Ngôn ngữ giàu âm thanh, hình ảnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 88 - 93)

Đọc Vũ Hùng, tâm hồn người đọc được rung lên với từng câu chữ, từng đoạn, từng áng văn thấm đẫm gió ngàn, hơi mưa, hơi đất và những âm thanh kì diệu của tự nhiên. Giở bất kì trang sách nào, ta cũng chạm được vào những góc đẹp của tự nhiên qua những áng văn thấm đẫm âm thanh, hình ảnh và cả những những cái cựa mình rất khẽ mà tràn đầy sức sống của thiên nhiên.

Ngòi bút của ông khiến âm thanh vang lên hài hòa khắp nơi, âm vang trong

mọi thời điểm. Bắt đầu từ những “tiếng rộn ràng, tiếng thăm thẳm, tiếng thánh thót

bâng khuâng” của thời thơ ấu nơi phố thị êm ái nơi Mái nhà xưa, ông học cách

không bỏ qua những âm thanh của núi rừng, thảo nguyên, biển cả. Từ tiếng cú đêm

hu hu” trong rừng già vắng lạnh, tiếng chim gầm ghì “thở dài ưu phiền” (Phía Tây

Trường Sơn), tiếng gió thổi hun hút trên các vách đá, tiếng đá cuội rơi lóc cóc trên

sườn núi lúc hoàng hôn (Con culi của tôi), tiếng thác đổ ầm ầm, tiếng suối chảy róc

rách, tiếng rống “ầm vang, trầm trầm và sang trọng” của loài voi khi trăng lên nơi

ngàn già hoang sơ (Sống giữa bầy voi, Sao Sao, Phía Tây Trường Sơn); tiếng lao xao

của lũ chim gọi thu về, tiếng lục đục của chim con đòi ăn đêm, tiếng cây lá lay động

rì rào trong Vườn chim trù phú cho đến tiếng hí vang vọng của bầy ngựa, tiếng giẫm

móng thình thịch của lạc đà trên đá nhọn của đồng cỏ thảo nguyên (Chú ngựa đồng

cỏ); tiếng lao xao của bầy cá ăn nổi, tiếng ào ào quạt gió của cánh hải âu giữa Biển

bạc bao la. Âm thanh đó gợi sức sống và tạo sức hút cho thế giới muôn màu.

Âm thanh của thiên nhiên, muông thú trong trang văn của ông là những âm thanh tinh tế, vi diệu, là tiếng động cựa đầy sức sống của cuộc sống xung quanh; là ngôn ngữ riêng của từng giống loài mà nhà văn lắng nghe bằng cảm giác nhạy bén

của người từng sống gắn bó với thiên nhiên. Ông nghe thấy tiếng “những cây nấm

cựa mình vươn lên” (Vũ Hùng, 2017d), “tiếng ong ong mơ hồ của nắng”, “tiếng đất

hoang cựa mình đón bước chân người” (Vũ Hùng, 2017e). Ông nghe được âm thanh

xôn xao của đàn vẹt, tiếng trầm bổng như tiếng cây đàn nhiều giọng của chim bông lau, tiếng ríu ran của những con sáo đang chia nhau chỗ ngủ trên các hốc đá, tiếng hót xa xăm như than tiếc một ngày sắp tàn của bầy khướu, tiếng chim gõ kiến gõ

từng hồi vang vọng trên các thân cây” (Vũ Hùng, 2017k), tiếng hót lanh lảnh của

chim chìa vôi, tiếng ríu rít của chim khuyên, bạc má nơi Vườn chim. Ông nhận biết

được “tiếng con hươu bước trên lá, tiếng con lợn rừng dũi đất đào củ, tiếng con cheo

cheo nhè nhẹ gặm măng” (Vũ Hùng, 2015b). Ông hiểu được tiếng hí của bầy ngựa,

tiếng rống của đàn voi với những cung bậc, sắc thái khác nhau, khi vui mừng, khi

thúc giục, lúc buồn bã ủ ê, giận dữ hay bồn chồn, tha thiết (Chú ngựa đồng cỏ, Con

voi xa đàn, Phía Tây Trường Sơn). Ông nghe được cả tiếng “lao xao như ru” của

những mùi hương thầm kín tỏa ra từ cuộc sống phóng khoáng xung quanh mình. Dường như Vũ Hùng đã tích hợp những âm thanh của thế giới tự nhiên hoang dã vào trong những trang viết. Ông sử dụng nhiều động từ chỉ hoạt động tạo âm

