Ẩn sau những câu chuyện về mảng đề tài thiên nhiên- muông thú của Vũ Hùng là một chủ đề lớn không chỉ mang tính thời sự và triết học mà còn mang tính nhân văn - thẩm mĩ sinh thái. Đây cũng là chất men tạo nên sức cuốn hút cho trang văn của ông.
Dường như Vũ Hùng là nhà văn của cái đẹp. Ông nhìn thấy cái đẹp của thiên nhiên trong bản chất nguyên sơ của tạo hoá. Trong những sáng tác của ông, thiên nhiên không phải là một khách thể để con người bày tỏ tình cảm, chí hướng, tâm trạng hay cái tài của mình, cũng không phải là khách thể bị quy chiếu theo kiểu “đẹp như tranh vẽ” hay “đẹp như một bức tranh thủy mặc”. Thiên nhiên ở đây được nhắc đến như một chủ thể thẩm mĩ với vẻ đẹp vốn có, không cần tô vẽ nhưng vẫn khiến con người phải ngây ngất, say sưa, thán phục. Thiên nhiên như một cô gái tự tin để khuôn mặt mộc mà vẫn làm mê đắm trái tim của biết bao người. Nói cách khác, trong trang viết của nhà nghệ sĩ Vũ Hùng, nghệ thuật là tự nhiên và tự nhiên chính là những kiệt tác nghệ thuật của nhà nghệ sĩ tài danh - tạo hóa.
Với Vũ Hùng, vẻ đẹp của thiên nhiên là vẻ đẹp không gì thay thế. Vẻ đẹp ấy chân thật và sống động, kì ảo và nên thơ, hàm chứa sự dung hợp kì lạ giữa cái đẹp và cái hùng vĩ, rợn ngợp; cái u nhã, lãng mạn, thanh bình và cái hoang sơ, bí hiểm, dữ
dội: “Đêm se lạnh, không khí nhẹ lâng, ngào ngạt. Lá thông reo hát vi vu và nhìn
qua đám lá lăn tăn, thấy muôn nghìn vì sao lấp lánh trên trời đêm tím biếc”. Rừng
vật len lén đi kiếm ăn. Cuộc sống rừng là cuộc vật lộn âm thầm nhưng ác liệt… Mỗi
đêm giữa rừng hoang là một đêm khắc khoải”( Vũ Hùng, 2017e). Trong mắt nhìn
của nhà văn, những rặng núi hùng vĩ, ngàn già hoang vu, thảo nguyên bao la hay biển cả tráng lệ đều có vẻ đẹp riêng và mang đến những xúc cảm thẩm mĩ cũng rất riêng- những xúc cảm chỉ có thể được mang lại bởi thiên nhiên, từ thiên nhiên. Đó có thể là sự thán phục, ước ao, cũng có thể là sự say mê, ngưỡng mộ, kính phục, kiêng dè trước sự kì diệu của tạo hóa. Nói cách khác, trong trang viết của Vũ Hùng, thế giới tự nhiên không chỉ đơn thuần tồn tại mà còn là một chủ thể thẩm mĩ, cùng con người thiết lập mối quan hệ chủ thể tương giao, trong đó tự nhiên là chủ thể thẩm mĩ vĩ đại, con người là chủ thể của những cảm xúc thẩm mĩ lớn lao, cao đẹp, thuần khiết. Chủ thể thứ nhất thôi thúc, là nguyên nhân xuất hiện chủ thể thứ hai. Chủ thể thứ hai khẳng định giá trị của chủ thể thứ nhất.
Bằng nhãn quang của một người tha thiết gắn bó với thiên nhiên, Vũ Hùng còn phát hiện vẻ đẹp của thiên nhiên, muông thú trong cái nhìn bình đẳng giữa vạn vật. Cái đẹp của thiên nhiên trong tác phẩm của ông là cái đẹp của bản thể sinh mệnh độc lập. Lật dở từng trang sách, chúng ta sẽ thấy mỗi bộ phận của thiên nhiên, mỗi giống, mỗi loài đều có vẻ đẹp riêng làm nên bản chất. Từ đại ngàn hùng vĩ đến cây dâu rừng nhỏ bé, từ bầy voi oai hùng đến chú cu li nhỏ xíu hiền lành đều bình đẳng trong những trang viết cuả Vũ Hùng; mỗi đối tượng, mỗi sinh thể đều có vẻ đẹp đặc thù không trộn lẫn và không gì thay thế được. Tất cả đều góp mình làm nên vẻ đẹp cho thiên nhiên, đất trời, cuộc sống. Như thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore đã
từng hiển lộ: Trong sân chầu vũ trụ / chiếc lá cỏ bình thường / cũng ngồi chung một
thảm / với ánh mặt trời và sao sáng trong đêm.
