mầm non
Phương pháp là cách thức, là con đường hoạt động của con người nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Mỗi một hoạt động có những phương pháp đặc trưng. Trong công tác quản lý, phương pháp quản lí là bộ phận năng động nhất, linh hoạt nhất. Phương pháp quản lí giáo dục là tổ hợp những cách thức tiến hành hoạt động quản lí giáo dục để thực hiện những nhiệm vụ quản lí nhằm đạt được mục tiêu quản lí (Phạm Thị Châu, 2009).
Phương pháp quản lí hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ ở trường mầm non là cách thức tác động của hiệu trưởng tới cá nhân, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu quản lí hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ đã đề ra. Thông thường có những phương pháp quản lí hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ cơ bản như sau:
1.4.3.1. Phương pháp hành chính - pháp luật
Theo tác giả Trần Kiểm, “phương pháp hành chính - pháp luật là tổng thể các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của chủ thể quản lí đến đối tượng bị quản lí dựa trên cơ sở quan hệ tổ chức và quyền lực nhà nước.” (Trần Kiểm, 2015). Phương pháp hành chính - pháp luật là sự tác động trực tiếp của người quản lí đến cán bộ công nhân viên của mình bằng những mệnh lệnh, chỉ thị, quyết định quản lí... (có
tính chất văn bản) bắt buộc người dưới quyền phải thi hành nhiệm vụ. Phương pháp này giúp cho người quản lí xây dựng được bộ máy quản lí lãnh đạo, các tiêu chuẩn, các quy chế. đó là những yếu tố có tính chất pháp quy mà tất cả mọi người trong nhà trường đều phải tuân thủ. Nó quy định chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong hệ thống quản lí (Phạm Thị Phước, 2015).
Phương pháp hành chính – pháp luật được cấu thành từ 3 yếu tố (Phan Thị Châu và Trần Thị Sinh, 2000):
- Hệ thống luật và các văn bản pháp quy đã được ban hành.
Ví dụ: Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; Điều lệ trường mầm non. Chỉ thị số 23/2006/CT-TTg về Y tế trường học. Quyết định số 58/2008/QĐ-BGDĐT ban hành vế hoạt động y tế. Thông tư 13/2012/TT-BGDĐT về xây dựng trường học ATPTTNTT. Văn bản 6221/BGDĐT-GDMN ngày 10/09/2013 về bảo đảm an toàn cho trẻ. Thông tư liên tịch số 182011/TTLT-BGDĐT-BYT. Văn bản số 4318/BGDĐT-GDMN. Đáng chú ý là Công văn mới nhất của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã ký công văn gửi các sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lí, chỉ đạo thực hiện chăm sóc sức khoẻ, phòng tránh TNTT cho trẻ trong các cơ sở GD mầm non.
- Các mệnh lệnh hành chính được ban bố từ người lãnh đạo như: Nội quy nhà trường, kế hoạch chăm sóc giáo dục trẻ, chương trình công tác, chức năng, nhiệm vụ giao cho từng bộ phận, cá nhân. Đó là những văn kiện mang tính chất hành chính, pháp quy quy định rõ ràng dứt khoát: Ai làm? Làm thế nào? Đó là những điều bắt buộc phải thực hiện không ai có quyền lựa chọn, thay đổi.
- Kiểm tra việc chấp hành các văn bản, các mệnh lệnh hành chính.
Phương pháp hành chính - pháp luật được sử dụng trong công tác phòng tránh TNTT cho trẻ nhằm 2 mục đích chính: tổ chức và điều chỉnh. Thứ nhất, chủ thể quản lí ban hành các văn bản pháp quy quy định về tổ chức và hoạt động của các cá nhân, tổ chức trong nhà trường theo mục tiêu chung và mục tiêu phòng tránh TNTT cho trẻ; đồng thời quy định các mối quan hệ hoạt động trong nội bộ cũng như các đối tượng quản lí với các chủ thể khác. Ví dụ như: mối liên hệ giữa bảo vệ, nhân viên y tế, giáo viên... Thứ hai, chủ thể quản lí thông qua các hình thức như chỉ thị,
mệnh lệnh hành chính bắt buộc cấp dưới thực hiện những nhiệm vụ theo kế hoạch, mục tiêu phòng tránh TNTT cho trẻ nhằm đảm bảo sự đúng hướng, phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận để có thể tạo ra một một môi trường an toàn tuyệt đối cho trẻ mầm non.
Phương pháp hành chính tổ chức rất cần thiết trong quản lí giáo dục nói chung, quản lí phòng tránh TNTT trẻ mầm non nói riêng, giúp cho người cán bộ quản lí chỉ đạo tập thể của mình thực hiện đúng chủ trương đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và nhà nước về công tác quản lí hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ. Thiếu phương pháp này thì không thể chỉ huy trực tiếp, không thể quản lí được (Phan Thị Châu và Trần Thị Sinh, 2000). Ưu điểm của phương pháp hành chính tổ chức là: Đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong mọi hoạt động. Tập trung điều hành nên thực hiện kịp thời các quyết định của người lãnh đạo. Tuy nhiên, có nhược điểm là: Do có sự áp đặt của các mệnh lệnh nên làm cho người bị quản lí dễ rơi vào tình trạng bị động. Hạn chế tính chủ động sáng tạo khi thừa hành công việc. Nếu lạm dụng phương pháp “hành chính hoá’’ sẽ dẫn tới lối quan liêu, giấy tờ máy móc, xa rời thực tế, mệnh lệnh cửa quyền trong quản lí (Phạm Thị Phước, 2015).