thanh (“gọi”,” hót”, “hí”, “rống”, “gào”, “kêu”, “hú”, “cựa mình”, “thở”…), tính

từ chỉ âm thanh (“ồn ào”, “trầm bổng”, “vang”, “rền”, “ầm vang”, “vang vọng”…) và lớp từ tượng thanh để ký âm những khúc nhạc của thiên nhiên hoang dã. Với mong muốn bảo tồn những giá trị của thiên nhiên, có lẽ, Vũ Hùng hy vọng bạn đọc nhận ra rằng những âm thanh mà con người được thiên nhiên trao tặng thật tuyệt vời và quý giá, từ đó thôi thúc mọi người kết nối trở lại với thiên nhiên.

Bản giao hưởng âm thanh trong những trang viết của Vũ Hùng cũng là lời nhắc nhở chúng ta nhớ đến một sự thật mà biết trân trọng thiên nhiên, đó là, động lực thúc đẩy chúng ta phát triển ngôn ngữ, sáng tác âm nhạc, nhảy múa và ca hát đều bắt nguồn trực tiếp từ những môi trường sống của động vật mà chúng ta cũng từng là thành viên. Hay ít nhất, thanh âm của tự nhiên cũng gợi cảm hứng, là “bản nguyên” để chúng ta mô phỏng mà tạo nên những tác phẩm âm nhạc mang đến niềm vui cho con người.

Không chỉ giàu âm thanh, ngôn ngữ trong trang văn Vũ Hùng còn rất giàu hình ảnh. Ngôn ngữ đó giúp ông khắc họa được vẻ đẹp nhiều chiều, nhiều góc độ của thiên nhiên nhiên, khiến người đọc có thể cảm nhận được thiên nhiên một cách rõ nét

như nhìn thấy được, như nắm bắt được những đường nét, hình hài cụ thể và đồng thời, khơi gợi trí tưởng tượng bay bổng ở họ.

Nét bút tạo hình giúp Vũ Hùng khắc họa được vẻ đẹp đầy sức sống của thiên

nhiên. Dùng ngôn ngữ để dựng cảnh, Vũ Hùng, qua các trang truyện Bầy voi đen,

Phượng hoàng đất, Chú ngựa đồng cỏ, Biển bạc, … đã giúp người đọc hình dung

bên trong từng tầng lá xanh dày, trên thảo nguyên tít tắp đến chân trời, giữa biển cả mênh mông không bờ bến là cả một cuộc sống sôi động đang diễn ra từng giờ từng phút. Trên bầu trời, những con diều hâu đang sải cánh. Trên những cành cây, bầy sóc đang chăm chỉ kiếm ăn. Dưới từng thảm lá khô dày, đàn voi to lớn, sừng sững đang cất những bước hiên ngang. Trên đồng cỏ, những chú ngựa tung vó ngao du, những đàn cừu ung dung gặm cỏ, những bầy sói tung hoành ngang dọc. Giữa biển khơi, từng đàn cá heo vui vẻ nô đùa, bầy cá mập lượn lờ đe dọa, những bà mẹ đồi mồi vật lộn với sóng gió đại dương… Tất cả những điều ấy, người đọc đều được trải nghiệm qua những nét vẽ bằng ngôn từ của “người dựng bảo tàng thiên nhiên bằng chữ”- Vũ Hùng.

Hãy cùng đọc những câu văn ông tả núi rừng:

Dãy núi Mật đứng vượt khỏi những cánh rừng, ôm lấy làng Mật như một

cánh cung và nhấp nhô những ngọn giống cái lưỡi cưa thật to của bác thợ xẻ” (Vũ

Hùng, 2015e) hay:

Trời đã rạng. Sương mù lảng vảng trên đèo như một tấm màn mỏng đang được vén dần lên cao. Trong những bụi cây thấp thoáng, một bầy khướu chuyền cành, đua nhau hót lanh lảnh. Sương rây li ti như mưa bụi, có lúc đặc lại mờ mịt, cuối cùng bị gió cuốn đi hết. Dưới xa, mặt trời đã nhô khỏi những dãy núi chắn ngang và khi những tia nắng đỏ ửng đầu tiên chiếu đến lưng đèo thì mọi vật đều

bừng sáng (Vũ Hùng, 2015h).

