Vũ Hùng sở hữu giọng văn điềm tĩnh, tự tại. Viết cứ như không, nhẹ bẫng.
Như chẳng cần có chút cố gắng nào. “Đây là lối văn của người kể biết chắc mình có
gì và cần gì” (Văn Thành Lê, 2017). Giọng điệu trần thuật điềm tĩnh ở ông có đủ
những cung bậc bình tĩnh, sâu sắc, trầm ấm… Sự trầm tĩnh góp phần đem lại những giá trị hiện thực, khách quan, khả năng bao quát cho tác phẩm của ông.
Trước hết, có thể thấy giọng điềm tĩnh, tự tại trong truyện ngắn của Vũ Hùng được thể hiện qua nhịp điệu kể chuyện rất từ tốn, chậm rãi của nhân vật người kể chuyện. Nhịp điệu đó được sử dụng khi miêu tả vẻ đẹp của rừng già, muông thú. Ngồn ngộn chi tiết và hình ảnh, được kể bằng giọng rủ rỉ, hiền lành, chầm chậm, kiên nhẫn, cứ vậy mà dẫn người đọc đến tận nơi sâu thẳm rừng già, bát ngát thảo nguyên, mênh mông biển cả và khiến chúng ta ngỡ ngàng trước bao điều bí ẩn. Vũ Hùng đưa thiên nhiên về với đọc cứ nhẹ nhõm, tỉ mẩn, nhẩn nha và đầy âu yếm, đến độ thiên nhiên trở nên quen thuộc với tất cả vẻ đẹp kì vĩ của nó, như thể ta vẫn sống trong căn nhà ấy, mà mỗi ngày, mỗi khoảnh khắc qua đi, ta lại phát hiện ra những góc đẹp đến nao lòng. Giọng điệu đó dẫn dắt bước chân của bạn đọc từng bước khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, làm tăng tính khách quan của những trải nghiệm mà nhà văn chia sẻ.
Giọng điệu điềm tĩnh được ông sử dụng để miêu tả sự hòa hợp, sự “cộng sinh” đáng yêu, sự tôn trọng lẫn nhau của thú rừng. Ông cứ nhẩn nha kể về những điều ông chứng kiến, ông nghe thấy, ông trải nghiệm, thế mà qua từng trang viết, người đọc ngày càng hiểu rõ trên ngàn già, thảo nguyên, biển cả không chỉ có khắc nghiệt, khổ đau, đấu tranh, dành giật mà còn có yêu thương, sẻ chia, đoàn kết, hỗ trợ; tất cả hòa hợp đến tuyệt vời để tất cả cùng tồn tại.
Giọng điệu đó còn được thể hiện rõ khi ông viết về tình cảm chân thành giữa con người và muông thú:
Lần ấy khi con voi xuống làng thì người quản tượng không còn nữa. Không thấy ông ra đó ở đầu làng, con voi rảo bước về nhà. Nó quỳ xuống giữa sân, rống gọi, rền rĩ mãi mà vẫn không thấy người quản tượng đi ra. Khi biết mọi tiếng rống gọi đều vô ích, con voi lồng chạy vào nhà… Nó hít hơi cái giường cũ của người quản tượng rồi buồn bã đi ra, chạy khắp làng tìm chủ. Các bô lão mang mía đến cho nó nhưng
con voi không ăn mà cứ lồng chạy như voi hoang” (Vũ Hùng, 2017e).
Nỗi niềm tiếc thương, luyến nhớ người quản tượng của con voi đã để lại nhiều dư vị trong lòng người đọc. Những đoạn văn như thế khiến người đọc phải đọc thật chậm, vừa đọc vừa thấm thía cái cảm giác ấm áp, thương yêu, mến phục cứ len lỏi vào trong trái tim mình.
