■ Những thành tựu đạt được:
Qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập, du lịch đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong suốt gần 3 thập kỉ qua, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh với tốc độ trung bình trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 (-8%) và suy thoái kinh tế thế giới 2009 (-11%)) [50]. Nếu lấy dấu mốc lần đầu tiên phát động Năm du lịch Việt Nam 1990 (khởi đầu thời kì đổi mới trong PTDL) với 250.000 lượt khách quốc tế [50] thì đến năm 2015 đã vượt 7,9 triệu lượt [129] và năm 2016 đạt mốc 10 triệu lượt. Số khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần 32 lần trong vòng 25 năm qua. Cũng trong khoảng thời gian trên, khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục, từ 1,0 triệu lượt năm 1990 [50] đến năm 2015 đạt
tăng trưởng không ngừng về số lượng khách đã thúc đẩy mở rộng quy mô hoạt động của du lịch Việt Nam trên mọi lĩnh vực.
Cùng với sự tăng trưởng về lượng khách, đóng góp của du lịch vào nền kinh tế cũng rất đáng khích lệ. Tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2015 đạt trên 337 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 15 tỷ USD) [129], đóng góp trực tiếp khoảng 6,6% GDP [131]. Con số này trong năm 2016 lần lượt là: 400 nghìn tỉ đồng (tương đương 18 tỉ USD) và 6,8% [135]. Tăng trưởng về tổng thu từ du lịch nhanh hơn tăng trưởng về số lượng khách, tăng trung bình hơn 2 con số (đạt bình quân 18,7%/năm) [50].
Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch phát triển nhanh, đến năm 2016 với trên 21.000 cơ sở lưu trú gồm 420.000 buồng (phòng), trong đó số buồng khách sạn 3-5 sao đạt 23,2% [135]; các cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, vui chơi giải trí, thể thao... tăng nhanh. Đặc biệt, với sự ra đời của hàng loạt cơ sở lưu trú (khách sạn và tổ hợp resort) cao cấp 4 - 5 sao với quy mô lớn như: Grand Plaza Hà Nội, Novotel, Havana, Intercontinental, The Grand Hồ Tràm Strip, Mường Thanh, Mariott, Laguna,... đã góp phần thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam với những tín hiệu tích cực.
Bên cạnh đó là sự lớn mạnh không ngừng của các doanh nghiệp du lịch lữ hành với khoảng 1700 doanh nghiệp lữ hành quốc tế (năm 2016) [135] và hàng nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa, doanh nghiệp khách sạn, vận chuyển du lịch, các dịch vụ liên quan đã khẳng định năng lực cung cấp dịch vụ của du lịch Việt Nam.
Nguồn nhân lực du lịch ngày càng lớn mạnh, từ chỗ chỉ có 12.000 lao động năm 1990 [50], đến năm 2015 toàn ngành có trên 750.000 lao động trực tiếp trong tổng số gần 2,25 triệu lao động liên quan đến du lịch [131]. Tỷ lệ lao động du lịch đã qua đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo tại chỗ ngày càng cao và đang trong quá trình chuẩn bị tích cực để hội nhập toàn diện với du lịch khu vực và thế giới. Khoảng gần 50% tổng số lao động đã được đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch.
Sự phát triển của ngành du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chổ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, du lịch Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kì vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn, có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kì mới. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập. Doanh nghiệp du lịch chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn, nhân lực và kinh nghiệm còn hạn chế, chưa thật sự sẵn sàng hội nhập quốc tế.
■ Du lịch Việt Nam trong xu thế hội nhập AEC:
Cuối năm 2015, Việt Nam và các nước ASEAN đã hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tham gia AEC sẽ mang lại cho du lịch Việt Nam nhiều lợi ích thiết thực: giúp đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, trao đổi và đào tạo nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp,… và nhiều cơ hội khác.
Bên cạnh những lợi ích trên, khi Việt Nam tham gia AEC, nước ta đang phải đối diện với áp lực cạnh tranh lớn từ các quốc gia ASEAN. Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; Trình độ chuyên môn kỹ thuật, cùng chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam khá thấp; Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng (nhất là về ngoại ngữ) của lao động Việt Nam để sẵn sàng tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế cũng chưa cao.
AEC hình thành càng thúc đẩy sự hội nhập, nhất là trong lĩnh vực du lịch. Trước tiên là việc các nước trong khu vực triển khai thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN (MRA-TP) nhằm mục tiêu tạo điều kiện dịch chuyển lao động du lịch trong ASEAN, tạo ra nền tảng chung về kiến thức và kĩ năng nghề du lịch để người lao động có thể làm việc ở mọi nơi trong ASEAN.
