Thực trạng phát triển cây lương thực của Đồng bằng sông Cửu Long

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển cây lương thực của tỉnh kiên giang giai đoạn 2005 2015 (Trang 41 - 49)

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gồm 13 tỉnh, thành phố. Trong đó, Tp. Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương. Với tổng diện tích tự nhiên 40.548,2 km2 chiếm 12,3% so với cả nước. Dân số 17.590.400 người, chiếm 19,2% so với cả nước, mật độ dân số 433 người/ km2 năm 2015.

Vùng ĐBSCL nằm ở cực Nam của Tổ quốc, nằm giữa một khu vực kinh tế năng động, phát triển và liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng phát triển còn nhiều tiềm năng nhất của Việt Nam, bên cạnh các nước Đông Nam Á cũng như với châu Đại Dương và các quần đảo khác trong Thái Bình Dương, vị trí này hết sức quan trọng cho giao lưu quốc tế đặc biệt về xuất khẩu sản phẩm lương thực.

Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng châu thổ rộng, phì nhiêu ở Đông Nam Á và Thế giới, là vùng trọng điểm sản xuất lương thực lớn nhất của cả nước.

Bảng 1.7. Diện tích gieo trồng cây lương thực của vùng ĐBSCL, giai đoạn 2005-2015 Loại cây 2005 2010 2015 Diện tích (Nghìn ha) Tỉ lệ (%) Diện tích (Nghìn ha) Tỉ lệ (%) Diện tích (Nghìn ha) Tỉ lệ (%) Tổng số 3.873,3 100 3998,5 100 4.367,9 100 Lúa 3.826,3 98,8 3.945,9 98,7 4.308,5 98,6 Ngô 34,9 0,9 37,7 0,9 38,1 0,9 Cây lương thực khác 12,1 0,3 14,9 0,4 21,3 0,5

Biểu đồ 1.2. Diện tích gieo trồng cây lương thực của vùng ĐBSCL phân theo loại cây, giai đoạn 2005-2015

Nguồn: Tổng hợp từ tổng cục Thống kê Việt Nam

Tính đến năm 2015 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có diện tích đất gieo trồng cây lương thực 4.367,9 nghìn ha, chiếm 44,5% diện tích đất gieo trồng cây lương thực của cả nước.

Từ năm 2005 – 2015 diện tích đất gieo trồng cây lương thực của toàn vùng ĐBSCL tăng liên tục. Năm 2005 có 3.873,3 nghìn ha đến năm 2015 tăng lên 4.367,9 nghìn ha, tăng 494,6 nghìn ha, tốc độ tăng bình quân 1,3%/năm.

Trong đó:

Diện tích đất gieo trồng cây lúa chiếm tỷ cao nhất khoảng 98,7% trong cơ cấu diện tích đất gieo trồng cây lương thực của toàn vùng và có xu hướng ngày càng tăng, năm 2005 diện tích đạt 3.826,3 nghìn ha tăng lên 4.308,5 nghìn ha năm 2015, tăng bình quân 1,2%/năm. Nguyên nhân là do hệ thống thủy lợi của vùng được đầu tư hoàn thiện và phát huy hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai hoang, phục hóa diện tích đất chưa sử dụng để đưa vào sản xuất, cơ cấu mùa vụ thay đổi (trước kia chỉ trồng 1-2 vụ/ năm, sau đó ở một số địa phương đã đưa lên 3 vụ/năm), nên đã làm tăng diện tích gieo trồng lúa của vùng.

Diện tích đất gieo trồng cây Ngô và cây lương thực khác của vùng tăng qua các năm và chiếm tỷ lệ rất nhỏ không quá 2% trong cơ cấu diện tích đất gieo trồng.

Bảng 1.8. Diện tích gieo trồng cây lương thực của các tỉnh trong vùng ĐBSCL, giai đoạn 2005 – 2015 Các tỉnh 2005 2010 2015 Diện tích (Nghìn ha) Tỉ lệ (%) Diện tích (Nghìn ha) Tỉ lệ (%) Diện tích (Nghìn ha) Tỉ lệ (%) Long An 425,6 11 466,3 12 522,7 12 Đồng Tháp 466,0 12 458,8 11 548,0 13 An Giang 532,7 14 586,4 15 642,8 15 Tiền Giang 247,9 6 238,0 6 218,9 5 Vĩnh Long 201,5 5 166,3 4 182,5 4 Bến Tre 76,9 2 70,3 2 53,2 1 Kiên Giang 590,2 15 634,0 16 761,4 17 Cần Thơ 314,6 8 339,6 8 357,4 8 Hậu Giang 223,2 6 202,1 5 199,6 5 Trà Vinh 229,5 6 228,7 6 233,6 5 Sóc Trăng 328,1 8 346,3 9 362,4 8 Bạc Liêu 134,8 3 148,0 4 167,5 4 Cà Mau 102,5 3 115,0 3 116,7 3 Toàn vùng 3.873,5 100 3.999,8 100 4.367,9 100 Nguồn: Tổng hợp và xử lý từ tổng cục thống kê Việt Nam 2005 - 2015

Trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long các tỉnh có diện tích gieo trồng cây lương thực lớn và ngày càng tăng như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ. Trong đó đi đầu là Kiên Giang (năm 2005 diện tích 590,2 nghìn ha đến năm 2015 tăng lên 761,4 nghìn ha, tăng bình quân 2,9%/năm và chiếm 17% diện tích gieo trồng cây lương thực cùa toàn vùng ĐBSCL), tiếp theo là An Giang (năm 2005 diện tích gieo trồng khoảng 532,7 nghìn ha tăng lên 642,8 nghìn ha năm 2015, tăng bình quân 2,0%/năm và chiếm 15% diện tích gieo trồng của toàn vùng

ĐBSCL). Nguyên nhân của việc tăng diện tích gieo trồng ở các tỉnh nhờ vào cơ sở vật chất tương đối đảm bảo cho sản xuất đặc biệt là hệ thống thủy lợi của vùng đã được đầu tư đúng mức và hoạt động có hiệu quả cao, nhất là hệ thống kiểm soát lũ, dẫn nước vào sâu nội đồng vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, hệ thống kiểm soát mặn ngọt vùng bán đảo Cà Mau và các khu vực ven biển Đông được hoàn thành và đưa vào sử dụng không chỉ đảm bảo cho sản xuất ổn định và đạt hiệu quả cao, mà còn tạo điều kiện thuận lợi mở rộng diện tích gieo trồng. Các tỉnh còn lại có diện tích gieo trồng ngày càng giảm như Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang. Nguyên nhân giảm diện tích đất gieo trồng cây lương thực của các tỉnh này là do việc chuyển đổi đất gieo trồng cây lương thực thành đất phi nông nghiệp (chủ yếu là đất khu, cụm công nghiệp, khu dân cư ở đô thị và cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở nông thôn). Điển hình như tỉnh Bến Tre (năm 2005 có 76,9 nghìn ha giảm xuống còn 53,2 nghìn ha năm 2015, bình quân mỗi năm giảm 2 nghìn ha). Về lâu dài, bên cạnh việc mất đất gieo trồng cây lương thực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (khô hạn, xâm nhập mặn,...), thì nhu cầu đất phi nông nghiệp sẽ tăng, chuyển đổi sang trồng cây ăn trái, nuôi thủy sản và tiếp tục lấy vào đất gieo trồng cây lương thực, do đó cần phải có kế hoạch sử dụng đất trồng cây lương thực một cách hợp lý.

Bảng 1.9. Năng suất cây lương thực của vùng ĐBSCL, giai đoạn 2005- 2015

Đơn vị: Tấn/ha

Loại cây 2005 2010 2015

Lúa 5,0 5,4 6,0

Ngô 5,4 5,3 5,9

Cây lương thực khác 23,7 22,5 26,1

Nguồn: Tổng hợp từ Sở Sông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Năng suất của các loại cây lương thực ngày càng được nâng cao, tuy nhiên mức độ gia tăng này có sự khác nhau giữa các loại cây lương thực cụ thể như:

Cây ngô và các loại cây lương thực khác (khoai lang, sắn), có sự gia tăng không đều qua các giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010 thì năng suất lại giảm,

nhưng đến năm 2015 thì năng suất mới bắt đầu tăng lên.

Cây lúa là loại cây lương thực có năng suất tăng nhanh và đều qua từng giai đoạn, năm 2005 năng suất chỉ đạt 5,0 tấn/ha nhưng đến năm 2010 tăng 5,4 tấn/ha, và đến năm 2015 năng suất đạt được 6,0 tấn/ha. Nguyên nhân trước hết gắn liền với việc đầu tư khoa học kỹ thuật, vốn để cải tạo đất phèn, đất mặn và tạo ra được những giống lúa mới. Cây lúa đã được thuần chủng, lai tạo thành hàng trăm giống khác nhau có những đặc tính kinh tế - kĩ thuật riêng (ngắn ngày, chịu mặn, chịu sâu bệnh), thích hợp với các điều kiện sinh thái trên từng khu vực.