Những câu văn ấykhiến đại ngàn Trường Sơn với những dãy núi trùng điệp,

những ngọn đèo hoang vu, mờ ảo trong sương sớm, những đàn khướu tinh nghịch chuyền cành hiện lên trước mắt người đọc chân thật đến tận cùng, hùng vĩ, nên thơ

đến tuyệt vời và gợi cảm xúc đến dâng trào. Vũ Hùng còn miêu tả rất hay hình ảnh vị

“chúa tể sơn lâm”: “Con hổ vừa tỉnh dậy sau đêm đi săn mồi. Nó oằn mình vươn vai

cho đỡ mỏi, hấp háy cặp mắt còn ngái ngủ nhìn ánh nắng lọt qua kẽ lá. Tiếng động của bước chân voi làm nó chồm dậy. Nó lui vào nấp sau một rèm lá rậm, đứng lắng nghe và nhìn bằng cặp mắt nảy lửa. Đôi lỗ mũi của nó hít hít để tìm hơi lạ khiến cái

bụng thon thả của nó phập phồng” (Vũ Hùng, 2015k). Tác giả khiến người đọc có

cảm tưởng đang được chiêm ngưỡng vẻ oai phong, kiêu hùng của “ông ba mươi” giữa giang sơn tự trị và cảm nhận được cái bí hiểm, dữ dội của ngàn già. Còn đây là hình ảnh thơ mộng của “con nai vàng ngơ ngác” xuống bến uống nước dưới ánh

trăng “Suốt đêm những bầy nai xuống bến uống nước dưới chân chúng tôi… Chúng

táp nước nhè nhẹ. Nhiều con sau khi uống, say sưa đứng nghiêng mình vỗ một chân

trước xuống sông như vờn nghịch mặt trăng long lanh in dưới đáy” (Vũ Hùng,

2015k). Lãng mạn và kì ảo đến vô cùng. Đọc đến đây, chúng ta thấy yêu sao cái

khung cảnh thanh bình và thơ mộng bên bến nước giữa rừng già, yêu sao con nai nhỏ hiền lành, vô tư lự. Bạn đọc cũng sẽ chợt nhận ra tâm hồn mình thật an nhiên, thư thái, trái tim mình tràn ngập một tình yêu tha thiết với thiên nhiên, để rồi, mỗi người đều thấm thía: thiên nhiên là thứ quý giá vô ngần mà chúng ta cần hết sức giữ gìn, bảo vệ.

Ngôn ngữ giàu hình ảnh còn giúp Vũ Hùng khẳng định vẻ đẹp của từng sinh

thể nhỏ nhất: “Những lá cỏ tranh trĩu xuống, đầu ngọn treo hạt sương long lanh

(Vũ Hùng, 2017d). Những bụi lạc tiên chín vàng hay những cây tranh châu đầy quả

đỏ, những con sơn dương vươn sừng trong nắng sớm, con công múa “rập rình, có

lúc quay tròn làm cái đuôi cứ uốn lượn, như hắt ra muôn nghìn tia sáng” (Vũ Hùng,

2017d). Có thể nói, những đường nét mang tính chất đặc trưng, những dáng vẻ, phút giây “xuất thần” của của thiên nhiên, muông thú đều được Vũ Hùng ghi lại.

Những trang viết về muông thú của Vũ Hùng còn tạo nên ấn tượng về một thế giới động vật sinh động, muôn màu muôn vẻ, ở đó, người đọc không chỉ gặp những con thú, nhận biết chúng qua dáng điệu, tập tính, sinh hoạt mà còn cảm thấy xúc động, khâm phục, vui buồn cùng với chúng. Điều đó có được là nhờ những nét vẽ bằng ngôn từ trong văn chương của ông.

Mỗi khi chớp lóe, cảnh hỗn mang tiền sử chợt hiện trước mắt tôi: những con voi tím đỏ như những khối than rực cháy đang vươn vòi lên trời chờ đón những giọt mưa đầu mùa. Sau ánh chớp ngắn ngủi, tất cả lại chìm trong bóng tối và sét nổ ra chát chúa. Bị kích thích bởi tiếng sét, cả mấy chục chiếc vòi cùng gào lên. Chừng

như lũ voi tức giận vì ách trói buộc. Có phải chúng đang đòi sự buông thả? (Vũ

Hùng, 2015k).

