Tác động của việc hội nhập đối với phát triển du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 55 - 56)

Hội nhập mang lại những tác động rất lớn đối với du lịch Việt Nam. Những tác động của hội nhập đến du lịch được thể hiện qua hai mặt:

■ Tác động tích cực:

- Hội nhập sẽ dẫn đến nhu cầu tất yếu là tăng cường liên kết trong PTDL, việc tăng cường hợp tác liên kết với các đối tác bên ngoài có ý nghĩa rất quan trọng. Tăng cường liên kết giúp năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam được nâng lên. Các doanh nghiệp được tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như vận chuyển, dịch vụ ăn uống, kinh doanh, vui chơi giải trí… Hội nhập cũng sẽ dẫn đến sự hình thành các chuỗi liên kết vùng trong PTDL giữa các địa phương nhằm khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương.

- Việc hội nhập, đặc biệt sau khi thành lập AEC sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự luân chuyển của vốn đầu tư, hàng hóa, dịch vụ trong các quốc gia ASEAN. Cùng với sự phát triển của dòng chảy kinh tế kéo theo sự phát triển của dòng chảy dịch vụ du lịch. Việc AEC ra đời cũng sẽ tạo thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước ASEAN vào xây dựng CSHT phục vụ du lịch.

- Hội nhập thường đi kèm với các thỏa thuận, trong đó có việc triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN (MRA -TP) về nghề du lịch. Với sự luân chuyển tự do của nhân lực trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn... tạo cơ hội cho ngành du lịch Việt Nam có được nguồn lao động chất lượng cao, đồng thời các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng được tiếp cận với các phương pháp quản trị hiện đại.

- Hội nhập sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh về số lượng, đa dạng về loại hình, cải thiện chất lượng, phù hợp với trình độ phát triển và nhu cầu trong khu vực.

- Hội nhập sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch nước ta đã tăng lên rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch về nhiều mặt.

- Hội nhập gắn liền với thực hiện xúc tiến quảng bá du lịch. Hình ảnh và vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và trên thế giới sẽ được nâng lên. Thương hiệu du lịch quốc gia từng bước được cải thiện.

- Do yêu cầu của quá trình hội nhập du lịch mà hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến PTDL cũng như chính sách tạo môi trường đầu tư tại Việt Nam minh bạch, thông thoáng hơn.

Việc Việt Nam chính thức gia nhập AEC sẽ có những tác động trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các đối tượng trong ngành du lịch. Du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen.

■ Tác động tiêu cực

Trong quá trình hội nhập cùng với sự thành lập AEC sẽ kéo theo sự cạnh tranh tăng cao, tạo áp lực lên ngành du lịch và các doanh nghiệp Việt Nam. Áp lực cạnh tranh tăng cao có thể dẫn đến sự phá sản của hàng loạt doanh nghiệp du lịch Việt Nam. Quá trình hội nhập làm gia tăng vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo áp lực cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong việc đứng vững, phát triển địa bàn kinh doanh của mình. Nếu các điểm du lịch tại Việt Nam không đẩy mạnh đổi mới, đầu tư chiều sâu thì khách du lịch nội địa sẽ thay thế việc đi du lịch trong nước bằng việc thực hiện du lịch các nước trong khu vực.

Ngoài những tác động dễ nhận thấy trên, trong quá trình hội nhập bên cạnh những thuận lợi ngành du lịch sẽ còn gặp không ít những khó khăn, thách thức đan xen lẫn nhau tùy vào từng giai đoạn khác nhau.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 55 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)