MRA-TP mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ngành du lịch Việt Nam trước nhiều thách thức mới. Để tranh thủ được lợi ích từ MRA-TP và quá trình hội nhập du lịch trong ASEAN, đòi hỏi ngành du lịch nước ta sự chuẩn bị kĩ lưỡng, đồng thời có các chính sách thu hút và giữ nhân tài trong môi trường cạnh tranh mạnh mẽ.
Nhu cầu du lịch của con người ngày càng phát triển, đòi hỏi không chỉ có các loại hình du lịch truyền thống mà còn có cả các loại hình du lịch mới hiện đại. Trong quá trình hội nhập với khu vực và quốc tế, ngành du lịch nước ta cũng đã có nhiều cách làm hay, nhiều mô hình du lịch mới ở một số địa phương.
- Mô hình du lịch trách nhiệm ở Quảng Nam: Với lợi thế về di sản văn hóa, du lịch và được sự hỗ trợ của các tổ chức UNESCO, ILO…, Quảng Nam là địa phương sớm phát triển các loại hình du lịch trách nhiệm và bước đầu đã có những sáng kiến, mô hình du lịch mang tính bền vững. Điển hình là làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng và Đhrôồng (huyện miền núi Đông Giang) thuộc Dự án “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền tỉnh Quảng Nam” do Chính phủ Luxembourg và ILO (Tổ chức lao động quốc tế) tài trợ cùng tỉnh Quảng Nam thực hiện từ tháng 6/2011 [132].
Đến với làng Bhờ Hôồng và Đhrôồng, du khách có thể ở lại qua đêm tại bản làng, trải nghiệm các hoạt động và dịch vụ như homestay, lưu trú tại nhà cộng đồng của làng, thưởng thức đồ ăn thức uống, tham gia các hoạt động thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, mây tre đan...), thực hiện các tour đi bộ trong rừng, thăm suối nước nóng, tham gia biểu diễn nghệ thuật truyền thống…, đặc biệt với hướng dẫn viên du lịch cũng là người địa phương.
Bên cạnh phát triển sản phẩm du lịch dựa vào cộng đồng, Quảng Nam còn chú trọng phát triển sản phẩm thủ công mĩ nghệ - một trong những hoạt động cụ thể phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững tại địa phương. Quảng Nam cũng là một trong những tỉnh đầu tiên xây dựng và triển khai con dấu xác thực “Crafted in Quang Nam” dành cho các sản phẩm thủ công - mĩ nghệ sản xuất tại địa phương nhằm chứng minh nguồn gốc của món quà lưu niệm nhằm giúp du khách chọn đúng sản phẩm sản xuất tại Quảng Nam. Nhờ những mô hình mới đã giúp Quảng Nam đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần giới thiệu hình ảnh địa phương trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế.
- Mô hình dạy nông dân làm du lịch ở Lào Cai: từ lâu nơi đây đã nổi tiếng là một
cộng đồng ở Lào Cai là ở việc đề cao lợi ích của người dân và áp dụng hiệu quả cách dạy nông dân làm du lịch cộng đồng.
Thời gian trước đây, do không được đào tạo nên cách làm du lịch của người dân nơi đây thiếu chuyên nghiệp, chưa đáp ứng được đúng sở thích, nhu cầu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Trước thực trạng đó, Sở VH,TT&DL Lào Cai đã phối hợp mở nhiều lớp tập huấn, dạy nông dân cách làm du lịch. Từ khi được tập huấn kỹ năng làm du lịch, được các giảng viên “cầm tay, chỉ việc” thì cách làm du lịch của người dân tiến bộ vượt bậc, nhiều người có thể giao tiếp với khách nước ngoài khá lưu loát. Những hộ gia đình có đủ điều kiện kinh doanh nhà nghỉ lưu trú cho khách du lịch đã được cấp phép (nhiều nhất ở huyện Sa Pa và Bắc Hà) và các hộ dân làm du lịch thu nhập bình quân đầu người đạt 20-30 triệu/hộ/năm, cao gấp 5 đến 10 lần so với những hộ không làm du lịch cộng đồng, có một số hộ đạt 100 triệu đồng/năm, góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo cho các nhóm dân tộc thiểu số [133]. Bên cạnh đó, sự phát triển mô hình du lịch cộng đồng cũng đem lại cơ hội phát triển ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, nhạc cụ truyền thống, trang sức bằng bạc...; các phong tục, sinh hoạt văn hóa, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số được giữ vững.