Báo cáo chi phí môi trường và chỉ tiêu đánh giá hiệu quả mô

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kế toán quản trị chi phí môi trường kinh nghiệm quốc tế và thực trạng áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất gạch tại việt nam (Trang 39 - 41)

6. Kết cấu luận văn

1.2.4. Báo cáo chi phí môi trường và chỉ tiêu đánh giá hiệu quả mô

1.2.4.1. Báo cáo chi phí môi trường

Báo cáo EC là một bộ phận của hệ thống quản trị doanh nghiệp, được lập để cung cấp các dữ liệu môi trường cho nhà quản trị doanh nghiệp nhằm trợ giúp cho việc ra quyết định liên quan đến cải thiện hiệu quả môi trường cũng như kiểm soát EC. Các thông tin môi trường trong báo cáo EC bao gồm cả thông tin hiện vật và thông tin tiền tệ. Báo cáo EC mang lại nhiều lợi ích như:

Giúp kiểm soát chi phí: Báo cáo sẽ tiết lộ thông tin về môi trường ở cả góc độ hiện vật và tiền tệ. Nhà quản trị nhận thức đúng chi phí thực tế cho môi trường từ đó tạo ra những quyết định đúng đắn trong việc kiểm soát EC, thiết kế sản phẩm, lựa chọn nguyên vật liệu và thiết bị thân thiện môi trường.

Cung cấp thông tin để tổ chức thực hiện trách nhiệm môi trường: Tổ chức đóng vai trò chính trong hoạt động kinh tế - xã hội và có thể tạo ra các tác động môi trường đáng kể. Vì vậy, các tổ chức cần thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình bằng cách cung cấp các dữ liệu về tác động môi trường, đưa ra biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và các sáng kiến bảo vệ môi trường.

Thiết lập hay xem lại các chính sách, mục tiêu và kế hoạch hành động về môi trường: Việc cung cấp dữ liệu EC sẽ giúp tổ chức tự nguyện cải tiến nội dung và chất lượng của các sáng kiến bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cải thiện hệ thống thu thập thông tin về EC nội bộ sẽ cung cấp cơ hội cho tổ chức để sửa đổi hoặc thiết lập mục tiêu, chính sách và kế hoạch hành động liên quan đến môi trường.

27

Tạo động lực để quản lý hoạt động môi trường từ nhà quản trị đến nhân viên: Nhân viên có thể không biết rõ chi tiết về những sáng kiến bảo vệ môi trường của một tổ chức. Vì vậy, báo cáo EC có thể được sử dụng cho các nhân viên nhằm nâng cao nhận thức của họ về quản lý hoạt động môi trường. Hơn nữa, niềm tự hào mà nhân viên có trong tổ chức sẽ được tăng lên thông qua các hoạt động bảo vệ môi trường và cam kết bảo vệ môi trường của nhà quản lý.

1.2.4.2. Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả môi trường

Hiệu quả môi trường là chỉ tiêu phản ánh sự thay đổi của tác động môi trường trong một thời gian nhất định (Schaltegger & Wagner, 2005). Khái niệm về hiệu quả môi trường cũng được Schaltegger & Sturm (1994) phát triển như là “hiệu quả kinh tế - môi trường”. Điều này được hiểu rằng các thông tin tiền tệ và thông tin hiện vật phải được gắn kết chặt chẽ để cung cấp một thước đo cho phép các vấn đề môi trường được kết hợp với các chỉ tiêu kinh tế nhằm phục vụ cho quá trình ra quyết định cũng như giải trình thông tin (Schaltegger & Wagner, 2005). Vì vậy, đánh giá hiệu quả môi trường phản ánh trên hai khía cạnh là giảm các tác động môi trường và gia tăng lợi ích kinh tế (Rikhardsson & cộng sự, 2005; IFAC, 2005).

IFAC (2005) giải thích: Hiệu quả môi trường có thể được tính toán ở nhiều cấp độ khác nhau – cho các tổ chức, cho các sản phẩm cụ thể hay dòng sản phẩm, cho các nhóm vật liệu cụ thể… tùy thuộc vào mục đích sử dụng thông tin. Ví dụ, cộng đồng địa phương có thể quan tâm nhiều hơn đến tỷ lệ nước thải tạo ra trong 1 nhà máy, trong khi các nhà quản lý nội bộ sẽ quan tâm đến tỷ lệ nước thải tạo ra của một giai đoạn sản xuất cụ thể để thực hiện quy trình cải tiến.

Các thông tin trên báo cáo EC sẽ giúp tạo ra các chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) nhằm đo lường kết quả và đưa ra những cải tiến liên tục liên quan đến các mục tiêu môi trường được thiết lập. Các tổ chức có thể xem xét EPI trong thước đo tiền tệ (EPI tiền tệ) như: tổng chi phí xử lý nước thải, tổng chi phí quản lý và phòng ngừa ô nhiễm mỗi năm. Các thông tin hiện vật (EPI hiện vật) cũng cần được bổ sung. EPI tiền tệ và EPI hiện vật đều được gọi là các chỉ tiêu tuyệt đối. Các chỉ tiêu tuyệt đối này không thể đánh giá hiệu quả môi trường trong mối tương quan với các

28

yếu tố khác. Do đó, sự phối hợp giữa các chỉ tiêu tuyệt đối để tạo ra chỉ tiêu tương đối là rất quan trọng bởi chỉ tiêu tương đối cho phép một tổ chức có thể phân biệt giữa những thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh (khía cạnh tài chính) và những thay đổi trong hoạt động môi trường (khía cạnh môi trường) chẳng hạn như: lượng nước tiêu thụ trên một đơn vị sản phẩm sản xuất; lượng nước thải tạo ra trên một đơn vị sản phẩm sản xuất, tỷ lệ EC trên tổng chi phí hoạt động (Chang, 2007).

Chỉ tiêu tương đối được tạo ra từ sự gắn kết thông tin tiền tệ và thông tin hiện vật được gọi là chỉ số EPI chéo hay chỉ số hiệu quả sinh thái chẳng hạn như chỉ tiêu chi phí xử lý nước thải trên tổng khối lượng nước thải, chỉ tiêu chi phí xử lý ô nhiễm trên một đơn vị sản phẩm sản xuất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) kế toán quản trị chi phí môi trường kinh nghiệm quốc tế và thực trạng áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất gạch tại việt nam (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)