa biểu thái để bộc lộ hết cái tình của người dùng câu chữ. Ông dùng cách so sánh giữa con vật với con người để biểu thị sự gần gũi giữa người với vật, kéo con người lại gần vật để thấy vật và người là những sinh thể bình đẳng, có nhiều nét tương đồng. Khi nhắc đến thái độ trân trọng, yêu thương của người quản tượng

với những con voi, Vũ Hùng đã có những câu văn so sánh rất thú vị: “Bác Bun Mi

không thích trừng phạt. Bác cho rằng lũ voi trẻ tuổi, cũng như những con người vào

tuổi ấy, cần sự khuyến khích và gương tốt hơn” (Vũ Hùng, 2017e). Trong suy nghĩ

của mình, người quản tượng nhân từ đã xem con voi non trẻ như những chàng tuổi trẻ bồng bột, cần được nâng đỡ, chỉ bảo tận tình bằng tình yêu thương, bằng những gương tốt. Suy nghĩ ấy phát lộ thành hình ảnh so sánh không cầu kì nhưng chứng tỏ cái tình và thái độ yêu thương, bình đẳng, tôn trọng loài vật của những tộc người miền sơn cước mà Vũ Hùng luôn đồng thuận và khâm phục. Cùng đọc những câu

văn so sánh khác của ông, bạn đọc sẽ thấy rõ hơn quan điểm ấy: “Chúng (voi) cũng

lầm lì và dai dẳng chẳng kém gì người” (Vũ Hùng, 2017e); “Làn gió mang tới cho

Li Li hơi hướng của Minh từ quyển sổ và Li Li tưởng Minh đã trở về, nó bồi hồi chờ đón. Nhưng những cơn gió rừng chợt nổi lên rồi chợt tắt đi rất mau. Mùi hơi thân thuộc biến mất: người mà Li Li chờ đợi không bao giờ về nữa. Thế là Li Li lặng lẽ

ngồi xuống, lưng lom khom như bị đè nặng bởi ưu phiền” (Vũ Hùng, 2015b). Kiểu

so sánh nhân hóa như thế đã giúp Vũ Hùng khắc họa phẩm chất, tính cách, tình cảm của những con thú. Chúng là những con vật kiên trì, nhẫn nại, chúng cũng biết suy tư, chúng cũng biết nhớ nhung, thương tiếc người bạn - người chiến sĩ đã qua đời, như chính con người.

Để nhấn mạnh tính ưu việt, hoàn hảo của muôn vật, Vũ Hùng lại dùng phép

như beo” (Vũ Hùng, 2015h). Dik và Srưng chúc bộ đội- những con người họ vô cùng yêu mến, khâm phục như thế. Còn đây là những câu văn Vũ Hùng miêu tả cậu

bé làng săn: “Năm nay Đam Đam mới bước vào tuổi mười ba nhưng cậu lớn nhanh

như thổi. Hình như chỉ ở nơi hoang dã trong lành này mới thấy những người như cậu…, người cậu mềm mại, toát ra một sức mạnh dẻo dai, giống một con báo nhỏ”

(Vũ Hùng, 2017c). Có cách nào khẳng định, công nhận vẻ đẹp, sự hoàn hảo của thiên nhiên ấn tượng hơn thế? Phải chăng, trong con mắt của những người có cuộc sống gắn bó với rừng, thiên nhiên có vẻ đẹp hoàn hảo nhất. Thiên nhiên là chuẩn mực của cái đẹp.

Vũ Hùng còn sử dụng lối so sánh đặc biệt. So sánh không chỉ tồn tại trong một câu văn mà cần tới rất nhiều câu văn khác để diễn giải, bắc cầu. Giữa hai vế so sánh cũng không có từ dùng để so sánh nhưng hàm ý so sánh, đối chiếu rất rõ, lại gợi được tầm suy nghĩ dài rộng, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Đoạn trích dưới đây là một minh chứng:

Người ta có thể giết chết một con lợn trước mắt những con lợn khác, hành hạ hoặc giết chết một con trâu bò trước mắt những con trâu bò khác. Sẽ chẳng có điều gì xảy ra. Hay, (tại sao chúng ta không dám nói dù đó là điều ô nhục cho loài người) nhiều khi người ta cũng hành hạ hoặc giết chết một con người trước mắt những con người khác và cũng sẽ chẳng có điều gì xảy ra!

