Tổ chức bảo hiểm xã hội muốn tồn tại và phát triển phải có một tài chính riêng để chi dùng cho công tác thực hiện chính sách, chế độ. Do đó, thu BHXH là nhân tố có tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển của BHXH ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới.
Thu BHXH là việc nhà nước dùng quyền lực của mình bắt buộc các đối tượng phải đóng BHXH theo mức phí quy định hoặc cho phép một số đối tượng được tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Trên cơ sở đó hình thành một quỹ tiền tệ tập trung nhằm mục đích bảo đảm cho các hoạt động BHXH.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hiệu quả thu BHXH nói chung và thu BHXH đối với hình thức bắt buộc nói riêng thường đạt kết quả không cao. Trong nền kinh tế nhiều thành phần như Việt Nam hiện nay, lợi ích của các bên tham gia BHXH là khác nhau. Đơn vị SDLD thì luôn mong muốn tối đa hóa lợi nhuận, tiếu thiểu hóa chi phí. Trong khi đó, NLD thì lại muốn đóng góp ít nhất mà lại được hưởng nhiều nhất.Quỹ BHXH là có hạn, để đảm bảo cho mọi hoạt động được bền vững, cơ quan BHXH phải luôn tiến hành cân đối quỹ sao cho hợp lý nhất.Chính những mâu thuẫn về lợi ích trên và có thể đảm bảo lợi ích hợp pháp cũng như trách nhiệm của các bên tham gia cần phải có người trọng tài là Nhà nước. Với chứcnăng cai trị, Nhà nước sẽ sử dụng quyền lực của mình xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác thu và quản lý thu BHXH.
Vậy quản lý thu BHXH là “sự tác động có tổ chức của chủ thể quản lý để điều chỉnh các hoạt động thu. Sự tác động đó được thực hiện bằng hệ thống các biện pháp hành chính, kinh tế và pháp luật nhằm đạt được mục tiêu thu đúng đối tượng, thu đủ số lượng và không để thất thu tiền đóng BHXH, đảm bảo thời gian theo quy định”.[5]