Trẻ được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong trường mầm non có độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi. Ở độ tuổi từ 6 đến 18 tháng tuổi, trẻ rất thích với tay lấy đồ vật, tìm tòi những vật có màu sắc sặc sỡ. Trẻ rất thích vận động như bò, chậm chững đi, nghịch đồ chơi... Như vậy, trẻ em trong độ tuổi này, nguy cơ mất an toàn rất cao, những rủi ro xung quanh luôn rình rập đe dọa sự an toàn cho trẻ nếu không được bảo vệ kịp thời. Sự tò mò, nhận thức, hoạt động của bé từ 6 đến 12 tháng có thể gây ra nhiều rủi ro. Do vậy, trong độ tuổi này, trẻ cần được chăm sóc, theo dõi sát sao, cẩn thận loại bỏ những nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Ở lứa tuổi 12-18 tháng, trẻ thích tự do, khi đã có thể tự di chuyển, trẻ bắt đầu đi lung tung, thích chơi hoặc làm những gì mà bé thích. Trẻ sẽ thể hiện sự độc lập bằng việc thích chơi một mình. Thời gian chơi độc lập và liên tục ở trẻ 1 tuổi là khoảng 30 phút (Nguyễn Thị Mĩ Lộc và Nguyễn Thị Tuất, 1998).
Ở lứa tuổi mẫu giáo bé (từ 12-36 tháng tuổi), hoạt động chủ đạo của trẻ là hoạt động với đồ vật. Khả năng quan sát của trẻ được phát triển không chỉ số lượng đồ vật mà cả các chi tiết, dấu hiệu thuộc tính, màu sắc...Trẻ bắt đầu xuất hiện khả năng kiểm tra độ chính xác của tri giác bằng cách hành động thao tác lắp ráp, vặn mở... (Mai Thị Nguyệt Nga, 2007).
Như vậy, trong giai đoạn này, trẻ không chỉ chú ý đến những vật xung quanh mà còn khám phá nó bằng hoạt động tác động vào đồ chơi, những hành động của trẻ khi tác động vào những vật xung quanh có thể gây ra thương tích cho trẻ.
Ở lứa tuổi mẫu giáo (từ 3-6 tuổi), trẻ trở nên độc lập hơn, muốn tự làm mọi việc. Trong hoạt động vui chơi, trẻ thể hiện rõ rệt tính tự lực, tự do và chủ động. Trẻ bắt đầu biết dùng các vật thể làm các trò chơi theo trí tưởng tượng của trẻ. Ngoài đồ
chơi và các vật dụng gia đình thường dùng ra, các vật chất ở xung quanh môi trường vẫn tiếp tục gây nên sự chú ý của trẻ. Đặc điểm lúc này là thích thú cái mới cái thay đổi tăng lên, ví như hàng ngày trẻ chăm chú nhìn sự vật mới phát sinh ngoài cửa sổ, chú ý người lớn làm... (Nguyễn Thị Hòa, 2013). Do vậy, chúng ta cần cẩn thận khi để trẻ tiếp xúc với những vật có thể gây tai nạn, thương tích cho trẻ. Trẻ giai đoạn này thích nghịch nước, trẻ có thể nghịch nước với nhiều hình thức khác nhau. Cần đề phòng nguy cơ bị đuối nước.
“Trẻ 4-6 tuổi có thể chạy, nhảy, biết dùng đôi tay để nắm chặt đồ vật, biết leo trèo, đôi chân chạy nhảy liên tục.. .trong quá trình chạy chơi cảm thấy vô cùng thích thú, cho nên suốt ngày chạy nhảy, không lúc nào ngồi yên. Trẻ ở giai đoạn này có đặc điểm nổi bật là hoạt bát, hiếu động”. Chính vì vậy, giáo viên cần liên tục tổ chức các hoạt động an toàn thú vị thu hút các em cùng tham gia, đồng thời quan sát, bảo vệ các em khỏi những nguy cơ mất an toàn như vấp té, gãy xương.
Ngoài ra, trong giai đoạn trẻ em lứa tuổi 3-6 tuổi, trẻ có hứng thú với việc khám phá thế giới xung quanh, tò mò và liên tục thắc mắc các vấn đề với cha mẹ, cô giáo. Nếu cha mẹ, thầy cô hiểu được tâm lý của trẻ, và định hướng sẽ có thể đem lại nhiều hiệu quả tích cực, trang bị kỹ năng tự bảo vệ an toàn cho trẻ, phòng tránh tai nạn, thương tích.
Trẻ có nhu cầu tự chăm sóc bản thân từ rất sớm, đôi khi chỉ vừa được 1 tuổi. Khả năng này bắt đầu bộc lộ rõ khi trẻ được 18 tháng tuổi. Khi trẻ được 4 tuổi, mặc dù trẻ vẫn cần sự giúp đỡ và chăm sóc của người lớn nhưng hầu hết đã biết cách tự mình làm lấy một số việc như: mặc quần áo, chải răng, rửa tay, ăn một mình và tự đi tắm. Hiểu được đặc điểm tâm lý này sẽ giúp cha mẹ, các cô sẽ có phương pháp hỗ trợ, giúp đỡ các em trong các hoạt động tự chăm sóc bản thân trẻ sao cho phù hợp từng lứa tuổi, phòng tránh TNTT cho trẻ trong mỗi tình huống có thể xảy ra khi trẻ tự làm một mình.
Tóm lại, trẻ em trong độ tuổi mầm non, về mặt nhận thức trẻ chưa có khả năng nhận thức rõ những gì xung quanh mình. Trẻ chưa thể biết rõ cái gì có khả năng gây nguy hiểm cho mình, hoặc những hành động của mình có thể gây nguy hiểm hay không. Trẻ hành động theo ý thích và niềm vui của mình vì trẻ lứa tuổi này rất tò
mò và hiếu động. Xét về sinh lý, cơ thể trẻ giai đoạn này chưa phát triển hoàn thiện, các bộ phận cấu tạo còn non nớt, dễ bị tổn thương, khả năng vận động thô và vận động tinh của trẻ chưa tốt mà trẻ lại thích vận động. Sự đối lập giữa tâm - sinh lý của trẻ sẽ là nguy cơ gây ra những rủi ro cho sự an toàn của trẻ. Do vậy, người QLGD cũng như đội ngũ giáo viên, công nhân viên và các bậc CMHS cần nắm bắt tâm sinh lý của trẻ để có thể phòng tránh tốt nhất những tai nạn, thương tích, những nguy cơ đe dọa sự an toàn cho trẻ trong mọi môi trường, đặc biệt trong trường