Nâng cao chất lượng quản lý tài sản bảo đảm

Một phần của tài liệu 0186 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh nam hà nội luận văn thạc sĩ (Trang 82 - 85)

5. Kết cấu của luận văn

3.2.3. Nâng cao chất lượng quản lý tài sản bảo đảm

Thông thường tài sản bảo đảm có thể do ngân hàng thương mại hoặc khách hàng hay bên thứ ba nắm giữ. Tuy nhiên, do điều kiện thực tế Chi nhánh chỉ nắm giữ giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, tài sản, những giấy tờ có giá, còn tài sản bảo đảm là máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, tài sản hình thành từ vốn vay đều do khách hàng trực tiếp nắm giữ, bảo quản và sử dụng. Do đó, nhiều khi Chi nhánh không thể nắm bắt được chi tiết tình trạng của tài sản, như: công suất, độ hao mòn, giá trị sử dụng và giá trị hiện tại của tài sản. Vì vậy, Chi nhánh phải có những biện pháp thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài sản đảm bảo. Thực hiện biện pháp này, Chi nhánh cần xác định rõ yêu cầu nội dung theo từng loại tài sản, theo từng thời kỳ về số lượng, chất lượng, giá cả...Cụ thể:

Trước hết, xác định rõ mục tiêu, yêu cầu của nâng cao chất lượng quản lý tài sản bảo đảm tiền vay

- Quản lý tài sản bảo đảm và các loại giấy tờ liên quan là quá trình theo dõi, kiểm tra, đánh giá nhằm bảo đảm tài sản và các loại giấy tờ vẫn đang trong tình trạng bình thường hoặc kịp thời phát hiện các sự cố liên quan làm giảm giá trị tài sản bảo đảm, các loại giấy tờ liên quan so với các dự kiến nêu tại Hợp đồng bảo đảm tiền vay.

- Chi nhánh chịu trách nhiệm quản lý những giấy tờ về tài sản bảo đảm và tài sản bảo đảm (nếu lưu giữ tại kho của Chi nhánh) theo quy định phải lưu giữ tại kho của Chi nhánh.

- Chi nhánh cần thực thi các biện pháp thích hợp ngay khi phát hiện khách hàng vay hoặc bên thứ ba vi phạm các cam kết tại Hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Tiếp đến, xác định nội dung quản lý tài sản bảo đảm

Với điều kiện thực tế của mình, trên cơ sở các cơ chế của Nhà nước về bảo đảm tiền vay, Chi nhánh cần xác định nội dung quản lý rõ ràng cho từng loại tài sản.

* Đối với tài sản bảo đảm do khách hàng vay, bên thứ ba quản lý và hoặc sử dụng:

- Tuỳ tính chất và đặc điểm của tài sản bảo đảm, cán bộ tín dụng cần chủ động đề xuất và thực hiện kiểm tra tài sản bảo đảm ít nhất 3 tháng một lần theo các nội dung sau:

+ Đánh giá tình trạng tài sản hiện tại: những thay đổi về số lượng và chất lượng) so với hiện trạng khi nhận được tài sản đảm bảo

+ Tình hình sử dụng và bảo quản tài sản bảo đảm

+ Các trường hợp vi phạm cam kết của khách hàng vay, bên thứ ba theo quy định tại Hợp đồng bảo đảm tiền vay.

Trường hợp tài sản bảo đảm có số lượng lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp hoặc kiểm tra đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và sức lao động, cán bộ tín dụng cần chủ động đề xuất bổ sung cán bộ cùng kiểm tra kể cả việc đề xuất Trưởng, Phó phòng tín dụng cùng tham gia kiểm tra tài sản bảo đảm.

- Các loại giấy tờ khác liên quan đến tài sản bảo đảm, chứng minh tình trạng hiện tại của tài sản, cán bộ tín dụng thu thập và lưu giữ hồ sơ đầy đủ.

- Trường hợp phát hiện các vi phạm cam kết của khách hàng vay, bên thứ bay gây tác động xấu đến tài sản bảo đảm, cán bộ tín dụng cần tiến hành các bước sau:

+ Lập biên bản nêu rõ tính chất nghiêm trọng của sự việc, nghĩa vụ và trách nhiệm cụ thể mà bên vi phạm phải gánh chịu, các biện pháp ngân hàng sẽ áp dụng nhằm sớm chấm dứt tình trạng vi phạm... có chữ ký đầy đủ của khách hàng vay, bên thứ ba.

+ Báo cáo ngay sự việc cho lãnh đạo phòng, giám đốc Chi nhánh biết và đề xuất biện pháp xử lý thích hợp.