Bảng 1.10. Sản lượng cây lương thực của vùng ĐBSCL, giai đoạn 2005-2015

Đơn vị: Nghìn tấn

Loại cây 2005 2010 2015

Lúa 19.298,5 21.595,6 25.699,7

Ngô 189,7 200,4 225,2

Cây lương thực khác 286,8 335,9 555,6

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam

Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế nhiều mặt về tự nhiên và cả kinh tế xã hội, ĐBSCL đã trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm số một của nước ta. Nguyên nhân là do vùng luôn chú trọng và phát triển trồng cây lương thực như nghiên cứu về giống, thí nghiệm trước khi được nhân rộng, phù hợp cho từng loại đất, thời tiết của từng khu vực của vùng, đồng thời với sự đầu tư trang thiết bị nông cụ, vốn, kỹ thuật gieo trồng được ưu tiên hàng đầu mà sản lượng của cây lương thực đều tăng lên rõ rệt trong thời gian qua.

Sản lượng lương thực có hạt ở ĐBSCL rất lớn, sản lượng năm 2015 đạt 25.924,9 nghìn tấn tăng 6.211,5 nghìn tấn so với năm 2005 (19.488,2 nghìn tấn) chiếm 51,4% sản lượng lương thực có hạt cả nước. So với các vùng khác thì sản lượng lương thực có hạt cao hơn hẳn. Cụ thể, năm 2015 sản lượng lương thực có hạt của vùng gấp 13 lần Đông Nam Bộ, 3,5 lần vựa lúa thứ 2 của cả nước là vùng đồng bằng sông Hồng.

- Cây lúa do diện tích và năng suất tăng nên sản lượng cũng tăng. Năm 2005 sản lượng chỉ có 19.298,5 nghìn tấn tăng 6.401,2 nghìn tấn năm 2015. Nguyên nhân là nhờ vào sự đột phá trong quá trình nghiên cứu và chọn lọc các giống lúa, thay đổi cơ cấu mùa vụ, trước kia chủ yếu sản xuất một vụ. Hiện nay đồng ruộng đã được quy hoạch, cải tạo, thủy lợi hóa. Ngoài hai vụ trồng lúa chính (Đông Xuân, Hè Thu), một số nơi còn gieo trồng thêm một vụ là Xuân Hè hoặc Thu Đông.

+ Sản lượng lúa lớn nhất là ở các tỉnh Kiên Giang 4.643,0 nghìn tấn, An Giang 4.073,7 nghìn tấn, Đồng Tháp 3.385, nghìn tấn.

+ Vùng ĐBSCL là vùng xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước. Năm 2015 sản lượng gạo xuất khẩu là 6,2 triệu tấn với kim ngạch gần 2,7 tỷ USD, chiếm hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu của toàn quốc.

Ngoài cây lúa sản lượng của cây ngô cũng tăng đều qua các năm 2005 đạt 189,7 nghìn tấn tăng lên 225,2 nghìn tấn, tăng 35,5 nghìn tấn. Để đạt được hiệu quả sản xuất ngày cao như vậy nhờ việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là khâu giống. Được trồng nhiều nhất ở các bãi ven sông, nhiều nhất là An Giang.

Cây lương thực khác được trồng luân canh trên đất lúa trong vụ Xuân Hè hoặc Thu Đông và năng suất ngày càng cao nên sản lượng ngày càng tăng, năm 2005 sản lượng có 286,8 nghìn tấn đến năm 2015 tăng lên 555,6 nghìn tấn, tăng lên 268,8 nghìn tấn. Trồng nhiều ở các tỉnh như Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Long An.

Tiểu kết Chương 1

Việc nghiên cứu về phát triển cây lương thực của tỉnh Kiên Giang dựa trên nền tảng là cơ sở lí luận về các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển cây lương thực và cơ sở thực tiễn về thực trạng phát triển của cây lương thực ở Việt Nam và thực trạng phát triển cây lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Về cơ sở lí luận: Đã xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển cây lương thực, tổng quan được các khái niệm liên quan đến cây lương thực và đưa ra các tiêu chí đánh giá phát triển cây lương thực để vận dụng nghiện cứu ở Kiên Giang.

Về cơ sở thực tiễn: Đã nêu được các nội dung về hiện trạng phát triển cây lương thực của Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long làm cơ sở để so sánh với Kiên Giang.

Từ lí luận và thực tiễn cho thấy phát triển ngành trồng cây lương thực rất quan trọng đặc biệt là đối với cây lúa. Tỉnh Kiên Giang cần tập trung phát huy lợi thế về vị trí địa lí, dân cư, lao động, vốn, khoa học công nghệ, nhằm mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực. Đồng thời cần phải có những biện pháp tốt nhất giúp cho ngành trồng cây lương thực của tỉnh luôn đạt hiệu quả sản xuất cao và ngày càng phát triển bền vững, góp phần cho sự phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Chương 2. CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG VÀ THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN CÂY LƯƠNG THỰC CỦA TỈNH KIÊN GIANG

GIAI ĐOẠN 2005-2015

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển cây lương thực của tỉnh kiên giang giai đoạn 2005 2015 (Trang 41 - 49)