Đọc những câu văn miêu tả cây lê, cây dâu rừng nhỏ bé hay những chú bướm
xinh xắn trong truyện Vũ Hùng: “Những cây lê rừng xòa cành ngang đường, đầy
trái, da sẫm như da hươu. Những cây dâu, giấu bớt quả chín mọng và đỏ hồng trong lá xanh, thấp thoáng như những đôi mắt thỏ non. Đây đó, những con bướm rừng rất
lớn và sặc sỡ, vờn bay giữa những khóm hoa dại” (Vũ Hùng, 2015j), ai dám nói
rằng, vẻ đẹp ấy kém lôi cuốn hơn hay có thể thay thế bằng vẻ đẹp của những đỉnh núi
loài vật tượng trưng cho điềm xấu, cũng xuất hiện trong truyện của ông trong tư cách một con vật đáng yêu, đáng thương, đáng quý. Những con báo, con cọp đâu chỉ hung dữ, hiểm ác mà còn uyển chuyển, nhanh nhẹn và có những phẩm chất đáng trân trọng, chúng dũng mãnh, kiêu hùng, không dễ gì khuất phục trước đối thủ, chúng có tập tính bảo vệ giống loài, bảo vệ môi trường sinh sống rất đáng học tập. Mỗi sinh vật đều là một phần không thể thiếu của cuộc sống này. Bất cứ sinh mệnh nào cũng có giá trị tồn tại bình đẳng. Đó là cái chúng ta cần, ta quý, ta thương. Chúng giúp nhà văn chuyển tải một thông điệp nghệ thuật: cái đẹp chính là cái hằng thường, cái đẹp chính là sự sống quanh ta, cái đẹp tồn tại trong mọi sinh thể và bình đẳng với con người.
Cái đẹp của thiên nhiên, muông thú trong những trang viết của Vũ Hùng không chỉ là cái đẹp hình thể mà còn là cái đẹp của bản chất. Loài vật cũng biết giận hờn, buồn vui, biết đùm bọc, yêu thương nhau, biết “hợp đồng tác chiến”, chia sẻ lợi ích, báo oán trả ân, ăn năn, hối lỗi, biết giận hờn, căm thù, uất ức và tủi thân, biết bênh nhau, biết tương trợ, biết trả nghĩa, trả thù, biết chia buồn, biết cùng vui. Tất cả những điều đó buộc chúng ta phải đặt câu hỏi: phải chăng loài vật cũng có tâm hồn? Và vẻ đẹp tâm hồn tâm hồn của chúng có thua kém gì vẻ đẹp tâm hồn của con người? Bên cạnh đó, từ trong bản chất, thiên nhiên đẹp vô cùng vì tấm lòng bao dung độ lượng, vì những cống hiến, hy sinh đến vô tận cho con người, vì con người. Trong những trang sách của Vũ Hùng, thiên nhiên là cái nôi của sự sống, thiên nhiên bao dung che chở, nuôi dưỡng, chỉ bảo con người. Thiên nhiên thật sự là người Mẹ, người Thầy, người Bạn vĩ đại, không thể thiếu của con người. Có thể nói rằng: với vẻ đẹp hài hòa từ ngoại hình đến bản chất như thế, các chủ thể thẩm mĩ đã đưa sinh mệnh bản thân giao kết hài hòa với các sinh mệnh khác xung quanh mình để tạo thành một bản hòa ca về sự trường tồn.