Đó là hình ảnh của đàn voi làng Vông Xay trong những đêm mưa bão, là một thước phim mà nhà nghệ sĩ Vũ Hùng đã kì công ghi lại để miêu tả những phút giây bản năng bùng nổ, nỗi khao khát tự do, khao khát được trở về núi rừng của bầy voi dũng mãnh. Nó cũng là “tiếng sét” thức tỉnh tình yêu thương, trân trọng và thái độ bình đẳng đối với loài vật của con người. Chúng cũng có những nỗi nhớ, niềm đau, những nỗi khát khao thầm kín. Yêu thương vật, hãy cho chúng tự do khi có thể. Thông điệp ẩn chứa sau những trang văn giàu hình ảnh thật sự có sức nặng.

Để chạm khắc vẻ đẹp của thiên nhiên, Vũ Hùng sử dụng với tần suất khá lớn lớp từ tượng hình. Ông cũng đã rất khéo léo trong việc kết hợp ngôn ngữ tạo âm

thanh, tạo hình ảnh trong cùng một đoạn văn miêu tả: “Buổi sớm tên đồng cỏ sôi

động… Ánh nắng mới lên nhuộm hồng làn sương vương trên những ngọn cây. Sau một đêm ngủ bình yên, bầy chim tỉnh dậy hót vang lừng. Một vài con nai rời bến

nước, lững thững tìm về ổ ở khuất đâu đó dưới lùm cây” (Vũ Hùng, 2015k). Nhờ đó,

chúng ta có thể nghe thấy, nhìn thấy và tưởng tượng thấy thiên nhiên với tất cả vẻ đẹp diệu kì. Lớp vỏ ngôn ngữ với sự kết hợp khéo léo ấy cũng đã giúp nhà văn truyền đi thông điệp về lối sống hòa đồng, vô sự với môi trường một cách hiệu

quả:“Rồi dông nổi lên, mỗi lúc mỗi mạnh… Gió ào ào từng cơn, thổi bạt những cánh

chim đang cố bay. Trời tối sầm. Chớp lóe sáng giữa những đám mây cuồn cuộn… Nước đổ như thác… Cây rừng ngả nghiêng, xơ xác trước những cơn gió giật dữ tợn… Bỗng một tiếng sét nổ tung trên đỉnh núi… Những tảng đá lớn kéo nhau lăn

xuống…, vừa lăn vừa gầm thét” (Vũ Hùng, 2015h). Những âm thanh dữ dội, những

chân thực, sống động. Ông tái hiện sức mạnh tiềm tàng, bí ẩn của thiên nhiên trước mắt người đọc, như một kiểu kín đáo nhắc nhở: thiên nhiên mạnh mẽ như thế đấy, thế nên, chinh phục thiên nhiên là một ý tưởng ngông cuồng. Có lẽ, với niềm ước

mong “các thế hệ kế tiếp sẽ tuân theo những quy luật tự nhiên, khôi phục lại môi

trường để con cháu đời sau được thừa hưởng một không gian trong lành như chúng

ta đã được hưởng những ngày xưa” (Vũ Hùng, 2015k), Vũ Hùng đã dụng công dựng

hình ảnh, tạo âm thanh và tạo được cả âm vang cho những sáng tác của mình.

Ngôn từ giàu màu sắc, hình ảnh đã giúp Vũ Hùng miêu tả bức tranh toàn cảnh, sống động về thiên nhiên, muông thú. Đó là một thế giới nguyên sơ, chưa có bàn tay tàn phá của con người - một không gian sống động mà hùng vĩ khiến chúng ta phải trầm trồ thán phục, một kiệt tác nghệ thuật mà không một nghệ sĩ thiên tài nào có thể sáng tạo nên. Nó kích thích trí tưởng tượng và cả những tình cảm, suy tư của con người, làm cho bức tranh thiên nhiên của ông được người đọc say sưa chiêm bái, chiêm nghiệm. Từ chiêm bái, chiêm nghiệm mà yêu mến, tôn trọng và bảo vệ Mẹ - Tự nhiên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 88 - 93)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)