Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước và một số địa phương trong nước trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Nhà nước phải ban hành đồng bộ các văn bản pháp quy để thống nhất việc xây dựng, quản lý, sử dụng đội ngũ công chức nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện nói riêng. Chính những văn bản này là cơ sở cho việc tuyển chọn, sử dụng và đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện.
Đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện phải là những người được qua đào tạo cơ bản trong các trường đại học và được đào tạo, bồi dưỡng liên tục sau khi tuyển dụng. Được rèn luyện qua các cương vị cần thiết trong thực tế và hội tụ đầy đủ những tố chất đạo đức cơ bản của một công chức nhà nước.
Nhà nước xây dựng tiêu chuẩn các chức danh cụ thể cho từng loại công việc của cán bộ, công chức. Tiêu chuẩn chức danh là cơ sở cho việc tuyển chọn, sử dụng, đánh giá thực hiện công việc của cán bộ, công chức và là chuẩn mực để phấn đấu, rèn luyện. Thực hiện tốt việc tuyển chọn cán bộ, công chức thông qua thi tuyển công khai, nghiêm túc, công bằng, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội cạnh tranh. Có như vậy mới tuyển chọn được người thực sự tài giỏi vào làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước và kích thích mọi người không ngừng học tập vươn lên. Đó là một trong những biện pháp lựa chọn tốt nhất đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện có chất lượng. Cần bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện. Phải biết “tuỳ tài mà dùng người”, bố trí đúng người, đúng việc nhằm phát huy hết khả năng làm việc, tạo điều kiện cho công chức phát huy sở trường của mình; Nhà nước cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ, công chức cấp huyện, đảm bảo đời sống của đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện ngày càng được cải thiện; đặc biệt quan tâm tới chế độ tiền lương, chế độ hưu trí và các loại bảo hiểm xã hội khác.
Duy trì chặt chẽ chế độ quản lý, giám sát, thưởng phạt nghiêm minh đối với công chức; kiểm tra, đánh giá công chức hàng năm một cách nghiêm túc, theo tiêu chuẩn cụ thể nhằm phát hiện nhân tài để đề bạt, trọng dụng. Cho thuyên chuyển, thôi chức đối với những người không đủ tiêu chuẩn hoặc sai phạm. Mặt khác, đây là dịp làm cho công chức tự nhìn nhận lại mình, phát huy những điểm mạnh, sửa chữa hạn chế, khuyết điểm...
Rút ngắn nhiệm kỳ đối với công chức lãnh đạo; bộ máy nhà nước gọn nhẹ, giảm số lượng công chức nhất là công chức cấp cao theo kinh nghiệm của các nước đã thực hiện thành công; cần quan tâm, chú ý đến xu thế trẻ hoá, tri thức hoá chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ quản lý vì đây là xu thế phù hợp với thời đại ngày nay, nhằm đẩy mạnh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và CNH, HĐH đất nước.
Trên thế giới, mỗi quốc gia đều chọn đường đi riêng cho mình trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế đã chứng minh, không một quốc gia nào phát triển mạnh mẽ mà lại có đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện yếu kém. Biết tận dụng những bài học làm nên sự thành công của các nước trong việc đào tạo, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện sẽ là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện nước ta trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, kinh nghiệm nào cũng là sản phẩm của lịch sử - cụ thể và việc vận dụng nó không thể là sự rập khuôn, máy móc mà đòi hỏi phải sáng tạo, linh hoạt cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của nước mình, địa phương mình thì mới đem lại hiệu quả thiết thực.