Thực trạng phát triển cây lương thực của tỉnh Kiên Giang

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển cây lương thực của tỉnh kiên giang giai đoạn 2005 2015 (Trang 114 - 115)

Sản xuất cây lương thực phát triển ổn định và có tốc độ phát triển khá cao (GTSX, diện tích, năng suất, sản lượng). Cơ cấu cây lương thực đang có những thay đổi phù hợp với tiềm năng của tỉnh.

Giá trị sản xuất: Năm 2005 GTSX chỉ đạt 5.916.227 triệu đồng đến năm 2015 tăng lên 21.359. 767 triệu đồng và chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu ngành trồng trọt. Mặc dù là tiềm lực của Tỉnh còn nhiều hạn chế với cơ sở vật chất kỹ thuật sản xuất còn yếu nhưng GTSX cây lương thực của tỉnh có tốc độ phát triển khá cao trong 10 năm qua đạt 26%/năm.

Diện tích gieo trồng cây lương thực: Diện tích gieo trồng cây lương thực tăng lên rất nhanh, năm 2005 chỉ có 597.255 ha đến năm 2015 tăng lên 772.020 ha, tăng 174.765 ha, và chiếm 17,6% diện tích gieo trồng toàn vùng ĐBSCL. Để đạt thành tựu này Tỉnh đã triển khai kế hoạch khai hoang mở rộng diện tích gieo trồng, chuyển đổi từ đất trồng tràm sang trồng lúa, và phát triển lúa Thu Đông, luân canh (cây lương thực khác trên đất lúa), tăng vụ trong những năm gần đây.

Năng suất cây lương thực: Năng suất của các cây lương thực không ngừng tăng lên qua các năm đặc biệt là cây lúa. Năng suất lúa năm 2005 chỉ đạt 4,9 tấn/ha đến năm 2015 năng suất đạt 6,0 tấn/ha.

Sản lượng cây lương thực: Sản lượng cây lương thực tăng nhanh. Trong đó đi đầu là cây lúa năm 2005 sản lượng là 2.944.429 tấn đến năm 2015 tăng lên 4.642.946 tấn. Năm 2015 sản lượng tăng lên 2,39% so với cùng kỳ (năm 2014), tức là tăng lên 108.225 tấn, là do thứ nhất diện tích gieo trồng năm 2015 tăng lên 2,02% (tăng nhiều ở vụ Thu Đông và Đông Xuân) làm cho tổng sản lượng lúa tăng lên 91.297 tấn, thứ hai là do năng suất lúa bình quân trên mỗi hecta tăng 0,31 tạ/ha làm cho tổng sản lượng lúa tăng lên 16.928 tấn.

Cơ cấu cây trồng và mùa vụ có sự thay đổi hợp lý: Đứng trước những áp lực về nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa để đạt giá trị cao, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng ngày càng lớn. Do đó yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ trên đất lúa một cách phù hợp.

Đã thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây lương thực khác như: Ngô, khoai lang, sắn.

Trong cơ cấu mùa vụ trên đất lúa đã chuyển đổi từ cơ cấu 2 vụ lúa Đông Xuân – Hè Thu sang cơ cấu 3 vụ lúa Đông Xuân - Hè Thu - Thu Đông ở các huyện thuộc vùng TSH (Giồng Riềng, Tân Hiệp, Gò Quao), một số diện tích có đê bao kiểm soát lũ đảm bảo ở vùng TGLX ( Kiên Lương, Hòn Đất) và mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ ngô hoặc cây lương thực khác. Riêng vùng U Minh Thượng (An Biên, Vĩnh Thuận) thực hiện phát triển mô hình 02 vụ lúa + 1 vụ Tôm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển cây lương thực của tỉnh kiên giang giai đoạn 2005 2015 (Trang 114 - 115)