Những hạn chế và nguyên nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đoan hùng, tỉnh phú thọ (Trang 101 - 105)

Khi xem xét đánh giá về công tác chuyển đổi nghề, tạo việc làm ở một dự án có tốt hay không chúng ta phải nhìn nhận trên nhiều phương diện. Qua phân tích, xử lý số liệu, đánh giá nội dung của các dự án, chúng ta có thể thấy về cơ bản thì công tác chuyển đổi nghề, tạo việc làm ở các dự án đều thực hiện đúng theo các quy định của Nghị định 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ.

Tuy nhiên bên cạnh đó trong quá trình thực hiện công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo việc làm, các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng còn gặp một số khó khăn,vướng mắc như:

- Về nhận thức tư tưởng và ý thức chấp hành pháp luật: nhận thức, tư tưởng và ý thức chấp hành chính sách pháp luật của người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp chưa cao. Nhiều đối tượng khi đã được áp dụng đầy đủ các chính sách, đã được vận động thuyết phục nhưng vẫn cố tình chống đối, không chấp hành việc thu hồi đất cũng như phương án bồi thường, hỗ trợ. Mặt khác họ lại lôi kéo kích động nhân dân không chấp hành chính sách của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ chuyển đổi nghề

- Trình độ nhận thức của một số cán bộ trong các cơ quan nhà nước ở các cấp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ nói chung, công tác chuyển đổi nghề tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp nói riêng còn nhiều điểm không thống nhất, gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện hỗ trợ chuyển đổi nghề tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp.

- Việc thực hiện luân chuyển cán bộ địa chính, cán bộ làm công tác quy chủ sử dụng đất nông nghiệp, diện tích loại đất nông nghiệp bị thu hồi đã làm ảnh hưởng đến công tác hỗ trợ chuyển đổi nghề tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp của các dự án.

- Về đối tượng và điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi nghề tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp: do trình độ quản lý còn nhiều bất cập cùng với tinh thần thực hiện pháp luật của người dân chưa cao, chưa nghiêm dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chính xác, công bằng các đối tượng được bồi hỗ trợ.

- Về mức bồi thường thiệt hại: Đất nông nghiệp của huyện ngày càng bị thu hẹp. Mức giá bồi thường trên 1m2

đất nông nghiệp so sánh chung với mặt bằng xã hội còn chưa cao dẫn đến mức hỗ trợ chuyển đổi nghề tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp còn thấp (do đơn giá hỗ trợ việc chuyển đổi nghề tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp được xác định trên đơn giá bồi thường đất nông nghiệp bị thu hồi) vì vậy, người nông dân trên thực tế chưa cảm thấy thỏa mãn với đơn giá bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước vì theo họ số kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho họ trong công tác chuyển đổi nghề, tạo việc làm còn thấp và không đủ để họ tự bố trí việc chuyển đổi nghề, tạo việc làm mới khi bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của họ.

- Chính sách chuyển đổi việc làm chưa thoả đáng, chưa có dự án để chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi đất. Tất cả các dự án chỉ bồi thường, hỗ trợ chuyển nghề, tạo việc làm về tiền mà không có định hướng hay đào tạo nghề mới.

- Đối với đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất của nông dân khi bị thu hồi đất với quy mô lớn, người dân sẽ có rất nhiều những bức xúc như: họ sẽ sống bằng gì, tương lai

còn nữa. Bên cạnh đó các dự án thường có hình thức hỗ trợ, thông qua hỗ trợ một khoản tiền nhất định, khoản tiền này phát huy tác dụng khác nhau. Đối với người năng động thì phát huy tác dụng thông qua sự đầu tư sinh lợi, còn với những người khác thì khoản tiền đó được tiêu dùng trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó dẫn đến thất nghiệp. Đây là vấn đề rất bức xúc hiện nay bởi nó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình họ mà còn làm ảnh hưởng tới cả cộng đồng xã hội. Do vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất dành cho đầu tư các dự án là trách nhiệm của Nhà nước và của chủ đầu tư.

Kết luận chương 2

Để giải quyết một cách hiệu quả nhất vấn đề tạo việc làm cho nông dân khi thu hồi đất nói riêng và khu vực nông thôn nói chung thì ngoài những thuận lợi về cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế - xã hội, huyện còn phải tập trung một nguồn lực tài chính lớn cho công tác này. Mặc dù đây là một khu vực hết sức quan trọng, có ý nghĩa to lớn cho sự phát triển ổn định và bền vững của huyện nhưng sự quan tâm, đầu tư của huyện cho nó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của khu vực này, việc đầu tư còn dàn trải. Chính điều này làm cho hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tạo lập được môi trường thuận lợi để thu hút được các nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp và nông thôn.

