Phân tích SWOT trong PTDL

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 122 - 126)

2.2.3.1. Điểm mạnh

- Về vị trí địa lí: So với các tỉnh trong vùng du lịch ĐNB, Tây Ninh có những lợi

thế so sánh nhất định để phát triển du lịch, dịch vụ.

Thứ nhất, Tây Ninh chỉ cách TPHCM 99km, là thị trường có nhu cầu lớn về du lịch, nghỉ ngơi, giải trí, … Ngoài ra vị trí tiếp giáp với TPHCM cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể sử dụng các công trình kỹ thuật hạ tầng hiện có của TPHCM.

Thứ hai, Tây Ninh có lợi thế rất lớn trong việc thông thương và kết nối du lịch với Cam-pu-chia và các nước ASEAN khác. Tỉnh có đường biên giới dài với nhiều cửa khẩu, là những nguồn cung cấp khách quốc tế cho Tây Ninh. Với 2 cửa khẩu quốc tế, giúp khách du lịch có thể đi lại một cách thuận lợi theo đường bộ đến thủ đô Phom Penh, Angkor, biển hồ Tonle Sap và xa hơn đến với Thái Lan, Ấn Độ và ngược lại.

Trong bối cảnh hội nhập, Tây Ninh sẽ trở thành một trong những cửa ngõ quan trọng trong việc phát triển các mối quan hệ kinh tế, thương mại, du lịch giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN, cũng như các nước vùng Trung Á thông qua tuyến đường bộ Xuyên Á.

- Về TNDL: So với các tỉnh trong vùng du lịch ĐNB, Tây Ninh có TNDL khá

phong phú và hấp dẫn, với nhiều loại tài nguyên đặc thù như hệ thống các di tích cách mạng miền Nam, trong đó nổi bật với di tích quốc gia đặc biệt căn cứ Trung ương cục

miền Nam, là “địa chỉ đỏ” cho loại hình du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa; núi Bà Đen với một trong những lễ hội lớn nhất phía Nam, trở thành điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở miền Nam; VQG Lò Gò - Xa Mát với tính đa dạng sinh học cao; hồ Dầu Tiếng có các đảo với nhiều cảnh quan thơ mộng… thích hợp cho việc phát triển loại hình du lịch sinh thái, tham quan, dã ngoại, cắm trại…

- Về nguồn lực phát triển du lịch: Những TNDL tự nhiên và văn hóa phong phú

qua bàn tay và khối óc của con người nhào nặn trở thành nguồn lực cơ bản hình thành các sản phẩm du lịch. Một số sản phẩm du lịch chủ lực của Tây Ninh: du lịch về nguồn; tâm linh; du lịch sinh thái; du lịch làng nghề…

Nguồn lực quan trọng khác là nguồn nhân lực có truyền thống lao động cần cù, chăm chỉ, khéo léo, nhiệt tình, mến khách. Đây cũng là thế mạnh trong PTDL.

- Về chính sách phát triển du lịch: Sự quan tâm của Đảng bộ và chính quyền đối

với phát triển du lịch thể hiện qua Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ VIII, IX, X. Trên phạm vi cả nước là Nghị quyết qua các kì Đại hội Đảng gần đây, Pháp lệnh du lịch 1999, Luật du lịch năm 2005, 2017 và nhiều chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Chính Trị…

- Kinh nghiệm phát triển du lịch thời gian qua: Với xuất phát điểm thấp, du lịch Tây Ninh trong 2 thập kỷ qua đã vượt qua mọi khó khăn về nguồn vốn, công nghệ để hội nhập và phát triển. Đây là những bài học tốt, trở thành nguồn lực mềm tạo đà phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

2.2.3.2. Điểm yếu

- Về quản lý khai thác TNDL: Mặc dù Tây Ninh sở hữu nguồn TNDL khá phong

phú và đa dạng nhưng chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng đó, thể hiện qua hệ thống sản phẩm du lịch vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu. TNDL chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả. Điều đó dẫn tới TNDL thì nhiều nhưng khai thác bừa bãi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có, chưa phát huy được giá trị của tài nguyên.

- Về CSHT và cơ sở VCKT du lịch: CSHT chưa được quy hoạch, nâng cấp tổng

thể. Hệ thống CSHT tiếp cận điểm du lịch còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Tây Ninh không có hệ thống đường hàng không và đường sắt, việc đón khách quốc tế chủ yếu

qua đầu mối TPHCM và các cửa khẩu đường bộ. Hệ thống đường bộ, đường sông đến các điểm du lịch chưa đồng bộ và chất lượng thấp, chưa kết nối thành mạng lưới.

Hệ thống cơ sở VCKT với cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển khá nhanh nhưng nhìn chung quy mô, tính chất tiện nghi và sản phẩm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, vận hành chưa chuyên nghiệp.

