Sự cần thiết phải phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng của Ngân hàng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA và hạn CHẾ rủi RO tín DỤNG tại NGÂN HÀNG TMCP đầu tư và PHÁT TRIỂN VIỆT NAM CHI NHÁNH THANH xuân (Trang 31 - 33)

thương mại

Với đặc thù là hoạt động kinh doanh quyền sử dụng vốn, rủi ro tín dụng gây ra những hậu quả nghiêm trọng không những đối với hoạt động của ngân hàng mà còn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của một nền kinh tế.

1.2.1.1. Ảnh hưởng đến Ngân hàng

Trong các hoạt động của NHTM thì hoạt động tín dụng là hoạt động tiền đề, hoạt động cơ bản và thường xuyên nhất đồng thời cũng là hoạt động đem lại nguồn thu nhập chính của ngân hàng, vì vậy rủi ro mà hoạt động tín dụng đem lại cho ngân hàng cũng dần lớn.

Rủi ro tín dụng làm tăng chi phí, sụt giảm hiệu quả hoạt động của ngân hàng: Khi các khoản nợ vay không thu hồi được đầy đủ và đúng hạn, trước hết phát sinh thêm các chi phí liên quan đến việc đôn đốc thu hồi các khoản nợ này, thậm chí là các khoản miễn giảm lãi để khuyến khích khách hàng có thể trả được nợ, ngân hàng còn phải trích dự phòng rủi ro từ chính lợi nhuận hoạt động của mình để xây dựng quỹ dự phòng rủi ro nhằm bù đắp khi không thể thu hồi các khoản nợ này. Thêm vào đó, hoạt động tín dụng là hoạt động trung tâm thúc đẩy rất nhiều hoạt động khác của ngân hàng phát triển như chuyển tiền, thanh toán quốc tế, bảo lãnh, các dịch vụ quản lý tài khoản, nộp thuế, thanh toán lương...Khi hoạt động tín dụng đối với một khách hàng gặp trục trặc kéo theo đó là sự giảm sút rất nhiều các hoạt động dịch vụ ngân hàng khác liên quan đến khách hàng đó.

Rủi ro tín dụng làm suy giảm khả năng thanh khoản của ngân hàng: Hầu hết nguồn vốn ngân hàng sử dụng để cấp tín dụng cho khách hàng đều có nguồn gốc là các khoản tiền ngân hàng huy động từ các tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế. Ngân hàng đóng vai trò là người đi vay để cho vay. Khi ngân hàng không thể thu hồi được các khoản nợ vay từ khách hàng về, tuy nhiên vẫn đến hạn phải trả lại các khoản tiền gửi cho người gửi tiền, khả năng thanh khoản của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Trong thực tế không phải toàn bộ số tiền ngân hàng huy động được đều

được đưa vào cho vay lại. NHNN có quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) và tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (80-90% tùy vào từng ngân hàng cụ thể). Tuy nhiên trong những trường hợp xảy ra rủi ro tín dụng với quy mô lớn, khả năng thanh khoản của ngân hàng vẫn có thể bị ảnh hưởng.

Rủi ro tín dụng ảnh hưởng năng lực cạnh tranh và uy tín của ngân hàng: rủi ro tín dụng làm sụt giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và sụt giảm năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Khách hàng sẽ đặt câu hỏi về chất lượng nhân sự cũng như chất lượng các quy trình cho vay, quy trình quản lý của ngân hàng này và sự hoài nghi việc gửi tiền vào các ngân hàng này có an toàn hay không. Người gửi tiền mất lòng tin vào ngân hàng hay chính là uy tín của ngân hàng bị ảnh hưởng.

Rủi ro tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ phá sản của các NHTM: Như đã trình bày ở trên, rủi ro tín dụng ảnh hưởng đến uy tín, khả năng thanh khoản và lợi nhuận của ngân hàng. Nếu tỷ trọng nợ xấu tiếp tục tăng cao, các tỷ lệ về hệ số an toàn vốn hay tỷ lệ dư nợ so với tổng tiền gửi không còn đủ để đảm bảo được cho nguồn vốn không thu hồi được quá lớn, việc phá sản ngân hàng là không thể tránh. Thêm vào đó, ngân hàng là một ngành hoạt động kinh doanh rất nhạy cảm, khi những người có vốn mất lòng tin vào ngân hàng và ồ ạt rút tiền sẽ xảy ra khủng hoảng thanh khoản và có nguy cơ dẫn đến phá sản ngân hàng một cách nhanh chóng.

1.2.1.2. Ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người gửi tiền

Rủi ro tín dụng có ảnh hưởng đến cả khách hàng gửi và khách hàng vay tại ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp, vốn vay của ngân hàng chiếm tới 80% đến 90% trong tổng vốn lưu động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khi xảy ra rủi ro tín dụng dù không phải từ những doanh nghiệp này gây ra, ngân hàng cũng sẽ có chính sách tín dụng cẩn trọng hơn và thậm chí hạn chế việc cho vay đối với các doanh nghiệp có liên quan. Và điều đó có nghĩa là nhu cầu về vốn của doanh nghiệp sẽ không được đáp ứng đầy đủ, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với người gửi tiền, rủi ro tín dụng cũng có ảnh hưởng rất lớn. Ngoài vốn tự có, chủ yếu vốn ngân hàng sử dụng là huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế,

những đối tượng có tiền nhàn rỗi tạm thời. Rủi ro tín dụng làm ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản của ngân hàng, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến khả năng rút tiền của khách hàng gửi tiền tại ngân hàng.

1.2.1.3. Ảnh hưởng đến nền kinh tế chung

Vai trò của ngân hàng càng quan trọng đối với nền kinh tế bao nhiêu thì rủi ro từ hoạt động tín dụng của ngân hàng ảnh hưởng đến hoạt động chung của nền kinh tế càng lớn bấy nhiêu. Rủi ro tín dụng xảy ra làm ngân hàng chậm hoặc không có thu hồi vốn được để tiếp tục cho vay do đó làm giảm vòng quay vốn, giảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, làm chậm tốc độ lưu chuyển vốn trong nền kinh tế.

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi một ngân hàng gặp rủi ro tín dụng thì có thể kéo theo các ngân hàng khác cũng bị ảnh hưởng. Điều này làm mất ổn định cho thị trường tiền tệ, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và kéo theo là hàng loạt các vấn đề xã hội phức tạp khác như: mức sống giảm, thất nghiệp tăng, các vấn đề tệ nạn xã hội khác…

Như vậy, có thể thấy rủi ro tín dụng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và trên phạm vi đối tượng rộng. Rủi ro tín dụng xảy ra dù ở mức độ nào cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của ngân hàng nói riêng và sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung. Vì vậy, quản trị rủi ro tín dụng không chỉ là trách nhiệm của riêng ngân hàng mà là của toàn nền kinh tế.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA và hạn CHẾ rủi RO tín DỤNG tại NGÂN HÀNG TMCP đầu tư và PHÁT TRIỂN VIỆT NAM CHI NHÁNH THANH xuân (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)