Giải pháp về lựa chọn tài sản đảm bảo

Một phần của tài liệu 0186 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh nam hà nội luận văn thạc sĩ (Trang 73 - 77)

5. Kết cấu của luận văn

3.2.1. Giải pháp về lựa chọn tài sản đảm bảo

Áp dụng các hình thức cho vay có tài sản bảo đảm có hiệu quả trước hết đòi hỏi phải có những tài sản phù hợp, đủ điều kiện là tài sản đảm bảo theo các hình thức cho vay. Điều đó đòi hỏi Chi nhánh cần thực hiện ba nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, xác lập danh mục tài sản bảo đảm phù hợp với từng loại tín dụng

Hiện nay việc áp dụng tài sản bảo đảm trong cho vay ở Chi nhánh chỉ giới hạn trong phạm vi các tài sản thông dụng như: bất động sản và các giấy tờ có giá mặc dù quy chế quy định các tài sản bảo đảm tiền vay tương đối đa dạng. Do vậy, việc xác lập danh mục tài sản bảo đảm theo hướng đa dạng hóa, phù hợp với các cơ chế cho vay có tài sản đảm bảo là một đòi hỏi của hoạt động tín dụng. Qua việc xác lập danh mục tài sản theo hướng đa dạng sẽ tạo điều kiện cho Chi nhánh chủ động trong cho vay theo từng loại hình tín dụng có bảo đảm, đồng thời có điều kiện mở rộng các hình thức tín dụng này nhanh chóng, không bị động chậm trễ. Khi xác lập danh mục tài sản bảo đảm theo hướng đa dạng hóa phải bảo đảm rõ ràng từng loại tài sản theo các hình thức cho vay có bảo đảm. Đối với xác lập danh mục tài sản bảo đảm. Trước hết các loại tài sản này phải tuân thủ theo quy định của Nhà nước. Do vậy, Chi nhánh dựa trên các văn bản pháp lý quy định về tài sản bảo đảm tiền vay và điều kiện thực tế của mình để phân định rõ tài sản nào thuộc các loại tài sản cầm cố, tài sản nào thuộc tài sản thế chấp và tài sản bảo lãnh.

Cần chú ý rằng, hiện nay theo các quy định liên quan đến bảo đảm tiền vay không phân biệt tài sản là động sản hay bất động sản mà căn cứ vào việc giao hay không giao tài sản đảm bảo thuộc sở hữu của bên vay hoặc bên thứ ba cho ngân hàng. Vì vậy, việc áp dụng hình thức cầm cố hay thế chấp hoàn toàn phụ thuộc vào tính chất của tài sản và sự thoả thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Cụ thể: nếu khách hàng giao tài sản của mình cho ngân hàng giữ thì hình thức có quan hệ này sẽ là hợp đồng cầm cố, còn trường hợp bên vay vẫn giữ tài sản, chỉ giao cho ngân hàng các giấy tờ liên quan đến tài sản đó thì hình thức được thiết lập sẽ là thế chấp tài sản.

Thứ hai, xác định điều kiện đối với tài sản trong danh mục tài sản đảm bảo

Chi nhánh chỉ xem xét chấp nhận những tài sản đáp ứng các điều kiện là bảo đảm tiền vay theo quy định của Nhà nước. Cụ thể:

- Thuộc quyền sở hữu của khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh: Minh chứng rõ điều kiện này, khách hàng vay hoặc bên bảo lãnh phải xuất trình các loại giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành và hướng dẫn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

- Thuộc loại tài sản được phép giao dịch: Tài sản được phép giao dịch và có tính thanh khoản cao là các loại tài sản mà pháp luật cho phép hoặc không cấm mua, bán, tặng, chuyển đổi, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh và các giao dịch khác và dễ mua bán, chuyển nhượng trong thời gian cho vay.

- Không có tranh chấp tại thời điểm ký kết hợp đồng bảo đảm. Chi nhánh yêu cầu khách hàng vay, bên bảo lãnh cam kết bằng văn bản về việc tài sản không có tranh chấp về quyền sử dụng và cán bộ thẩm định phải đi xác minh ở cơ quan liên quan để đảm bảo đất đó không nằm trong vùng quy hoạch giải toả.

- Thực hiện mua bảo hiểm theo quy định. đối với các tài sản mà pháp luật quy định phải mua bảo hiểm thì Chi nhánh yêu cầu khách hàng vay, bên bảo lãnh xuất trình hợp đồng mua bảo hiểm trong thời hạn bảo đảm tiền vay với số tiền bảo hiểm tối thiểu bằng mức dư nợ cho vay, trừ những tài sản là sổ tiết kiệm, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu của các tổ chức tín dụng và kho bạc Nhà nước phát hành, số dư tài khoản tiền gửi, vàng, ngoại tệ bằng tiền mặt, kim khí quý, đá quý, quyền sử dụng đất. Trong trường hợp tài sản bảo đảm không thuộc loại pháp luật quy định phải mua bảo hiểm nhưng Chi nhánh xét thấy cần phải mua bảo hiểm đối với tài sản bảo đảm để nâng cao tính an toàn thì Chi nhánh có thể yêu cầu khách hàng vay vốn mua bảo hiểm cho tài sản đảm bảo đó và thoả thuận với khách hàng vay, bên bảo lãnh về việc chuyển tên người thụ hưởng trong hợp đồng bảo hiểm là Chi nhánh trong trường hợp có rủi ro xảy ra. Trường hợp không thoả thuận được, Chi nhánh buộc khách hàng vay phải cam kết bằng văn bản về việc chuyển toàn bộ số tiền được đền bù theo hợp đồng bảo hiểm để thanh toán nợ gốc, nợ lãi và các chi phí khác tại Chi nhánh.

