Trong nền sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lương thực nói riêng, hàng hóa sản xuất ra phải đáp ứng yêu cầu của thị trường về: giá, chất lượng, thời điểm cung cấp… Nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó, thì sản phẩm sản xuất ra không có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Vì vậy để sản xuất lương thực ở Kiên Giang có tính cạnh tranh cao, mở rộng được thị trường cần chú ý:
3.3.4.1.Đẩy mạnh công tác dự báo thông tin thị trường
- Các ngành có liên quan như: Công thương, Nông Nghiệp và PTNT…, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan nghiên cứu thị trường của Trung ương hình thành một Chương trình nghiên cứu, thu thập, phân tích, quảng bá kết quả nghiên cứu thị trường một cách hiệu quả. Sau đó, phổ biến thông tin thị trường hàng hóa cung cấp cho người sản xuất qua hệ thống thông tin đại chúng, khuyến nông, các doanh nghiệp liên kết nhằm gắn sản xuất với thị trường, tăng khả năng tiếp thị, điều chỉnh sản xuất phù hợp với thị trường.
- Tổ chức xúc tiến thương mại một cách có hiệu quả với nhiệm vụ tư vấn kinh doanh đối với các doanh nghiệp về thị trường trong và ngoài nước; tổ chức tập
huấn, giao lưu giữa doanh nghiệp với các HTX, THT, nông dân sản xuất giỏi để cập nhật thông tin mới về thị trường, kỹ năng quản trị, ưu tiên xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản lĩnh, kinh nghiệm và kiến thức đáp ứng yêu cầu trong tiến trình hội nhập vào kinh tế vùng và cả nước.
- Có chính sách khen thưởng cụ thể đối với các doanh nghiệp và cá nhân tìm được thị trường xuất khẩu mới, có sức mua lớn. Thành lập, quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ hỗ trợ xuất khẩu.
3.3.4.1. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường và nâng cao trách nhiệm tiêu thụ nông sản hàng hóa đặc biệt là lúa của các doanh nghiệp
- Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống. Ngăn chặn tình trạng vật tư, cây giống không đảm bảo tiêu chuẩn lưu thông trên thị trường gây thiệt hại cho người sản xuất.
- Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước trong việc thu mua và chế biến nông sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cung ứng tín dụng… thông qua các hình thức hợp đồng với nông dân để chủ động cung ứng đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là ở khu vực sản xuất tập trung, các chợ đầu mối và các cụm dân cư theo tinh thần Quyết định 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Khuyến khích và ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản hàng hóa; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh đẩy mạnh hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng.
3.3.5. Giải pháp về giống cây lương thực chất lượng cao
Kiên Giang trong thời gian gần đây đã chú trọng tạo ra những giống cây trồng có lợi thế như: Lúa, khoai lang, sắn, ngô, .... gắn với nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về giống cây trồng, nhằm đảm bảo người sản xuất có được giống đạt quy chuẩn chất lượng, sản xuất mang lại hiệu quả cao, cải thiện thu nhập của người nông dân.
Điển hình như đối với giống lúa đáp ứng ít nhất 75% nhu cầu giống lúa xác nhận phục vụ sản xuất của tình, nghiên cứu chọn tạo, khảo nghiệm tạo ra ít nhất 3
giống lúa mới có khả năng chống chịu mặn, chịu phèn (OM 9915, OM 9916, OM 9921) và ít nhất 3 giống lúa mới có phẩm chất tốt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (GKG5, GKG24, GKG9).
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giống cây trồng, các cấp chính quyền cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống liên kết sản xuất chặt chẽ từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch, điều quan trọng nhất là đảm bảo được đầu ra cho nông dân. Triển khai, việc ứng dụng và chuyển giao về giống, kỹ thuật canh tác mới cho nông dân, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
3.3.6. Giải pháp canh tác tiên tiến (công nghệ cao), nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất
Những năm gần đây, tình hình BĐKH đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của nông dân. Hiện tượng hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn... ngày càng diễn biến phức tạp. Biến đổi khí hậu đã tác động đến thâm canh, tăng vụ, năng suất, sản lượng, thay đổi cơ cấu mùa vụ, quy hoạch vùng, giống cây trồng, dịch hại....
Bên cạnh đó, tập quán sản xuất truyền thống của người nông dân thường xuyên lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật,... đã tạo điều kiện cho nhiều loài dịch hại bộc phát, làm giảm năng suất, chất lượng nông sản gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và ô nhiễm môi trường.
Chính vì thế việc hỗ trợ sản xuất, lựa chọn giải pháp canh tác thông minh để giúp nông dân thích nghi với diễn biến cực đoan của thời tiết là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết.
Hiện tại ở một số huyện trong đang áp dụng áp dụng chương trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, IPM,...với quy trình này sản xuất với chi phí thấp, tăng lợi nhuận, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm.
Để áp dụng tốt và ngày càng mở rộng quy mô canh tác tiên tiến này trên phạm vi toàn tỉnh, cần có sự chung tay của các đơn vị chức năng làm nhiệm vụ quản lý, các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, các ngành chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và quan trọng nhất là người nông dân cần mạnh dạn tham gia các
chuỗi sản xuất liên kết cánh đồng lớn theo hướng tập trung và đồng loạt trong sản xuất.