- Về nguồn nhân lực du lịch: Đây là điểm yếu cố hữu, mặc dù có nhiều cố gắng

trong công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch nhưng so với yêu cầu của ngành dịch vụ hiện đại và hội nhập thì nhân lực du lịch chưa đáp ứng kịp về kỹ năng chuyên nghiệp, hội nhập, liên kết toàn cầu. Tỉ lệ lao động được đào tạo chưa cao, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa thích ứng kịp với xu hướng hội nhập, cạnh tranh toàn cầu.

- Về phát triển sản phẩm và thị trường: Sản phẩm du lịch chậm đổi mới; phần

lớn các doanh nghiệp du lịch có quy mô vừa và nhỏ, thiếu vốn, công nghệ nên khai thác những tài nguyên có sẵn hoặc sao chép để hình thành sản phẩm du lịch. Vì vậy tính chất độc đáo, giá trị nguyên bản và ý tưởng của sản phẩm du lịch rất nghèo nàn và trùng lắp với các vùng miền khác. Quá trình phát triển sản phẩm chưa được nghiên cứu bài bản, vì vậy chất lượng và giá trị hàm chứa trong sản phẩm thấp.

Việc nghiên cứu thị trường, xúc tiến quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả. Sự hạn chế, yếu kém trong nghiên cứu thị trường du lịch thể hiện cả ở tầm vĩ mô và ở cấp doanh nghiệp. Việc nghiên cứu phân đoạn thị trường để xác định thị trường mục tiêu chưa thực sự đi trước một bước và thường thụ động.

- Về vốn và công nghệ: Nhu cầu đầu tư vào du lịch là rất lớn trong khi đó nguồn

lực về vốn và công nghệ của du lịch Tây Ninh còn rất hạn chế. Chưa thu hút được các dòng đầu tư FDI trong du lịch.

- Về quản lý du lịch và vai trò của nhà nước: Công tác quản lý nhà nước về du

lịch chậm được đổi mới; Nhiều chính sách còn chồng chéo, bó chân lẫn nhau. Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch du lịch còn nhiều bất cập, hiệu quả chưa cao. Thủ tục hành chính còn rườm rà và chậm, đặc biệt là thủ tục thị thực xuất nhập cảnh.

Quản lý du lịch chưa tốt, các dịch vụ du lịch chưa phong phú, còn hiện tượng chèo kéo, chặt chém khách du lịch trong và ngoài nước. Công tác quản lý đảm bảo PTBV còn thiếu kinh nghiệm và chưa có tầm nhìn dài hạn.

2.2.3.3. Cơ hội

Chính sách hội nhập của Việt Nam với thế giới đang mở ra cơ hội thu hút đầu tư vốn và công nghệ, trong đó có đầu tư du lịch vào các địa phương. Dòng đầu tư FDI và ODA cho phát triển du lịch các địa phương ngày càng tăng. Theo dự báo, Châu Á - Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển năng động và thu hút du lịch. Các dòng di chuyển vốn đầu tư và luồng khách du lịch đang có xu hướng dịch chuyển mạnh tới khu vực này. Việt Nam đang trở thành điểm đến, thị trường mới nổi với những lợi thế nhất định trong hợp tác song phương và đa phương.

Việt Nam về vị trí địa lý gần với thị trường khổng lồ Trung Quốc và các nước Đông Bắc Á với trên 1,5 tỷ người tiêu dùng du lịch có thu nhập cao, trong khi Tây Ninh giáp với thị trường Cam-pu-chia và gần với các nước ASEAN. Cơ hội thu hút một phần thị trường khách du lịch đến từ các quốc gia này là rất lớn.

Các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam coi PTDL là công cụ xóa đói, giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội để Tây Ninh có thể tận dụng phát triển đa dạng các loại hình du lịch với lợi thế về TNDL.

2.2.3.4. Thách thức (nguy cơ)

Du lịch Việt Nam nói chung và Tây Ninh nói riêng có thể sẽ chịu tác động mạnh mẽ của những bất ổn chính trị, dịch bệnh, thiên tai, khủng khoảng kinh tế, tài chính tại ở các nước đối tác, các thị trường truyền thống. Khi là thành viên của WTO những tác động tiêu cực này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, khó lường hơn trong khi năng lực thích nghi và ứng phó với những biến động trên thị trường của các địa phương còn hạn chế. Tranh chấp, bất đồng khu vực, đặc biệt vấn đề gắn với biển Đông có tác động mạnh, trực tiếp và đột ngột đến hoạt động du lịch của các địa phương nước ta. Đây là thách thức bao trùm trong quá trình hội nhập du lịch toàn cầu.

Sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đặc biệt đối với những địa phương có ngành du lịch còn non trẻ như Tây Ninh. Sự cạnh tranh cả về dòng vốn đầu tư và thu hút khách, cả về chất lượng và hiệu quả kinh doanh và xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch.

Nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống, giá trị tự nhiên, giá trị sáng tạo và

công nghệ cao. Ngành du lịch Tây Ninh nếu không nắm bắt kịp xu hướng này sẽ đứng trước nguy cơ tiếp tục lạc hậu, mất thị phần và hiệu quả thấp.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển du lịch tỉnh tây ninh thời kì hội nhập (Trang 122 - 126)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)