Thẩm mĩ sinh thái trong trang viết của Vũ Hùng, vì thế, không chỉ là giá trị thẩm mĩ của bản thân thế giới tự nhiên mà còn là vẻ đẹp hài hòa của chỉnh thể sinh thái. Vũ Hùng đã nhìn thấy cái đẹp của thiên nhiên trong sự hòa hợp với môi trường và các sinh mệnh khác. Thiên nhiên, muông thú đẹp hơn lên trong sự tương tác, trong mối quan hệ với xung quanh. Rừng đẹp thêm nhờ suối, nhờ ánh trăng, nhờ
tiếng hót của chim, nhờ sự xuất hiện của muông thú; núi đẹp thêm vì có mây bay, có ánh mặt trời, có cỏ cây, hoa lá… Vẻ đẹp của thiên nhiên, núi rừng toát ra từ sự cộng cảm của muông thú mà nhà văn đã khái quát trong quy luật vận hành của đại ngàn. Đó chính là vẻ đẹp của sự trật tự, hợp lý, hài hòa đến tuyệt vời của thiên nhiên, muông thú giữa ngàn già. Thiên nhiên qua mắt nhìn của Vũ Hùng là ngôi nhà của sự hoà hợp, nương tựa, của tình yêu thương, sự tôn trọng giữa muôn loài. Thiên nhiên đa dạng nhưng không hỗn độn mà luôn trật tự và có một cái gì đó giống như sự lương thiện. Có tương sinh, tương khắc nhưng hợp lý đến vô cùng. Mỗi loài mỗi vẻ cất lên thanh âm của mình tạo nên một bản hòa ca của đại tự nhiên. Bản hòa ca ấy tạo nên sự ân bằng âm – dương, sự đa dạng và cân bằng sinh thái cho đại ngàn, thảo nguyên, biển cả. Rừng có luật của rừng. Biển có luật của biển. Chặt chẽ và bền vững. Chính luật rừng, luật biển giúp tự nhiên có khả năng tự điều chỉnh, để đạt trạng thái cân bằng, hài hòa, đảm bảo cho tự nhiên tồn tại và phát triển. Con người, chứ không phải muông thú, làm cho từ “luật rừng” biến đổi nghĩa, chứ bản thân nó đẹp đẽ và chuẩn mực vô cùng. Truyện của ông không chỉ gởi gắm triết lí sống hòa hợp mà còn là những trang viết ca ngợi vẻ đẹp của bản thân sự hòa hợp của thiên nhiên. Vẻ đẹp đó khiến con người kính phục và thôi thúc con người vươn lên sống ngang tầm.
Biểu hiện cao độ của thẩm mĩ sinh thái trong truyện Vũ Hùng là ghi nhận và ngợi ca cách sống hòa hợp với thiên nhiên hoang dã của những con người có cuộc sống sinh tồn gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Trên cái nền thiên nhiên hùng tráng, dữ dội của thảo nguyên, biển cả, đặc biệt là đại ngàn, con người nhập vào thiên nhiên như một bộ phận hòa hợp. Con người là sinh thể góp phần cấu trúc, cùng tôn và làm đẹp hơn cho thiên nhiên. Họ biết ơn thiên nhiên và thật sự coi thiên nhiên là người bạn thân thiết. Họ thuận theo quy luật của tự nhiên, chấp nhận sự khắc nghiệt của tự nhiên mà sinh tồn. Họ không bao giờ coi thiên là tài nguyên. Không bao giờ có khái niệm khai phá, chinh phục, chiếm lĩnh tự nhiên. Đơn giản, rừng, biển, thảo nguyên đối với họ là tất cả, là Mẹ, là cội nguồn của sự sống mà họ kính trọng và tôn thờ. Họ biết nhận những món quà từ thiên nhiên một cách thông minh để phục vụ cho cuộc sống trước mắt, nhưng lại biết yêu thương, giữ gìn và bồi dưỡng thiên nhiên để tạo nên sự trường tồn. Trong “cộng đồng sinh vật” của núi rừng, con người và tất cả các
sinh mệnh khác đều là thành viên bình đẳng trong hệ thống đại tự nhiên, ở đó, các cá thể dựa vào nhau để tồn tại, liên hệ mật thiết với nhau. Cũng giữa khung cảnh thiên nhiên hoang dã, những người miền núi cùng với đàn chó, bầy voi của họ… bảo vệ xóm làng, bảo vệ núi rừng. Ở họ, bảo vệ bình yên, cân bằng sinh thái đã trở thành một hành động thường trực, hành động ấy không chỉ xuất phát từ ý thức mà còn xuất phát từ tình yêu, sự tôn trọng với muôn loài- một biểu hiện của đạo đức sinh thái.
Ngòi bút trí thức Vũ Hùng còn phát hiện được vẻ đẹp ở chiều sâu triết lí của thiên nhiên, muông thú trong sự tương tác, hoà hợp với con người và với xung quanh. Thiên nhiên giản dị mà lạ lùng, cho ta đo thêm một chiều kích hiền minh bất tận của hóa công. Và hiền minh, phải chăng cũng là bản chất của ngàn đời của thiên nhiên khi thiên nhiên trở thành cội nguồn những triết lí của con người, đem lại cho con người những suy ngẫm, những bài học nhân sinh sâu sắc? Nhà văn chiêm
nghiệm và phát hiện vẻ đẹp trong tính cách của con culi: “người ta có thể rất có ích
mà không cần phải lớn tiếng và nhiều lời” (Vũ Hùng, 2015b); hay của loài voi khi
“một con voi xua đổi thú dữ thì không phải chỉ vì mình mà còn vì những con thú bé
bỏng, yếu đuối khác” (Vũ Hùng, 2015c); đúc kết một quan niệm sâu sắc về cuộc
sống khi quan sát những bầy chim ăn sâu và ăn hạt đang cống hiến cho đời tiếng hót
tuyệt vời: “cái đẹp nhiều khi cũng có ích không kém gì cái hữu dụng” (Vũ Hùng,
2015l). Xuất phát từ những trải nghiệm về luật rừng: ở muông thú, không bao giờ có chiến tranh cùng loài, từ việc hiểu cặn kẽ tập tính của loài voi và cách ứng xử của những người quản tượng: không dám vô cớ hành hạ và giết chết một con voi trước mắt những con voi khác, nhà văn suy tư và khiến chúng ta suy tư về xã hội loài người… Có thể nói, với Vũ Hùng, vẻ đẹp của sinh thái còn là vẻ đẹp của sự minh triết. Thiên nhiên tồn tại trong trạng thái cộng sinh, quần thể đã giúp soi chiếu, thanh lọc tâm hồn con người khiến họ trở nên hướng thiện hơn, thuần khiết hơn. Thiên nhiên không chỉ là nơi trú ẩn, chốn nương tựa mà còn giúp nuôi dưỡng, gìn giữ phần nhân tính tốt đẹp của con người.
