Rửa tiền không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính hàng đầu thế giới mà ngay cả các quốc gia đang trong quá trình hội nhập vào hệ thống tài chính quốc tế cũng không tránh khỏi. Đặc biệt khi các thị trường mới nổi mở cửa nền kinh tế và lĩnh vực tài chính thì họ dể dàng trở thành mục tiêu của các hoạt động rửa tiền. Nói cách khác rửa tiền là hành động gây vẩn đục nền kinh tế. Rửa tiền có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia. Bằng những thủ đoạn tinh vi, các băng đảng tội phạm tìm cách hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ tội phạm của mình - những đồng tiền bất chính một "nguồn gốc sạch sẽ". Những hoạt động này đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế vĩ mô nói chung và lĩnh vực tài chính nói riêng. Dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những hậu quả cụ thể của nạn rửa tiền:
Do xuất hiện các hoạt động phạm tội dẫn đến có một lượng tiền bẩn cần được “rửa” dẫn đến tội phạm rửa tiền xuất hiện. Thời gian đầu tội phạm rửa tiền xuất hiện và hoạt động mạnh mẽ ngay tại các trung tâm kinh tế và tài chính, nơi mà những đồng tiền bẩn đó được tạo ra. Tuy nhiên, nạn rửa tiền không chỉ là vấn đề của các thị trường tài chính lớn và Trung tâm tài chính của thế giới mà còn là vấn đề hết sức nan giải với các thị trường tài chính mới nổi. Cùng với việc phát triển của tình hình kinh tế, các quốc gia xuất hiện rửa tiền cũng hình thành hệ thống pháp luật để ngăn chặn tội phạm rửa tiền, do đó bọn tội phạm sẽ ngay lập tức tìm cách thâm nhập vào thị trường các quốc gia mới nổi, nơi có rất nhiều tiềm năng để phát triển, đang mong mỏi, chờ đợi các khoản đầu tư quốc tế vào nước mình. Bên cạnh đó, những nước đó cũng có hệ thống pháp luật còn lỏng lẻo và chưa xây dựng được những biện pháp hữu hiệu để phòng chống nạn rửa tiền. Chúng đang gia tăng việc đầu tư có tổ chức vào bất động sản, kinh doanh thương mại trong những thị trường này, rõ ràng không phải là mục tiêu lợi nhuận mà là nhằm che giấu nguồn gốc thực của tiền phi pháp để tạo ra một vỏ bọc hợp pháp cho đồng tiền. Vì vậy các thị trường mới nổi rất dễ bị lợi dụng và dẫn đến tổn thương.
1.1.3.2. Khu vực kinh tế tư nhân bị suy yếu
Một trong những tác động kinh tế vi mô nghiêm trọng nhất của nạn rửa tiền là ở khu vực kinh tế tư nhân. Bọn tội phạm thường thành lập các công ty vỏ bọc, ngụy trang dưới bóng các công ty tư nhân, dùng để trộn lẫn các khoản tiền hợp pháp và phi pháp vì ở hầu hết các nước, việc thành lập các công ty tư nhân ít có sự kiểm soát chặt chẽ về mặt nguồn vốn. Việc trộn lẫn tiền bẩn và tiền sạch đã làm mất dấu của tiền bẩn khiến các cơ quan thẩm quyền khó tìm ra được nguồn gốc thực sự của nó. Việc này đã khiến cho các công ty trong nước cùng ngành bị yếu thế hơn về lợi thế cạnh tranh với các công ty vỏ bọc này. Vì các công ty này không nhằm vào lợi nhuận mà chủ yếu để chúng rửa tiền nên chúng thường vẫn tiến hành sản xuất nhưng với lượng tiền bẩn sẵn có, chúng sẵn sàng đưa sản phẩm ra thị trường với giá cả thấp hơn hẳn so với giá thị trường để có thể có những chứng từ chứng minh cho nguồn gốc đồng tiền. Điều này gây ra một cuộc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường và đe dọa đến hoạt động kinh doanh và sản xuất của những doanh nghiệp
làm ăn hợp pháp. Việc này sẽ làm đảo lộn thị trường khu vực và nhiều công ty hợp pháp sẽ có thể phải phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với các công ty vỏ bọc này.
1.1.3.3. Thị trường tài chính bị suy yếu.
Những tổ chức tài chính dựa vào các nguồn tiền phi pháp sẽ gặp rất nhiều bất lợi trong việc quản lý các nguồn tài sản, các khoản nợ khi những đồng tiền bẩn này được đưa vào thị trường. Giả dụ một khoản tiền lớn cần chuyển hóa được chuyển vào tài khoản ngân hàng nhưng sau đó lại biến mất đột ngột mà không hề thông báo qua sự chuyển giao hữu tuyến để đối phó với những nhân tố phi thị trường như những hoạt động nhằm thực thi pháp luật, chắc chắn sẽ gây không ít khó khăn cho các ngân hàng về khả năng thanh khoản và các hoạt động khác nữa. Các ngân hàng nói riêng và cá định chế tài chính nói chung sẽ dẫn tới bị rối loạn khi xảy ra những cú sốc đột ngột như vậy. Các định chế tài chính này có thể dẫn đến hậu quả sẽ bị rơi vào tình trạng phá sản.
