Dấu hiệu nhận biết rửa tiền qua hệ thống ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG rửa TIỀN QUA hệ THỐNG NGÂN HÀNG tại VIỆT NAM (Trang 33 - 37)

Các thủ thuật mà bọn tội phạm sử dụng để che giấu nguồn gốc và mục đích của các quỹ của chúng liên tục được thay đổi và biến hóa. Mặc dù khó có thể liệt kê hết các giao dịch và hành vi mà Ngân hàng nên cảnh giác, có một số dấu hiệu để nhận biết những hoạt động đáng ngờ tiềm ẩn. Những dấu hiệu này được xem là dấu hiệu cảnh báo. Qua quá trình tìm hiểu và nghiên cứu các dấu hiệu của hoạt động rửa tiền qua hệ thống ngân hàng ta có thể chia thành các dấu hiệu sau:

- Thứ nhất là thông qua danh sách những đối tượng khách hàng đặc biệt: Những đối tượng khách hàng đặc biệt là những đối tượng khách hàng được xem là có rủi ro cao về tội phạm tài chính. Những người này bao gồm các quan

chức công quyền và các cá nhân, các tổ chức có liên quan đến họ cũng như những đối tượng đặc biệt khác. Các quan chức công quyền và các cá nhân và tổ chức có liên quan đến họ được gọi là Những người có ảnh hưởng về chính trị (PEP)

Công chức:

+ Người đứng đầu Nhà nước đang đương nhiệm hay người đã từng giữ chức vụ này

+ Chính trị gia nổi tiếng đang đương nhiệm hay người đã từng giữ chức vụ này + Các quan chức cấp cao của các Đảng chính trị hoặc các doanh nghiệp công nhà nước

+ Các viên chức và sỹ quan cao cấp trong quân đội Các cá nhân và tổ chức có liên quan:

+ Gia đình trực hệ, chẳng hạn như vợ/chồng, cha/mẹ và anh/em + Trợ lý và các cố vấn thân cận khác

+ Cộng sự kinh doanh và các doanh nghiệp mà cá nhân có lợi ích hoặc có ảnh hưởng Đối tượng khách hàng đặc biệt khác:

+ Các công ty có dịch vụ liên quan đến tiền tệ hoặc hối đoái, chuyển tiền hoặc dịch vụ kí séc lấy tiền mặt

+ Sòng bạc và các loại hoạt động đánh bạc hoặc trò chơi khác, bao gồm cả các hoạt động đánh bạc hoặc trò chơi trực tuyến

+ Các công ty tham gia sản xuất, phân phối vũ khí hoặc các sản phẩm quân sự khác + Các hội từ thiện, các tổ chức phi lợi nhuận và các tổ chức phi chính phủ có rủi ro cao

+ Các cơ quan tổ chức do nhà nước hay chính phủ sở hữu có rủi ro cao

+ Các cá nhân sở hữu, điều hành hay có quyền kiểm soát đáng kể đối với bất kì loại hình doanh nghiệp nào trong số này.

Trên đây là danh sách nhóm các Khách hàng đặc biệt có nguy cơ cao lợi dụng ngân hàng để rửa tiền vì thế các ngân hàng đều hết sức thận trọng với những khách hàng này. Công chức và những người và tổ chức có liên quan của họ, có rủi ro cao tham gia vào hối lộ, tham nhũng, và tiếp xúc với tiền có nguồn gốc tội phạm do vị thế và tầm ảnh hưởng của họ hoặc do họ có liên hệ với những người có vị thế và tầm ảnh hưởng.

- Thứ hai là thông qua thái độ của khách hàng khi cung cấp thông tin:

Ngân hàng hoàn toàn có đủ cơ sở để nghi ngờ bất cứ một khách hàng nào có thái độ miễn cưỡng khi cung cấp các thông tin, chứng từ thông thường theo quy định của ngân hàng trong một quan hệ giao dịch cơ bản với khách hàng. Đặc biệt là những khách hàng cung cấp ít thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, hoặc khi nộp đơn xin mở tài khoản tại ngân hàng, khách hàng này đã cung cấp những thông tin mà nếu muốn xác minh được những thông tin đó thì ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn hoặc phải trả chi phí khá cao.

- Thứ ba là thông qua các tài khoản giao dịch đang bị điều tra, khởi kiện

Nhân viên ngân hàng thường chú ý đến các chủ tài khoản đang bị điều tra, khởi kiện hoặc liên quan đến các vụ án đang được xét xử tại tòa án, hoặc nằm trong danh sách cảnh báo rửa tiền.

