Những hạn chế còn tồn tại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG rửa TIỀN QUA hệ THỐNG NGÂN HÀNG tại VIỆT NAM (Trang 81 - 84)

2.4.2.1. Cơ sở vật chất còn yếu kém

Có thể nói cơ sở vật chất của các ngân hàng thương mại, Cục phòng chống rửa tiền chưa thể đáp ứng được yêu cầu về phòng chống rửa tiền đã đề ra. Tại Việt Nam, một năm bình quân có hơn 10 triệu giao dịch trị giá từ 200 triệu đồng trở lên. Do vậy, số lượng báo cáo mà các ngân hàng gửi về Cục phòng chống rửa tiền rất lớn trong khi hệ thống công nghệ thông tin tại các ngân hàng thương mại cũng như tại Cục phòng chống rửa tền vẫn còn yếu kém, chưa thể đáp ứng được yêu cầu này.

Trong thời gian qua, các ngân hàng có trách nhiệm phân loại và lưu trữ các giao dịch theo quy định, chỉ khi nào cần thì Cục phòng chống rửa tiền mới yêu cầu các ngân hàng thương mại cung cấp, và chỉ khi nào các ngân hàng thương mại tự nhận thấy các giao dịch đó có hành vi đáng ngờ thì mới phải gửi thông báo về Cục phòng chống rửa tiền. Trên thực tế, chưa có một ngân hàng thương mại nào của Việt Nam có một hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ công tác phòng chống rửa tiền mà hầu hết vẫn chỉ theo dõi tìm hiểu hành vi khách hàng một cách rất thủ công. Một số ngân hàng thương mại lớn tại Việt Nam như Vietcombank, ACB, BIDV, Vietinbank đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng chống rửa tiền nên đã thuê tư vấn lựa chọn công nghệ phục vụ công tác này.

2.4.2.2. Nhận thức về công tác phòng chống rửa tiền chưa được nhất quán

Thực ra chủ trương xây dựng Nghị định được đề cập đến bắt đầu từ những năm 2000, nhưng tới tận tháng 6 năm 2005 mới chính thức ban hành Nghị định về phòng chống rửa tiền. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng đến khi ban hành Nghị định 74/2005/NĐ – CP đã có rất nhiều quan điểm trái chiều về cuộc chiến phòng chống rửa tiền ở Việt Nam.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: việc triển khai công tác phòng chống rửa tiền này sẽ làm giảm nguồn vốn huy động từ người dân, đặc biệt là nguồn vốn ngoài nhàn rỗi do tâm lý của người dân Việt Nam ta vẫn lo lắng và ngại ngùng khi bị truy cứu về nguồn gốc của những khoản tiền lớn. Theo như Nghị định, tổng gía trị giao dịch (gồm cả VND, ngoại tệ và vàng) trong ngày của một cá nhân, hay một tổ chức từ 200 triệu đồng trở lên đối với tiền mặt, hoặc 500 triệu đồng trở lên đối với các tài khoản tiết kiệm sẽ bị xét vào diện bị giám sát và báo cáo. Theo các ngân hàng thương mại Việt Nam, mức tiền tối thiểu này là thấp và việc báo cáo, giám sát dựa trên số tiền tối thiểu này sẽ gây phiền hà và khó chịu cho rất nhiều khách hàng khiến cho họ sẽ ngại gửi tiền tại các ngân hàng.

Quan điểm thứ hai thì khẳng định: Phòng chống rửa tiền là nghiệp vụ đã được thế giới quan tâm và tiến hành các biện pháp trong hàng chục năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức quốc tế cũng đồng thời có nhiều hiệp ước để cùng nhau phối

hợp hành động. Vì thế, việc triển khai công tác phòng chống rửa tiền tại Việt Nam là một vấn đề cấp thiết cần được thực hiện ngay và nó hoàn toàn không hề ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại nếu Nhà nước làm tốt được công tác nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về phòng chống rửa tiền. Trên thực tế đã chứng minh sau 12 năm thực hiện, lượng tiền gửi vào các ngân hàng vẫn tăng đều và dấu hiệu giảm có nhưng không đáng kể.