Nhưng đối với lũ voi thì không thể như vậy. Các quản tượng không bao giờ dám hành hạ một con voi trước mắt những con voi khác trong đàn. Chúng sẽ gầm rống, đập phá và giằng xích chạy tới cứu đồng loại. Nếu xích không đứt thì người quản tượng cũng hãy dè chừng. Chúng đã in lại hình dáng và hơi hướng của anh ta vào bộ nhớ bền bỉ trong óc chúng, chờ đợi một dịp thuận tiện để thực hiện ân oán

theo công lý của loài voi(Vũ Hùng, 2017a).

Thái độ, cách hành xử của loài voi không chỉ được đối chiếu với thái độ của các loài thú khác mà còn được so sánh với thái độ của con người (so sánh ba). So

sánh là để khẳng định “nhân cách” của voi, nâng tâm giá trị của voi lên cao hơn. Như vậy, Vũ Hùng khi sử dụng so sánh, đã dùng con vật làm điểm quy chiếu. Thông thường, cảm giác của loài vật thường được ví như con người qua thủ pháp nhân hóa. Ở đây, nhà văn làm ngược lại bằng thủ pháp so sánh vật hóa. Có thể thấy rõ dụng ý của nhà văn khi muốn nhấn mạnh vị trí của tự nhiên trong thế giới này.

Với mong muốn kéo muông thú lại gần con người trong trạng thái cảm thông và thấu hiểu, Vũ Hùng rất nhiều lần sử dụng thủ pháp nhân hóa trong những trang viết về loài vật. Trong nhiều tình tiết liên quan đến động vật, tác giả thường dành

nhiều bút mực để miêu tả tâm lý, nhận thức của chúng. Chúng “hiểu ngay tình thế”,

“hiểu ra ngay”, “biết”, “tưởng rằng”, “nhận ra”, “nhận rõ”,… trước và sau mỗi

hành động. Chúng luôn thể hiện những cảm xúc “mừng quýnh”, “bình thản”, “thản

nhiên”, “nhớ”, “thèm”, “cuống cuồng”, “lo âu”, luyến tiếc”, “buồn thiu”, “hoang

mang”, “khao khát”, “hăm hở”… Nhờ những từ ngữ miêu tả nội tâm phong phú ấy,

chúng trở nên gần gũi hơn với bạn đọc.

Nhưng có lẽ, cái làm nên nét độc đáo cho truyện thiếu nhi của Vĩ Hùng là việc sử dụng điểm nhìn bên trong để tác động đến nhận thức của người đọc cả bề rộng đến chiều sâu. Nghĩa là ngoài kiến thức mới mẻ về các loài động vật về đặc điểm hình dáng, tập tính, cách sinh hoạt… tác giả còn cho người đọc hiểu hơn đời sống tình cảm, tâm tư, khát vọng cả chúng nhằm kéo con người xích lại gần hơn với thế giới tự nhiên trong nỗ lực “biết người biết ta”. Khá nhiều lần nhà văn dùng thủ pháp độc thoại nội tâm để diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của các con thú. Đoạn văn sau đây là một ví dụ:

Ngày đêm tôi hướng về rừng, rống gọi từng hồi. Còn đâu tiếng gió reo, thác đổ! Còn đâu tiếng rống trầm trầm của Đầu Đàn gọi lên đường. Còn đâu những đêm nằm dưới chân má, ngủ một giấc bình yên với các voi cùng lứa tuổi để rồi tỉnh dậy trong buổi bình minh rộn ràng tiếng chim ca…Nhớ nhung làm tôi gầy rạc đi hơn cả

sự đói khát. Tôi rình đợi một dịp để bỏ về rừng(Vũ Hùng, 2015c).