Thứ ba, tạo lập cơ chế lựa chọn tài sản bảo đảm tiền vay phù hợp với từng loại tín dụng

Việc nhận cầm cố, thế chấp, bảo lãnh những tài sản của khách hàng vay vốn tại Chi nhánh từ trước đến nay rất đơn giản. Khách hàng đề nghị cầm cố, thế chấp hay bảo lãnh tài sản gì thì cần bộ tín dụng tiến hành thẩm định tài sản đó chứ không hề có một quy mô chuẩn mực, chi tiết nào về điều kiện cụ thể của từng loại tài sản bảo đảm ứng với từng hình thức cấp tín dụng. Trong khi đó, những tài sản bảo đảm cho các dự án dài hạn, cho tín dụng trung dài hạn thì phải kiểm tra xác định chặt chẽ hơn so với tài sản bảo đảm trong cho vay tiêu dùng, vay ngắn hạn. Đối tượng cho vay vốn cũng ngày càng đa dạng, danh mục tài sản đảm bảo ngày càng được mở rộng. Do đó, nếu làm tốt được việc thiết lập một cơ chế lựa chọn tài sản bảo đảm thì sẽ tránh được trường hợp khách hàng cứ có tài sản là mang đến ngân hàng đòi cầm cố, thế chấp mà không cần biết tài sản của mình có đủ điều kiện và phù hợp với hình thức tín dụng mà mình đề nghị hay không, hoặc việc cán bộ tín dụng thẩm định tài sản đảm bảo dựa trên những khía cạnh chung chung, dựa vào chủ quan là chính dẫn đến tình trạng đề cao mặt này, xem nhẹ mặt khác, tính rủi ro vì thế mà rất cao. Khi có danh mục tài sản cần có cơ chế lựa chọn theo từng loại tài sản tương ứng với loại cho vay có đảm bảo về mặt tài sản và giá trị của tài sản đó. Chẳng hạn:

- Đối với những tài sản là động sản không có giấy chứng nhận sở hữu: Chi nhánh khi cho khách hàng vay đối với những loại động sản phổ biến như kim loại quý, đá quý, đồ dùng gia dụng...

- Đối với những động sản có giấy chứng nhận sở hữu, Chi nhánh cho vay chỉ nhận những loại tài sản phổ biến như phương tiện vận tải các loại

- Trường hợp cầm cố bằng số dư tài khoản tiền gửi, tiết kiệm, tín phiếu, kỳ phiếu tại các tổ chức tín dụng. Chi nhánh cho vay chỉ thực hiện nếu áp dụng được các biện pháp phong toả số dư sử dụng để cầm cố trên tài khoản.

- Trường hợp nhận cầm cố bằng quyền về tài sản, Chi nhánh cho vay nên thuê tổ chức tư vấn, tổ chức chuyên môn xác định giá trị cụ thể.

Trường hợp thế chấp toàn bộ tài sản có vật phụ, thì vật phụ đó cũng thuộc tài sản thế chấp. Trong trường hợp một phần bất động sản có vật phụ, thì vật phụ chỉ thuộc tài sản thế chấp nếu có sự thoả thuận với khách hàng. Nếu tài sản thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền phát sinh từ bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp.

- Đối với những khách hàng là các đơn vị ngoài quốc doanh có phương án kinh doanh khả thi, nhưng có quy mô nhỏ chưa đáp ứng được tỷ lệ tài sản đảm bảo, Chi nhánh có thể áp dụng hình thức cầm cố các khoản phải thu, các hợp đồng bán hàng hay một số vật tư hàng hóa được thị trường chấp nhận. Đối với những món vay ngắn hạn độ an toàn của những khoản vay này sẽ vẫn được bảo đảm. Bởi lẽ, Chi nhánh vẫn nắm giữ các giấy tờ gốc của tài sản khách hàng sử dụng cầm cố, thế chấp. Ngoài ra, Chi nhánh có thể yêu cầu công chứng hợp đồng bảo đảm nhằm tăng tính pháp lý cho khoản vay.

Do vậy, Chi nhánh cần tạo lập cơ chế lựa chọn tài sản bảo đảm phù hợp với từng loại hình tín dụng là cần thiết đáp ứng những yêu cầu mở rộng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn vốn trong kinh doanh.

Một phần của tài liệu 0186 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh nam hà nội luận văn thạc sĩ (Trang 73 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(102 trang)
w