1.4.3.2. Phương pháp giáo dục - tâm lí
“Phương pháp giáo dục - tâm lí là tổng thể những tác động lên trí tuệ, tình cảm, ý thức và nhân cách của con người.” (Trần Kiểm, 2015). Đây là phương pháp sử dụng các tác động tâm lí nhằm động viên tinh thần chủ động, tích cực, tự giác, năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân, tổ chức trong nhà trường; kích thích tinh thần của mỗi cá nhân từ việc nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công việc từ đó hăng hái, ý thức trách nhiệm hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu đề ra; đồng thời phương pháp này cũng tạo ra một không khí phấn khởi, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau, giúp đỡ nhau và vươn lên không ngừng (Phạm Thị Châu, 2009).
Vì tính chất hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ phải diễn ra thường xuyên, liên tục và đòi hỏi sự tự giác, ý thức cao của cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường. Do vậy, sử dụng phương pháp giáo dục - tâm lí sẽ đem lại hiệu quả cao cho những người quản lí. Phương pháp này sẽ giúp cho người quản lí thuyết phục, định hướng về công tác tư tưởng cho những người thực hiện hoạt động phòng tránh
TNTT cho trẻ một cách tự giác, thấm nhuần trong tư tưởng và hành động. Đây là phương pháp tác động bằng tinh thần của chủ thể quản lí đến đối tượng quản lí nhằm giúp họ hiểu biết, tin tưởng và tích cực thi hành những công việc được giao, đặc biệt trong môi trường giáo dục, cụ thể là trong công tác phòng tránh TNTT cho trẻ - công tác cần nhiều sự chú ý, quan tâm và trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường.
Để giáo dục thuyết phục có hiệu quả, người quản lí cần sử dụng ba phương tiện cơ bản sau (Phạm Thị Phước, 2015):
- Người quản lí dựa vào những chỉ thị, những nghị quyết có tính chất văn bản liên quan tới hoạt động, công tác quản lí hoạt động phòng tránh TNTT, để giảng giải thuyết phục cấp dưới khi giao nhiệm vụ cho họ, cũng như khi kiểm tra đánh giá kết quả công việc của họ.
- Nâng cao uy tín về năng lực chuyên môn trong công tác quản lí hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ, cũng như năng lực quản lí và các phẩm chất tính cách là điều kiện quan trọng để giáo dục, thuyết phục người khác.
- Sử dụng dư luận tập thể lành mạnh để điều khiển, điều chỉnh hành vi, thái độ của mỗi thành viên. Khi có được dư luận tập thể lành mạnh, có thể sử dụng phương pháp giáo dục song song: Vừa trực tiếp tác động, thuyết phục người được giáo dục, vừa tác động đến họ thông qua dư luận tập thể. Sự kết hợp linh hoạt sáng tạo giữa nhà giáo dục và tập thể khi tác động đến đối tượng giáo dục sẽ có hiệu quả cao.
Ưu điểm của phương pháp này là do được kích thích về mặt tinh thần mà mọi thành viên phát huy được tính tích cực, chủ động, hăng hái làm việc, đoàn kết, tin cậy lẫn nhau. Nhược điểm của phương pháp này là nếu người lãnh đạo thiếu gương mẫu về đạo đức, lối sống và sử dụng phương pháp này không đúng lúc, đúng chỗ, đúng người thì dễ dẫn tới hiện tượng tiêu cực trong quản lí.
1.4.3.3. Phương pháp kích thích
“Phương pháp kích thích là tổng thể những tác động đến con người thông qua lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần nhằm phát huy ở họ tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, ý chí, trách nhiệm và quyết tâm hành động vì lợi ích chung của tổ chức.” (Trần Kiểm, 2008). Đây là cách thức tác động gián tiếp lên đối tượng quản lí bằng việc tạo ra sự
quan tâm nhất định về lợi ích vật chất và tinh thần để người lao động điều chỉnh hành động nhằm hoàn thành nhiệm vụ. Trong quản lí giáo dục, phương pháp này thể hiện bằng các chế độ, chính sách khuyến khích vật chất, động viên tinh thần và thường được kết hợp với phương pháp hành chính tổ chức trong việc xác định định mức, tiêu chuẩn, chỉ tiêu (Phạm Thị Phước, 2015).
Người quản lí sử dụng phương pháp kích thích làm nhanh chóng tạo nên động cơ mạnh cho hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ vì nó mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động, mà cụ thể là giáo viên, nhân viên, cán bộ nhà trường - những người liên quan đến an toàn cho trẻ. Đồng thời phát huy được tính chủ động, tự giác, sáng tạo của mỗi người trong công việc, giảm nhẹ việc giám sát kiểm tra của người quản lí. Khi sử dụng phương pháp này trong công tác quản lí hoạt động phòng tránh TNTT cho trẻ cần tránh những mặt trái của phương pháp này là dễ dàng dẫn tới khuynh hướng vụ lợi, chỉ quan tâm đến cá nhân mình mà không quan tâm đến đồng nghiệp, đặc biệt khi tuyệt đối hoá kích thích vật chất. Công tác phòng tránh TNTT cho trẻ đòi hỏi người giáo viên, nhân viên phải thực sự có tâm, yêu trẻ, không vụ lợi.
Tóm lại, mỗi phương pháp đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định, mà hệ thống quản lí là một chỉnh thể bao gồm các bộ phận hợp thành có quan hệ tương tác, gắn bó với nhau. Do vậy, áp dụng một phương pháp nào đó không thể cùng lúc tác động triệt để đến hệ thống quản lí được. Ngoài ra, đối tượng quản lí giáo dục là con người, mà bản chất của con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Bời vậy, chỉ có sự kết hợp các phương pháp quản lí mới có thể tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy quá trình quản lí nhằm đạt được mục tiêu quản lí.