Đoạn văn diễn tả nỗi nhớ rừng, nhớ bầy đàn và niềm khát khao muốn trở về ngàn xanh, trở về với bầy đàn của một cô voi non trẻ bị bắt sau một cuộc săn. Trong

nỗi nhớ tiếc những ngày đã qua, những âm thanh quen thuộc, những kỉ niệm xưa cũ từng giờ, từng phút khiến con voi thổn thức.

Còn đây là một đoạn văn diễn tả nỗi bàng hoàng, đau đớn của chú voi con khi chứng kiến cái chết của voi mẹ:

…Sau cử chỉ âu yếm cuối cùng đó, mẹ ngã hẳn xuống. Tôi hoang mang, không nhận thức được điều gì đã xảy ra. Chỉ thấy cả bầy chợt rống lên buồn bã. Nghe những tiếng rống ấy, tôi biết thế là hết…Tôi lồng lộn lấy vòi đập vào lưng mẹ để đánh thức mẹ dậy. Rồi thấy những việc ấy không ích gì, tôi rống lên. Chưa bao

giờ tôi rống một cách dữ tợn và sầu thảm đến thế (Vũ Hùng, 2015c).

Biểu cảm của con voi, tiếng rống rền vang của nó phải chăng cũng chính là biểu hiện của tâm hồn, là ngôn ngữ của loài voi mà con người có thể thấu hiểu nếu thật sự biết lắng nghe bằng cả trái tim. Có thể nói, thủ pháp nghệ thuật nhân hóa được nhà văn sử dụng để đề cao tự nhiên, kêu gọi ở con người tình yêu thương và sự tôn trọng cần thiết, đừng có những suy nghĩ và hành động thái quá làm tổn hại đến “cái Khác phi nhân”.

Vũ Hùng đã dồn hết tất cả những hiểu biết, yêu thương của mình đối với các loài thú để viết nên những trang văn chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc của chúng (khổ đau, nhung nhớ, ân hận, khát khao…). Voi, ngựa, chó đều được dẫn dắt và phân tích tâm lý. Điểm nhìn tâm lý đã khiến những trang viết của Vũ Hùng thể hiện nội tâm nhân vật một cách sâu sắc. Đó là kết quả của những tháng năm dài nhà văn gắn bó với những cánh rừng nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Ông yêu chúng, hiểu chúng với tất cả tình cảm và kinh nghiệm sống của mình. Vì thế, chọn điểm nhìn bên trong của thú để viết về những đặc điểm tâm lý của chúng, nhà văn đã vượt lên thủ pháp nhân hóa đơn thuần. Bởi vì, mục đích của nhân hóa đơn thuần là làm tăng sự sống động của thế giới tự nhiên, thổi linh hồn vào những thực thể vốn được cho là vô tri vô giác, “người hóa” chúng để làm tăng thêm cái hay, cái đẹp của chúng. Mục đích nhân hóa của Vũ Hùng là để thừa nhận, công nhận tri giác, cảm giác, tình cảm

được xem là độc quyền của con người trong nhận thức của nhân loại xưa nay”

(Nguyễn Thị Tịnh Thy, 2017).

Như vậy, phép tu từ nhân hóa được sử dụng như một lời khẳng định dứt khoát: tự nhiên là một sinh thể độc lập hoàn toàn đồng đẳng với con người và rất đáng trân quý. Tác giả như đang cảnh tỉnh những ai đang ngạo nghễ nhìn tự nhiên với ánh mắt “ngó xuống” cần phải xem lại bởi tự nhiên có tiếng nói của riêng mình.

Có thể nói, việc sử dụng các biện pháp tu từ cùng hệ thống từ ngữ giàu âm thanh, hình ảnh, màu sắc, mùi vị đã góp phần tạo nên vẻ đẹp cho những trang văn của Vũ Hùng. Đến với những tác phẩm của ông, người đọc không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ kì diệu của thiên nhiên, muông thú, cảm phục năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ mà còn nhận biết được những xúc cảm, những nỗi niềm tâm sự, những mong ước của nhà văn gởi trong từng câu, từng chữ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 98 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)