Ngay cả khi ông viết về sự bí hiểm của thiên nhiên, những cuộc săn mồi của các bầy thú dữ hay những những chuyến đi săn đầy nguy hiểm của con người, những đêm hành quân giữa rừng già của người chiến sĩ, cũng không hề thấy ông sử dụng
những từ ngữ “đao to, búa lớn”: “Chẳng có gì làm kẻ đi đường xa cảm thấy bơ vơ
hơn nỗi khiếp sợ khi không tìm được chỗ trú chân yên ổn. Rừng trở nên hiểm độc. Mỗi bụi cây như chứa đựng một bất ngờ. Sau mỗi tảng đá là một kẻ thù đang rình đợi. Vì thế cứ lúc chiều xuống là tôi trở nên bồn chồn lo lắng, chỉ bình tâm lại khi
đêm đã qua đi” (Vũ Hùng, 2015b). Nỗi bất an của người chiến sĩ, cái bí hiểm của
ngàn già trong đêm được chuyển tải đến tận cùng các giác quan, cảm nhận của người đọc không phải bằng những câu văn có tiết tấu dồn dập, bằng giọng điệu bồn chồn, gấp gáp, bằng những từ ngữ biểu lộ trạng thái tâm trạng, sắc thái tình cảm ở mức độ cao. Trái lại, rất chậm rãi, trầm tĩnh, điềm đạm, ngôn từ nhẹ nhàng mà thấm thía. Và lạ thay, bạn đọc lại “thấm” đến vô cùng cái bí hiểm, hoang sơ của ngàn già - một đặc tính tạo sức cuốn hút, làm nên bản chất của thiên nhiên mà con người cần hiểu để có thái độ ứng xử phù hợp.
Có những cái cần lên án, phê phán cũng được kể bằng giọng điềm đạm mà
thấu đáo: “Thợ săn không bao giờ xúc động trước cặp mắt của chúng mà buông tay
súng. Đối với họ, cái đẹp không quyến rũ bằng con mồi. Vì thế loài cà tong bị tàn sát
ghê gớm” (Vũ Hùng, 2017a);“với những thứ vũ khí quá thô sơ, người ta phải chiến
thắng nó (con tê giác) bằng những mưu mô độc địa khiến cho cái chết của con vật
đầy đau đớn” (Vũ Hùng, 2017a). Ngay cả khi phê phán những người chủ độc ác,
thiếu công bằng, tham lam chỉ nghĩ đến mình mà quên công ơn, không thấu hiểu con
vật bên mình (trong Người quản tượng và con voi chiến sĩ, Phía Tây Trường Sơn,
Chú ngựa đồng cỏ…), Vũ Hùng cũng chỉ dùng thuần một giọng điệu ôn tồn, điềm
đạm. Phải chăng đó là do cái chất nhân văn ngấm sâu vào mạch máu của ông từ khi còn là một cậu bé hay là bởi vì ông muốn tạo một cái nhìn khách quan, để người đọc tự mình nhìn nhận, đánh giá. Có lẽ do cả hai.
Giọng điệu điềm nhiên, trầm tĩnh của Vũ Hùng còn thể hiện ở việc sử dụng ngôn từ nhẹ nhàng, hồn hậu. Những tâm tình, ẩn ức của con vật, mọi yêu thương, hờn giận, tự ái, ghét bỏ, thù địch của chúng, tác giả “dịch” lại vừa đủ và hợp lý, kiệm lời mà thông điệp không kém sâu sắc, để lại vĩ thanh day dứt, mênh mang. Nỗi đau khổ vì bị bắt, bị cầm tù của con voi được kể lại trong một đoạn văn không dài nhưng
để lại những thanh âm day dứt “Đêm đêm, con voi bị cầm tù thổn thức gọi bầy. Cuộc
sống dưới làng đối với nó xa lạ quá… Nó phản ứng dữ dội khi thấy người. Mắt nó nảy lửa như mắt sói. Nó đứng vững trên hai chân sau rồi chồm ra phía trước với sức nặng khủng khiếp làm cành cây oằn xuống. Dây thòng lọng thít chặt làm nó tức
nghẹn. Nó đành hạ hai chân trước xuống và đứng thở hồng hộc” (Vũ Hùng, 2015a).
