2.4.3.1. Hoạt động tuyên truyền về phòng chống rửa tiền chưa được đề cao
Trong cuộc chiến phòng chống rửa tiền của ngành tài chính ngân hàng, việc triển khai các biện pháp phòng chống rửa tiền không chỉ gây trở ngại cho hoạt động
kinh doanh của các ngân hàng thương mại mà còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nếu như chúng ta không tuyên truyền cho toàn bộ người dân về mục tiêu của hành động này. Việc thực hiện giám sát các tài khoản và báo cáo các giao dịch đáng ngờ làm cho các cá nhân và doanh nghiệp có nguồn tiền trong sạch rất lo ngại và thậm chí còn không muốn quan hệ với ngân hàng vì họ luôn có cảm giác tài sản của mình bị dòm ngó, theo dõi. Hệ quả có thể nhìn thấy ngay đó là người dân sẽ quay sang đầu tư vào vàng, Đô la Mỹ hoặc bất động sản thay vì gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi để không bị truy xét nguồn gốc và khai báo những gì đã làm để có được số tiền đó. Nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam mỗi năm cũng sẽ theo đó mà giảm dần. Còn các doanh nghiệp sẽ không thoải mái khi giao dịch qua ngân hàng với giá trị lớn vì sẽ bị điều tra kĩ về nguồn tiền, nên họ sẽ ưu tiên thanh toán bằng tiền mặt hơn là chuyển khoản. Vì thế, nguồn thu của Ngân hàng thương mại cũng sẽ bị giảm dần và có khả năng mất khách hàng rất cao. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta được coi là nền kinh tế tiền mặt, nhiều giao dịch với giá trị thanh toán rất lớn cũng được thực hiện bằng tiền mặt như: Thanh toán giữa các cá nhân với nhau; gửi, rút tiền, giao dịch chuyển tiền, thanh toán giữa các tổ chức, kể cả các khoản cho vay lớn; tại các định chế tài chính; các giao dịch bất động sản đều diễn ra ở các trung tâm môi giới nhà đất không đăng ký, việc mua bán vàng bạc đá quý diễn ra ở thị trường tự do; cá nhân tham gia đấu thầu quyền sử dụng đất với các ban quản lý dự án các quận, huyện… Số lượng giao dịch và gửi tiết kiệm trên mức quy định theo Nghị định trong cả nước diễn ra hàng ngày là rất lớn, chưa nói tới việc các tổ chức không có đăng ký chính thức, cá nhân có giao dịch với số tiền lớn (thế giới ngầm) vì lợi ích riêng, không cung cấp thông tin cho Cục Phòng chống rửa tiền. Ngoài ra, để tránh sự giám sát của Nhà nước bằng nhiều biện pháp như chia nhỏ số tiền gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản ở các trung tâm môi giới nhà đất không đăng ký, mua bán cổ phiếu chui; mang nhiều tên khác nhau trong cùng một gia đình, dòng họ, bạn bè. Vì vậy, nhận biết các giao dịch đáng ngờ là rất khó khăn, theo ông Ric Power, cố vấn khu vực về phòng chống rửa tiền và tài trợ chống khủng bố, Cơ quan Phòng chống tội phạm ma túy của Liên hiệp quốc cho biết: “Rất khó nhận biết vì các dấu hiệu rửa tiền có nhiều cách thức khác nhau. Việc đầu tiên chúng ta cần
tìm hiểu là hồ sơ của người giao dịch có gì bất thường không. Ví dụ như đối với các viên chức chính phủ có tài khoản và được trả những khoản tiền đều đặn vào trong tài khoản đó, nếu như họ có một khoản tiền giao dịch bất thường với số lượng tiền được gửi vào rất lớn thì chúng ta phải tìm hiểu về nguồn tiền. Có thể số tiền đó có được từ hoạt động tham nhũng hoặc từ những hoạt động bất thường nào đó”.
Chính vì vậy, các Ngân hàng thương mại cũng rất không thoải mái khi phải tuân thủ hoàn toàn các điều khoản trong Nghị định vì lo ngại mất khách và số lượng báo cáo theo quy định là vô cùng lớn.
2.4.3.2. Hệ thống pháp luật về phòng chống rửa tiền còn hạn chế
Tính thiếu hiệu quả trong các hoạt động chống rửa tiền tại Việt Nam cơ bản là do chúng ta thiếu một khung pháp luật hoàn thiện và một cơ chế kiểm soát đồng bộ và hiệu quả. Thực tế là, hiện nay các qui định về chống tội phạm rửa tiền được qui định rải rác tại các văn bản khác nhau, các thiết chế có. Trong quá trình đấu tranh với tội phạm rửa tiền, hệ thống văn bản pháp luật ở nước ta vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế sau:
Thứ nhất, mặc dù chúng ta đã đưa ra các giải pháp hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế nhưng các giải pháp đó chưa phát huy được tính hiệu quả. Từ đó làm giảm khả năng kiểm soát các hành vi rửa tiền thông qua công cụ là các tổ chức tín dụng.
