Quan điểm của nhà trường trong việc đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên được thể hiện rất rõ trong mục tiêu tổng quát của nhà trường được nêu trong Báo cáo tổng kết giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn 2020 : “Tập trung mọi nguồn lực xây dựng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo và dần đạt các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế”.
Một trong các mục tiêu của chương trình này là xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ một cách hợp lý về số lượng, chuẩn hoá về chất lượng, có tính kế thừa, có năng lực hoàn thành các nhiệm vụ với chất lượng cao, đủ sức hội nhập khu vực và thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là mục tiêu mang tính tổng quát, chiến lược mà nhà trường đề ra chứ chưa được cụ thể hóa của công tác đào tạo – phát triển nguồn nhân lực giảng dạy. Hơn nữa, mục tiêu này mang yếu tố chủ quan dựa trên mong muốn của cấp lãnh đạo nhà trường chứ chưa bao hàm nguyện vọng thực tế của các giảng viên. Hiện nay việc khảo sát nhu cầu của giảng viên về nguyện vọng, mục tiêu đào tạo chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện. Đây là một hạn chế của nhà trường trong công tác đào tạo và phát triển nhân lực giảng dạy.
Để hiểu rõ hơn về mục tiêu thực tế của giảng viên khi tham gia các khóa đào tạo do nhà trường tổ chức là gì, tác giả đã thực hiện khảo sát cá nhân về vấn đề này. Tổng số giảng viên tham gia khảo sát là 110 người. Bảng 2.5 dưới đây là kết quả khảo sát về các mục tiêu cụ thể mà giảng viên mong muốn đạt được khi tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước mà trường tổ chức trong năm 2016.
Bảng 2.6: Mục tiêu của giảng viên khi tham gia những khoá đào tạo do nhà trường tổ chức năm 2016
Mục tiêu Số lượng Tỷ trọng
Tăng cường kiến thức và năng lực giảng dạy tại bộ môn hiện tại
108 98,18% Kiêm nhiệm giảng dạy thêm một bộ môn khác có tính
chất tương tự
21 18,26% Chuyển lên chức danh cao hơn trong ngạch giảng
viên
12 10,43%
Chuẩn bị cho khả năng thăng tiến trong tương lai 14 12,17%
Khác 5 4,3%
Tổng số 110 100
Nguồn: Kết quả khảo sát cá nhân
Có thể thấy rằng, mục tiêu thuộc về đào tạo như tăng cường kiến thức và năng lực giảng dạy tại lĩnh vực chuyên môn hiện tại được đa số hướng tới (chiếm 98,18%), hay học tập để có thể giảng dạy thêm các bộ môn khác tương tự (18,26%). Trong khi những mục liên quan tới phát triển như việc thăng tiến, lên chức danh thì tỷ lệ chọn lựa lại thấp hơn, khoảng 10-12% số giảng viên được khảo sát.
Bên cạnh mục tiêu chung, việc xác định mục tiêu cho từng chương trình đào tạo cũng chỉ được thực hiện một phần. Điển hình, đối với lĩnh vực đào tạo cụ thể về Tin học thì việc xác định mục tiêu khá tốt. Với lớp đào tạo về Tin học cho giảng viên, mục tiêu được xác định là cung cấp những kỹ năng sử dụng những phương tiện hiện đại trong giảng dạy như Máy chiếu, Video, Máy tính…Còn lớp bồi dưỡng ngoại ngữ chưa xác định mức điểm đầu ra tối thiểu cần đạt được cho từng khoá. Nhà trường tổ chức lớp học và giảng viên nào có nhu cầu nâng cao trình độ Ngoại ngữ thì tham gia. Tương tự như vậy, với khoá bồi dưỡng chuyên môn và sư phạm thì việc xác định mục tiêu hầu như không được thực hiện.
Như vậy, việc xác định mục tiêu cho từng khoá học chưa rõ ràng và những mục tiêu chủ yếu tập trung vào khía cạnh đào tạo đơn thuần, chưa thể hiện sự quan tâm đối với lĩnh vực phát triển. Hiệu quả của các khóa học cũng không được tổng kết dựa trên khảo sát đánh giá thực tế đối với từng giảng viên tham gia.
2.3.2. Xác định nhu cầu đào tạo
Nhu cầu đào tạo cần là sự tổng hòa của nhu cầu của nhà trường và nhu cầu của cá nhân giảng viên. Hiện nay, việc chủ động xác định nhu cầu đào tạo và phát triển NNL giảng viên hầu như không được thực hiện.
Trong lĩnh vực chuyên môn, nhu cầu đào tạo và phát triển thường do chính các giảng viên tự xác định. Sau khi đăng ký và được chấp nhận tham gia các khóa đào tạo, các giảng viên sẽ báo cáo lãnh đạo nhà trường xem xét và phê duyệt việc cử đi học. Các khoá đào tạo có thể do giảng viên tự tìm, hoặc theo diện học bổng được cấp cho trường, khi đó trường sẽ báo về các đơn vị để các giảng viên đăng ký và dự tuyển.