Những từ ngữ mà tác giả sử dụng trong đoạn văn không“quá khích” mà vẫn đủ sức
nặng để người đọc thấm thía được nỗi nhớ thương, niềm oán hận, sự tức giận vì bất
lực của con voi đang tự do bỗng chốc bị cầm tù. Từ đó, những gì nhà văn cần nói với với người đọc đều được chuyển tải một cách thâm trầm, đầy sức nặng.
Những trang cuối cùng của truyện Chú ngựa đồng cỏ có những câu như thế
này “Tôi cũng vừa lòng với công việc tôi đang làm. Có thể nào khác được khi bị đưa
ra khỏi đồng cỏ tự do để sống cuộc sống phụ thuộc”. Đó là tâm sự của chú ngựa xiếc
ngùi, an phận của chú ngựa đáng thương. Mặc dù được đối xử tốt, sâu xa trong lòng chú ngựa vẫn là nỗi nhớ bầy đàn, niềm khát vọng tự do. Con người chúng ta nghĩ như thế nào về điều đó khi tự cho mình cái quyền đứng trên mà định đoạt “số phận” của muôn loài. Những cảm xúc đớn đau của chú ngựa, thông điệp mà Vũ Hùng trao gởi ẩn dấu bên dưới lớp vỏ ngôn từ cứ bình lặng, chậm rãi, ôn hòa mà làm tâm hồn chúng ta phải cuộn sóng.
Còn đây là nỗi niềm uất ức, căm hận của một chú chó đối với người chủ độc ác
đã bỏ đói, đánh đập, hành hạ nó hết ngày này sang ngày khác: “Tôi đã dành cho lão
trưởng thôn tất cả lòng căm giận của tôi. Tất nhiên tôi không cắn xé được lão nhưng tôi khinh bỉ lão theo cách của mình. Tôi không bao giờ nhìn lão bằng cặp mắt thiết tha mà tôi vẫn dùng để nhìn cô chủ cũ của tôi. Không bao giờ tôi vẫy đuôi mừng và liếm hai bàn tay đen đúa của lão. Cứ thấy lão về là tôi lảng đi, tìm vào nằm trong
một xó tối” (Vũ Hùng, 2015i). Người đọc cũng không hề tìm thấy những từ ngữ
nặng nề, “đao to búa lớn”, nếu có chăng chỉ là động từ “cắn xé” nhưng nó lại tồn tại
trong câu dưới dạng phủ định, thế mà sự uất ức của chú chó tội nghiệp vẫn tác động mạnh đến tình cảm, nhận thức của tất cả bạn đọc. Cùng với nội dung câu chuyện, bằng cách khai thác hiệu quả thẩm mĩ của ngôn từ, giọng điệu, Vũ Hùng lại một lần nữa khiến người đọc phải lưu tâm, suy nghĩ: loài vật thông minh, có tình cảm sẽ đối xử với con người y như cách con người đã đối xử với chúng.
Có thể nói, bằng giọng văn nhẹ nhàng, thủ thỉ, Vũ Hùng đã đánh những xúc cảm thầm kín nhất, sâu xa nhất về tình yêu thiên nhiên trong tâm hồn mỗi người. Văn của ông nhẹ nhàng như sợi tơ mà sức mạnh có thể như cơn gió lớn khiến cả rừng sâu núi thẳm rung vang lên tiếng. Giọng điệu ấy tự thân nó mang lại sự khách quan, sức khái quát lớn cho những điều ông trải nghiệm và chia xẻ. Ngoài ra, nó còn đem đến sự bình đẳng cho người kể - người đọc dù không phải là đang đối thoại – tranh biện. Sự bình đẳng đó thể hiện qua “thái độ” bình tĩnh, không áp đặt các tư tưởng, quan điểm về thiên nhiên, môi trường của nhà văn. Người đọc được trao quyền tự đưa ra những đánh giá, nhìn nhận cho riêng mình. Và chính vì thế, những điều họ rút ra được càng có sức ám ảnh lớn, thôi thúc con người hành động để bảo vệ muông thú, bảo vệ Mẹ Trái đất thân yêu.