Thứ hai, mức xử phạt đối với các cá nhân, tổ chức có trách nhiệm phòng chống rửa tiền theo Nghị định số 74/2005/NĐ-CP là khá thấp, chưa đủ răn đe, với mức phạt tối đa là 30 triệu đồng, rất thấp so với mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng, theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính là 500 triệu đồng, và thấp hơn nhiều so với các chi phí để ngân hàng thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống rửa tiền.
Thứ ba, không có quy định cụ thể nào yêu cầu báo cáo giao dịch đáng ngờ trong những trường hợp có các giao dịch có ý định thực hiện hoặc chưa được hoàn tất nhưng đáng ngờ về bản chất.
Thứ tư, một số tổ chức tín dụng hiện chưa thực hiện phân loại chi tiết hơn về nhóm khách hàng có mức độ rủi ro khác nhau. Chẳng hạn như chưa có quy định cụ thể về việc tiếp nhận và cập nhật thông tin khách hàng có các giao dịch từ các quốc gia chịu sự cảnh báo từ FATF.
Thứ năm, chưa thiết lập được cơ chế phối hợp hiệu quả trong việc chia sẻ thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan chủ quản của các đối tượng báo cáo khác được xác định theo Luật Phòng, chống rửa tiền. Bao gồm các cơ quan: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương.
Thứ sáu, cần thúc đẩy một cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin đủ mạnh giữa Ngân hàng Nhà nước với Tổng cục Thuế. Qua đó, không chỉ thúc đẩy cơ chế phòng, chống rửa tiền hiệu quả mà còn bảo vệ danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan.
Thứ bẩy, Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của việc hoàn thiện cơ chế giám sát trong lĩnh vực ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế với quá trình triển khai Basel II. Trong khi đó, lĩnh vực này đã có bước phát triển nhanh chóng ở phạm vi quốc tế khi đã có thêm hai hiệp ước mới là Basel III và Basel IV được ban hành.
Thứ tám, trong nỗ lực hướng tới đáp ứng những yêu cầu của các chuẩn mực quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015 - 2020. Quyết định đã xác định rõ nhiệm vụ cho các cơ quan trong Chính phủ có liên quan cũng như yêu cầu về thời hạn cho từng nhiệm vụ.
2.4.3.3. Chi phí đầu tư công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng chống rửa tiền quá cao
Trên thực tế, chi phí đầu tư vào phần mềm giao dịch tiên tiến và có trị giá từ 2,5 đến 4 triệu USD có chức năng chống rửa tiền là khá lớn so với quy mô của các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ của Việt Nam. Việc bỏ một số tiền lớn ra đầu tư vào phần mềm này có ý nghĩa đặc biệt quyết định thành công đối với các ngân hàng thương mại trong nước. Tới nay mới chỉ có một vài ngân hàng lớn có uy tín bắt đầu
triển khai vào phần mềm này như Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, Techcombank... Trong khi đó các NHTM có quy mô vừa và nhỏ, nhất là các ngân hàng vừa được chuyển đổi mô hình thì hầu như chưa hề có sự đầu tư nào vào hệ thống này. Lý do là vì quy mô còn khá bé và nguồn vốn đầu tư còn khá hạn hẹp. Đây cũng là một lý do dẫn đến những hạn chế trong công tác phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng Việt Nam.
2.4.3.4. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực còn chưa được quan tâm đúng mực
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng chưa xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo chính sách và nâng cao nhận thức về công tác phòng chống rửa tiền. Thực tế rất nhiều các nhân viên ngân hàng ở bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng của các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ còn chưa bao giờ được biết đến rửa tiền và cuộc chiến phòng chống rửa tiền qua hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Chính vì thế, ngay khi ở bước đầu tiên giao dịch với khách, họ đã để lọt lưới bọn tội phạm có mục đích lợi dụng ngân hàng đó cho hành vi rửa tiền của chúng mà không hề hay biết và lường trước được sự nguy hiểm và hậu quả của hành vi đó để lại cho ngân hàng nói riêng và cả hệ thống kinh tế của Việt Nam nói chung.
CHƢƠNG III: CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG RỬA TIỀN QUA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG VIỆT NAM