Điểm nhìn khoa học hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 108 - 111)

Nếu như các nhà văn của thiếu nhi như Tô Hoài, Phạm Hổ, Võ Quảng nương vào mắt nhìn con trẻ hồn nhiên, trong veo để hiểu cảm thế giới, mang thiên nhiên, muôn vật về bên ô cửa, trên mái nhà để răn ngụ những bài học sâu sắc làm người, và ở đó, tập tính của muông thú chỉ thoáng hiện ra, hoặc có được điểm danh thì cũng chỉ là cái cớ cho một điều khác chứ không phải điều chính cho các nhà văn hướng tới, thì khi viết về loài vật, Vũ Hùng đi một lối đi riêng. Bằng vốn sống dày dặn, ông viết về thiên nhiên muôn vật nói chung, tập tính loài voi và công việc của người săn voi nói riêng thật chi tiết, tỉ mỉ. Không hài hước mà thâm trầm rất đỗi, cũng không mượn trẻ thơ đôi mắt, giọng cười, Vũ Hùng như rừng già trăm tuổi điềm đạm trải lòng. Văn chương như thế níu người ta lại, khiến người ta nghĩ.

Viết về thiên nhiên với sự hỗ trợ của hiểu biết khoa học là cách để Vũ Hùng đề cập những vấn đề thuộc về đời sống hàng ngày của chính mình và bạn đọc, đặc biệt là những vấn đề môi trường. Trong những trang viết của Vũ Hùng, dường như có một cuộc “hôn phối” giữa nhà động vật học, nhà sinh vật học, nhà tự nhiên học và nhà văn- thành thục và thuyết phục, lôi cuốn người đọc đến vô cùng. Có cảm tưởng ông thuộc nằm lòng tất cả các tập tính của các loài động vật. Ông quan sát kĩ lưỡng một con vật và bầy đàn của nó, cách chúng dạy nhau, chơi đùa với nhau, bày tỏ tình

cảm và bảo vệ nhau, bảo vệ đàn, dàn xếp những mâu thuẫn (Sống giữa bầy voi, Con

voi xa đàn, Bầy voi đen, Giữ lấy bầu mật...); những kiến thức phong phú về từng

miền đất và loài vật; những ghi chép tỉ mẩn đến từng chi tiết, từng đường nét khiến cho bức tranh thiên nhiên và cuộc sống hiện lên rõ ràng, chính xác, không chút phân vân. Đó đều là những kiến thức quý và sâu, điều mà nhiều nhà nghiên cứu phải ăn dầm nằm dề, có khi quan sát cả đời người, mới rút ra được. Chính vì thế mà những gì nhà văn viết ra đã chiếm được lòng tin tuyệt đối của người đọc. Chẳng hạn, Vũ Hùng

kể cho độc giả biết, “với loài ngựa, tên không phải chỉ để gọi. Nó mang trong đó bao

sức sống, bao kỷ niệm” (Vũ Hùng, 2015d). Vì thế, người ta đặt cho ngựa một cái tên

khác. Cũng nhờ Vũ Hùng, ta biết loài voi “làm gì cũng đúng giờ, cứ như sinh ra

chúng đã có sẵn một chiếc đồng hồ trong trí nhớ” (Vũ Hùng, 2015k); ta biết voi

trưởng thành ngủ đứng, voi con đôi khi ngủ nằm. Voi tuy to lớn, nhưng điều đó không ngăn cản chúng trở thành những tay bơi giỏi; ta biết bọn voi con được nuông chiều thế nào, còn hổ con và báo con lại phải tuân theo luật lệ khắc nghiệt ra sao của sự đào thải tự nhiên; ta hiểu sự khác biệt giữa voi đầu đàn và voi đầu trận, khác biệt từ chức năng đến cả cách xa rời cõi đời của chúng. Đọc Vũ Hùng, bạn đọc có thể biết đến rất nhiều điều bí ẩn về cá mập, cá heo, cá voi, cá nhám. Bạn đọc nhỏ tuổi còn khúc khích với cách tự vệ của loài chồn heo là… xì hơi thối để làm bỏng da đối thủ. Rồi thế giới loài chim vừa hiền lành vừa sôi động với bồ nông, le le, chim uyên, họa

