1.2.2.1 Dân số và cơ cấu dân số
Dân số tăng nhanh dẫn tới việc phân bố dân cư không hợp lý, không gắn kết được lao động với các nguồn lực khác (đất đai, tài nguyên thiên nhiên, vốn…) khiến cho tạo việc làm mới càng khó khăn, thất nghiệp càng cao. Dân số gia tăng sẽ buộc ngân sách nhà nước nói chung, xã hội nói riêng phải giảm chi cho đầu tư phát triển, tăng chi cho tiêu dùng. Vì vậy, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn lao động giảm xuống, cơ hội để tìm việc làm càng gặp khó khăn.
Do đời sống của người lao động gặp khó khăn, nhu cầu về việc làm lớn, cơ hội có việc làm ở khu vực nông thôn ít, nhất là những lúc nông nhàn dẫn đến tình trạng di dân tự do từ nông thôn đổ ra đô thị để tìm việc làm kiếm sống.
- Cơ cấu dân số quyết định cơ cấu tiêu dùng. Mỗi độ tuổi, giới tính, ngành nghề, tôn giáo, dân tộc.... đều có tâm lý, sở thích tiêu dùng khác nhau, nhu cầu tiêu dùng về số lượng, chủng loại, chất lượng hàng hoá, dịch vụ cũng khác nhau. Để thoả mãn đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho các đối tượng đó tất yếu phải mở rộng, phát triển sản xuất, thay đổi cơ cấu sản xuất, đa dạng chủng loại hàng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm; thay đổi cơ cấu ngành nghề.
- Mức sinh tăng hay giảm cũng ảnh hưởng đến tạo việc làm. Mức sinh cao, số trẻ em mới được sinh ra nhiều, nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là của trẻ em tăng lên, cơ cấu việc làm thay đổi. Nghĩa là cùng với mức sinh tăng lên, nhiều việc làm mới được tạo ra, quy mô, cơ cấu việc làm đa dạng hơn. Còn mức sinh giảm nghĩa là số người già đông hơn, vì nhiều lý do mà họ phải gia nhập trở lại thị trường lao động, áp lực về việc làm tăng lên, tạo việc làm cho người già trở nên nan giải.
- Mức chết: sự biến đổi của mức chết cũng tác động đến vấn đề tạo việc làm. Mức chết tăng lên, nhất là mức chết của dân cư trong độ tuổi lao động cao dẫn đến tình trạng thiếu
hụt nguồn nhân lực, nhiều chỗ việc làm không có người đảm nhận. Hơn nữa khi mức chết tăng cao, số người chết trung bình hàng năm nhiều lên, dịch vụ phục vụ tang lễ và nhiều hoạt động khác đi kèm cũng thay đổi, cơ cấu việc làm cũng biến đổi theo. Mức chết giảm xuống, nhất là mức chết của dân số trong độ tuổi lao động giảm, cung lao động tăng lên tương đối, nhu cầu và áp lực việc làm tăng theo.[6]
1.2.2.2 Điều kiện tự nhiên.
Điều kiện tự nhiên của một quốc gia, một vùng, một huyện , một địa phương đã có sẵn, ngoài ý muốn chủ quan của con người. Đó có thể là đất đai, màu mỡ hay không màu mỡ, phù hợp với loại cây trồng nào; hay điều kiện khí hậu, thuỷ văn thuận lợi hay bất lợi cho phát triển các loại cây trồng, vật nuôi; các nguồn tài nguyên khoáng sản nhiều hay ít, địa hình bằng phẳng hay không bằng phẳng, thuận lợi phát triển ngành sản xuất nào, tạo ra bao nhiêu chỗ làm việc mới...Trên thế giới có nhiều nước rất giàu tài nguyên thiên nhiên, đất đai rộng lớn thuận lợi cho phát triển các ngành sản xuất và thu hút lao động. Còn đối với những nước không được thiên nhiên ưu đãi, đất đai chật hẹp, nghèo tài nguyên, họ có vốn, có công nghệ kỹ thuật hiện đại, máy móc tiên tiến, phương pháp quản lý tiên tiến nên đã tạo ra được nhiều việc làm mới và việc làm có chất lượng cao.[6]
1.2.2.3 Tiến bộ khoa học - công nghệ
Tiến bộ của khoa học, công nghệ sẽ làm tăng yêu cầu việc làm cho lao động phức tạp, có kỹ thuật và ngược lại, làm giảm việc làm đối với lao động giản đơn. Quá trình phát triển của mỗi quốc gia ngày nay được cấu trúc lại dựa trên những lợi thế của nguồn lực con người với hàm lượng trí tuệ ngày một gia tăng. Nhờ có sự tiến bộ của KHCN mà phần tỷ lệ lao động chân tay kết tinh vào sản phẩm ngày một giảm rõ rệt, hàm lượng lao động "chất xám" kết tinh vào sản phẩm ngày càng cao.
Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, là lực lượng trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất vật chất. Vì vậy, đòi hỏi người lao động phải có phẩm chất trí tuệ cao; nghĩa là người lao động phải có năng lực sáng tạo, áp dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ tiên tiến, khả năng biến tri thức của mình thành kỹ năng nghề nghiệp, thể hiện
hoàn thành tốt công việc mà mình đảm nhiệm.[6]