- Thứ tư là thông qua tính chất, đặc điểm của giao dịch + Các giao dịch gồm nhiều khoản tiền mặt, giá trị lớn

Một là, các khách hàng thường xuyên gửi tiền mặt với số lượng lớn vào ngân hàng, nhưng tiền rút ra khỏi tài khoản thường bằng séc chi trả cho các cá nhân, hay công ty không có quan hệ kinh doanh với khách hàng.

Hai là, gửi tiền mặt với số lượng lớn vào các tài khoản bằng cách chia nhỏ số tiền mặt muốn gửi thành nhiều khoản khác nhau. Tuy nhiên nếu tính tổng số tất cả các khoản tiền gửi đã chia nhỏ thì giá trị rất lớn.

Ba là, rút tiền mặt với số lượng lớn từ tài khoản vừa mới bất ngờ nhận được một khoản chuyển tiền vô cùng lớn từ nước ngoài.

Bốn là, thường rút tiền mặt từ tài khoản với số lượng lớn, mà số tiền này dường như không phục vụ cho các hoạt động kinh doanh của khách hàng.

Năm là, mua hoặc bán ngoại tệ bằng tiền mặt với số lượng lớn cho dù khách hàng có tài khoản của ngân hàng.

+ Các giao dịch không mang lợi ích về mặt kinh tế:

Các giao dịch này có đặc điểm không phù hợp với các hoạt động thông thường của khách hàng. Ví dụ như xuất hiện các giao dịch qua các tài khoản mà trước đó chúng hầu như không có giao dịch nào, nhưng hiện giờ lại có rất nhiều giao dịch một cách bất thường mà chủ tài khoản này không đưa ra được sự giải thích hợp lý cho việc liên tục sử dụng tài khoản ở mức độ cao. Hoặc như việc sử dụng thư tín dụng và một số biện pháp tài chính thương mại của doanh nghiệp để chuyển tiền từ quốc gia này sang quốc gia khác. Nhưng việc chuyển tiền này lại không hề phù hợp với các hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng.

+ Các giao dịch liên quan đến các tài khoản trong ngân hàng có những đặc điểm bất thường:

Một là, các giao dịch chuyển tiền có giá trị nhỏ từ nhiều tài khoản khác nhau về một tài khoản thành một khoản tiền lớn và ngược lại. Trong một thời gian rất ngắn, tiền được chuyển lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau.

Hai là, tài khoản bất ngờ có tốc độ chu chuyển tiền trong ngày rất cao. Điều này thể hiện ở việc doanh số giao dịch trên tài khoản được thay đổi đột biến. Tổng doanh số giao dịch bỗng nhiên rất lớn trong một thời gian ngắn nhưng thực tế số dư tài khoản lại rất nhỏ

+ Các giao dịch có liên quan đến hoạt động đầu tư

Một là, các doanh nghiệp có vốn đầu tư đến từ mảng vốn đầu tư nước ngoài, có nguồn gốc từ các nước có tỷ lệ tội phạm cao như: Ý, Ma cao, Nga,… hoặc từ các nước có hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền còn yếu kém như các nước thuộc Châu Phi.

Hai là, hoạt động mua bán chứng khoán không phù hợp với vị thế hiện tại của khách hàng, hoặc khách hàng đầu tư chứng khoán bằng tiền mặt một cách khác thường với số lượng lớn.

+ Các giao dịch liên quan đến các điện chuyển tiền ra nước ngoài

Trên thế giới hiện nay các hoạt động kinh doanh đang có bối cảnh toàn cầu hóa nên các giao dịch có liên quan đến chuyển tiền ra nước ngoài là rất phổ biến. Chính vì thế nên bọn tội phạm rửa tiền rất hay lợi dụng sơ hở của nhân viên ngân hàng để chuyển tiền bẩn ra nước ngoài. Trong số các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài đó, cũng có những giao dịch với mục đích bất thường. Hầu hết các ngân hàng đều phải đào tạo các nhân viên có thể nhận biết được qua mục đích, tính chất của việc chuyển tiền. Một số dấu hiệu điển hình có thể là dấu hiệu của hành vi “rửa tiền” qua hình thức này là:

 Một khách hàng vãng lai chuyển tiền ra nước ngoài mà không có lý do gì hợp pháp

 Một khách hàng chuyền tiền tới chi nhánh nước ngoài, công ty con, hoặc ngân hàng có trụ sở tại một quốc gia nơi mà buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và mua bán ma túy thường xuyên diễn ra. Hoặc thậm chí còn chuyển tiền đến những nước bị cấm vận trên thế giới.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG rửa TIỀN QUA hệ THỐNG NGÂN HÀNG tại VIỆT NAM (Trang 33 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)