3.2.3.1. Xây dựng quy trình thanh tra chuẩn theo thông lệ quốc tế, đảm bảo các tiêu chí sau:
- Quy trình thanh tra trên cơ sở rủi ro được xây dựng phải phù hợp với thực tiễn
hoạt động của hệ thống các TCTD tại Việt Nam, có sự nghiên cứu, tham khảo các quy
trình thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro của các nước trong khu vực và trên thế giới,
đặc biệt là các nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam.
- Quy trình thanh tra trên cơ sở rủi ro phải xác định rõ nội dung của các bước, các công đoạn phải thực hiện cùng với các sản phẩm cụ thể của các bước, các công đoạn đó như lập báo cáo giám sát vĩ mô, báo cáo cảnh báo sớm, báo cáo giám sát để hỗ trợ cho hoạt động thanh tra tại chỗ. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống chỉ tiêu giám sát theo tiêu chuẩn CAMELS để có thể đánh giá tình trạng tài chính của một TCTD, từ đó cung cấp một cái nhìn toàn diện về tất cả các khía cạnh tài chính quan trọng cũng như rủi ro của TCTD. Dựa trên kết quả giám sát, CQTGSNH có thể xác định được TCTD nào đang ở trong tình trạng rủi ro cao cần phải thanh tra cũng như nội dụng trọng yếu cần phải thanh tra, từ đó phân bố nguồn lực một cách hợp lý và hiệu quả. Ngoài ra, kết quả giám sát cũng là các thông tin bổ trợ cho thanh tra viên trong suốt quá trình thanh tra tại chỗ.
3.2.3.2. Xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ
phải đánh giá, giám sát rủi ro đối với từng TCTD riêng lẻ và cả hệ thống TCTD, do đó phải lập được báo cáo giám sát CAMELS, báo cáo giám sát vĩ mô, báo cáo cảnh báo sớm. Trong đó, báo cáo giám sát CAMELS nhằm đánh giá, giám sát rủi ro đối với từng TCTD riêng lẻ (còn gọi là giám sát vi mô), báo cáo giám sát vĩ mô, báo cáo cảnh báo sớm nhằm đánh giá, giám sát các rủi ro, nguy cơ đối với sự ổn định của hệ thống các TCTD dưới góc độ toàn ngành ngân hàng và nền kinh tế (các mối liên kết tài chính vĩ mô). Báo cáo giám sát CAMELS là sản phẩm chung của giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ: phân tích, đánh giá các chỉ tiêu định lượng do bộ phận giám sát từ xa thực hiện và đánh giá các yếu tố định tính do thanh tra tại chỗ thực hiện. Báo cáo giám sát vĩ mô, báo cáo cảnh báo sớm do bộ phận giám sát từ xa đảm nhiệm. Báo cáo giám sát vĩ mô, báo cáo cảnh báo sớm có quan hệ biện chứng với báo cáo giám sát CAMELS. Do đó, CQTTGSNH phải quy định rõ ràng về trách nhiệm và sự phối hợp giữa bộ phận giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ để có được quá trình giám sát liên tục theo một chu trình khép kín: nhận dạng rủi ro - đo lường rủi ro - quản lý rủi ro - xử lý rủi ro. Phối hợp giữa giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ của CQTTGSNH trong hoạt động thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro tạo thành một chu trình khép kín và không tách bạch trong quá trình thực hiện thanh tra, giám sát đối với một TCTD cũng như toàn hệ thống TCTD.
3.2.3.3. Xây dựng quy trình xử lý sau thanh tra gắn với trách nhiệm của các cá nhân trong việc thực hiện quy trình đó
Để quá trình xử lý sau thanh tra ghi nhận và sử dụng kết quả thanh tra một cách có hiệu quả, đảm bảo nâng cấp được một ngân hàng sau thanh tra, thì cùng với việc hoàn thiện khung thể chế theo hướng mở rộng quyền của cơ quan giám sát trong quá trình xử lý ngân hàng có vấn đề, phải xây dựng một quy trình xử lý thống nhất sau thanh tra. Quy trình này phải quán triệt một nguyên tắc là TCTD luôn đóng vai trò chính và chủ yếu trong việc thực hiện các giải pháp khắc phục. Vì vậy, ban lãnh đạo TCTD phải thực sự nhận thức và bị thuyết phục bởi những vấn đề mà thanh tra đưa ra. Điều này có nghĩa bên cạnh các thanh tra viên, giám sát viên cũng phải luôn quan tâm đến các phản hồi từ ban lãnh đạo TCTD trong việc nhận thức
những yếu kém của ngân hàng và trong quá trình khắc phục những yếu kém này. Cụ thể, quy trình xử lý sau thanh tra phải bao gồm các bước:
Bước 1: Kết thúc cuộc thanh tra, căn cứ vào kết quả thanh tra và những đánh giá của thanh tra viên, Đoàn thanh tra phải yêu cầu ban lãnh đạo ngân hàng xây dựng
kế hoạch hành động, trong đó nêu cụ thể các bước hoặc những giải pháp mà ban lãnh
đạo ngân hàng cho rằng có thể khắc phục được nguyên nhân sâu xa của những yếu kém. Kế hoạch này sẽ bao gồm những nội dung cơ bản:
- Xác định bản chất của các yếu kém;
- Xác định các giải pháp giải quyết yếu kém; - Trình tự thời gian cho việc hoàn thành kế hoạch;
- Thiết lập các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành kế hoạch;
- Xác định những người có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch; - Xác định cách thức ban lãnh đạo ngân hàng giám sát việc thực hiện kế hoạch .
