Những khúc tráng ca tâm huyết về thiên nhiên, đại ngàn

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 26 - 28)

Như đã nói, Vũ Hùng là nhà văn chiếm một vị trí gần như độc nhất vô nhị trong nền văn học thiếu nhi Việt Nam với đề tài gắn bó suốt nghiệp viết là rừng – thiên nhiên – muông thú. Trong tác phẩm của Vũ Hùng, thiên nhiên được đẩy lên vị trí trung tâm, thành “nhân vật”, đặc biệt, các sáng tác của ông dường như bê nguyên những mảng rừng nguyên sinh đặt lên trang giấy. Ở đấy có đủ mọi sắc thái, cung bậc và chiều kích của rừng. Bạn đọc có thể coi tác phẩm của ông như một qùa tặng đến từ một vùng xa lạ, rộng lớn và hoang vu, long lanh hương sắc, trong đó thiên nhiên, thú vật và con người sống một cuộc sống hài hòa.

Với Vũ Hùng, việc đề cập đề tài môi trường trong dạng thức văn học thiếu nhi cũng chính là cách ông gợi nhớ, đánh thức ở mỗi con người tình yêu với thiên nhiên, ý thức yêu quý, bảo vệ, sống hòa hợp với môi trường. Nói cách khác, bằng những trang viết, ông muốn đưa con người đi tìm lại tâm thức tự nhiên mà từ lâu họ đã đánh mất, tìm về thiên nhiên để nối lại các mạch sống tự nhiên của chính mình.

Những trang văn chạm đến tinh khôi của cỏ cây, hoang dại của muông thú, mênh mông của biển trời, bát ngát của thảo nguyên của Vũ Hùng đã đi cùng trẻ thơ nhiều thế hệ. Bằng những sáng tác của mình, nhà văn đã dựng “một bảo tàng thiên nhiên bằng chữ” không chỉ cho các bạn đọc nhỏ tuổi mà còn cho cả những người lớn chưa một lần đặt chân đến Trường Sơn, Tây Nguyên, cho tất cả người Việt Nam khi

mà nhiều bức tranh thiên nhiên giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Nếu Đoàn Giỏi đã xuất sắc vẽ nên một khung cảnh trù phú, đôn hậu cuả miền sông nước Nam bộ; Võ Quảng đã phác họa một cách chân thực cái bát ngát, tươi đẹp của vùng đồng bằng ven sông Thu Bồn; thì Vũ Hùng là một cây bút tài tình trong việc miêu tả thảo nguyên, biển cả, vườn chim và đặc biệt là núi rừng Tây Nguyên và vùng Thượng Lào. Lật giở từng trang sách của ông, ta cảm thấy được màu xanh của đại ngàn đang trải ra trước mắt và những bí ẩn xung quanh cuộc sống của tất cả muông thú trong rừng luôn luôn mời gọi. Thế nhưng, như nhà văn đã tâm sự, khi ông đặt chân đến Trường Sơn vào những năm 1950, rừng núi còn hoang sơ lắm. Ông đã may mắn được nhìn thấy những con heo vòi, con tê giác cuối cùng ở nơi đây. Ba mươi năm sau, khi nhà văn tới đây làm phóng sự, rừng Trường Sơn đã bị tàn phá xác

xơ. Trường Sơn đã không còn giữ được cho mình vẻ kiêu hùng, dũng mãnh thưở

nào. Nhà văn đã cảm thấy đau xót trước hiện thực. Nỗi nuối tiếc rừng xanh quyến rũ với bao con vật ngơ ngác chưa biết tiếng chân người càng thôi thúc ông viết để lưu giữ lại khoảng xanh biếc ngày nào.

Đọc những trang viết của Vũ Hùng, được chiêm ngưỡng cái “quá khứ oanh liệt” của Trường Sơn và cũng có thể là của cả vườn chim, biển cả những ngày chưa xa, người đọc xót xa, ray rứt, nuối tiếc, ngậm ngùi vì cái “ngày xưa” ấy. Đồng thời, tận trong đáy sâu tâm hồn, lương tri, trách nhiệm của mỗi người với thiên nhiên, môi trường sống xung quanh dường như đã được đánh thức. Bởi vì, đề cập đề tài thiên

nhiên, Vũ Hùng không phải chỉ để thể hiện tình yêu mà còn thể hiện một niềm khắc khoải với những nguy cơ môi trường, bày tỏ nỗi đau đớn vì những vẻ đẹp tự nhiên ngày một biến mất, rung lên những hồi chuông cảnh báo về sự khủng hoảng môi trường, những nỗi đau trước cái mong manh của sự cân bằng tạo hóa, đồng thời thức tỉnh ở con người ý thức trở về với tự nhiên, gìn giữ, bảo vệ môi trường như bảo vệ sự tồn vong của chính loài người. Trong bối cảnh ấy, những ký ức đẹp về thiên nhiên, về Trường Sơn, Tây Nguyên trong trang viết của Vũ Hùng thật sự đã trở thành

những khúc tráng ca đầy tâm huyết về đại ngàn, về thiên nhiên, muông thú của “ông

lão rừng xanh”.

Bằng vốn sống, bằng sự trải nghiệm của chính mình, bằng tình yêu và cái tâm của một nhà văn luôn trăn trở với sự tồn vong của đời sống muôn loài, ông đã dựng một bảo tàng thiên nhiên bằng ngôn từ. Bảo tàng ấy chứa đựng những hình ảnh rất chân thực về những vùng đất mà ông yêu mến. Đọc Vũ Hùng, đọc những câu chuyện kì diệu về thiên nhiên của ông khiến người đọc ngợp đi trong cảm giác thăng hoa của vẻ đẹp tâm hồn khi đến với một vùng thiên nhiên lộng lẫy, góp phần vào việc vun đắp cho sự tinh tế, nhân văn của tâm hồn con người. Và đồng thời, càng nhận thức rõ thái độ, tình cảm cần phải có, hành động cần phải làm để bảo vệ thiên nhiên, môi trường.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)