1.1.3.4. Các chính sách kinh tế bị mất kiểm soát
Theo ông Micheal Camdesus, cựu giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã dự tính rằng quy mô to lớn của nạn rửa tiền đã chiếm từ 2 đến 5% tổng sản lượng quốc nội toàn thế giới. Tại một số quốc gia có thị trường mới nổi, những khoản tiền phi pháp này làm cho ngân khố của Chính phủ bị thu nhỏ lại, kết quả là Chính phủ mất quyền kiểm soát chính sách kinh tế. Trong thực tế có nhiều trường hợp rửa tiền gây ra một số lượng khổng lồ tài sản phi pháp và những tài sản này có thể được sử dụng để làm lũng đoạn thị trường trong khu vực, thậm chí cả những nền kinh tế nhỏ. Nạn rửa tiền có thể làm gia tăng sự bất ổn của đồng tiền do không xác định được nguồn gốc của những sai lệch trong giá cả tài sản và hàng hóa. Nó cũng có thể tác động bất lợi đến đồng tiền và tỷ lệ lãi suất vì bọn tội phạm rửa tiền tái đầu tư vào những tổ chức mà âm mưu của chúng ít có khả năng bị phát hiện ra hơn là những nơi mà có tỷ lệ lợi nhuận cao. Chính vì thế các cơ quan chức năng sẽ rất khó khăn trong việc xác định được những thay đổi về nhu cầu tiền tệ và sự biến đổi gia tăng của các nguồn vốn. Điều này dẫn đến mục tiêu chính sách tiền tệ quốc gia không được thực hiện đúng.
1.1.3.5. Kinh tế bị sai lệch và mất ổn định
Hậu quả của nạn rửa tiền và tội phạm tài chính là những thay đổi không lường trước được của nhu cầu về tiền tệ và sự biến đổi gia tăng của luồng vốn quốc tế, tỷ lệ lãi suất và tỷ giá hối đoái. Sự mất kiểm soát của nền kinh tế và bản chất khó lường của nạn rửa tiền khiến cho nền kinh tế bị sai lệch và bất ổn. Bọn tội phạm rửa tiền sẽ chỉ đầu tư vốn vào các hoạt động có lợi cho mục đích của chúng mà không cần thiết phải mang lại lợi ích về kinh tế ở những quốc gia đang giữ các khoản tiền bẩn đó. Mặt khác bọn tội phạm này còn chuyển vốn từ những dự án đầu tư lành mạnh sang những dự án đầu tư chất lượng thấp miễn sao che giấu được các khoản bất chính kia nên sự tăng trưởng kinh tế chắc chắn bị tổn hại. Điều này cũng có thể gây ra những cơn sốt đầu tư ảo trên thị trường khi mà những ngành này thực sự chẳng có tiềm năng và không có giá trị phát triển cho nền kinh tế tại thời điểm đó. Cho đến khi việc đầu tư vào những ngành này không còn phù hợp cho hoạt động rửa tiền của bọn tội phạm nữa thì chúng sẽ bị loại bỏ và gây ra những sụp đổ, thiệt hại kinh tế cho quốc gia đó.
1.1.3.6. Ngân sách quốc gia bị tổn hại
Xét về bản chất, rửa tiền là che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của một khoản tiền và hiển nhiên đi kèm với nó la hành vi trốn thuế. Trong khi thuế là nguồn thu chủ yếu của chính phủ nên các doanh nghiệp trốn thuế sẽ đồng nghĩa với việc làm cho chính phủ nước đó thất thu một lượng lớn. Thêm một khoản tiền bất hợp pháp được rửa sạch là chính phủ mất một khoản thuế trên thu nhập đó. Mặt khác, để giải quyết hậu quả do nạn rửa tiền gây ra, chính phủ các nước lại phải buộc chi ngân sách để thực hiện các yêu cầu về thực thi pháp luật, tăng những chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng (điều trị cho người nghiện ma túy,…) Bên cạnh đó, chính phủ còn phải chi cho những hoạt động để khắc phục những hậu quả mà nạn rửa tiền gây ra.