Ta có thể kết luận việc nhận thức và hiểu biết về công tác phòng chống rửa tiền là hết sức quan trọng và quyết định hầu hết việc thực hiện thành công Nghị định này. Nếu vẫn chưa thống nhất được ý kiến giữa người xây dựng tức Chính phủ và người thực hiện là các ngân hàng thương mại và người dân thì khó khăn trong công tác phòng chống rửa tiền là không thể giải quyết triệt để.

2.4.2.3. NHTM chưa tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật

Thực tế cho thấy rằng các Ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhỏ, đang thực hiện công tác phòng chống rửa tiền theo các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành của Nhà nước theo phương thức “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Những hành động của họ chỉ mang tính hình thức và có tính thực tiễn rất thấp. Chính vì thế, các quy trình chống rửa tiền được thiết lập tại các ngân hàng thương mại là chỉ mang tính đối phó với Ngân hàng Nhà nước trong công tác kiểm tra định kỳ. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy rằng số báo cáo giao dịch đáng ngờ trong những năm qua vẫn còn rất nhỏ so với thực tế của số lượng các ngân hàng và tiềm năng rửa tiền tại Việt Nam.

2.4.2.4. Đội ngũ cán bộ của Cục phòng chống rửa tiền vẫn còn non yếu

Vấn đề nhân sự cũng là một vấn đề khó khăn bên cạnh vấn đề về công nghệ thông tin của ngân hàng. Đây cũng là vấn đề hết sức nhức nhối và gây không ít trở ngại cho công tác phòng chống rửa tiền. Trước đây là Trung tâm thông tin phòng chống rửa tiền nay là Cục phòng chống rửa tiền của NHNN, ngay từ ngày đầu thành lập đã chỉ có 3 cán bộ duy nhất, đến nay số lượng cán bộ tại Cục là 20 người và có thể chắc chắn rằng kinh nghiệm về vấn đề này chưa hệ có nhiều.

2.4.2.5. Đội ngũ nhân viên làm công tác phòng chống rửa tiền tại các ngân hàng thương mại chưa được chú trọng

Bên cạnh nhân sự của Trung ương, nhân sự của từng Ngân hàng thương mại trong công tác phòng chống rửa tiền cũng chưa được quan tâm một cách đúng mực. Tại một số ngân hàng thương mại lớn đã thành lập các bộ phận riêng biệt về phòng chống rửa tiền, nhân viên của các bộ phận này chưa được chuyên môn hóa về nhiệm vụ của mình mà chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm nhiều việc một lúc nên công việc thường không được hiệu quả. Đối với các nhân viên tiếp xúc trực tiếp với khách hàng tại các bộ phận như giao dịch viên, tín dụng, nhân viên thanh toán lại hầu hết chưa được đào tạo nghiệp vụ về phòng chống rửa tiền. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và số lượng báo cáo các giao dịch đáng ngờ và các tài khoản của khách hàng tại ngân hàng đó.

2.4.2.6. Những yếu tố nội tại của hệ thống ngân hàng vô tình tạo cơ hội cho tội phạm rửa tiền

Trong giai đoạn này, các NHTM Việt Nam đang trong quá trình thực hiện bổ sung vốn theo yêu cầu của NHNN nên nguy cơ các ngân hàng thương mại có thể vì mục tiêu này mà dễ dàng trong việc kiểm tra nguồn gốc tiền gửi thậm chí có thể cố tình bỏ qua các dấu hiệu đáng ngờ của nguồn tiền gửi để chấp nhận việc gửi tiền bổ sung vốn của bất kì ai. Hiện nay, các NHTM đang cạnh tranh nhau rất gay gắt trong vấn đề huy động tiền gửi từ các cá nhân, doanh nghiệp và thậm chí còn sử dụng rất nhiều hình thức mời chào khách hàng gửi tiền vào ngân hàng rất hấp dẫn người dân. Chính điều đó đã tạo ra tâm lý không quan tâm đến nguồn gốc các khoản tiền gửi vào ngân hàng của mình vì ngân hàng đó sẽ rất vui mừng khi nhận được lượng tiền gửi lớn từ công chúng với mức lãi suất huy động thấp hơn các đối thủ cạnh tranh khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG rửa TIỀN QUA hệ THỐNG NGÂN HÀNG tại VIỆT NAM (Trang 81 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)