mi, sáo sậu, sơn ca… và cách làm tổ đầy nghệ thuật của chúng. Qua những Mùa săn

trên núi, người đọc như lạc vào xứ sở của loài hươu nai, những con thú kì lạ trong

rừng như cà-tong, min, mang, culi, chồn ma… mà giờ đây, nếu không đọc Vũ Hùng, hẳn cũng không mấy người nghe nói về chúng, vì rừng, giờ đây đã ở đâu đó quá xa.

Bởi thế, nhà phê bình Vương Trí Nhàn không phải không có lý khi nhận định rằng

Sống giữa bầy voi của Vũ Hùng là một “khảo luận công phu”. Đọc Vũ Hùng, người

đọc sẽ được cung cấp kiến thức, thấy được sự đang dạng, phong phú của các loài vật trên đại ngàn, nơi thảo nguyên mà thêm tự hào, trân trọng.

Miêu tả kĩ càng đặc điểm và tập tính của các loài động vật và đặc biệt là voi trong mối tương quan, hòa hợp với môi trường sống, các loài vật khác xung quanh mình, tác giả cũng nhằm giúp chúng ta nhận thức được rõ ràng mỗi sinh vật đều có một vai trò, vị trí nhất định giữa lòng thế giới tự nhiên và có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau, tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, một môi trường tự nhiên phong phú, đa dạng. Trình bày những kiến thức khoa học nói trên, Vũ Hùng đã thể hiện một sự am hiểu tinh tường, một tình yêu thiên nhiên lớn lao và một khối lượng kiến thức khổng lồ về cỏ cây, muông thú.

Từ điểm nhìn khoa học, nhiều trang viết của ông giống như một khảo luận công phu về mọi hoạt động, tập tính không chỉ của loài thú mà còn của những người thợ săn, quản tượng. Những đoạn ông khái quát về quy luật của rừng là sự kết hợp của vốn văn hóa nhân bản trong con người ông, kinh nghiệm sống của người dân vùng sơn cước cũng như những trải nghiệm của bản thân nhà văn suốt những năm tháng gắn bó với núi rừng. Từ đó, tác giả giúp chúng ta hiểu luật rừng chính là nguyên tắc đem lại sự cân bằng trong thiên nhiên, muông thú, nhưng cũng từ những đúc kết từ điểm nhìn khoa học đó mà để lại cho chúng ta một bài học vô giá và chân thực về cách ứng xử giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.

Cái hay của Vũ Hùng tạo nên sức hấp dẫn cho các tác phẩm của ông là những kiến thức về sinh vật học, về bảo vệ môi trường sinh thái có khi được nhà văn đan lồng một cách khéo léo, tinh tế vào tiến trình phát triển của câu chuyện, bằng hình thức lời miêu tả của người kể chuyện, có khi ở lời đối thoại ở nhiều ngữ cảnh (giảng giải, phân tích, truyền kinh nghiệm…), nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật; có khi lại tồn tại một cách độc lập như một chuyên khảo, một công trình khảo cứu hấp dẫn

(như trong Bí ẩn của rừng già). Với những cách thức như thế, tác phẩm của Vũ

Hùng dù chứa đựng nhiều kiến thức liên ngành (sinh vật học, sinh thái học, văn hóa…) mà lại không gây cảm giác thuyết giảng nặng nề. Ngược lại, chúng gây được

hứng thú rất riêng biệt đối với người đọc, khiến họ có những hiểu biết sâu sắc về đại ngàn, thảo nguyên, muông thú.

Cùng với nhận thức thẩm mĩ, kiến thức khoa học giúp con người hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về thế giới mình đang sống. Với điểm nhìn khoa học, Vũ Hùng giúp độc giả làm giàu thêm những hiểu biết đó. Hiểu biết để trân quý, yêu thương và bảo vệ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) vấn đề môi trường trong truyện thiếu nhi của vũ hùng (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(144 trang)