Bước 2: Các giám sát viên thường xuyên trao đổi với ban lãnh đạo ngân hàng và những người chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện kế hoạch khắc phục để đảm bảo kế hoạch đang được thực hiện đúng tiến độ và ghi nhận được những kết quả cụ thể.
Bước 3 : Khi không có phản hồi từ TCTD hoặc có bằng chứng là kế hoạch khắc phục không thực hiện được, giám sát viên phải đệ trình ngay các biện pháp xử lý tiếp theo lên cấp có thẩm quyền.
Bước 4: Hành động xử lý tiếp theo của giám sát viên và các cấp có thẩm quyền trong trường hợp có bước 3, đảm bảo cuối cùng tình hình yếu kém của ngân hàng được khắc phục .
Để thành công, quá trình xử lý sau thanh tra đặc biệt còn đòi hỏi một sự quyết tâm và kiên định của các thanh tra viên, giám sát viên, ban lãnh đạo CQTTGSNH, NHNN trong việc thực hiện đến cùng các giải pháp.
3.2.3.4. Xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng và hiệu quả giữa các đơn vị trong CQTTGSN, NHNN; giữa CQTTGSNH với cơ quan giám sát nước ngoài
đối với các TCTD (như vụ Cấp phép, Vụ thanh tra các TCTD trong nước, nước ngoài, Vụ giám sát ngân hàng, Vụ Chính sách an toàn hoạt động, Quản lý Ngoại hối, Vụ Tín dụng, Vụ Dự báo thống kê tiền tệ...). Do đó, để hoạt động thanh tra thực sự có hiệu quả, thì sự phối hợp trong việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị nêu trên là thật sự cần thiết. Nó giúp cho CQTTGSNH có một cái nhìn về tình hình hoạt động của TCTD một cách đầy đủ và chính xác. Mặt khác, đây cũng chính là căn cứ, cơ sở thông tin cần thiết phục vụ cho bước đầu trong quy trình thanh tra theo thông lệ quốc tế của CQTTGSNH.
Bên cạnh đó, cùng với quá trình tự do hoá thương mại trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, sự gia tăng quy mô và độ phức tạp trong hoạt động của các ngân hàng, tập đoàn ngân hàng và thị trường tài chính, làm nảy sinh và tăng cường sự cần thiết phải mở rộng hoạt động quốc tế của các cơ quan giám sát mỗi quốc gia. Sự phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan giám sát nước sở tại và cơ quan giám sát nguyên sứ nới thực hiện đăng ký thành lập ngân hàng mẹ, tạo nên cơ hội tiến tới một sự đánh giá đồng nhất về một ngân hàng như hệ thống quản lý rủi ro, mức độ đủ vốn... Đây là một yêu cầu rất cơ bản và cần thiết trong hoạt động thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro. Việc đánh giá hoạt động của các TCTD có yếu tố nước ngoài không chỉ dựa trên tình hình hoạt động của tổ chức đó tại Việt Nam mà cần thiết phải có cái nhìn tổng thể về hoạt động của cả ngân hàng mẹ ở nước ngoài. Nhờ đó, tiết kiệm các nguồn lực thanh tra giám sát, đồng thời giảm thiểu tác động xấu của những biến động bên ngoài lên hoạt động của từng ngân hàng, hệ thống TCTD Việt Nam.
Chính vì vậy, cần tạo những căn cứ pháp lý để xây dựng và vận hành cơ chế phối hợp hoạt động với cơ quan giám sát nước ngoài, trước hết là những nước có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.