Bên cạnh bồi dưỡng chuyên môn, trường còn mở các lớp nghiệp vụ sư phạm, bồi dưỡng tiếng Anh và tin học cho đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên việc tổ chức không được thường xuyên và chưa được phân loại theo trình độ và theo đối tượng cụ thể nên hiệu quả không cao. Có những giảng viên có nhu cầu học lên trình độ cao hơn nhưng trường chỉ tổ chức lớp học trình độ cơ bản, hoặc ngược lại. Hay có những giảng viên trẻ có nguyện vọng và đủ điều kiện được cử đi học nâng cao ở nước ngoài nhưng chưa được đi do nhà trường không đủ kinh phí hoặc không thể sắp xếp được người giảng dạy thay thế hay do nhiều nguyên nhân khác.
Như vậy, chuyên viên phụ trách đào tạo trong bước xác định nhu cầu đào tạo và phát triển chủ yếu chỉ làm nhiệm vụ tổng hợp báo cáo xin đi học của các đơn vị, căn cứ quy chế nhà trường, trình lãnh đạo phê duyệt những trường hợp đạt yêu cầu. Rõ ràng, việc xác định nhu cầu chưa thực sự dựa trên cơ sở phân tích công việc, phân tích nhu cầu giảng viên và đánh giá thực hiện việc giảng dạy.
Dưới đây là kết quả khảo sát về nhu cầu đào tạo của các giảng viên trong năm 2016:
Biểu đồ 2.5: Nhu cầu được đào tạo trong các lĩnh vực của giảng viên năm 2016 Chuyên môn Ngoại ngữ Tin học Nghiên cứu KH Kỹ năng sư phạm 0% 10% 20% 30% 40% 50% 60% 70% 80% 90% 100% 79% 65% 42% 38% 21%
Nguồn: Kết quả khảo sát cá nhân
Nhu cầu được đào tạo về chuyên môn chiếm tỷ trọng cao nhất (79% số giảng viên khảo sát) cho thấy giảng viên nhận thức rõ việc phải không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn để làm tốt công tác giảng dạy của mình. Ngoài ra, nhu cầu được đào tạo về ngoại ngữ cũng rất cao (65%), do các giảng viên tại trường đa số không có năng lực tốt về ngoại ngữ và mong muốn được cải thiện. Số giảng viên có nhu cầu nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học và trình độ Tin học lần lượt chiếm 38% và 42%. Lượng giảng viên mong muốn được đào tạo thêm về kỹ năng sư phạm chỉ chiếm 21%, do hàng năm trường đều tổ chức khóa bồi dưỡng này cho các giảng viên trẻ mới được tuyển dụng và không có nhiều thay đổi về nội dung khóa học qua các năm.
Ngoài ra, mức độ đáp ứng của các khóa đào tạo do trường tổ chức đối với nhu cầu và nguyện vọng của giảng viên hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Có những giảng viên được đào tạo nhưng khóa học lại không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của mình, và có giảng viên có nhu cầu lại không được đào tạo. Tác giả đã thực hiện khảo sát ý kiến của các giảng viên về độ hài lòng của họ đối với các khóa bồi dưỡng đào tạo ngắn hạn và dài hạn đã tham gia. Bảng 2.7 dưới đây thể hiện kết quả của khảo sát:
Bảng 2.7: Mức độ đáp ứng của khóa đào tạo đối với nhu cầu đào tạo thực tế của giảng viên
Không hài
lòng Hài lòng Rất hài lòng
Kỹ năng sư phạm 36% 52% 12%
Nghiên cứu khoa học 16% 60% 24%
Tin học 17% 55% 28%
Ngoại ngữ 41% 42% 17%
Chuyên môn 9% 72% 19%
Nguồn: Kết quả khảo sát cá nhân
Tỷ lệ giảng viên có trả lời "không hài lòng" lớn nhất là khi tham gia khóa đào tạo về Ngoại ngữ và kỹ năng sư phạm (lần lượt là 41% và 36%), tức là giảng viên cảm thấy chương trình học không đáp ứng đúng và đủ nhu cầu cũng như kỳ vọng khi tham gia. Nguyên nhân do các khóa tổ chức ít khi có sự phân hóa về trình độ, nội dung giảng dạy không phong phú và hàng năm cũng không có nhiều khóa đạo tạo như vậy cho giảng viên.
Khóa học dành được mức độ "hài lòng" nhiều nhất là về chuyên môn (72% số giảng viên được hỏi cho biết hài lòng) và về Nghiên cứu Khoa học (60%) cho thấy nhà trường đã nỗ lực cố gắng để tổ chức các chương trình mang tính chuyên môn cao có nội dung phù hợp, thỏa mãn nhu cầu của giảng viên.
Khóa Tin học dành được nhiều ý kiến "rất hài lòng" nhất (28%) cho thấy khóa học thực sự hữu ích với giảng viên tham gia. Như vậy, việc tổ chức khóa đào tạo được tiến hành khá hiệu quả, thể hiện ở việc 4/5 khóa học có số người tham gia trả lời hài lòng nhiều hơn không hài lòng. Tuy nhiên tỷ lệ không hài lòng ở vài khóa còn ở mức cao, cần có sự quan tâm điều chỉnh của bộ phận chuyên trách trong việc xác định nhu cầu thực tế của giảng viên cũng như hài hòa với khả năng của nhà trường để tổ chức chương trình đào tạo đạt hiệu quả tối ưu.