Theo Bùi Thị Ngọc Lan (2002) chỉ ra rằng trình độ học vấn của con người bao gồm khả năng về tri thức và kĩ năng để có thể tiếp thu những kiến thức chuyên môn, kĩ thuật, sự hiểu biết về chính trị - xã hội. Trình độ học vấn được cung cấp, bồi dưỡng thông qua hệ thống đào tạo giáo dục chính quy, không chính quy cũng như qua quá trình học tập suốt đời của mỗi cá nhân. Hay, trình độ học vấn chính là sự hiểu biết của người lao động đối với những kiến thức phổ thông về tự nhiên và xã hội, ngoài ra trình độ học vấn của con người thể hiện thông qua số người biết chữ, chưa biết chữ, số người có trình độ tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và sau đại học. Và trình độ học vấn cũng là một chỉ tiêu rất quan trọng phản ánh chất lượng nguồn nhân lực và nó có tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sự phát triển của tổ chức/doanh nghiệp nói riêng.
Kỹ năng là năng lực hay khả năng chuyên nghiệp của con người/ người lao động được sử dụng để giải quyết vấn đề hay công việc nào đó trong cuộc sống. Đối với người lao động thì kỹ năng làm việc là sự vận dụng tri thức khoa học, kỹ thuật vào công việc thực tiễn của bản thân. Một mặt, kỹ năng mang yếu tố thực hành gắn với thực tế công việc. Mặt khác, kỹ năng còn mang tính đặc thù của nghề nghiệp, khác nhau trong từng lĩnh vực, vị trí công việc… Còn kỹ năng chuyên môn còn được hiểu là những kỹ năng có được do giáo dục, đào tạo từ nhà trường và hay kỹ năng chính là khả năng học vấn, kinh nghiệm, sự thành thạo về chuyên môn.
Bên cạnh đó, kỹ năng mềm là những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người, kỹ năng mềm không liên quan đến kiến thức chuyên môn mà phụ thuộc vào cá tính và sự rèn luyện mà có của từng cá nhân.
Do đó, có thể nói tất cả các yếu tố thuộc về trí lực là tài sản vô giá của tổ chức hay doanh nghiệp mà người lao động là đối tượng sở hữu và hoạt động nâng cao trí lực của người lao động hoàn toàn phụ thuộc vào tổ chức/doanh nghiệp mà trong đó các nhà quản trị là quan trọng nhất.