1.3.1.1 Khái niệm về đổi mới
Đổi mới là trào lưu tư tưởng tiến bộ, là xu thế thời đại. Song không nên hiểu đơn giản đổi mới là nghĩ ngược lại, làm ngược lại cái cũ vì vẫn còn không ít cái tích cực trong quá khứ cần được kế thừa, nhiều cái của hiện tại cần được tiếp tục song hành với tư duy đương đại. Cái mới mà ta cần quan niệm đúng, cần vươn tới, là cái thích hợp với yêu cầu của thời đại, cái phù hợp với thành quả của khoa học, kỹ thuật hiện đại. Cái mới mà ta muốn thường khác với cái cũ, thậm chí ngược hẳn cái cũ nhưng dứt khoát tiến bộ hơn cái cũ, giúp ta khắc phục được những tồn tại, hạn chế mà
cái cũ không giải quyết được.
Cái mới còn đồng nghĩa với cái cũ cải tiến, cái cũ hòa nhập được với thời đại. Tuy nhiên, cái mới không hẳn sẽ mãi mãi mới. Có không ít cái mới rồi sẽ trở thành cũ khi nó bị thực tiễn vượt qua hoặc bị những sáng tạo trong tương lai phủ định. Đó là quy luật của sự phát triển và cũng là kết quả tất yếu, tự nhiên của sự tự vận động trong bản thân cái mới.
1.3.1.2. Khái niệm về đổi mới hoạt động thanh tra tại chỗ đối với các TCTD
Đổi mới hoạt động thanh tra tại chỗ đối với các TCTD là việc thay đổi một hay
nhiều yếu tố liên quan đến hoạt động thanh tra tại chỗ đối với các TCTD (mô hình, quy
trình, phương pháp, nội dung...) nhằm phù hợp với yêu cầu của sự phát triển của thời đại, với thông lệ quốc tế đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thanh tra.
1.3.2. Sự cần thiết phải đổi mới hoạt động thanh tra tại chỗ đối với các tổ chức tín dụng
Thứ nhất, yếu kém của hệ thống TT-GS NH có thể trở thành nguy cơ đe doạ khả năng kiểm soát an toàn hệ thống ngân hàng
Sự yếu kém, bất cập về hệ thống nghiệp vụ TT-GS, hạ tầng công nghệ, nguồn nhân
lực, khuôn khổ pháp lý, mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của TTNH làm hạn
chế hiệu quả và hiệu lực của NHNN trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong
lĩnh vực ngân hàng và thực hiện mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD.
Thứ hai, yêu cầu bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh vĩ mô trong điều kiện hệ thống ngân hàng hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro và yếu kém về tài chính và hoạt động
Tự do hóa thị trường dịch vụ ngân hàng và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ đã thúc đẩy dịch vụ ngân hàng phát triển về số lượng và chất lượng, cải thiện các tiện ích và tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho người tiêu dùng, nhưng đằng sau đó tiềm ẩn nhiều loại rủi ro, tội phạm mới, tinh vi hơn, phức tạp hơn, nhất là tội phạm sử dụng công nghệ cao và tội phạm có yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, hệ thống quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro của các TCTD còn nhiều điểm yếu kém, chưa có khả năng hạn chế và kiểm soát một cách có hiệu quả các rủi ro, gian lận, lạm dụng.
Bên cạnh đó, thị trường tài chính phi ngân hàng (chứng khoán và bảo hiểm) tiếp tục có tốc độ phát triển nhanh và có sức hấp dẫn cao. Các TCTD có xu hướng thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường dịch vụ tài chính phi ngân hàng, vì vậy, rủi ro đối với các TCTD trở lên lớn hơn và đa dạng hơn. Chừng nào năng lực kiểm soát rủi ro của TCTD còn yếu kém thì các TCTD còn hạn chế về khả năng nhận biết, đo lường và xử lý rủi ro của các TCTD. Do đó, để bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD và nâng cao hiệu quả thanh tra, giám sát cần phải đổi mới phương pháp thanh tra đối với các TCTD.
