Theo Jensen “sự phát triển và đánh giá hợp lý về NLMHH toán học xem như là một thành phần trong sự phát triển DH môn toán”. Tác giả đề xuất một phương pháp để đánh giá NL, gọi là phương pháp tiếp cận đa chiều (đa phương diện). Tiếp cận đa chiều là cách tiếp cận dựa trên ít nhất ba mặt để đánh giá NL của một người. Chẳng hạn, nghiên cứu của Niss & Jensen năm 2006 đã chỉ ra ba khía cạnh để thực hiện khi đánh giá NL của một người đó là: Mức độ bao phủ, bán kính hành động, trình độ kĩ thuật.
Mức độ bao phủ: chỉ mức độ tự chủ thực hiện hành động của người được đánh giá. Đối với NL MHH thì mức độ bao phủ ám chỉ khả năng mà một người có thể thực hiện được phần nào của qui trình MHH và khả năng phản ánh qui trình đó. Ví dụ, một người có thể hệ thống hóa một tình huống mở theo cách mong muốn phát triển mô hình toán học sẽ có mức độ bao phủ cao hơn so với người chỉ có thể xử lí các tình huống đã được hệ thống hóa trước đó. Hơn nữa, một người có thể tham gia vấn đáp liên quan đến việc xác nhận quy trình MHH có mức độ bao phủ cao hơn so với người chỉ có thể đánh giá kết quả mô hình chứ không phải của cả quy trình dẫn dắt họ. Từ cả hai ví dụ trên, tác giả nhận thấy một người có thể thực hiện các quy trình con khác nhau trong quy trình MHH toán học, nhưng chỉ khi bị thúc đẩy làm như vậy, thành thạo hơn so với người không thể giải quyết các quy trình này, nhưng lại kém NL hơn so với những người có khả năng tự khởi xướng công việc (Jensen, 2007, tr.144).
Bán kính hành động: chỉ về phạm vi của bối cảnh và tình huống mà một người có thể kích hoạt NL. Đối với NL MHH, bán kính hành động chỉ sự khoanh vùng các tình huống mà một người có thể thực hiện các hoạt động MHH. Sự khác biệt kinh nghiệm giữa các lĩnh vực có thể liên quan đến cách tiếp cận toán học tổng thể và định hướng cách lập ra những mô hình toán học khác nhau. Ví dụ một người có khả năng MHH các thách thức mang bản chất hình học, chưa hẳn sẽ thành thạo khi làm việc với toán rời rạc và toán thống kê. Một người có thể rất có NL phát triển và sử dụng các mô hình tối ưu hóa trong các tình huống mua sắm hàng ngày, nhưng lại không đảm bảo có khả năng tương tự để thiết kế mô hình bài toán (Jensen, 2007, tr.144).
Trình độ kĩ thuật: cho thấy sự cải tiến về khái niệm và kỹ thuật toán học để
tích hợp một cách phù hợp trong thể hiện NL. Liên quan đến NL MHH, trình độ kỹ thuật chỉ ra loại kiến thức toán học mà một người có thể sử dụng và mức độ linh hoạt của người đó trong việc sử dụng toán học. Yếu tố này đại diện cho kích thước và nội dung của “hộp công cụ toán học”. Ví dụ, một người có thể MHH một tình
huống bằng cách thiết lập mối quan hệ hàm thành thạo được xem là có NL cao hơn so với một người chỉ có thể làm việc với một biến số liên kết trong một phương
trình, nhưng lại được đánh giá là ít có NL hơn người mà có thể xem xét thực hiện các phương trình vi phân (Jensen, 2007, tr.145).
Ba khía cạnh đánh giá trên có thể được biểu diễn trực quan bằng mô hình hình học như hình dưới đây, trong đó NL MHH được thể hiện bởi khối lượng thể tích
của hình hộp chữ nhật, sự phát triển NL được thể hiện bằng một khối lượng thể tích tăng dần.
Hình 1.1. Một trực quan của ba chiều để đánh giá NL (Niss & Jensen, 2006)
Thứ nhất, nếu mức trên một trong các trục bằng 0, nghĩa là, nếu NL chưa được phát triển ở một trong các chiều, thì khối lượng thể tích cũng bằng 0, nghĩa là toàn bộ NL chưa được phát triển (Jensen, 2007, tr.146).
Thứ hai, dựa vào sự gia tăng về khối lượng thể tích, ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự tiến bộ về NL của một người. Nhưng không thể kết luận rằng hai người có cùng một khối lượng thể tích, thì tương ứng có cùng mức độ NL. Vì khối lượng thể tích đó được sinh ra từ các “chiều” với mức độ khác nhau (Jensen, 2007, tr.146).
Tóm lại, ta có thể sử dụng cách tiếp cận đa chiều để nhận biết sự tiến bộ trong NL toán học cụ thể của ai đó, nhưng không thể xếp hạng NL giữa mọi người theo bất kì cách đơn giản nào. Điều này sẽ mâu thuẫn với mục tiêu chính của đánh giá truyền thống là so sánh và xếp hạng sự thể hiện của mọi người bằng cách xếp tương ứng sự thể hiện này với một thang điểm đơn giản.
Vì thế tiếp cận đa chiều là một cách tiếp cận cần thiết nhưng cũng đầy thách thức để đánh giá NL MHH. Cho nên, để phát triển ý tưởng xa hơn, cả về lý thuyết và thực nghiệm, chắc hẳn là một thách thức, đòi hỏi sự chú tâm nhiều hơn trong cộng đồng nghiên cứu giáo dục toán học. Cũng vì thế mà ở thời điểm hiện tại, còn nhiều khó khăn để áp dụng phương pháp đánh giá này vào thực tiễn giáo dục. Jensen cho rằng vẫn nên thực hiện đánh giá NL MHH bằng một thang đánh giá một chiều đơn giản. Ông cũng nhận định, có thể thực hiện đánh giá một chiều bằng cách ta nén các chiều lại, thành một lớp duy nhất. Nghĩa là cần lấy ra những yếu tố cốt lõi nhất của mỗi chiều để có thể thực hiện việc xếp hạng chúng.