Nói một cách khái quát, điểm bộc lộ cao nhất tính chất trí thức ở Vũ Hùng là tinh thần nhân bản chi phối mọi trang viết của ông, từ việc mô tả mối quan hệ giữa các loài vật cho đến mọi ghi nhận về cách sống của những con người khi họ biết
sống hòa hợp với thiên nhiên hoang dã. Qua tác phẩm, phải chăng Vũ Hùng gởi gắm mong ước về một cuộc sống hài hòa cho chính con người trong quan hệ với chính mình và với thiên nhiên. Thêm vào đó, bằng những trang viết của mình, ông giúp chúng ta nhận thức được rằng: cuộc sống này chỉ đẹp khi chúng ta luôn nhận biết, hiểu và trân trọng cái đẹp xung quanh. Người viết mong muốn mỗi người chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn, đánh giá cao hơn giá trị thẩm mĩ của thiên nhiên, muông thú,
của thế giới mà con người đang sống, giúp họ “biết cách nhìn về mối quan hệ giữa
con người và tự nhiên bằng quan niệm chỉnh thể”, từ đó “thôi thúc con người biết
sống đẹp và gìn giữ môi trường với quan niệm văn hóa đẹp đẽ” (Nguyễn Thị Tịnh
Tiểu kết chương 2
Trong thời đại văn minh kĩ trị của hôm nay, trái đất đang lâm nguy, loài vật dần vắng bóng, con người trở nên bất an, bất ổn; văn học, nơi bắt đầu của những phản biện với những lối mòn của tư duy, đã cất lên tiếng nói của sự phản tỉnh. Vũ Hùng đã có những trang viết như vậy. Truyện thiếu nhi của ông là những diễn ngôn về thiên nhiên, muông thú- một thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, kì diệu; một thế giới động vật hoang dã phong phú, đa dạng, có trí tuệ, tâm hồn. Tất cả đều là những món quà vô giá mà tạo hóa đã trao tặng cho con người. Tất cả đều có tiếng nói, có giá trị riêng nếu con người biết mở lòng lắng nghe và thấu hiểu.
Viết về thiên nhiên, muông thú với tất cả tình yêu thương, mến phục; viết về lối sống, cách ứng xử rất nhân văn của con người với thiên nhiên muông thú - cội nguồn sinh dưỡng của chính mình - bằng cái nhìn trân trọng, mến yêu, Vũ Hùng đã gởi gắm những thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc và cho đến ngày nay vẫn nóng hổi hơi thở thời đại. Những trang viết của ông như một câu chuyện cổ tích mà ở đó tác giả gởi gắm ước mơ và đau đáu hướng đến. Đó có thể được xem là những ẩn ức, khao khát của nhà văn về một thế giới mà con người và vạn vật đều bình đẳng, chung sống hòa thuận, được tôn trọng, được hít thở chung một bầu không khí trong lành.
Với Vũ Hùng, thiên nhiên không phải là một chuỗi dài chinh phục mà là sự gắn bó, hài hòa. Tâm hồn ông tràn ngập một tình yêu vĩnh cửu với cỏ cây, muông thú. Qua những trang viết của mình, Vũ Hùng đang kêu gọi con người quay trở về với những giá trị vĩnh hằng của thiên nhiên, tìm lại chính quá khứ ngàn đời của mình - tâm thức hòa hợp với tự nhiên, môi trường. Đó là lời kêu gọi vĩnh cửu về lẽ sống làm Người.
Chương 3
MÔI TRƯỜNG TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA VŨ HÙNG NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT
Đề cập vấn đề môi trường, tác phẩm của Vũ Hùng là những diễn ngôn về con