Thứ ba, thách thức từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hoá thương mại dịch vụ tài chính và mở cửa thị trường
Khi chuyển sang giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Ngân hàng, hệ thống các TCTD có bước phát triển rất nhanh về quy mô và phạm vi hoạt động, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thị trường tài chính phi ngân hàng (chứng khoán và bảo hiểm) có sức hấp dẫn cao, các TCTD có xu hướng thâm nhập sâu rộng hơn vào
hoạt động này, vì vậy, rủi ro đối với các TCTD trở nên đa dạng hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ ngân hàng đồng hành cùng với các loại tội phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực ngân hàng, rủi ro về tác nghiệp và công nghệ trong điều kiện hệ thống quản trị, điều hành kinh doanh của các TCTD còn những yếu kém đang là nỗi lo lớn của các nhà quản lý ngân hàng. Hiện nay, các TCTD tại Việt Nam đang từng bước áp dụng có hiệu quả các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về an toàn trong hoạt động ngân hàng của Hiệp ước vốn Basle I trong công tác quản trị rủi ro ngân hàng, đặc biệt một số TCTD lớn trong nước và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã thực hiện đầy đủ các nguyên tắc chuẩn mực an toàn hoạt động theo Basel I và chuyển sang áp dụng các nguyên tắc, chuẩn mực của Basel II, III.
Sự phát triển mạnh mẽ của các TCTD cả về chiều rộng và bề sâu đòi hỏi hoạt động quản lý nhà nước của NHNN cũng phải được đổi mới, theo đó, thanh tra trên cơ sở rủi ro đối với TCTD là bước đi tất yếu của NHNN.
Thứ tư, yêu cầu thực hiện thông lệ và chuẩn mực quốc tế về thanh tra, giám sát ngân hàng
Hiện tại, hoạt động thanh tra, giám sát của Việt Nam đang có nguy cơ tụt hậu trong hội nhập quốc tế do hầu hết các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế về thể chế và vận hành hệ thống giám sát tài chính - ngân hàng chưa được tuân thủ. Nguy cơ tụt hậu đặt ra ngay cả về năng lực của cơ quan quản lý, giám sát so với yêu cầu thực tiễn quản lý, giám sát an toàn hoạt động ngân hàng và trình độ phát triển của các định chế tài chính. Không ít hoạt động và dịch vụ ngân hàng mà cơ quan thẩm quyền chưa thể quản lý và giám sát một cách hữu hiệu. Nội dung, phương pháp thanh tra đã có đổi mới nhưng chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý hệ thống ngân hàng hiện đại. Một số thông lệ, chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng đã được áp dụng ở Việt Nam, song chưa đồng bộ và không triệt để dẫn đến cách nhìn nhận, đánh giá hệ thống ngân hàng chưa phản ánh đầy đủ thực trạng tình hình. Mô hình tổ chức Thanh tra Ngân hàng và hệ thống pháp luật về thanh tra, giám sát ngân hàng còn bất cập so với các thông lệ tốt và chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng (Basel), nhất là so với yêu cầu thanh tra, giám sát dựa trên cơ sở rủi ro.
Theo kết quả khảo sát do Công ty Tư vấn Ernst & Young tiến hành năm 2006 để đánh giá mức độ tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về giám sát ngân hàng hữu hiệu của Ủy ban Giám sát ngân hàng quốc tế Basel, có tới 19 trong số 25 nguyên tắc phần lớn không tuân thủ, chủ yếu là các nguyên tắc liên quan đến điều kiện tiên quyết bảo đảm giám sát ngân hàng hữu hiệu [2].
Để các chuẩn mực này có thể được áp dụng vào hoạt động thanh tra, giám sát của Việt Nam cần thiết phải xây dựng một hành lang pháp lý tạo cơ sở cho việc áp dụng thống nhất các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực giám sát và an toàn hoạt động ngân hàng ở Việt Nam.