Ngân hàng thương mại là đơn vị kinh doanh với mục đích cao nhất là lợi nhuận. Lợi nhuận của Ngân hàng thương mại được xác định như sau:
Lợi nhuận sau thuế = Chênh lệch thu chi từ lãi + Thu ròng từ dịch vụ + Thu ròng khác - Chi phí quản lý kinh doanh - Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng - Thuế thu nhập
Hay lợi nhuận sau thuế còn được xác định bởi công thức:
Lợi nhuận sau thuế = Tổng thu nhập ròng từ các hoạt động - Chi phí quản lý kinh doanh - Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng - Thuế thu nhập
Về mặt lý thuyết, muốn thu được lợi nhuận cao thì Ngân hàng có thể tăng thu nhập ròng từ các hoạt động đồng thời giảm chi phí quản lý kinh doanh sao cho tốc độ tăng thu nhập ròng từ các hoạt động lớn hơn tốc độ tăng chi phí quản lý kinh doanh. Việc tăng thu nhập ròng là một điều khó khăn bởi ảnh hưởng của nhiều yếu tố bên ngoài như sức cạnh tranh của chất lượng dịch vụ, lãi suất bình quân trên thị trường.. ..Do vậy, ta có thể xem xét sự cần thiết phải quản lý chi phí trong các Ngân hàng thương mại dựa trên hai góc độ:
Thứ nhất., đối với nền kinh tế: Hoạt động của mỗi ngân hàng thương mại có liên quan đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, liên quan đến lợi ích đông đảo cá nhân và các tổ chức hoạt động trong nền kinh tế quốc dân. Tình hình tài chính của ngân hàng ảnh hưởng mạnh mẽ đến “sức
khoẻ” của nền kinh tế và tâm lý của công chúng. Do đó ngân hàng luôn được sự quan tâm thường xuyên và chặt chẽ của các cơ quan kiểm tra giám sát thừa hành pháp luật. Việc phân tích đánh giá hiện trạng tài chính của ngân hàng là đòi hỏi mang tính chất bắt buộc.
Quản lý chi phí có hiệu quả sẽ giúp cho các ngân hàng thương mại hoạt động có lãi, tăng khả năng thanh toán và chi trả, tác động đến quá trình lưu thông và tái sản xuất của nền kinh tế.
Thứ hai, đối với bản thân các ngân hàng thương mại, quản lý chi phí chính là định hướng lớn cho hoạt động của mình để đi theo quy trình nhất định đã được pháp luật qui định để đạt được hiệu quả cao nhất nhưng phải đảm bảo an toàn và theo đúng mục tiêu chung của nền kinh tế. Cách thức quản lý chi phí quyết định tính độc lập, sự thành bại của ngân hàng. Trong quá trình kinh doanh, ngân hàng sẽ đạt hiệu quả cao khi biết cách áp dụng cách thức quản lý tốt và ngược lại họ sẽ bị thua thiệt khi buông lỏng quản lý. Đặc biệt trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, không có cơ chế quản lý thích hợp thì có thể đi chệch hướng, vi phạm pháp luật. Do đó có thể nói quản lý chi phí đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp cho ngân hàng kiểm soát được vấn đề tài chính của mình.
Bất kỳ đơn vị nào khi tiến hành hoạt động kinh doanh đều có rất nhiều mục tiêu nhưng hầu hết đều có chung mục tiêu là tối đa hoá lợi nhuận. Lẽ đương nhiên đơn vị kinh doanh nào cũng buộc phải quan tâm đến tình hình chi phí của mình. Ngân hàng thương mại với tư cách là đơn vị kinh doanh cũng không nằm ngoài mục tiêu trên. Đồng thời do môi trường kinh doanh chưa được thuận lợi, nhiều khoản chi phí và thiệt hại phát sinh. Hoạt động kinh doanh luôn chứa đựng nhiều rủi ro, trong đó một số loại rủi ro ngân hàng có thể chủ động phòng ngừa, có những loại rủi ro không thể khống chế được. Điều đó buộc các ngân hàng ngày càng quan tâm hơn đến các khoản chi phí,
tìm mọi cách hợp pháp để tiết kiệm các khoản chi phí một cách tương đối, đặc biệt là các khoản chi phí quản lý. Do đó trong quá trình hoạt động, ngân hàng phải thường xuyên cảnh giác, nghiên cứu phân tích, đánh giá, dự báo và có biện pháp phòng ngừa từ xa. Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là hiện nay hầu hết các ngân hàng đều thực hiện phân phối quỹ lương dựa vào kết quả hoạt động kinh doanh, lợi nhuận cao thì quỹ lương cao và ngược lại. Do vậy các ngân hàng càng đặc biệt quan tâm tới việc quản lý chi phí.
Mặt khác, việc quản lý chi phí tốt là tiền đề quan trọng để Ngân hàng có thể thực hiện định giá sản phẩm. Vì trong ngân hàng có rất nhiều sản phẩm khác nhau, do vậy để định giá sản phẩm ngoài các chi phí trực tiếp phát sinh liên quan đến sản phẩm còn có các chi phí chung và việc tính toán xác định các mức chi phí hợp lý cho từng sản phẩm cũng là một phần của quá trình quản lý chi phí. Căn cứ vào mức chi phí thực tế mà từng sản phẩm dịch vụ phải chịu, Ngân hàng thương mại sẽ xác định mức chi phí chung để làm căn cứ xây dựng giá của dịch vụ cung cấp ra. Bên cạnh đó, công tác quản lý chi phí tốt còn là cơ sở để Ngân hàng thương mại cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời số liệu để báo cáo cho các cơ quan quản lý và giúp tác nhân bên ngoài có thông tin đầy đủ về tình hình hoạt động của ngân hàng.
Như vậy, công tác quản lý chi phí là thật sự cần thiết không chỉ đối với các cơ quan quản lý nhà nước mà còn đối với bản thân các ngân hàng thương mại giúp cho Ngân hàng kiểm soát được vấn đề tài chính của mình. Do vậy, các Ngân hàng thương mại cần phải xây dựng cơ chế, phương thức quản lý chi phí đảm bảo hoạt động kinh doanh của Ngân hàng bền vững và phù hợp theo đúng mục tiêu tài chính đã đặt ra.