Với những lí do đã nêu ở mục 2.1 Cơ sở đề xuất, chúng tôi đề xuất GV vận dụng phương pháp dạy viết dựa trên tiến trình để tổ chức các hoạt động học tập cho HS.
2.3.3.1 Hướng dẫn học sinh hình thành ý tưởng
Hình thành ý tưởng là một giai đoạn rất quan trọng trong tiến trình viết. Để hướng dẫn HS hình thành ý tưởng cho một VBĐPT, GV có thể tổ chức các hoạt động sau đây:
(1)Hoạt động xác định chủ đề, mục đích viết và người đọc
Sau khi cho HS đọc kĩ đề, GV cần đặt những câu hỏi khơi gợi nhằm giúp HS nắm rõ các yêu cầu của đề bài cũng như xác định chủ đề; đối tượng tiếp nhận; mục đích viết; phương thức biểu đạt chính (tự sự, nghị luận, biểu cảm hay thuyết minh).. qua hệ thống câu hỏi gợi mở:
+ Tôi sẽ viết về vấn đề gì?/ Đề tài mà tôi muốn/ cần viết là gì? + Tôi sẽ viết VB này để làm gì?
+ Ai sẽ là người đọc VB của tôi?
+ VB của tôi thuộc kiểu VB nào?/ Tôi sẽ sử dụng phương thức biểu đạt chủ yếu nào trong VB?
(2)Hoạt động tìm thông tin; phác thảo ý tưởng
Sau khi HS đã trả lời được các câu hỏi về chủ đề; yêu cầu của đề bài; đối tượng tiếp nhận; phương thức biểu đạt chính, GV có thể hướng dẫn HS cách thu thập thông tin và phác thảo ý tưởng về nội dung và hình thức trình bày qua câu hỏi gợi mở như:
+ Tôi đã có những thông tin gì về đề tài sẽ viết?/ Tôi sẽ tìm thông tin cho bài viết ở đâu?
+ Tôi sẽ trình bày bài viết của mình như thế nào? …
Ngoài ra, GV cũng có thể tổ chức hoạt động “viết tự do” cho HS - để các em viết bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong 3-5 phút và chia sẻ theo nhóm. Sau quá trình đóng góp, nhận xét của các bạn và GV, người học sẽ từng bước chọn ý phù hợp với đề tài tạo lập. Tuy nhiên, khác với những VB đơn phương thức, ở VBĐPT việc phác thảo ý tưởng của HS không chỉ dừng lại ở chủ đề, nội dung mà còn cần cả ý tưởng về hình thức tương ứng, như cách trình bày, cách kết hợp các yếu tố hình ảnh, âm thanh,.. một cách khái quát nhất. Vì vậy các em cần phải được hướng dẫn lựa chọn hình thức của VBĐPT: văn bản giấy hoặc văn bản trực tuyến; lựa chọn phương tiện: wix.com, wordpress.com, powerpoint,.. để bước đầu hình dung về những gì HS sẽ tạo lập.
Mục đích của hoạt động này là giúp việc hình thành ý tưởng ở HS trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, giúp HS biết cách tiếp tục khai thác ý tưởng, kiểm soát tư duy, và trợ giúp lẫn nhau trong quá trình hình thành ý tưởng.
2.3.3.2 Hướng dẫn học sinh sắp xếp ý tưởng, lập dàn ý
Sau khi hình thành ý tưởng, HS THPT thường vẫn gặp khó khăn trong việc sắp xếp các ý tưởng đó theo một trình tự hợp lí, rõ ràng. Vì vậy, GV cần hướng dẫn HS phát triển và tổ chức ý tưởng theo một trình tự nhất định thông qua một số hoạt động như:
- GV có thể sử dụng các hình thức: Phiếu học tập, Sơ đồ bảng biểu, Sơ đồ tư duy,… để tiến hành cho HS lựa chọn và sắp xếp một cách hệ thống các ý chính và ý phụ hỗ trợ cho ý chính. GV chú ý nhắc nhở HS sắp xếp ý tưởng về mặt nội dung lẫn hình thức trình bày.
- GV tổ chức cho HS trao đổi giữa các nhóm để chỉnh sửa sơ đồ ý tưởng cho phù hợp.
