Hiện nay, việc phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại mỗi ngân hàng có nhiều điểm khác nhau với các biện pháp chi tiết khác nhau tùy theo đặc điểm hoạt động kinh doanh và nền khách hàng của ngân hàng đó, tuy nhiên về cơ bản có những biện pháp chung như sau:
Xây dựng quy trình cấp tín dụng hoàn thiện: Yêu cầu đầu tiên trong việc đảm bảo chất lượng tín dụng của các NHTM là việc cần phải có một quy trình cấp tín dụng một cách hoàn thiện. Chỉ trên cơ sở một quy trình cấp tín dụng hoàn thiện thì hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng mới đạt hiệu quả cao, giảm thiểu rủi ro. Quy trình thiếu khoa học, lỏng lẻo tất yếu sẽ dẫn đến nhiều rủi ro hơn cho ngân hàng.
Nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi thu thập thông tin tín dụng: Trong bất kỳ một lĩnh vực hoạt động nào, thông tin là yếu tố quan trọng sống còn. Với ngân hàng, thu thập thông tin về các khách hàng cấp tín dụng cần phải kịp thời và chính xác để từ đó có chính sách cấp tín dụng và quản lý tín dụng một cách có hiệu quả, tránh được những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động tín dụng.
Quy chuẩn hóa và nâng cao chất lượng công tác phân tích và thẩm định tín dụng: Việc phân tích và thẩm định tín dụng ảnh hưởng trực tiếp đến việc ra quyết định cho vay và đương nhiên ảnh hưởng đến chất lượng của khoản vay. Hoạt động này cần được quy chuẩn hóa một cách cụ thể với các thang, bậc chỉ số cụ thể, trên cơ sở đó cán bộ tín dụng có cơ sở để áp dụng trong hoạt động thực tế và có những kết luận, những nhận định về khách hàng chính xác nhất.
Chú trọng việc sử dụng các biện pháp bảo đảm tín dụng: Tài sản bảo đảm hiện nay không còn là một khái niệm xa lạ với đại bộ phận các thành phần trong nền kinh tế do tính áp dụng phổ biến của nó ở các ngân hàng. Ngoài ra, việc định giá tài sản bảo đảm như thế nào cho chính xác và các thủ tục thực hiện cầm cố, thế chấp như thế nào để đảm bảo tính pháp lý cũng là công tác mà các ngân hàng hết sức quan tâm. Định giá sát với giá trị thực tế của tài sản giúp ngân hàng có thể ước lượng chính xác nhất giá trị vốn vay có thể thu lại trong trường hợp xảy ra nợ xấu cần phải xử lý tài sản bảo đảm để khắc phục.
Sử dụng các công cụ chuyển giao rủi ro tín dụng: Chuyển giao rủi ro cho một bên thứ ba cũng là một biện pháp hiệu quả để hạn chế rủi ro tín dụng. Phái sinh tín dụng là một nghiệp vụ cho phép các ngân hàng thực hiện điều này. Ngoài ra, mua bảo hiểm tiền vay cũng là một biện pháp để chuyển giao rủi ro tín dụng, tất nhiên với điều kiện phát sinh chi phí mua bảo hiểm này và thường chỉ áp dụng được với các khách hàng cá nhân. Đối với các khách hàng vay có nhu cầu tín dụng vốn quá lớn, các ngân hàng thường sử dụng hình thức cho vay hợp vốn để cùng san sẻ lợi ích cũng như rủi ro từ hoạt động cho vay đó.
Đa dạng hóa danh mục khách hàng: Theo nguyên tắc “không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”, việc đa dạng hóa danh mục khách hàng là công cụ hiệu quả để phòng
ngừa và hạn chế rủi ro, đặc biệt là các rủi ro xuất phát từ nguyên nhân khách quan như môi trường pháp lý, môi trường kinh tế. Khi những biến động này ảnh hưởng đến một ngành kinh doanh hay 1 nhóm đối tượng khách hàng cụ thể, rủi ro có thể xảy ra với ngân hàng sẽ không quá lớn nếu nhóm đối tượng hay nhóm ngành nghề này chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong danh mục cho vay của ngân hàng.
Nâng cao trình độ công nghệ thông tin ngân hàng: Đầu tư cho việc nâng cấp hệ thống corebanking, các hệ thống phục vụ công tác tác nghiệp cũng như công tác báo cáo, lưu trữ và các ứng dụng, phầm mềm cảnh báo rủi ro tự động giúp thuận tiện, an toàn, chính xác cho người sử dụng, đặc biệt là cho công tác kiểm tra, rà soát nhằm phòng ngừa rủi ro hoạt động trong đó có rủi ro tín dụng.
Nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tín dụng: Để đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, không chỉ khâu phân tích thẩm định cấp hạn mức tín dụng cho khách hàng là quan trọng mà mỗi giao dịch giải ngân vốn vay hằng ngày đều cần cẩn thận, kỹ lưỡng. Điều này phụ thuộc vào khả năng tác nghiệp và trình độ chuyên môn, trình độ hiểu biết của cán bộ tín dụng rất lớn. Thêm vào đó, yếu tố đạo đức vô cùng quan trọng, rất nhiều trường hợp rủi ro tín dụng tại các ngân hàng lớn trong thời gian qua đều có liên quan đến vấn đề đạo đức của cán bộ, lãnh đạo ngân hàng.
Tăng cường công tác kiểm tra giám sát: hoạt động này bao gồm cả công tác giám sát hoạt động nội bộ của ngân hàng để phòng ngừa rủi ro do lỗi tác nghiệp hay do đạo đức của cán bộ hoặc kịp thời phát hiện các hồ sơ của khách hàng có dấu hiệu sai trái, lừa đảo; kiểm tra giám sát hoạt động sử dụng vốn vay của khách hàng đảm bảo thực hiện đúng phương án kinh doanh đã đề ra mới có thể tạo ra lợi nhuận và thu hồi lại vốn, tạo nguồn để trả nợ gốc lãi cho ngân hàng.