1.1.3.7. Những nỗ lực tư nhân hóa có thể bị rủi ro
Những quốc gia muốn thực hiện cải cách nền kinh tế của mình bằng việc thực hiện tư nhân hóa nền kinh tế sẽ bị hoạt động rửa tiền đe dọa. Vì thông qua việc rửa
tiền, bọn tội phạm có nhiều tiền hơn để trả giá rất cao cho việc mua lại Doanh nghiệp nhà nước hơn là những cá nhân dùng tiền hợp pháp còn lại. Nhà nước tiến hành tư nhân hóa nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng và hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp nhưng có lẽ mục tiêu này khó mà thực hiện được khi việc nắm quyền doanh nghiệp lại rơi vào tay bọn tội phạm rửa tiền. Những kẻ rửa tiền thường mua lại những bến cảng, du thuyền, khách sạn, sòng bài và ngân hàng để che đậy những khoản tiền bất chính và đẩy mạnh những hoạt động tội phạm của chúng. Chính vì thế nên việc khởi đầu của tư nhân hóa cùng với việc mang lại lợi ích kinh tế thì lại vô tình làm phương tiện tiếp tay cho việc rửa tiền của bọn tội phạm.
1.1.3.8. Danh tiếng có nguy cơ bị tổn hạn
Trong nền kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, nạn rửa tiền đã phát triển rộng rãi với phạm vi toàn cầu thì việc chống lại nó không phải là nhiệm vụ của riêng từng quốc gia nữa mà đây là một mặt trận chung toàn cầu cần sự góp sức của mọi quốc gia, mọi tổ chức. Các quốc gia đều được khuyến cáo yêu cầu phải đặt ra các khung pháp lý, các biện pháp cụ thể để phòng chống rửa tiền. Nếu một quốc gia bị cho là có dính líu đến hành vi rửa tiền, tội phạm tài chính thì quốc gia đó sẽ bị mang tiếng xấu và bị giảm đi những cơ hội hợp tác hợp pháp và tăng trưởng bền vững. Bên cạnh đó các nước đó còn thu hút những tổ chức tội phạm quốc tế với những mục tiêu ngắn hạn. Các quốc gia không thể chấp nhận được việc tiếng tăm và những công ty tài chính của họ bị một tổ chức rửa tiền làm ô uế thanh danh khi mà cả thế giới đều tuyên chiến với rửa tiền, nếu một quốc gia bị coi là đồng minh cua tội phạm loại này sẽ bị mất đi thiện chí hợp tác của các quốc gia khác, có thể dẫn tới tình trạng bị các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về sự bất ổn kinh tế của quốc gia đó nên sẽ dè dặt trong việc đầu tư hoặc thậm chí có thể bị tẩy chay.
1.1.3.9. Gây ảnh hưởng đến đời sống xã hội
Tội phạm rửa tiền phát triển kéo theo nhiều loại tội phạm khác cũng phát triển theo như buôn ma túy, buôn lậu, tham nhũng, trốn thuế, tội phạm tài chính tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Nạn rửa tiền là một quá trình quan trọng đối với những kẻ phạm tội. Nó cho phép những kẻ buôn bán ma túy, những tên buôn lậu và những
kẻ phạm tội khác mở rộng hoạt động của mình. Nó làm chính phủ tại các nước đó phải tăng chi phí để chống lại những hậu quả nghiêm trọng do việc rửa tiền đó gây ra, như các yêu cầu về việc thực thi pháp luật gia tăng và những chi phí cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng… Bên cạnh đó, sự phát triển của những loại tội phạm này không chỉ đe dọa đến nền kinh tế mà còn đe dọa đến cả chính trị và xã hội. Buôn bán ma túy gây ra tình trạng nghiện ngập dẫn đến nhiều tệ nạn như trộm cắp; buôn lậu, tham nhũng, trốn thuế làm lũng đoạn thị trường; tội phạm khủng bố gây ra chiến tranh và những cuộc thảm sát không đáng có gây mất đoàn kết và tình bằng hữu giữa các quốc gia. Việc rửa tiền còn chuyển quyền lực kinh tế từ thị trường, từ mọi người dân và từ chính phủ sang bên bọn tội phạm. Rửa tiền còn gây ra nạn tham nhũng của mọi bộ phận, tầng lớp nhân dân trong xã hội dẫn đến mọi quyền lực lại nằm trong tay bọn tội phạm này, trong tường hợp nghiêm trọng nó có thể dẫn đến việc tội phạm nắm giữ Chính phủ hợp pháp. Nhìn chung, tội phạm rửa tiền không trực tiếp gây ra những tội ác kinh hoàng có thể nhìn thấy nhưng nó lại đem lại hậu quả nghiêm trọng cho mọi quốc gia. Nó đặt ra cho cộng đồng chung thế giới những thử thách khó khăn và phức tạp. Tính chất toàn cầu của nạn rửa tiền đòi hỏi phải có sự hợp tác và những chuẩn mực quốc tế để các quốc gia tuân theo một cách thống nhất và nghiêm túc nếu như chúng ta muốn giảm khả năng rửa tiền của chúng.