+ Gửi công văn đến khách hàng vay, bên thứ ba thông báo các biện pháp Chi nhánh áp dụng nhằm chấm dứt ngay tình trạng vi phạm

+ Mỗi lần kiểm tra tài sản bảo đảm, cán bộ tín dụng cần lập biên bản kiểm tra có chữ ký của các bên liên quan và lưu giữ hồ sơ đầy đủ.

* Đối với tài sản bảo đảm do Chi nhánh quản lý

- Đối với tài sản đảm bảo là giấy tờ có giá: Ngay sau khi nhận bàn giao tài sản là giấy tờ có giá từ khách hàng vay, bên bảo lãnh, cán bộ tín dụng chịu trách nhiệm tiến hành thủ tục bàn giao và bảo quản tài sản là giấy tờ có giá tại phòng ngân quỹ của Chi nhánh. Việc bàn giao phải được xác nhận bằng biên bản bàn giao theo các nội dung cụ thể. Cán bộ tín dụng nên giữ bản sao toàn bộ các loại giấy tờ có giá gửi lưu giữ tại phòng ngân quỹ để tiện cho quá trình làm việc, tránh tình trạng cán bộ tín dụng phải nhiều lần lấy lại, xem lại giấy tờ có giá.

- Đối với tài sản bảo đảm khác: Trong nhiều trường hợp, Chi nhánh buộc phải trực tiếp quản lý và bảo quản tài sản không phải là giấy tờ có giá như nhà cửa, ô tô, hàng hóa... Trong những trường hợp này, Chi nhánh thuê một bên thứ ba đứng ra bảo quản hộ. Thủ tục thuê bảo quản được thể hiện bằng hợp đồng nêu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện của mỗi bên.

Trong cả hai trường hợp: Chi nhánh trực tiếp quản lý và bảo quản tài sản bảo đảm và thuê bên thứ ba chịu trách nhiệm giữ và bảo quản tài sản bảo đảm, Chi nhánh đều phải thực hiện việc kiểm tra định kỳ tài sản bảo đảm theo các cơ chế.

Do tính chất phức tạp của công việc quản lý và bảo quản tài sản trong khi Chi nhánh không có kho riêng và nhân sự có chuyên môn, vì vậy Chi nhánh hạn chế tự trông giữ và bảo quản tài sản bảo đảm không phải là giấy tờ có giá.

* Đối với các loại giấy tờ có liên quan đến tài sản bảo đảm:

Các loại giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm là những bằng chứng pháp lý quan trọng chứng minh việc cầm cố, thế chấp tài sản của bên bảo đảm, đồng thời

là biện pháp quan trọng để Chi nhánh có thể quản lý tốt tài sản bảo đảm. Nên phải bảo quản các loại giấy tờ này theo chế độ bảo quản giấy tờ có giá và lưu giữ theo quy định.

Thực hiện được mục đích yêu cầu và nội dung nêu trên. Chi nhánh phải chú trọng từ khâu tuyển dụng cán bộ thẩm định có chuyên môn về máy móc, kỹ thuật, xây dựng cơ bả đến việc giành những chi phí thích hợp cho công tác phân tích thẩm định khách hàng và tài sản bảo đảm, hoặc ban hành những quy định hành chính buộc khách hàng phải cam kết bảo dưỡng, nhằm duy trì công suốt cũng như giá trị tài sản, tránh trường hợp khách hàng bán mất tài sản bảo đảm hoặc thay thế phụ tùng, thiết bị làm giảm giá trị thị trường, cán bộ tín dụng cần thường xuyên đánh giá lại giá trị tài sản bảo đảm và giám sát chặt chẽ công tác bảo quản, lưu trữ, sử dụng tài sản bảo đảm tiền vay của khách hàng. Nếu có thể, Chi nhánh nên kết hợp với chính quyền địa phương nơi đơn vị sử dụng tài sản bảo đảm để tiến hành sản xuất kinh doanh để giám sát.

Qua các nội dung nêu trên giúp cho Chi nhánh tránh được tình trạng tài sản bảo đảm bị xuống cấp trầm trọng và sẽ tiết kiệm được chi phí đi lại của cán bộ khi phải thường xuyên đi kiểm tra tình hình sử dụng tài sản. Và có thể có những biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những tài sản cầm cố là thiết bị, máy móc, dây truyền sản xuất thì có tính hao mòn vô hình theo thời gian vì thế Chi nhánh nên thường xuyên thực hiện việc kiểm kê, định kỳ đánh giá giá trị tài sản. Đây là biện pháp rào chắn rủi ro hiệu quả đối với hoạt động tín dụng.

Một phần của tài liệu 0186 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xử lý tài sản bảo đảm tiền vay tại NH nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh nam hà nội luận văn thạc sĩ (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(102 trang)
w