Xây dựng văn hóa công sở (VHCS) là xây dựng lề lối, nề nếp làm việc khoa học, có trật tự kỷ cương, tuân theo những nội quy, quy định chung nhưng không mất đi tính dân chủ. Nó đòi hỏi nhà lãnh đạo, quản lý cũng như các thành viên của cơ quan phải quan tâm đến hoạt động chung của cơ quan mình. Muốn như thế cán bộ công chức (CBCC) phải tôn trọng kỷ luật cơ quan, phải chú ý đến danh dự của cơ quan trong cư xử với mọi người, đoàn kết và hợp tác trên những nguyên tắc chung. Để xây dựng văn hóa công sở như vậy, tác giả xin đưa ra một số giải pháp sau đây:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong đội ngũ CBCC toàn huyện về VHCS và tầm quan trọng của VHCS. Chú trọng đến công tác tuyên truyền miệng, gắn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thực hiện hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh và phong trào thi đua xây dựng người cán bộ công chức “trung thành – tận tụy – sáng tạo – gương mẫu”. Phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, CBCCC.
Thứ hai, các cơ quan, đơn vị trong huyện cần xây dựng, hoàn thiện các quy định về VHCS, bao gồm: Quy định về trang phục, lễ phục, đeo thẻ chức danh CBCC; quy định về văn hóa ứng xử nơi công sở, thái độ, tác phong giao tiếp trong đơn vị; quy định về tiếp và giải quyết công việc của công dân; quy định về kỷ luật, hội họp, hội thảo,…
Thứ ba, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong xây dựng và thực hiện VHCS. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cần thường xuyên quan tâm, gương mẫu và nghiêm túc trong tổ chức thực hiện VHCS của cơ quan, đơn vị mình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện VHCS trong cơ quan, đơn vị và các đơn vị trực thuộc.
Thứ tư, chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng, động viên CBCC thực hiện tốt VHCS. Bổ sung việc thực hiện VHCS vào tiêu chí bình xét thi đua hằng năm. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về VHCS.