- GV cho các nhóm trình bày. HS và GV nhận xét, bổ sung.
Việc diễn đạt ý tưởng thành lời văn thường là một thử thách với HS. Ở hoạt động này, GV chủ yếu sử dụng phương pháp thực hành để từng bước hướng dẫn HS dựa trên dàn ý, thực hành phát triển một ý bất kì thành câu; phát triển một nội dung trong dàn ý thành đoạn, liên kết các câu, liên kết các đoạn, viết đoạn mở bài, kết bài… Tuy nhiên, ở giai đoạn thực hành viết bài, GV nên ưu tiên lựa chọn những bài tập viết ngắn (dung lượng ngắn, thời gian ít) để GV có thời gian phản hồi kịp thời cho HS.
Đặc biệt, GV cần khuyến khích HS viết liền một mạch, chú ý đến tính logic của các ý tưởng. Chẳng hạn, nếu là kể một câu chuyện, các em nên chú ý đến trình tự thời gian; nếu miêu tả thì các em cần chú ý đến không gian, bối cảnh; nếu là một bài văn nghị luận các em cần chú ý đến các luận điểm và hệ thống luận cứ của luận điểm đó.
Đồng thời, nếu tổ chức viết đoạn văn, bài văn, GV phải cung cấp trước cho HS tiêu chí đánh giá đoạn văn, bài văn để định hướng về sản phẩm sau khi viết và giúp HS có cơ sở tự đánh giá sản phẩm của mình. Trong hoạt động này, người GV cần giúp HS thực hành từng bước như lựa chọn từ ngữ, giọng điệu phù hợp; Đọc và chỉnh sửa từng phần: các ý, ngữ pháp,…
Trong giai đoạn này, ngoài việc hướng dẫn HS triển khai ý tưởng về mặt nội dung, GV còn cần phải hướng dẫn HS thiết kế hình thức trình bày (bố cục, dàn trang, hình ảnh, âm thanh,..) qua một số hoạt động như:
- Giới thiệu khái quát một số công cụ để tạo sản phẩm megastory ở dạng website như Power Point, Wix.com, Wordpress, Photoshop, Phần mềm AI,.. và một số kênh tìm kiếm nguồn hình ảnh chất lượng, đa dạng nhằm phục vụ cho việc tạo sản phẩm megastory ở dạng in như Pinterest, Flickr.com,…
- Lưu ý HS hình thức trình bày bố cục dàn trang, hình ảnh, âm thanh phải nhằm phục vụ cho việc thể hiện nội dung bài viết và phù hợp với chủ đề.
2.3.3.4 Hướng dẫn học sinh xem lại, tự điều chỉnh và rút kinh nghiệm
Hoạt động tự điều chỉnh thường bị HS bỏ qua và ít chú ý khi tạo lập VB bởi các em cho rằng hoạt động này mất khá nhiều thời gian. Tuy nhiên, việc tự điều chỉnh là việc rất cần thiết. GV cần hướng dẫn HS tự đọc lại những đoạn văn đã viết, sau đó so sánh với yêu cầu, mục đích của bài viết để tự chỉnh sửa: nội dung, hình thức, cấu trúc cho phù hợp. GV cũng có thể yêu cầu HS trao đổi các bản nháp theo từng cặp để nhận xét,
góp ý cho nhau dựa trên phiếu học tập hướng dẫn chỉnh sửa mà GV đã đưa. Tuy nhiên, hoạt động chỉ hiệu quả khi những thông tin phản hồi từ GV hoặc HS khác được thể hiện một cách cụ thể rõ ràng, kèm theo những định hướng giúp HS có thể chỉnh sửa bài viết.
Tiêu chí đánh giá bài viết, phiếu học tập dùng kĩ thuật 3-2-1, hệ thống câu hỏi tự kiểm tra bài viết,… là những công cụ hữu hiệu để hướng dẫn HS xem lại, chỉnh sửa bài viết
của bản thân và bạn học. Hơn nữa, việc thường xuyên tự điều chỉnh sẽ giúp các em có thói quen tự đánh giá, điều chỉnh, bổ sung cho ý tưởng của mình, cũng như hình thức thể hiện sao cho tác phẩm phải đạt độ chỉn chu nhất trước khi công bố sản phẩm.