Nhóm nhân tố chủ quan

Một phần của tài liệu 1112 phát triển dịch vụ tín dụng bán lẻ tại NHTM CP bưu điện liên việt chi nhánh hà giang luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 35 - 37)

Đây là các nhân tố thuộc về chính ngân hàng, tác động trực tiếp tới việc phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ của ngân hàng. Việc phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ phụ thuộc rất lớn vào chính sách tín dụng; năng lực tài chính của ngân hàng; chất lượng cho vay khách hàng bán lẻ; trình độ nghiệp vụ của các cán nhân viên; mạng lưới phân phối và hoạt động marketing của ngân hàng.

> Chính sách tín dụng của ngân hàng thương mại

Chính sách tín dụng của ngân hàng là hệ thống các chủ trương, quy định chi phối hoạt động cho vay do hội đồng quản trị đưa ra nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn để tài trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Mỗi ngân hàng cần phải xây dựng một chính sách tín dụng phù hợp với bản thân và phù hợp với xu thế thị trường. Khi ngân hàng có chính sách tín dụng đúng đắn sẽ góp phần tăng trưởng lượng khách hàng, tăng trưởng dư nợ từ đó tăng khả năng sinh lời của hoạt động tín dụng.

Những yếu tố trong chính sách tín dụng đều tác động một cách mạnh mẽ tới việc phát triển dịch vụ tín dụng nói chung và dịch vụ tín dụng bán lẻ nói riêng. Một ngân hàng chỉ có thể phát triển dịch vụ tín dụng bán lẻ khi có mục tiêu rõ ràng được thể hiện như một định hướng trong chính sách cho vay. Và chỉ khi ngân hàng đó xác định phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ thì ngân hàng mới dồn nỗ lực và khả năng để tập trung phát triển lĩnh vực này. Mặt khác, khi một ngân hàng đã có sẵn các sản phẩm tín dụng bán lẻ đa dạng thì việc phát triển cũng dễ dàng và thuận lợi hơn là các ngân hàng mới chỉ có các sản phẩm đơn giản.

>Năng lực tài chính của ngân hàng và khả năng quản lý của ngân hàng

Năng lực tài chính của ngân hàng được đánh giá dựa trên nhiều chỉ tiêu như: quy mô vốn chủ sở hữu, tỷ lệ tăng trưởng thu nhập, tỷ lệ nợ quá hạn, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu... Một ngân hàng có quy mô vốn chủ sở hữu lớn, tỷ lệ tăng trưởng thu nhập cao, tỷ lệ nợ quá hạn thấp thì có thể gọi là có sức mạnh về tài chính và ngân hàng đó có thể đầu tư vào các danh mục mà ngân hàng hướng tới và hoạt động cho vay được mở rộng trong đó hoạt động tín dụng bán lẻ sẽ được phát triển; ngược lại ngân hàng mà năng lực tài chính thấp thì sẽ không có đủ số vốn để tài trợ cho các danh mục mà ngân hàng quan tâm, do đó hoạt động cho vay sẽ bị hạn chế, phát triển hoạt động tín dụng bán lẻ sẽ không được mở rộng. Vì vậy, đây là một nhân tố giúp cho ban lãnh đạo ngân hàng xem xét khi đưa ra quyết định mở rộng hay hạn chế việc cho vay trong đó có hoạt động tín dụng bán lẻ.

>Chất lượng của cán bộ tín dụng

Chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngân hàng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hoạt động và phát triển của mỗi ngân hàng đặc biệt là đối với hoạt động tín dụng. Chất lượng nhân sự ở đây không chỉ đề cập đến trình độ chuyên môn mà còn đến cả lương tâm, đạo đức nghề nghiệp, tác phong

và kỉ luật lao động của người cán bộ nhân viên. Chất lượng cán bộ tín dụng tốt biểu hiện ở sự năng động sáng tạo trong công việc, tinh thần trách nhiệm và ý thức ký luật cao, điều này sẽ đóng góp phần nào giúp ngân hàng bù đắp những hạn chế về công nghệ kĩ thuật, và còn là thế mạnh giúp ngân hàng cạnh tranh với các đối thủ có tiềm lực công nghệ, trang thiết bị kĩ thuật tốt hơn.

> Hoạt động Marketing của ngân hàng

Hoạt động Marketing là hoạt động nhằm mục đích giới thiệu và quảng bá về hình ảnh và dịch vụ mà ngân hàng cung cấp. Đây cũng là một hoạt động quan trọng góp phần phát triển dịch vụ tín dụng bán lẻ. Hoạt động Marketing sẽ nâng cao hiểu biết của khách hàng về ngân hàng cũng như các dịch vụ của ngân hàng. Nếu thực hiện hoạt động marketing tốt, khách hàng sẽ có ấn tượng tốt về ngân hàng cũng như các dịch vụ của ngân hàng nói chung, và hoạt động tín dụng bán lẻ nói riêng. Từ đó khách hàng sẽ tìm đến ngân hàng vay vốn nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng phát triển dịch vụ tín dụng bán lẻ.

>Mạng lưới phân phối của ngân hàng

Mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch là một trong những tiêu chí thể hiện quy mô của một ngân hàng. Ngân hàng có quy mô lớn, số lượng chi nhánh và phòng giao dịch nhiều sẽ thu hút sự quan tâm của khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch giữa khách hàng với ngân hàng. Đồng thời ưu điểm của mạng lưới phân phối rộng khắp là ngân hàng tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, nắm bắt kịp thời nhu cầu vay vốn của khách hàng, trên cơ sở đó tiến hành cấp tín dụng cho khách hàng. Do vậy, việc mở rộng mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển dịch vụ tín dụng bán lẻ của ngân hàng thương mại.

Một phần của tài liệu 1112 phát triển dịch vụ tín dụng bán lẻ tại NHTM CP bưu điện liên việt chi nhánh hà giang luận văn thạc sỹ kinh tế (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(103 trang)
w