Chúng ta biết rằng, để tạo được việc làm cho người lao động thì cần thiết phải có vai trò của Nhà nước, mà cụ thể ở đây là vai trò chỉ đạo của huyện. Tuy nhiên, công tác này trong thời gian qua của huyện chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay, huyện chưa có một con số thống kê đầy đủ về số người lao động bị mất việc làm do thu hồi đất cũng như dự báo một cách chính xác về khả năng tăng lên của số lao động này. Chưa xây dựng được một kế hoạch đồng bộ trong việc giải quyết việc làm giữa các cơ quan. Những hạn chế trên đã làm cho số lao động được tạo việc làm của khu vực này trong thời gian qua còn thấp, chất lượng và hiệu quả nghề nghiệp chuyển đổi chưa cao, đòi hỏi trong thời gian tới huyện cần có các giải pháp mang tính đồng bộ, hiệu quả trong công tác giải quyết việc làm cho nông dân sau thu hồi đất.

CHƯƠNG 3 CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH CÔNG TÁC TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI NÔNG DÂN BỊ THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP HUYỆN ĐOAN HÙNG

3.1 Dự báo tình hình thu hồi đất và nhu cầu giải quyết việc làm cho nông dân

khi thu hồi đất tại huyện Đoan Hùng giai đoạn 2015-2020.

Thời gian qua, bên cạnh những kết quả mà huyện đạt được về tạo việc làm cho lực lượng lao động, trong đó có khu vực nông thôn đã góp phần vào sự phát triển ổn định của khu vực này nói riêng và cả huyện nói chung. Hiện nay, cùng với tốc độ CNH, HĐH và đô thị hoá diễn ra nhanh thì nguồn cung về lao động cũng cao hơn nhiều so với cầu về lao động và có xu hướng tăng nhanh trong những năm tiếp theo. Theo UBND huyện Đoan Hùng số người trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện năm 2017 là khoảng 87 nghìn người, dự báo đến năm 2018 là 88 nghìn người, bình quân tăng hàng năm khoảng 1.000 người. Theo tính toán, bình quân mỗi năm huyện có khoảng 3.000 đến 5.000 lao động chưa có việc làm, cầu lao động hàng năm dao động khoảng 3.000-5.000 người. Điều này làm cho quan hệ cung - cầu trên thị trường lao động mất cân đối, một bộ phận không nhỏ lao động sẽ bị thất nghiệp.

Theo quy hoạch sử dụng đất huyện Đoan Hùng đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất sẽ tiếp tục giảm 1 nghìn ha đến năm 2020 so với năm 2015. Căn cứ theo tính toán của Bộ Lao động - thương binh và xã hội là mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi thì sẽ làm cho 13 người bị mất việc làm thì có nghĩa trong thời gian tới huyện Đoan Hùng sẽ có khoảng 13.0600 người nông dân bị mất việc làm do thu hồi đất. Điều này sẽ tác động rất lớn đến cán cân cung - cầu về việc làm và tạo ra sức ép lớn cho huyện trong việc GQVL cho người dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp.

Với định hướng về GQVL và an sinh xã hội ở huyện Đoan Hùng được tỉnh Phú Thọ và huyện xác định: GQVL, ưu tiên tạo việc làm mới có chất lượng, năng suất và hiệu quả cao; Trung bình hàng năm GQVL cho khoảng 3.000 đến 5.000 lượt người thời kỳ 2015 - 2020; giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị và tăng hệ số toàn dụng lao động ở khu vực nông thôn; tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị ở mức 4,0 - 4,5 năm 2020 và ở mức 3,0 - 3,5 năm 2030.

Nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của nhân dân; từng bước rút ngắn khoảng cách về điều kiện sống giữa khu vực trung tâm huyện và các xã ; khuyến khích người dân làm giàu theo pháp luật.

Xây dựng hệ thống an sinh xã hội hiệu quả, đa dạng, ngày càng mở rộng phù hợp với tiềm năng, đặc điểm, yêu cầu và trình độ phát triển của huyện Đoan Hùng; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình giảm nghèo và hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong xã hội; phát triển mạnh và đa dạng hoá hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế toàn dân; thực hiện tốt chính sách bình đẳng giới, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi, người có công và chính sách bảo trợ xã hội.

Đẩy mạnh phòng chống các tệ nạn xã hội; giảm thiểu các tệ nạn xã hội, ma tuý; xây dựng xã/phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội; duy trì trật tự, an ninh, an toàn xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp tạo việc làm cho người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đoan hùng, tỉnh phú thọ (Trang 101 - 105)